LÁ THƯ MỤC VỤ
Trong tù, những người ‘có đạo’ thường tụ lại với nhau, giúp đỡ nhau và tin cậy nhau hơn là tin vào những tù nhân khác. Tôi cũng rất nhiều lần hãnh diện xưng mình ‘có đạo’. Nếu có ai hỏi điều cốt yếu của ‘đạo’ là gì ? Trước kia, tôi đã dễ dàng trả lời rằng : Điều cốt yếu của ‘đạo’ là ‘tin thờ Thiên Chúa’. Trong một thời gian khá dài, tôi cho rằng như thế là đủ. Nhưng càng về sau, tôi càng nhận ra như thế không đủ. Bởi vì ‘đạo’ không những buộc tôi phải tin thờ Thiên Chúa, mà còn phải yêu thương người khác nữa. Trước kia tôi vẫn tưởng ‘yêu thương người khác’ chỉ là điều phụ. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, tôi thấy ‘yêu người’ cũng quan trọng như ‘kính Chúa’, có nghĩa là ‘yêu người’ cũng là điều chính yếu, cũng như ‘kính Chúa’ vậy. Cả hai chỉ là một. Bỏ một tức cũng bỏ hai. Phải đủ cả hai mới thành ‘đạo’, cho nên người ‘có đạo’ mà không yêu thương người khác thì cũng mặc nhiên trở thành ‘vô đạo’ tức là trở thành ‘vô thần’. Tai hại quá !
Sách Sáng Thế là quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh, chứa đựng tư tưởng căn bản của toàn bộ Lời Chúa. Có nghĩa là Kinh Thánh phải được diễn giải từ quyển sách nầy. Sách Sáng Thế quy định ĐẠO cho đời sống của con người, giúp con người biết con đường dẫn tới Ơn Cứu Chuộc. Sách Sáng Thế viết : “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. Dựa vào đó, một số người có suy nghĩ là Thiên Chúa cũng có mắt, mũi, chân, tay và cơ thể giống chúng ta. Đó là cách hiểu sai lầm khi chúng ta nhân cách hóa Thiên Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu câu sách Sáng Thế nói trên như sau : Con người, nếu muốn là con người, phải sống theo hình ảnh của Thiên Chúa. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy nhìn vào sự Thiên Chúa sáng tạo các sinh vật. Tất cả những sinh vật nầy không được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Ngài. Như vậy, con người khác các sinh vật ở điểm là con người giống hình ảnh Thiên Chúa còn các sinh vật thì không. Điều nầy nói lên rằng nếu con người không giống Thiên Chúa thì con người sẽ giống các sinh vật khác, ít nhất là ở điểm ‘không giống Thiên Chúa’. Như vậy chính sự giống Thiên Chúa làm cho con người khác với mọi sinh vật.
Vừa được chọn làm người kế vị thánh Phêrô, ngày lễ Giáng Sinh năm 2005, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã ban hành thông điệp “Deus Caritas Est” (Thiên Chúa là Tình Yêu) mà phần dẫn nhập viết như sau : “Thiên Chúa là tình yêu : ai ở lại trong Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Gioan 4, 16). Những lời này được trích từ thư thứ nhất của thánh Gioan diễn tả rõ ràng điều làm nên trọng tâm đức tin Kitô giáo : Đó là nói lên ‘hình ảnh Thiên Chúa’ của Kitô giáo, và từ hình ảnh này rút ra hình ảnh của con người và con đường của họ. Thánh Gioan đưa ra cho chúng ta một công thức tóm tắt đời sống Kitô hữu :”Chúng ta đã nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”.
Trở về với sách Sáng Thế, chúng ta nhận ra rằng nếu chúng ta sống yêu thương thì chúng ta giống hình ảnh Thiên Chúa, trái lại nếu không sống yêu thương thì chúng ta không giống hình ảnh Thiên Chúa, từ đó đương nhiên chúng ta sẽ giống các sinh vật khác không hơn không kém. Theo tôi, để trả lời cho câu hỏi của những người Biệt phái, đối với bất kỳ ai trong dân Do Thái cũng là điều rất dễ vì họ đã nằm lòng lệnh truyền đã được sách Đệ Nhị Luật nêu ra. Thánh Mátthêu (22, 34-40) và Luca (10, 25-28) đã bỏ qua câu nhập đề của lệnh truyền ấy, là : “Hãy lắng tai nghe hỡi Israel, Thiên Chúa chúng ta là Chúa độc nhất”. Đó lại là câu đầu trong “Kinh 18 điều” là kinh quan trọng nhất của dân Do Thái mà nam nhân khôn lớn nào cũng phải đọc mỗi ngày, sáng và chiều. Trong cả một ‘rừng luật’ gồm 248 điều răn và 365 điều cấm, cả thảy gồm 613 điều luật mà lại đặt câu hỏi “Giới răn thứ nhất trên hết là giới răn nào ?”. Bàn về giới răn nào quan trọng là việc bàn thảo thông thường giữa các nhà tiến sĩ luật và các Rabbi, vậy mà người ta lại đem vấn nạn nầy hỏi Chúa Giêsu với mục đích nhằm ‘thử’ Người. Chúa đã lợi dụng hoàn cảnh nầy để dạy dỗ nhân loại về hai chữ ‘Yêu thương’
Chính Chúa Giêsu đã kết chặt tình thương đồng loạivới lòng mến Thiên Chúa. “Mười điều răn Đức Chúa Trời” mà trước Thánh Lễ sáng Chúa Nhật nào cộng đoàn cũng đều đọc, lần nào chúng ta cũng nghe : “Mười điều răn ấy tóm về hai nầy mà chớ : “Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.” Chúng ta có thể cảm nghiệm về Chúa bằng cách chiêm ngắm sự tuyệt mỹ của vũ trụ quanh ta, đồng thời chúng ta cũng có thể cảm nghiệm về Chúa bằng cách gần gũi với những gì liên quan tới Chúa như : tham dự Thánh Lễ, tham gia Phụng Vụ, đọc các tài liệu về Chúa như Kinh Thánh và các sách thiêng liêng, thưởng thức thánh ca, thánh nhạc…Tất cả những điều nầy giúp chúng ta đến gần Chúa hơn. Còn ‘yêu người’ cũng quan trọng, vậy mà có mấy ai xét mình về điều nầy không ? Linh mục Phạm Quang Hồng.