(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Theo tôi, ở đời ai cũng cần học chữ “nhẫn” vì nó là chìa khóa mở cánh cửa “thành công”. Tưởng cũng nên nhắc lại chuyện đời Lý Bạch Tiên Sinh (701-762) lúc còn hàn vi. Vì thấy mình học đã lâu mà không giỏi nên ông lén bỏ nhà thày dạy trốn về quê. Nửa đường, ông gặp một bà lão ngồi mài một cái chày sắt. Ông lấy làm lạ, hỏi chuyện bà già thì bà ấy bảo :”Lão già không có tiền mua kim nên mài cái chày sắt nầy để làm cây kim vá quần áo.” “Nhưng cái chày quá lớn !” Lý Bạch nói, “Cụ mài thế nầy thì bao giờ mới xong ?” Bà lão bèn phán :”Hôm nay không xong thì ngày mai lại làm, năm nay không xong thì sang năm cứ làm tiếp, ta cố làm hoài, thì một ngày nào đó, chày phải thành kim.” Lý Bạch hội ý, trở lại trường học hành chăm chỉ, và về sau nổi danh là thi sĩ vĩ đại nhất đời Đường, thời đại mà thi văn lên cao nhất ở Trung Quốc. Từ đó mà có câu “Ma Chử Thành Châm” (tức là “Mài Chày Thành Kim”) giống như câu “Mài Sắt Nên Kim” hoặc câu “Có Công Mài Sắt Có Ngày Nên Kim” trong văn học Nước ta. Hãy thử tưởng tượng việc làm nầy kiên nhẫn ra sao !

Liên tưởng đến trường hợp lúc ở trong tù, tôi cũng đã từng cố hết sức để “Mài Sắt Nên Kim”. Sắt mà tôi mài không phải là cả một cái chày mà chỉ là một cây đinh. Một hôm có dịp lên dọn vệ sinh trên trại mộc, tôi lén nhặt một cây đinh 5 phân và cho vào mồm. Thế là tôi thành công mang nó vào trại giam và hy vọng biến nó thành cây kim. Quần áo tù bị mồ hôi làm cho mau mục nên dễ rách, Rách rồi không biết cách nào để vá vì cây kim cũng bị cấm đem vào tù. Thế là mỗi ngày đi làm về, tôi đem cây đinh ra bờ giếng mà mài. Tôi đè nó dưới chiếc dép râu và cứ thế mà mài, khi có ai tới gần thì ngưng và giả bộ rửa chiếc dép. Cứ thế, tôi mất hơn 3 ngày thì có trong tay một que sắt nhỏ có hình cây kim. Lòng mừng lắm, nhưng vấn đề là bây giờ làm sao khoan một cái lỗ trên que sắt bé bé đó để nó chính thức trở thành cây kim? Suy nghĩ mãi không tìm ra cách nào. Bỗng có một sáng kiến là dùng mảnh chai để khoan cái lỗ, vì thủy tinh cứng hơn sắt, sao lại không thử ?

Tìm một ít mảnh chai rồi giấu đem vào trại không khó lắm. Đập thật khéo để mảnh chai có những góc thật sắc nhọn rồi dùng cạnh sắc nhọn ấy mà ‘ghè’ lên cây đinh. Sau 4 ngày thì cũng khoan được cái lỗ kim. Kế đó đem cây kim sắt đặt vào bếp than để ‘trui’ 3 lần cho thành kim thép. Thế là tôi có một cây kim vô cùng quý báu. Tôi dùng nó không chỉ để vá áo quần mà còn cho ‘thuê’ (mà người thuê tự nguyện ‘đền ơn’ không phải bằng cash mà là bằng rau hay khoai). Hơn nữa, tôi còn dùng nó để thêu tên cho các bạn tù khác theo yêu cầu của họ (dĩ nhiên họ cũng đáp trả sòng phẳng lắm). Tìm đâu ra chỉ màu để thêu ? Dễ lắm ! Chỉ cần rút những sợi chỉ đủ màu sắc trên khăn lông màu. Thú thật, nhờ cây kim ấy mà tôi sống ‘khá’ hơn trong cảnh tù đày.

Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, dụ ngôn ông quan tòa ngang ngược và một bà góa mà Chúa Giêsu kể ra, nói lên chữ “Nhẫn” trong vấn đề cầu nguyện. Ông quan tòa dù không sợ trời cũng chẳng sợ đất, nhưng đành phải nhường bước trước sự kiên trì của bà góa. Ông giải quyết điều bà khiếu nại là bà bị người ta bức hại. Ông đem lại công bình cho bà. Nếu là một người cao ngạo và ích kỷ như ông mà còn chịu khó đáp ứng yêu cầu của người khác, thì huống hồ là Thiên Chúa. Ngài chính là tình yêu thì dĩ nhiên Ngài lắng nghe kẻ kêu cầu đến Ngài. Thiên Chúa biết rõ 2 điều : 1. Thái độ và mục đích khi chúng ta cầu nguyện, 2. Chúng ta thật sự cần gì trong đời sống của mình. Và chắc chắn Ngài biết rõ phải làm gì tốt nhất cho chúng ta. Vấn đề là không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được cách suy nghĩ và đường lối của Thiên Chúa.

Câu hỏi được đặt ra là “Liệu việc cầu nguyện có giá trị gì không ?” Vì quá nhiều lần lời cầu nguyện của con người như gió thổi vào không trung. Có biết bao nhiêu người đã từng cầu xin mà chẳng được nhận lời ! Tôi tin rằng Thiên Chúa không đợi chúng ta xin rồi Ngài mới cho. Có thể điều chúng ta xin không thật sự cần thiết hoặc không có lợi cho đời sống tâm linh của chúng ta, là điều mà chúng ta không nhìn thấy nhưng Thiên Chúa nhìn thấy rõ. Tuy nhiên cầu nguyện không phải chỉ để xin mà để giúp chúng ta sống gắn bó với Thiên Chúa. Càng kiên trì cầu nguyện thì càng liên hệ mật thiết với Ngài, điều đó giúp chúng ta vững mạnh trong đức tin. Do đó, người kiên trì cầu nguyện sẽ nếm được sự bình an nội tâm vì tin rằng Chúa đang ở với mình, vì cầu nguyện là cơ hội để chúng ta biết dừng lại, thưa chuyện với Chúa và nghỉ ngơi trong Ngài.

Ai kiên trì cầu nguyện cũng sẽ có những quan hệ thật tốt với tha nhân, nhất là trong liên hệ vợ chồng. Đời sống gia đình đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn, vì đó là đó là một cuộc hành trình kéo dài suốt đời chứ không phải là chuyện vài ba hôm. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng việc kiên trì cầu nguyện giúp chúng ta bền chí trong khi chu toàn các trách nhiệm của mình. Thật vậy, chỉ có sức mạnh của Ơn Chúa và sự vững bền của đức tin mới làm cho chúng ta vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LÁ THƯ MỤC VỤ 20010019.docx