LÁ THƯ MỤC VỤ
Hồi tưởng lại những gì xảy ra trong quá khứ, tôi nhận ra một điều là chính kinh “Lạy Cha” đã nâng đỡ và cứu sống tôi trong những tháng ngày tù đày. Thật vậy, chưa bao giờ tôi có thời giờ để đọc kinh “Lạy Cha” nhiều bằng lúc tôi ở trong tù. Để tự giúp mình đỡ chia trí, tôi đọc một lúc bốn lần kinh “Lạy Cha”, lần thứ nhất bằng tiếng La Tinh, lần thứ hai bằng tiếng Pháp, lần thứ ba bằng tiếng Anh và lần chót bằng tiếng mẹ đẻ. Mỗi ngày tôi đọc nhiều lần bộ tứ kể trên. Thiên Chúa là cha tôi sao? Theo tiếng miền Nam, tôi thích gọi Thiên Chúa là BA của tôi, dĩ nhiên ai cấm chúng ta gọi Thiên Chúa là BỐ, hay THẦY, hay TÍA…vì chính Con Thiên Chúa đã dạy chúng ta xưng hô như thế. Những danh xưng đó nói lên mối liên hệ mật thiết mà Thiên Chúa luôn luôn muốn thắt chặt với từng người chúng ta. Tôi không có quyền thất vọng vì BA tôi không bỏ rơi tôi bao giờ.
Ngài là Ba của tôi, danh xưng ấy cho phép tôi khẳng định về giá trị của chính tôi. Dù tôi có bất toàn, yếu hèn, tội lỗi đến đâu đi nữa, tôi vẫn là con của Thiên Chúa. Ngài là BA của tôi, danh xưng ấy cũng không cho phép tôi thất vọng về chính mình. “Hãy trở nên chính mình”. Đó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta. Ngài yêu thương từng người trong chúng ta và yêu thương chúng ta vì những khác biệt của từng người, bởi vì Ngài đã tạo dựng như thế. Nhờ đó, tôi đã tận dụng từng giây phút trong tù để sống sao cho xứng đáng là con của Thiên Chúa. Nếu không có những năm tháng ở tù, không biết đời tôi đã và sẽ đi về đâu?
Tạ ơn Chúa Giêsu đã dạy chúng con kinh “Lạy Cha”. Mỗi lần đọc lời kinh này là mỗi lần tôi đi vào mối tương quan thần linh giữa Đấng Tạo Hóa và một thụ tạo thấp hèn như tôi. Từ đó cánh cửa cầu nguyện được mở ra và tôi được Thiên Chúa đón tôi vào nhà Ngài, để bắt đầu một cuộc hành trình thân mật, để nếm một cuộc đời hạnh phúc vì tôi biết rằng tôi luôn có một người Cha lúc nào cũng chấp nhận tôi, yêu thương tôi và tha thứ tôi. Một lời kinh tuyệt vời như vậy được những đồng hương đương thời với Chúa Giêsu đón nhận ra sao?
Trên thế giới, không có dân tộc nào giống như dân Do Thái, vì không có dân tộc nào mà lịch sử và văn hóa lại gắn liền với tôn giáo, vì thế quyển Kinh Thánh cũng là quyển lịch sử của dân tộc này. Người Do Thái đọc Kinh Thánh cũng là đọc lịch sử đất nước họ, nói cách khác việc họ giữ nước cũng là việc họ giữ đạo, khi họ yêu nước thì đồng thời họ cũng yêu đạo. Bởi đó, cầu nguyện là chuyện bình thường của người Do Thái.
Khi cầu nguyện, người Do Thái thường kêu cầu Thiên Chúa bằng nhiều danh hiệu khác nhau như : Thiên Chúa vĩnh cửu, Thiên Chúa quyền năng, Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa thánh thiện, Thiên Chúa uy quyền…Mỗi danh hiệu nói lên một ưu điểm hay một đặc tính của Thiên Chúa. Nhưng không có danh hiệu nào lại đậm đà trìu mến, lại mang nhiều ý nghĩa và thân thương bằng danh hiệu “CHA” mà người Do Thái chưa bao giờ kêu cầu danh hiệu đó cho đến khi Chúa Giêsu dạy “kinh Lạy Cha”.
Đúng vậy, kinh Lạy Cha hoàn toàn không thấy trong thời Cựu Ước. Danh hiệu kêu cầu Thiên Chúa là “CHA” hoàn toàn mới không những đối với các môn đệ mà còn đối với cả toàn dân vào thời đó. Dân chúng thời ấy không dám gọi tên Giavê, giới tư tế không dám dùng những danh hiệu thân mật với Đức Chúa của họ. Họ chỉ dám kêu cầu Đức Chúa bằng một danh xưng cực trọng mà không ai có thể phát âm “YHWH”. Nói chung dân Do Thái thời Cựu Ước luôn tâm niệm một điều rằng : “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng (XH 21,7). Từ đó, chúng ta sẽ nhận thấy kinh “Lạy Cha” là một lời kinh quá mới mẻ, thậm chí quá xúc phạm đến nỗi người Do Thái không dám chấp nhận.
Không những lần này Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là CHA, mà Ngài đã nhiều lần dùng danh xưng ABBA hay CHA ơi trước đó. Ngài muốn lặp đi lặp lại danh xưng ấy để loan báo cho con người của mọi thời đại rằng chính Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài được Cha Ngài sai đến để cứu chuộc nhân loại. Hẳn là mỗi người chúng ta không thể tự mình thân thưa với Thiên Chúa bằng danh xưng CHA, hay BỐ, hay BA…Nhưng chúng ta chỉ có thể thốt lên được là nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, nhất là Chúa Thánh Linh sẽ giúp chúng ta ý thức thật tâm đắc, thật gần gũi, thật thân thương rằng chúng ta được vinh dự trở nên con cái của Thiên Chúa.
Chúng ta cần xét lại cách thức cầu nguyện của mình. Bình thường chúng ta có thói quen hễ cầu nguyện là cầu xin. Đó là vì chúng ta hướng về ‘cái tôi’. Cầu xin không có gì sai nhưng đó mới chỉ là một phần của cầu nguyện mà thôi. Thực ra, cầu nguyện theo đúng cách bao gồm những phần sau đây : 1. Chúc tụng. 2. Cảm tạ. 3. Thống hối. 4. Tuân phục và 5. Cầu xin. Đủ cả 5 yếu tố này mới làm cho việc cầu nguyện của chúng ta nên quân bình và đẹp lòng người Cha kính yêu của chúng ta.. Linh mục Phạm Quang Hồng.