(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem để chu toàn sứ mạng cứu chuộc của Ngài. Ngài nêu lên tấm gương quả quyết trong trách nhiệm của mình. Đó là thái độ cần thiết cho tất cả những ai muốn đi theo Ngài. Dọc đường, Ngài định vào một làng Samari, nhưng người dân ở đó không tiếp vì họ biết Ngài đang đi về Giêrusalem. Nên nhớ rằng người Do Thái và người Samari vốn có hiềm khích lâu đời nên họ không giao lưu với nhau. Các môn đệ bực mình và muốn trả thù, nhưng Chúa Giêsu ngăn cản.

Điều này lại càng cho thấy sự quả quyết của Chúa. Ngài đã từng giảng dạy về tình thương và lòng tha thứ, nên Ngài nhất quyết thực hiện. Ngài không trả thù người Samari và ngăn cản các môn đệ không được làm những hành động vô lối. Qua thái độ của Chúa đối với sự lạnh nhạt của dân làng Samari, Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy rằng họ phải vượt lên trên cái nhìn chật hẹp của họ về người khác ; họ phải kiềm chế bản năng trả thù ; họ phải chiến thắng tính ích kỷ và bốc đồng của bản thân. Đó là sự quả quyết cần thiết để đáp lại tiếng Chúa và đi theo Ngài. Thật vậy, đi theo Chúa là dấn thân vào một cuộc chiến với chính bản thân mình để luôn luôn hướng thiện. Điều đó luôn bao hàm một cái giá mà bất kỳ ai đi theo Chúa đều cũng phải trả.

Trong bối cảnh này, bài Tin Mừng trình bày thái độ thực tế của Chúa đối với những người có tính nhanh nhẩu, bốc đồng. Một người cao hứng nói : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Chúa trả lời : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Câu trả lời cho thấy việc theo Chúa không thể là một cảm hứng nhất thời, một phút xung động, nhưng phải là một quyết định có suy nghĩ, bởi vì con đường Ngài đi bấp bênh, chỉ phó thác vào Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, sự bấp bênh đó cũng bao hàm sự tự do để quả quyết dấn thân cho sứ mạng của mình. Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi bất cứ thực tại trần gian nào. Cũng thế, người đi theo Chúa phải chấp nhận tình trạng bấp bênh, tình trạng không dính bén, hầu có được sự tự do và sức mạnh nội tâm cần thiết để chu toàn trách nhiệm trong tay.

Trái với người thứ nhất có thái độ tình nguyện đi theo Chúa, thì người thứ hai được Chúa mời gọi. Nhưng anh lại do dự vì anh muốn về chôn cất cha anh. Theo mạch văn câu chuyện, thì cha anh vẫn còn sống. Như thế, ý anh muốn về phụng dưỡng cha cho đến khi cha chết và được an táng xong, anh mới đi theo Chúa. Hay là ở đây, Luca muốn công kích cái tục lệ hủ lậu ma chay cả tháng trời và tốn phí rất nhiều ? Nhưng Chúa bảo : “Cứ để người chết chôn người chết. Còn anh, hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa”. Chẳng lẽ Chúa Giêsu tàn nhẫn đến như vậy sao ? Chắc chắn không phải như thế. Đúng hơn, Luca muốn nhấn mạnh và đối chọi việc rao giảng Nước Trời là sứ mệnh vinh quang cao cả không được đem gắn liền vào việc tang chế vốn là hình ảnh gợi lên hình phạt của tội lỗi. Hãy để người chết chôn người chết, tức là hãy để người thế gian lo việc thế gian. Còn người đi rao giảng Nước Trời phải để hết trí hết lòng lo việc Nước Trời.

Người thứ ba lại tình nguyện đi theo Chúa, nhưng muốn về từ giã gia đình. Chúa trả lời : “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Trời”. Cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì vừa làm cho công việc chậm lại và đồng thời cày không thẳng đường. Ai đã đi theo Chúa mà không quả quyết thì vừa chậm trễ trong trách nhiệm, lại vừa lạc hướng trong suy nghĩ và cong queo trong hành động. Chúa mời gọi những ai đi theo Ngài không được có một bận tâm nào khác ngoài việc loan báo Nước Trời.

Mấy câu chuyện trên đây đã dùng hình thức táo bạo nhất để khẳng định tính chất quả quyết và đòi hỏi của ơn gọi. Hiểu như vậy, chúng ta dễ nhận ra rằng Chúa Giêsu đòi hỏi những ai chấp nhận đi theo Ngài không được vịn vào cớ nào, lý nào, luật nào để làm cản trở việc rao giảng Nước Thiên Chúa. Đó cũng là điều mà Phaolô muốn nói với chúng ta trong bài đọc hai. Như người cầm cày luôn nhìn về phía trước, ai đi theo Chúa cũng phải hiên ngang nhìn về phía trước. Chúa Giêsu đã hiên ngang dấn bước vào đoạn đường khổ nạn để chu toàn sứ mạng cứu chuộc, thì tất cả những ai đi theo Ngài cũng phải hiên ngang tuyên xưng đức tin và quả quyết sống theo đường lối Chúa. Tuy rằng qua Bí Tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta đều được kêu gọi làm môn đệ Chúa như nhau, nhưng ơn gọi đó được thể hiện tùy theo trách nhiệm trong hoàn cảnh riêng của mỗi người. Điều quan trọng là bất cứ hoàn cảnh nào cũng là môi trường để ta quả quyết đi theo Chúa. Gia đình, sở làm, học đường, xã hội hay bất cứ nơi đâu đều có những sức kéo ảnh hưởng lên phán đoán, quyết định và hành động của ta, khiến ta hoặc làm chậm trễ việc loan báo Nước Trời hoặc làm Lời Chúa bị bóp méo hay cong queo. Hãy năng cầu xin Chúa cho chúng ta đừng ngó lại đằng sau nữa. Đã đi theo Chúa thì van xin Ngài giúp chúng ta đừng quay về với những hành động của thế gian nữa. Linh mục Phạm Quang Hồng sưu tầm.

LÁ THƯ MỤC VỤ 2606022.docx