LÁ THƯ MỤC VỤ
Càng ở lâu trong tù, nhất là từ năm thứ ba trở đi, tôi càng thấm thía câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Đúng thật, một ngày ở trong tù bằng một ngàn năm ở bên ngoài, quả không sai tí nào ! Ai trong chúng ta cũng đã từng có cảm giác hễ trông đợi cái gì thì hình như thời gian kéo dải vô tận; càng nóng lòng thì thời gian càng chậm trễ ! Nhất là các tù nhân không biết mình phải chờ đợi trong bao lâu ? Mình có may mắn sống sót trở về với bầu trời tự do không ? Đến bao giờ thì được giải thoát khỏi cái đói khủng khiếp đang hành hạ từng ngày từng giờ ? Đến khi nào được đoàn tụ với những người thân yêu ? Càng chờ đợi càng thấy sao lâu quá !
Bởi đó, cái cám dỗ lớn nhất của từng tù nhân (nghĩa là ai cũng như nhau) là tìm mọi cách thay đổi cái hoàn cảnh khốn cùng ấy càng sớm càng tốt. Cách giải quyết nhanh nhất nhưng cũng khó khăn nhất là vượt ngục, nó khó khăn vì phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tôi đã từng chứng kiến những anh em vượt ngục không thành công, sau khi bị bắt lại, họ bị đánh đập tàn nhẫn như thế nào, rồi có anh bị tăng thêm án, thậm chí có anh bị đem ra xử bắn để răn đe các tù nhân khác, (anh chị em nào muốn biết thêm chi tiết xin vui lòng đọc lại tác phẩm “Tôi Phải Sống”của linh mục Nguyễn Hữu Lễ).
Tôi cũng đã từng ấp ủ giấc mơ ‘vượt ngục’ trong suốt một thời gian dài nhưng tôi chưa bao giờ thực hiện được. Vì sao ? Có lẽ Chúa Quan Phòng sắp xếp để tôi chăm sóc cho thầy bề trên của tôi là Sư Huynh Colomban Lê Văn Đào lúc ấy đã hơn 60 tuổi (vì từ lúc chuyển ra trại trừng giới A 20 cho đến ngày được thả về, trên danh sách tù, lúc nào tôi cũng được phân chia ở sát bên thầy bề trên ấy). Nếu tôi trốn thoát, dù thành công hay thất bại, Sư Hunh Đào chắc chắn sẽ bị liên lụy vì là người cùng một vụ án, cùng ngồi ăn chung với nhau, nhất là lúc nào cũng ở bên cạnh nhau, thầy sẽ bị các cai tù kết tội là không thành thật khai báo âm mưu trốn trại của tôi mà họ cho là thầy chắc chắn phải biết. Thầy đã cao niên rồi làm sao chịu đựng nổi những hình thức kỷ luật rất ác nghiệt của họ ! Cho nên tôi đành phải quên đi cái giấc mơ vượt ngục của chính mình để rồi ngày ngày ngồi đếm từng tờ lịch cho đến hơn 3650 tờ ! Bây giờ nhìn lại, tôi thấy thời gian ở tù vẫn dài lê thê lắm nhưng tôi lại cảm nhận và tạ ơn vì rất nhiều hồng ân Chúa ban cho tôi trong suốt 10 năm đó. Tôi muốn vượt ngục với hy vọng đổi đời, thì Chúa đã không muốn tôi làm theo ý riêng, chính Ngài lại dùng những năm tháng ấy để đổi đời tôi bằng phương cách của Ngài. Đường lối Chúa không giống đường lối của tôi tí nào.
Sắp hết năm Phụng vụ, lá thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thessalonica nhắc chúng ta suy nghĩ về ngày thế mạt. Xin đừng tưởng làm như vậy sẽ là yếm thế, sẽ cản trở những sinh hoạt hiện nay. Ngược lại càng suy nghĩ về ngày tận thế – dĩ nhiên theo cách nhìn Kitô giáo – càng giúp chúng ta đổi mới các sinh hoạt hiện tại, làm cho đời sống thêm tích cực và phấn khởi hơn. Bởi vì thế mạt theo Kitô giáo, không phải là ngày thế giới này tan biến đi và mọi cuộc sống sẽ bị kết thúc; nhưng là thế giới sẽ chuyển biến để giũ bỏ hết mọi thứ hư ảo và mặc lấy các đặc tính trường sinh. Như thế, ‘tận thế’ có nghĩa là ‘đổi đời’, một sự đổi đời toàn diện.
Quan niệm đổi đời này luôn luôn là một cám dỗ y như cám dỗ vượt ngục của các tù nhân. Con người không bằng lòng với hiện tại nên lúc nào cũng muốn đổi khác. Tựu trung chúng ta muốn thay đổi những gì hiện đang sống để được hạnh phúc hơn và câu chuyện ông Zakkhê trong Tin Mừng hôm nay làm chứng điều này. Đúng vậy, trước mặt người Do Thái, Zakkhê là một kẻ tội lỗi. Ông ấy không tội lỗi như bọn phóng túng đâu, nhưng đây lại là một thứ tội nguy hiểm hơn. Ông ấy là trưởng ty quan thuế ở một dân tộc đang bị ngoại bang thống trị. Do đó ông bị coi là một tên hại dân hại nước, một đứa phản quốc, một thằng Do Thái gian ! Hãy nhìn lại chế độ thuế má lúc bấy giờ ở Giêricô để hiểu được sự căm giận của người dân. Để thu được nhiều tiền, nhà cầm quyền La Mã cho đấu thầu việc thu thuế. Và dĩ nhiên những kẻ giàu có mới có khả năng đấu thầu. Và khi đã đấu thầu được, họ tha hồ bắt dân phải chịu sưu cao thuế nặng. Có như vậy họ mới gỡ được vốn mà mới có thể làm giàu thêm. Cho nên ở đất Do Thái thời đó, Zakkhê không những là kẻ hại dân hại nước, mà còn là kẻ hại đạo nữa, từ đó dân chúng âm thầm tước quốc tịch của ông (không được làm con cái Abraham nữa).
Đã đành, ông Zakkhê cũng có công muốn đổi đời (muốn xem thấy Chúa, phải chấp nhận trèo lên cây, tiếp đãi Chúa trong nhà), nhất là vấn đề là ông quyết tâm thay đổi đời sống. Thế nhưng nếu Chúa không nhìn lên cây, không gọi đúng tên ông, không ghé vào nhà ông, thì đã chẳng có câu chuyện hôm nay. Tất cả đều do Chúa, bởi sáng kiến của Chúa và nhờ lòng thương của Người. Đó chính là ý tưởng mà thánh Luca muốn trình bày với chúng ta. Chúa Giêsu đến trần gian để đi tìm và cứu những tội nhân. Chúng ta hãy đón nhận Chúa như ông Zakkhê. Hãy bắt chước ông quyết tâm đổi đời bằng những hành động cụ thể. Linh mục Phạm Quang Hồng.