(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Người ta thường nói: “Có qua có lại, mới toại lòng nhau”. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: “Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giàu có… Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ lành sống lại”.

Tình thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có đi có lại. Trong khi người Pha-ri-sêu ham muốn được quyền cao chức trọng, thì Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng những quyền hành chức tước trong Hội Thánh của Ngài, phải được thực hiện như một hình thức phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo hèn bé mọn, chứ không phải để ăn trên ngồi trước, có kẻ hầu người hạ: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ”.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu đối chiếu hai hình ảnh Hội Thánh, một Hội Thánh theo kiểu mẫu Pharisêu: nói mà không làm, huênh hoang tự đắc, chuộng vẻ hào nhoáng bên ngoài, ham danh vọng và quyền hành, dễ dải với chính mình, nhưng khắc khe với người dưới quyền. Bên kia là một Hội Thánh theo kiểu mẫu Đức Giêsu, trong đó những người kitô hữu cư xử với nhau như anh chị em trong một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Trong Hội Thánh theo kiểu mẫu Đức Ki-tô, quyền hành chức tước là những ân ban nhằm mục đích phục vụ, chứ không để phân biệt người trên với kẻ dưới, người giàu sang với kẻ nghèo hèn, người có quyền hành địa vị với kẻ cùng đinh. Chính vì mối nguy hiểm này, mà Chúa Giêsu cảnh giác những người lãnh trách nhiệm trông coi các cộng đoàn kitô hữu là đừng bắt chước Hội Thánh theo kiểu mẫu Pharisêu.

Trong xã hội hôm nay, chúng ta cũng vẫn thường nghe những lời nghịch lý, khi người đời tiếp thu tư tưởng của Chúa Giêsu, để biện minh cho thái độ chống đối của mình dành cho một số người công giáo. Ông này bà kia nhìn thánh thiện đạo đức, trên môi miệng lúc nào cũng nói lời yêu thương, tỏ lòng trắc ẩn bác ái, nhưng sau một lớp màn chắn, họ trở thành một con người hoàn toàn khác, ăn nói thô tiễn, nói xấu đâm thọt đủ điều… Bên cạnh đó cũng có một số người tự cho mình hơn hẳn nhiều người về mặt đạo đức, họ thường lấy những lý do, để biện hộ cho sự ương lười của mình: Tôi không đi tham dự thánh lễ, không làm việc thiện nguyện, không cần đi xưng tội rước lễ, tôi vẫn tốt hơn những người kitô khác gấp trăm lần. Đây là lối suy nghĩ và cách sống của những người Pharisiêu nói mà không làm, hay đặt những gánh nặng lên vai người khác, mà mình không dám động ngón tay vào. Họ là những người đạo đức giả.

Đây là sự suy nghĩ chủ quan, nhưng thường bắt ép người ta sống theo như sự suy nghĩ và lối sống của mình. Tâm tính này rất nguy hiểm, vì khi mỗi lần ai chạm đến lòng tự trọng của họ, họ sẽ phản ứng rất tồi tệ, thậm chí còn có thể đưa đến sự đổ vỡ chia rẽ. Tại sao như vậy? Vì họ đã quen được người đời khen thưởng, được người đời tâng bốc, song song họ thường chất những gánh nặng lên người ta, thích nói về người khác, thích chỉ trích người khác, thích khoe khoang, chỉ biết nói mà không làm, và người đời thường hay nói rằng: “thùng rỗng kêu to.” Những điều này thường là tấm bia che kín sự trống không, và sự giả tạo trong con người của họ. Nên Chúa Giêsu hay lên án họ là những kẻ giả hình, miệng nhân từ, mà bụng chứa đầy sự gian ác tội lỗi.

Chúng ta nhiều khi cũng thế, sẵn sàng đặt để vai trò của Chúa xuống hàng thứ yếu, nhưng khi được hỏi thì vẫn nói là mến Chúa trên hết mọi sự!

Các bài đọc hôm nay kêu gọi chúng ta, giáo sĩ cũng như giáo dân phải trở về với bản chất đích thực của người môn đệ Chúa Giêsu. Đó là phải trở nên những người đầy tớ phục vụ trong tinh thần khiêm tốn của Thiên Chúa: “Anh em cũng đừng để ai gọi mình là lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn sống nhân từ bác ái với người khác, và khắt khe với chính mình. Xin cho chúng con dám chia sẻ gánh nặng của người khác, và chớ để chúng con trở thành gánh nặng cho những người xung quanh. Xin biến đổi chúng con, để chúng con khám phá ra điều chính yếu mà Chúa đã dạy, để từ đó chúng con không lôi kéo người khác đến với chúng con, nhưng giúp họ đến với chân lý sự thật là Chúa. Lm. Nguyễn Kim Sơn

LTMV XXXI TN A.docx