(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy ông Phêrô muốn biết phải xử trí ra sao khi chính ông bị xúc phạm. Nên nhớ các Ráp-bi thời xưa dạy rằng có thể tha đến ba lần. Ông Phêrô lại muốn cho chắc ăn hơn nên đưa ra con số 7 (vốn là con số được coi là tượng trưng cho sự hoàn hảo). Nhưng ông Phêrô không ngờ rằng Chúa Giêsu lại vượt hẳn mọi mức độ được coi là tiêu chuẩn luân lý thời đó trong câu trả lời của Ngài. Các bản dịch có viết khác nhau đôi chút : Bảy mươi lần bảy, Bảy mươi bảy lần, Bảy mươi lần bảy lần. Cho dù có đọc cách nào đi nữa thì ý Chúa vẫn muốn nói là : tha thứ không giới hạn và tha thứ không điều kiện. Bởi vì lý do để tha thứ không nằm ở nơi người có lỗi (mà biết ăn năn hối hận) cũng chẳng ở nơi kẻ bị xúc phạm (mà sống nhân đức hay quảng đại), nhưng tất cả nằm ở nơi tình thương của Chúa như trong dụ ngôn hôm nay.

Tìm hiểu hệ thống tiền tệ thời đó, chúng ta biết rằng một nén vàng lúc bấy giờ là sáu ngàn quan tiền, tương đương với sáu ngàn ngày công. Nhân lên với mười ngàn nén vàng, chúng ta có sáu mươi triệu ngày công (mà tôi tính ra là phải mất 164.383 năm mới làm xong !) Vậy, so với món nợ thứ nhì là một trăm quan tức là chỉ một trăm ngày công. Nghĩa là món nợ đối với vua to gấp sáu trăm ngàn lần so với cái mà người bạn mắc phải. So sánh hai món nợ. nợ đối với đức vua thì quá to còn nợ mà đồng loại mắc với mình thì chẳng thấm vào đâu! Chắc chắn ai cũng nhìn thấy là cả môt sự chênh lệch thật rõ ràng, y như một trời một vực vậy.

Việc xúc phạm nặng hay nhẹ không những bị xét tùy theo loại lỗi lầm mà còn tùy vào kẻ mà ta xúc phạm. Kẻ bị xúc phạm có chức vị càng cao thì sự xúc phạm càng trầm trọng. Do đó, sự xúc phạm của ta đối với Thiên Chúa trở thành rất nặng vì Ngài là Chúa tể càn khôn và là nguồn mạch mọi điều thiện hảo cho ta. Ngài chính là Vị Ân Nhân cao vời của từng người chúng ta. Ngược lại, chúng ta là kẻ thọ ơn Chúa trong tất cả mọi sự, nên hễ chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa là chúng ta đã làm một điều xúc phạm rất nặng nề.

Chúa Giêsu có ý làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự rất vô lý của lòng dạ con người khi không sẵn sàng tha thứ cho người khác. Điều cần lưu ý là : Trong dụ ngân nầy, lý do thúc đẩy chúng ta tha thứ cho người khác là tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với từng người chúng ta, chứ không phải vì kẻ đã xúc phạm rồi biết điều nên đến xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức nên sẵn lòng tha thứ và không chấp những lỗi lầm của người khác.

Tha thứ là một yếu tố quan trọng trong đời sống con người. Tha thứ cũng là chủ đề chính yếu trong công cuộc rao giảng của Chúa Giêsu. Giáo huấn của Chúa về vấn đề tha thứ rất rõ ràng trong toàn bộ Tin Mừng. Chúa Giêsu tuyên bố một đường lối tha thứ vô hạn và vô điều kiện. Từng tín hữu đều phải sẵn sàng tha thứ ở bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Mỗi lần tha thứ là một lần chúng ta sống và thực hành giáo huấn của Chúa Giêsu. Hơn nữa, việc tha thứ, không những tự nó đã là điều kỳ diệu mà còn mang lại sự khỏe mạnh cho tinh thần và thể chất của người làm việc tha thứ. Kinh nghiệm trong cuộc sống cho chúng ta thấy rằng người biết tha thứ là người được ‘hưởng lợi’ trước, cả về đời sống tâm linh cũng như đời sống thể chất. Người biết tha thứ là người luôn được bình an trong mọi hoàn cảnh. Người biết tha thứ là người có lương tâm trong sạch, ngay thẳng và luôn cảm nghiệm được những giới hạn của bản thân cũng như cảm thông với những giới hạn của người khác. Người biết tha thứ cũng là người luôn nhận thức rằng, trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều là những tội nhân. Như gương Đức Thánh Cha Phanxicô lúc nào cũng tự xưng rằng “Tôi là một tội nhân”.

Khi nói Thiên Chúa tha thứ tội lỗi không có nghĩa rằng Ngài ‘quên’ hay không còn quan tâm đến tội lỗi của chúng ta. Thật ra, khi Thiên Chúa tha thứ cũng là khi Ngài ‘không chấp tội’ hay cụ thể hơn, Ngài ‘không hạch tội’ chúng ta nữa. Tương tự như vậy, khi chúng ta tha thứ không có nghĩa rằng chúng ta không còn đau đớn vì sự xúc phạm mà người khác gây ra. Chẳng hạn, nhiều người trong anh chị em có kinh nghiệm về nỗi đau khi bị vu oan, bị xét đoán cách hồ đồ. Sau khi tha thứ rồi, nỗi đau vẫn còn dó thì đừng lấy làm lạ hay áy náy.

Tạp chí Harvard Health Watch xác nhận rằng : 1. Tha thứ làm giảm stress, vì nuôi dưỡng lòng thù hận gây ra căng thẳng khiến cơ bắp căng lên, áp huyết tăng. 2. Khi tha thứ, trái tim của chúng ta sẽ biết ơn mỗi khi chúng ta rộng lượng tha thứ, có những cải thiện rất rõ ràng trong nhịp tim và áp huyết. 3. Tha thứ giúp tăng cường các mối liên hệ, vì những người có thể tha thứ là những người giải quyết những xung đột hiệu quả hơn người khác. 4. Tha thứ giúp cơ thể giảm đau, nhất là những ai cố tập luyện biến sự giận dữ thù hằn thành lòng trắc ẩn vị tha. 5. Tha thứ chắc chắn giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV XXIV TN A.docx