LÁ THƯ MỤC VỤ
“Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá mà theo Thầy”. Tất cả những ai đi theo Chúa Giêsu đều phải chấp nhận đi cùng một con đường với Ngài. Đó là con đường của những lựa chọn không dễ dàng chút nào, đó là con đường của những ‘chia rẽ’ và ‘từ bỏ’. Mà thập giá chính là những lựa chọn cam go, là coi tình thương dành cho cha mẹ, anh chị em, con cái nhẹ hơn tình thương dành cho Ngài. Điều đáng nói ở đây là con đường ấy không nhất thiết là con đường riêng của giới tu trì hay của hàng giáo phẩm, mà là con đường chung của tất cả những ai tin theo Chúa Giêsu, nghĩa là của tất cả mọi tín hữu, không có con đường nào khác.
Tôi biết trong Dòng La San có một Sư Huynh vì muốn đi tu nên phải theo đạo, mà chỉ vì theo đạo nên bị ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng ‘từ’, không coi là một phần tử trong gia đình nữa. Cái lựa chọn của người thanh niên ấy có dễ không ? Tôi nghĩ là không dễ khi sự dứt khoát ‘từ’ của gia đình kéo dài suốt cuộc đời Sư Huynh ấy. Mỗi kỳ nghỉ hè, ai cũng về thăm gia đình riêng Sư Huynh ấy không còn ai để về thăm ! Thật anh hùng ! Tôi lại biết hoàn cảnh một người bạn (đã từng là tu sinh Dòng La San) làm Trung Úy biệt phái của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, công việc làm ăn êm ả tại Sài Gòn. Người vợ buôn bán thêm. Lương chồng cộng với tiền vợ bảo đảm cho gia đình con cái sống đầy đủ. Anh không muốn tham nhũng và cũng không cần tham nhũng. Nhưng nếu không tham nhũng thì không có gì để ‘đóng hụi’ cho xếp lớn như các bạn đồng sự từng làm, nên anh đành chấp nhận bị xếp lớn ‘tống’ lên cao nguyên, lôi cả vợ con cùng rơi vào hoàn cảnh bi đát với anh.
Tôi cũng nghe rằng ngay giờ đây, có những bạn trẻ học hành chăm chỉ, có thể tự làm bài thi mà không đến nỗi nào, nhưng nếu không quay cóp như ‘luật chơi’ hiện đang phổ biến trong xã hội Việt Nam, thì vừa không giống ai vừa không bằng ai, điểm sẽ không đủ để trúng tuyển vào đại học, vậy thì các bạn trẻ ấy phải nên khôn như thiên hạ hay cứ phải chấp nhận thiệt thòi khi sống dại vì Chúa ? Nhất là xét về cái mục lý lịch, nếu thành thật khai rằng mình là Thiên Chúa Giáo thì 99 % có hy vọng hồ sơ bị vất vào sọt rác, vậy thì khai thẳng thừng là vô tôn giáo để được tí quyền lợi hay là can đảm nhận mình là đồ đệ của Chúa rồi bị guồng máy xã hội loại ra ?
Trong cuộc sống của mỗi tín hữu, không thiếu khi phải làm những chọn lựa thật xé lòng. Không đua đòi làm ăn bất chính, không kiếm tiền một cách vô lương tâm, không gian lận khai thuế, khiến gia đình vẫn thiếu trước hụt sau, cha mẹ hằng năm không được đi du hí, cả nhà không xài ‘xế hiệu’ như thiên hạ, vợ không ăn mặc bằng người, con không được học các trường dành cho con cái đại gia… như thế người đời sẽ chê là không biết thương cha thương mẹ thương vợ thương con, nhưng Chúa Giêsu lại không ngại gọi là “ghét cha mẹ vợ con” và đòi hỏi như điều kiện cần thiết để trung thành theo Ngài. Biết chọn đường nào nếu không có ơn Chúa giúp ?
Nhất là những chọn lựa quyết liệt ấy vẫn diễn ra trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Theo Chúa Giêsu là sẵn sàng “chia rẽ” với tai mắt, mũi họng, chân tay của chính mình : “Nếu tay con làm cớ cho con vấp phạm, thì hãy chặt nó đi, thà cụt tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà bị ném vào lửa. Nếu mắt con làm cớ cho con vấp phạm, thì hãy chặt nó đi, thà què một chân mà vào sự sống, còn hơn đủ hai chân mà đi vào cõi chết. Nếu mắt con làm con vấp phạm, hãy móc nó đi, thà chột mắt mà vào Nước Thiên Chúa…” (Mc 9, 43-47)
Những trường hợp như thế không thiếu gì trong cuộc sống hằng ngày. Không cứ phải đợi đến khi bị lôi ra trước mặt quan quyền rồi bị ép phải đạp lên thánh giá như các vị tử vì đạo ngày xưa, bất kỳ tín hữu nào cũng phải đối diện với những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng vẫn xảy ra từng giây từng phút. Không phải chỉ “chia rẽ” với chân tay mắt mũi họng, mà cả với mạng sống mình nữa. Chúa luôn mời gọi “chối bỏ chính mình” và Chúa xác định rằng : “Ai cố tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ đành mất sự sống mình vì Thầy thì sẽ gặp lại”. Bất kỳ ai cũng vậy, một khi gặp Chúa Giêsu là phải lựa chọn hoặc tin theo Ngài hoặc chống lại Ngài, chứ không thể sống ‘nửa nạc nửa mỡ’ hay còn ‘lơ lửng con cá vàng’ mãi được. Linh mục Phạm Quang Hồng.