(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Dưới sự an bài của Chúa, khi ra đến trại trừng giới A 20 (Xuân Phước – Đồng Xuân – Phú Khánh), tôi được tiếp xúc với một vị võ sư Karate tên là Hồ Hoàng Khánh. Anh bằng tuổi tôi, trẻ hơn tôi 11 tháng. Thân phụ anh là võ sư Hồ Cẩm Ngạc, vị sáng lập võ đường Yamada Kai Judo (Nhu Đạo Sơn Điền) một thời nổi tiếng ở đất Sài Gòn. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, anh phục vụ trong ‘Biệt đội Người Nhái’. Sau khi thân phụ qua đời, lúc 9 giờ 30 sáng ngày 01 tháng 5 năm 1965 (hy sinh cứu hai vị tu sĩ Công Giáo khỏi một tai nạn giao thông tại ngã tư đường Hiền Vương và Bà Huyện Thanh Quan), anh tiếp nối sự nghiệp của thân phụ trông coi các võ đường. Hiên nay, anh vẫn điều hành một võ đường do anh sáng lập tại Canada.

Với những kinh nghiệm về ‘Mưu Sinh Thoát Hiểm’ trong ‘Biệt Đội Người Nhái’, anh đã tận tình chỉ dạy tôi từng thứ cây cỏ dại, từng loại nấm rừng, thứ nào ăn được, thứ nào độc hại. Nhất là cách làm sao để thử biết chúng độc hại hay không. Chúng tôi cùng ngồi ăn chung với nhau ( Sư huynh Lê Văn Đào, vị Bề Trên của tôi lúc đó đã 67 tuổi, anh Khánh và tôi). Nhóm chúng tôi cùng ăn chung với nhau cho đến ngày anh được lệnh tha ra khỏi tù. Nhờ tài tháo vát của anh, bữa cơm tù của chúng tôi cũng được ‘cải thiện’ đôi chút, vì luôn luôn có thêm món canh rau rừng, khi thì canh ‘cải trời’, lúc thì canh ‘chua lẻ’, lúc khác là canh ‘rau dền gai’ (dĩ nhiên là phải nấu cho đến khi gai cũng phải mềm mới nuốt được !). Ngày anh bước chân ra khỏi cổng trại, tôi là người vô lý nhất, vì lẽ ra tôi phải mừng cho một bạn tù được trở về với tự do, đàng này tôi lại buồn hiu ! Sau khi anh Khánh lìa khỏi nhóm, chính tôi mới trực tiếp áp dụng những gì tôi đã học hỏi từ nơi anh. Tôi phải tự mình áp dụng những gì đã thu thập trong hơn 3 năm. Ông bà mình thật chí lý khi nói “Có học phải có hành”. Nếu anh Khánh vẫn còn ở trong nhóm, tôi sẽ tiếp tục ỷ lại vào sự tháo vát của anh. Sự vắng mặt của anh khiến tôi phải tự mưu sinh cho qua những ngày đói khát trong tù. Hơn 4 năm sau, tôi gặp lại anh tại tư gia ở đường Trần Khắc Chân, khu Đa Kao, rồi chúng tôi lại sinh hoạt với nhau cho đến ngày anh rời quê hương. Tôi mang ơn anh rất nhiều. Một trong những ân nhân của cuộc đời tôi, nhất là giai đoạn trong tù, phải nói chính là anh.

Cho nên khi nhìn lại thái độ tiếc nuối của tôi khi anh được thả tự do, tôi thấy mình đúng là một thứ ‘dở hơi’ không hơn không kém, không sai tí nào. Bây giờ , tôi xin mạn phép liên tưởng đến việc các tông đồ cứ tiếc nuối khi Chúa Giêsu lìa các ông, thậm chí đến lúc ấy mà có ông còn cất tiếng hỏi đến bao giờ mới lập quốc ! Thật vậy, tiếc nuối không phải là thái độ chính đáng của những ai có lòng tin. Nhất là khi tiếc nuối như các tông đồ là thứ tiếc nuối được làm quan hụt ! Chính Chúa Giêsu đã phán : “Thầy ra đi thì có ích lợi hơn cho anh em; vì nếu Thầy không ra đi thì ‘Đấng Bầu Chữa’ sẽ không đến với anh em”. Chúa Giêsu cần phải ra đi thì Chúa Thánh Linh mới đến được. Đó là một điều kỳ lạ, một trong những mầu nhiệm của lịch sử Ơn Cứu Độ. Chúa biết sự tiếc nuối của các ông nên phán : “Thầy đi thì ưu phiền tràn ngập lòng anh em”. Phần nào chúng ta có thể hiểu được là Chúa Giêsu có ra đi thì mới rảnh chỗ cho Chúa Thánh Linh đến. Vì thật mỉa mai, bao lâu còn nhìn thấy Chúa Giêsu, thì đoàn người đi theo Ngài vẫn cứ tiếp tục mân mê, nuôi dưỡng cái giấc mộng quyền hành thế lực chính trị, cái sở thích muốn làm vua làm chúa thiên hạ. Các ông quả là ‘phi thường’, vì sau bao nhiêu chuyện các ông đã nghe, sau bao nhiêu phép lạ các ông đã chúng kiên tận mắt, nhất là những lần Ngài hiện ra với các ông sau khi Ngài sống lại…Vậy mà các ông vẫn thích làm quan hơn là tin vào Chúa.

Khung cảnh ‘tiệc ly’ của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta có cảm tưởng phụng vụ muốn chuẩn bị lễ Chúa lên trời sắp tới. Bài đọc 1 được chọn để ăn ý với bài Tin Mừng cũng nói về việc các tông đồ từ giã các giáo đoàn. Nhưng trong đạo của chúng ta, tin tưởng và bình an tràn ngập cả những trường hợp sắp chia tay như thế. Những cuộc ra đi được kể trong các bài đọc còn hứa hẹn và bảo đảm một sự sống mới trong tương lai mà bài đọc 2 đã mở cho chúng ta thấy. Nếu được phép trình bày lại một cách đơn giản giáo huấn của Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta có thể nói : 1. Khi ra đi, Chúa Giêsu đã để lại một mệnh lệnh mới. 2. Các tông đồ đã cố gắng thi hành mệnh lệnh đó. 3. Vì chính Chúa đã hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, nên viễn tưởng hướng về tương lai của chúng ta phải luôn tràn trề hy vọng.

Chúa bảo chúng ta phải yêu mến nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. Nghĩa là chúng ta có nhìn vào nhau để nhận thấy nghĩa vụ phải chăm lo cho phần rỗi của nhau thì mới là yêu mến nhau như mệnh lệnh Chúa truyền. Một cái nhìn như vậy sẽ lôi theo bao nhiêu nghĩa vụ có thể thực thi và ai cũng phải thực hiện để chứng tỏ cho thế gian thấy chúng ta là môn đệ của Chúa. Nếu ai ai cũng cố hết sức tuân theo mệnh lệnh Chúa, thì một Giêrusalem mới sẽ tỏa hiện nơi chúng ta, trời cũ đất cũ sẽ không còn nữa. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LÁ THƯ MỤC VỤ 1505022.docx