(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

***********

Nhớ lại biến cố Thế Vận Hội Sydney từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 01 tháng 10 năm 2000, mà nhờ đó cả thế giới bừng tỉnh khi khám phá ra ở mãi tận ‘miệt dưới’ (Down Under) này lại có một ‘thiên đường’ lâu nay bị giấu kín. Sydney đã phải huy động một đội ngũ tình nguyện viên gồm hơn 40 ngàn người để giúp hướng dẫn các du khách. Hễ ai muốn vào tham dự các cuộc tranh tài giữa các vận động viên thì phải đến Homebush. Bởi đó, địa danh Homebush cho đến nay vẫn còn nằm mãi trong ký ức tôi. Từ ga xe lửa Homebush, tôi đã từng đi bộ dọc theo đường Rochester, vượt qua đường Burlington rồi quẹo phải vào đường Abbotsford. Bên tay trái là Đại Chủng Viện ‘The Good Shepherd’ của Tổng Giáo Phận Sydney. Từ nhà ga đến đây hơn 600 thước.

Trước đây tôi đã chia sẻ nhiều lần về bức tượng xấu xí đứng trong nội vi của Đại Chủng Viện này, lần này tôi lại mô tả lại bức tượng đó dưới một cái nhìn khác chiếu theo ánh sáng của bài Tin Mừng hôm nay. Đây là bức tượng của một người đàn ông Do Thái cùng đi với các kinh sư và những người Pharisêu và cả một đám đông đang bừng bừng sát khí đòi tử hình một phụ nữ bằng hình thức dã man là ném đá cho chết. Họ thừa biết rằng đất nước của họ đang nằm dưới quyền thống trị của đế quốc Rôma, nên chính phủ Rôma đã tước khỏi tay người Do Thái quyền kết án tử hình. Hơn nữa, họ ‘mượn’ mạng sống của một phụ nữ để gài bẫy Chúa Giêsu.

Nếu Chúa Giêsu nói phải xử tử theo luật Môsê, thì Ngài sẽ bị họ tố cáo là quân phản động, chống lại chính quyền Rôma. Ngược lại, nếu Ngài bảo tha cho người phụ nữ đó, thì họ cũng sẽ tố cáo rằng Ngài là kẻ phản quốc vì chống lại luật Môsê. Trước tình thế đó, Chúa Giêsu không vội trả lời. Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Tư thế cúi xuống có cái lợi là họ không thể nhìn thấy được sắc mặt của Ngài. Hành động viết trên đất cũng là cách sử dụng thời gian để suy nghĩ ra câu trả lời thích hợp nhất. Trong vụ án này, những kinh sư và Pharisêu vừa muốn giữ trật tự xã hội theo luật Môsê, vừa muốn có cớ triệt hạ Chúa Giêsu, vì Ngài là cái gai trong mắt họ. Bởi lẽ, tư tưởng và việc làm của họ chỉ chú trong vào luật lệ. Ngược lại, lối suy nghĩ và hành động của Chúa Giêsu thì chú trọng đến tình thương.

Thái độ của Chúa Giêsu thong thả, yên lặng viết trên đất khiến các kinh sư và những Pharisêu nóng ruột, nên họ cứ hỏi mãi để thúc bách Chúa phải trả lời. Cuối cùng, Ngài cũng lên tiếng, nhưng câu trả lời của Ngài không hoàn toàn nhắm vào luật Môsê hay Rôma. Chúa cố ý

dẫn đưa những người trí thức này đi vào chính tâm hồn của họ. Khi đi rình rập để bắt quả tang người phụ nữ và chờ chực xử tử bà này, những kẻ ấy hướng ra bên ngoài bản thân mình, nên họ chỉ nhìn thấy tội lỗi của người khác. Nay câu trả lời của Chúa Giêsu bắt họ đi ngược vào cõi lòng thâm sâu của chính họ. Chúa nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Nghe vậy, họ dần dà bỏ đi hết, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chắc chắn rằng khi nhìn vào lòng mình, những kẻ trí thức này thấy rõ tội lỗi đầy dẫy trong tâm hồn họ. Có khi họ còn phạm những tội đáng bị xử tử hình hơn nữa, nhưng họ chưa bị kết án, bởi vì họ không bị bắt quả tang hay không bị ai tố cáo mà thôi. Càng sống lâu thì càng vấp phạm nhiều. Tuổi đời càng cao thì lớp bụi trần phủ càng dày. Họ không dám ném đá vì thấy mình không đủ tư cách để giết người phụ nữ bởi chính họ cũng đáng phải chết.

Trở lại bức tượng xấu xí trong sân Đại Chủng Viện The Good Shepherd – Sydney, anh ta xấu xí vì gương mặt anh ta tương phản hoàn toàn với tư thế đứng của anh ta. Anh ta đứng hơi khom lưng (có lẽ vì mới cúi xuống nhặt một hòn đá lên), cánh tay trái đưa ra phía trước dường như để lấy trớn, còn cánh tay phải phía sau lưng chực ném hòn đá cho thật mạnh. Nhưng gương mặt anh ta thì đáng lẽ ra phải đằng đằng sát khí với quyết tâm ném chết một con người mà có khi anh ta chưa gặp lần nào, đàng này gương mặt anh ta trông thật thiểu não thảm thương, y như anh ta đang ‘quê xệ’ với một cái gì ghê gớm lắm, nhất là hòn đá không còn nằm trong lòng bàn tay anh ta mà nó đã tuột ra. Bây giờ tôi hiểu tư thế đứng hơi khom lưng là để anh ta len lén thả hòn đá xuống mà không làm cho ai chú ý. Cảm phục nghệ nhân nào đã tạc nên bức tượng mà tôi gọi là xấu xí đó, nhưng thật ra nó đẹp lắm! Vâng, nó đẹp vì nó phơi bày cái ác của con người trước lòng nhân hậu của Chúa. “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Qua lời này, Chúa cũng hỏi chúng ta: “Ai trong các ông, các bà, các anh, các chị, các em, hễ thấy mình sạch tội thì cứ việc phê bình, chỉ trích và lên án người khác đi.” Hãy nhìn vào bản thân mình, hãy làm một cuộc hành trình nội tâm nhất là trong những ngày cuối Mùa Chay này. Càng nhìn vào bên trong bản thân, chúng ta càng thấy rõ là trước Nhan Thánh Chúa chúng ta là những người tội lỗi, có khi còn tệ hơn những người chung quanh. Từ đó, chúng ta sẽ biết khiêm nhường hơn và sẽ có lòng cảm thông với những yếu đuối của tha nhân.

Linh Mục Phạm Quang Hồng.

LÁ THƯ MỤC VỤ 0304022.docx