LÁ THƯ MỤC VỤ
Vốn là người đa cảm, tôi biết tôi không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến những cảnh thương tâm. Ngày xưa, vì cái quan niệm sai lầm cho rằng một nam nhân nhỏ lệ là dấu chỉ sự yếu đuối, nên tôi tập kềm chế những xúc động. Khi tôi đi nhận xác em trai tử trận tháng Giêng năm 1975, tôi vẫn cứng rắn giữ không cho nước mắt chảy ra, nhưng bước vào phòng xác Quân Y Viện Phan Thanh Giản (Long Xuyên), lúc mẹ tôi ôm chằm cái xác lạnh ngắt của đứa em mà khóc, tôi đã khóc. Những giọt nước mắt cảm thông ấy đã chảy nhiều lần trong đời tôi.
Nhưng có những giọt nước mắt khác, cũng nghẹn ngào, cũng cay đắng, cũng khó nuốt đã chảy dài trên má tôi. Đó là bữa cơm đầu tiên tôi ăn trong tù, tôi vừa ăn vừa khóc. Tại sao ? Chuyện xảy ra đã 45 năm rồi nhưng nó khắc sâu vào tâm khảm nên tôi vẫn nhớ như mới xảy ra hôm qua vậy. Tôi bị bắt buổi chiều hôm trước đến tối hôm sau họ mới cho tôi ăn nhưng suốt ngày vì cái lo cái sợ khiến tôi quên cái đói. Hai tay bị còng sau lưng, hai chân bị cùm vào tường, lúc họ hé cửa đẩy một chén cơm và một chén nước rau muống luộc vào, tôi đã bật khóc. Chân bị cho vào hai lổ khoét trên vách rồi bị cùm vào tấm ván thật nặng bên ngoài nên không thể xoay người được. Hai tay lại bị còng quặt ra sau lưng, chén cơm và chén nước rau luộc nằm sát bên mà không làm sao ăn được. Tôi bật khóc vì nghĩ mình phải ăn như con chó. Chén cơm đầu tiên trong tù tôi ăn chung với nước mắt !
Nước rau luộc nhạt hơn nước mắt, cơm trắng hay đỏ tôi không nhìn thấy, cổ bị nghẹn nên nuốt không trôi. Tôi ăn để mà sống mà càng cố nuốt lại càng nghẹn hơn. Rồi đời tù cứ thế mà tiếp diễn, năm nầy tháng nọ, với những bữa ăn chỉ vừa đủ để không chết đói, và nhờ Ơn Chúa, tôi đã sống sót trở về. Có lẽ chỉ có những ai đã từng lênh đênh trên biển, hết lương thực, cạn nước uống với những ai đã qua những năm tháng đoạ đày trong nhà tù cộng sản, chỉ những người ấy hiểu rõ nhất rằng ăn là một nhu cầu. Ăn là một nhu cầu thiết yếu và cấp bách. Ăn để mà sống. Nhưng ăn cách nào để không hạ thấp nhân phẩm và không đánh mất lương tâm của mình.
Linh mục Dominici Dòng Tên, kể lại những man rợ trên một chiếc thuyền vượt biển mà nạn nhân là một bà mẹ trẻ tên Vân đang bế đứa con trai đã chết vì đói và cố sức kháng cự lại tên chủ thuyền đánh đập chị để giựt thi thể đứa bé hầu xẻ thịt ăn. May có nhiều người trẻ trên thuyền phụ giúp cứu được chị Vân và họ tống tên chủ thuyền xuống biển. Thật khủng khiếp ! Chỉ vì miếng ăn mà người ta trở thành man rợ như thú vật vậy sao ?
Thân xác cần của ăn vật chất như vậy, còn phần linh hồn thì sao ? Chúng ta được Chúa mời đến Bàn Tiệc của Ngài mỗi lần tham dự Thánh Lễ. Mà mỗi Thánh Lễ đều là một Đại Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, thế sao phụng vụ còn bày đặt ra ngày lễ Chúa Nhật hôm nay ? Đó là vấn đề đã được tranh luận sôi nổi ở cuối thế kỷ XIII và đầu thế kỷ XIV trước khi lễ kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa Giêsu được phổ biến trong toàn Giáo Hội. Nên nhớ, trước đó Hội Thánh coi Thánh Thể là lương thực hằng ngày, ai cũng mang phần riêng của nhà mình tới, rồi có nhiều kẻ ngồi chung với nhau ăn uống quá độ, khinh bỉ những kẻ nghèo hơn. Những người nghèo, mang theo phần ít, ngồi ăn buồn bã lắm. Người ta chỉ muợn “nhà của Chúa” để mang thức ăn “nhà của mình” tới, nên chỉ quan tâm đển việc lãnh nhận. Nghĩa là người ta lợi dụng buổi lễ tôn giáo để ăn uống chứ không cử hành “bữa ăn tối” của Chúa nữa. Sau cuộc tranh luận ở thế kỷ XIV, Hội Thánh chú ý đến niềm tin vào sự hiện diện của chính Chúa nơi Thánh Thể. Từ đó, mỗi lần Rước Lễ chính là mỗi lần chúng ta “ăn Chúa” vậy.
Câu chúc “Lễ xong. Chúc anh chị em đi bình an”. Nên nhớ : Hội Thánh chúc “Đi bình an” nhưng chúng ta không được phép “bình chân như vại”. Trên thế giới văn minh tiến bộ ngày nay, hiện tượng đói nghèo đang là một cơn bệnh dịch của thời đại, đang đe dọa Phi Châu, Á Châu, Nam Mỹ…”Người thì đói, không có gì ăn; kẻ lại say mèn vất đi một cách phung phí”. Hố cách biệt giữa giàu và nghèo còn hiện diện trong từng nước và từng xứ đạo. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục “chạnh lòng thương xót” như hơn hai nghìn năm trước và đặc biệt, Ngài vẫn còn cất tiếng hỏi “Ở đây, anh em có mấy chiếc bánh ?” Chúng ta có sẵn sàng cho Chúa mượn để giúp người khác có gì để ăn không ? Linh mục Phạm Quang Hồng.