(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Cứ đến Chúa Nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh (Năm A) là câu chuyện của ông Tôma lại được nhắc tới. Nếu chỉ là chuyện “cứng lòng tin” mà thôi thì ông Tôma không đáng được chú ý, trái lại còn tội nghiệp cho ông ấy vì cứ bị thiên hạ mỉa mai lòng “cứng tin” của ông. Nhưng sự kiện chính: Tất cả mọi người thân cận Chúa Giêsu đều “cứng tin” hay “chậm tin”, chính sự kiện nầy mới mang nhiều ý nghĩa. Và qua đó, nhân loại mới nhận ra “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”. Thật vậy, “cứng lòng tin” đâu phải là độc quyền của Tôma. Oan cho Tôma lắm !

Ngoại trừ Đức Mẹ, “kẻ đã tin tự thuở nào” (Lc 1, 45), không một ai mà không “cứng lòng tin” như Tôma. Nhớ lại việc các chị em phụ nữ, họ đem hương liệu đến mộ để xức lên “xác” của Ngài, nghĩa là họ chỉ thấy có một xác chết, dù đó là xác của vị Sư Phụ mà họ quý yêu. Họ không hề đi đón Người Sống. Khi thấy ngôi mộ trống, thì cho dù có được người thanh niên nào đó trấn an và cho biết : “Ngài đã sống lại rồi, chớ có kinh hoảng”, các bà ấy vẫn không tin. Thế là họ ra khỏi mộ và chạy trốn, vì họ run rẩy và sợ ngất người ra (Mc 16, 1-8). Nổi bật nhất trong số các bà ấy là Maria Mađalêna, cũng không hơn gì mấy bà kia, cô cũng đi tìm một xác chết đã bị ai đánh cắp mà thôi, đến nỗi khi “trông thấy Đức Giêsu đứng đó” mà cứ tưởng là ông làm vườn (Gn 20, 11-18).

Nhớ lại việc hai môn đệ trên đường đi Emmau. Hai ông đã nghe câu chuyện về ngôi mộ trống, về thiên thần hiện ra báo tin, nhưng lòng trí hai ông vẫn không tin nên hai ông vẫn còn vác mãi hai bộ mặt ảo não u sầu. Gặp chính Chúa Giêsu, đi cả buổi bên cạnh Ngài, nghe Ngài giải thích đầu đuôi gốc ngọn toàn bộ Kinh Thánh, thế mà họ vẫn không nhận ra Ngài ! Phải đợi Chúa mở mắt tâm hồn như đã mở mắt cho Maria Mađalêna bằng cách gọi đích danh cô ấy, lần nầy Ngài mở mắt hai ông bằng cử chỉ bẻ bánh, họ mới nhận ra Ngài (Lc 24, 13-35). Tất cả các tông đồ khác cũng vậy thôi, nghe mấy bà kể lại họ cũng không tin. Rồi nghe hai đấng nam nhi từ Emmau về kể lại mọi chuyện, họ vẫn không tin ! Phải đợi “sau cùng Ngài tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một đang khi họ dùng bữa”, lúc ấy họ mới mở mắt ra được. Rõ ràng là sau khi Chúa chết, chẳng ai tin Chúa sẽ sống lại.

Tất cả những vị tin đầu tiên đã chứng tỏ họ không hề là loại người mù quáng dễ tin, không hề bạ đâu cũng tin. Vì họ không bao giờ mường tượng, mong chờ Chúa sống lại nên họ không dễ đón nhận Tin Mừng Chúa Sống Lại. Họ đều cần phải thấy tận mắt mới tin. Nhưng thấy tận mắt vẫn chưa đủ để nhận ra Chúa đã Phục Sinh, còn phải được chính Chúa mở mắt lòng tin cho từng người. Trước mắt Thiên Chúa, mỗi cá nhân là một hữu thể “có một không hai” nên được Thiên Chúa chiếu cố đến từng trường hợp. Trong câu chuyện Tôma, chính ông Tôma trở thành “đáng kể” trong ánh mắt Chúa. Thiên Chúa không quan tâm về môn kế toán, và con người không bao giờ chỉ là một số lượng đối với Ngài. Suốt lịch sử Cứu Độ, Chúa đã quan tâm đến từng người. Chỉ một mình Noê đã đủ cho lòng thương xót của Ngài bỏ ý định ‘xoá sạch loài người’; nếu như Abraham bạo phổi đề nghị chỉ còn một người lành thôi để Sôđôm khỏi bị huỷ diệt chắc Chúa cũng ưng thuận; một Phêrô chối Thầy dễ dàng vẫn là đáng kể trong mắt Chúa; một Phaolô tàn phá đạo Chúa vẫn đón đường ‘bắt’ ông trở lại; Chúa vẫn quan tâm đến một Augustinô, một Phanxicô Assisi, một Pascal, một Anphonsô Ligôri…vân vân..và ..vân vân..

Chúa đã sống lại và cứ vẫn còn đó, Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20) để tiếp tục chiếu cố đến từng người. Việc bận tâm của Chúa là vẫn đi tìm những “Tôma còn sót lại” có thể là từng ông, từng bà, từng anh chị em và chính tôi nữa, để Ngài chiếu cố đến từng người cho dù chúng ta bất xứng. Chính đó là mầu nhiệm của “Lòng Chúa Thương Xót” mà Giáo Hội mừng kính vào Chúa Nhật nầy. Ngài chiếu cố bằng những biến cố nho nhỏ trong đời sống hằng ngày, bằng một cơn bệnh, bằng một vụ thất bại trong công việc làm ăn, bằng một tai nạn ập đến, bằng sự ra đi của một người thân, bằng một tin vui khi một em bé chào đời…Những “dấu chỉ” của Lòng Chúa Thương Xót vẫn xuất hiện đây đó trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Niềm tin đích thực của chúng ta sẽ thể hiện khi lòng trí mở ra vì đích thân được gặp gỡ chính Chúa Giêsu một cách nào đó.

Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV CN II PS NĂM A.docx