(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Bước vào Chúa Nhật III Mùa Chay, chúng ta nghe lại cuộc đối thoại nổi tiếng của Ðức Giêsu với người thiếu phụ Samaria, được tường thuật bởi Thánh Sử Gioan. Người thiếu phụ hằng ngày đi lấy nước từ một giếng nước cổ xưa, có từ thời của tổ phụ Giacóp. Và ngày hôm ấy, chị gặp Ðức Giêsu đang ngồi trên bờ giếng, mệt mỏi sau một chặng hành trình đường xa.

Câu chuyện bắt đầu từ đây. Chúa Giêsu đã mở lời trước xin nước và nói: “Chị ơi, cho tôi xin chút nước uống!” Người phụ nữ không cho Chúa nước ngay lập tức, mà thắc mắc tại sao ông là người Do Thái mà lại xin tôi nước uống? Hơn nữa giữa tôi và ông, hay nói cách khác, giữa người Do Thái và Samari không có qua lại, có rất nhiều đố kỵ, bất đồng, và là kẻ thù với nhau hằng nhiều thế kỷ.

Nếu đi sâu vào chiều kích nội tâm, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu không chỉ khát nước tự nhiên, mà Ngài khao khát một cuộc trở về của người thiếu phụ Samaria. Ngài xin chút nước giải khát tạm thời, để ban cho chị mạch nước trường sinh. Người xin chút vất vả múc nước, để ban cho chị nguồn vui hạnh phúc, Tin Mừng bất tận. Người xin chút tấm lòng cởi mở thưa đáp, để ban cho chị tấm lòng bao dung tha thứ vô biên. Người xin chút niềm tin hẹp hòi địa phương của chị, để ban nguồn chân lí cho muôn dân biết tôn thờ Thiên Chúa là Cha chung mọi người. Người xin một chỗ ngồi nhỏ bên bờ giếng, để ban cho Samari nước Trời vinh quang. Họ đã vui mừng thưa: “Không phải vì lời chị kể lại mà chúng tôi tin. Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Tinh cho nhân loại.”

Trong cuộc đối thoại Đức Giêsu đã nói với chị rằng: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Chị thưa: “Tôi không có chồng.” Chị nói đúng vì “chị đã có năm đời chồng, và người đang sống với chị không phải là chồng chị.” Chắc hẳn trong cuộc đối thoại này, chị đặt câu hỏi: ông này là ai? sao có vẻ muốn đưa tay ra cứu vớt cuộc đời tôi, và Người đàn ông này là ai? sao lại hiểu rõ điều chị đang mong ước thầm kín nhất? Điều mà chị mong muốn đó một thứ hạnh phúc vĩnh cửu, chứ không phải những thứ hạnh phúc rời rạc và tạm bợ mà chị đang muốn chối bỏ và chạy chốn nó. Chúa Giêsu đã khơi lên trong tâm hồn chị nhu cầu vô hạn không bao giờ ngừng, như một giòng suối nước vọt lên có thể gội sạch, làm tinh trắng tâm hồn chị, giúp chị cảm nghiệm được thứ hạnh phúc mà chị đang kiếm tìm.

Hành trình khai tâm mở trí cho chị, Chúa Giêsu rất khéo léo tinh tế như một nhà tâm lý tài ba và đầy tính nghệ thuật. Ngài dẫn chị tìm vào sự khao khát sâu thẳm nội tâm, mà nơi đó chị đang bị vẫn đục bởi bụi bặm che lấp tâm hồn. Chị được xếp vào hạng bèo giạt mây trôi như một đồ phế thải của xã hội, bị chìm xuống vực thẳm của xã hội như là đồ vật để mua hương bán phấn. Ấy thế mà, người đàn ông Do Thái này, sao lại nói đúng tim đen chị, phơi bày vết thương lòng của chị, mà chị không một lời trách móc. Mặt khác chị lại còn khâm phục sự tế nhị tinh tế đến độ không làm cho chị ngượng ngùng. Chúa Giêsu đã nhìn thấy tận đáy lòng chị một sự khát khao hạnh phúc, mà những thứ tình cảm qua đường không làm cho chị nguôi ngoai thỏa mãn.

Tấm lòng của chị đã bị khô héo và bị chết đã từ lâu. Hôm nay Người đàn ông Do Thái, là Chúa Giêsu đã cứu thoát chị, bằng cách kích hoạt nguồn nước vĩnh cửu đã vọt lên từ trong lòng chị. Khi được khai thông mở trí, chị không còn gì lưu luyến với cái giếng này nữa, mà chị vội vàng chạy đi thông báo về nước hằng sống mà chị vừa khám phá ra. Hãy đến mà xem có người yêu tôi với tấm lòng xót thương vô điều kiện, ông ta không ngại gì với quá khứ nặng nề tội lỗi của tôi, và ông đã nói trúng tất cả những gì tôi đã trải qua trong quá khứ, và ngay lúc này chị không thể nào giữ lại cho riêng mình về tin vui, chị vừa nhận. Tin Mừng đã đến với chị và chị trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng đó cho dân thành của chị. Họ bắt đầu tuôn đến với Chúa Giêsu nghe Ngài giảng dạy.

Trình thuật Tin Mừng của Thánh Gioan hôm nay, như muốn nhấn mạnh cho chúng ta điều này: Đức Giêsu đến trần gian để quy tụ muôn dân xum họp nhau lại dưới mái nhà Thiên Chúa là Cha chung loài người. Người đã bắt đầu cuộc hòa giải ngay từ giây phút sinh ra nơi thấp hèn nhất là hang bò lừa, để đem lại ơn bình an cần thiết nhất xuống cho nhân loại. Người đã kéo dài cuộc hòa giải suốt 30 năm cho tới bàn hận thù ghê gớm nhất trên đỉnh núi Sọ, để xin ơn tha thứ cho mọi người: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ lầm chẳng biết”. Họ lầm chẳng biết Thiên Chúa, nên họ cũng lầm chẳng biết nhau. Đức Giêsu đã thương yêu họ để họ biết thương yêu nhau.

Đây có phải là cuộc hành trình hòa giải mà Đức Giêsu muốn mỗi người chúng ta nối tiếp, để phá đổ những bức tường hận thù ngăn cách loài người với Thiên Chúa và khai mở cho mọi dân tộc, mọi gia đình, mọi cá nhân một con đường mới, con đường khiêm tốn, đối thoại hiệp thông, chan hòa ơn phúc bình an và thương mến nhau.

Lm. Nguyễn Kim Sơn

LÁ THƯ MỤC VỤ III NĂM A.docx