Sau khi được các đấng bề trên của Tỉnh Dòng Úc chấp nhận cho gia nhập, tôi chia tay mấy anh em trong đoàn võ và khăn gói lên đường đến cộng đoàn các Sư Huynh La San ở Oak Hill College, trên một ngọn đồi nhỏ thuộc vùng Castle Hill, phía Tây-Bắc của Sydney. Buổi kinh chiều đầu tiên tôi tham dự với các Sư Huynh Úc, tự biết vốn liếng Anh ngữ của mình nghèo nàn lắm nhất là việc phát âm, nên tôi chọn một chỗ ngồi ở tận góc cuối nhà nguyện, hy vọng sẽ được an thân và không bị ai nhòm ngó tới. Tôi đâu có ngờ rằng lời nguyện giáo dân sẽ được luân phiên đọc và bắt đầu từ góc cuối đi lên ! Thế mới là đại họa cho cái thân tôi!
Tôi cố tình nhắm mắt như đang chìm sâu trong ngắm nguyện thì vị Sư Huynh ngồi kế bên tôi lên tiếng nhắc: “Your turn, Hong!” Tôi đành chắp nhận thương đau trở về với thực tế, đứng lên, tôi cất tiếng đọc: “Tạ ơn Chúa. Chúa đã đoái thương tạo dựng nên từng người chúng con ‘DUY NHẤT”, thật bất ngờ cả cộng đoàn phá lên cười thật to và tiếp tục cười khá lâu nên Sư Huynh Bề Trên đành cho ngưng giờ kinh chiều và mời tất cả qua phòng ăn dùng bữa tối. Tôi chẳng biết mình đã làm gì mà khiến cả cộng đoàn vui như thế. Từng Sư Huynh đến vỗ vai tôi và nói :”Cảm ơn you đã nói lên sự thật ! Đúng vậy, MỖI NGƯỜI chúng ta đều DUY NHẤT”. một lần nữa, tôi lại cảm thấy hãnh diện hơn. Trong bữa ăn, tôi nghe họ nhắc đến chữ DUY NHẤT nhiều lần.
Sau bữa ăn tối, vừa về phòng thì nghe tiếng gõ cửa, Sư Huynh Donald Newton đến giải thích về niềm vui của cộng đoàn (vì Sư Huynh nói tiếng Pháp rất lưu loát). Lúc ấy tôi mới té ngửa ra, tại vì tôi phát âm chữ DUY NHẤT (UNIQUE) với dấu nhấn (accent) sai chỗ, thay vì đặt dấu nhấn ở âm thứ nhì thì tôi lại vô tình đặt lên âm thứ nhất do đó nó biến thành chữ EUNUCH có nghĩa là các người bị thiến, bị hoạn hay các quan thái giám ngày xưa, thành thử các Sư Huynh Úc không nhịn được cười là phải ! Quê ơi là quê !
Theo tôi hiểu, chữ DUY có nhiều nghĩa như : Tưởng nhớ, nghĩ tới, nhưng, tóm buộc, chỉ có. Vậy DUY NHẤT nghĩa là ‘chỉ có một’. Qua câu chuyện vui trên, tôi tin rằng mỗi người chúng ta đều được tạo dựng duy nhất. Chúng ta tôn thờ một Thiên Chúa độc tôn duy nhất, và chúng ta chỉ tôn thờ một mình Ngài mà thôi. Chỉ có một Thiên Chúa. Vậy chúng ta hiểu sự duy nhất đó như thế nào ? Vâng, tôi hiểu rằng Thiên Chúa duy nhất nhưng không độc nhất khô cằn không có mối dây liên hệ nào. Cái duy nhất của Thiên Chúa là không thể có hai nguyên nhân tối thượng ngang nhau trong vũ trụ. Cái này phát xuất ra cái kia. Đi lần về nguồn gốc của cái này ta tìm thấy nguồn gốc của cái trước. Cứ thế mà ta tìm đến nguyên nhân sau cùng của mọi nguồn gốc. Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất trong hình ảnh ấy.
Thánh Gioan lại định nghĩa :“Thiên Chúa là tình yêu” vì thế cái duy nhất của Thiên Chúa chính là : Không còn một Thiên Chúa nào với tình yêu lớn hơn. Trong Thiên Chúa duy nhất ấy lại bao gồm ba ngôi vị. Vậy chúng ta hiểu ba ngôi vị khác nhau ấy trong ý nghĩa nào ? Chính Ngài là Vị Thiên Chúa của những liên hệ, vì đặc tính của tình yêu là những mối liên hệ tương quan của những con tim với nhau. Không có tình yêu nào tự tại, nghĩa là không có thứ tình yêu bay lơ lửng trong không gian, vì tình yêu bao giờ cũng sống trong một con người cụ thể. Con người cụ thể ấy cũng sẽ không có tình yêu nếu con người ấy không yêu một đối tượng nào đó. Họ phải yêu một bông hoa, họ phải thương một bầu trời, họ phải nhớ một cánh chim, họ phải bâng khuâng một bóng hình. Ngay cả khi họ không yêu thương ai mà chỉ thương chính họ, thì họ cũng cần chính họ như một đối tượng để thương. Nói tóm lại, tình yêu bao giờ cũng đòi buộc một liên hệ.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu “Trong Thiên Chúa có những liên hệ giữa ba ngôi” hay nói cách khác, Thiên Chúa là tình yêu của những liên hệ. Bởi đó, nơi nào có chia rẽ, chắc chắn nơi đó không có tình yêu Thiên Chúa. Bởi vậy, tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ không thể là một tín điều khô khẳng, mà trái lại, đấy là một căn bản phong phú từ chính Gia-Đình-Thiên-Chúa-Ba-Ngôi cho chúng ta tham dự vào những liên hệ của tình yêu. Hình ảnh Cha-Mẹ-Con cái là bóng hình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu của người cha gửi sang tình yêu của người mẹ, và tình yêu của ‘hai chúng ta’ ấy sẽ tác tạo nên tình yêu của người con. Ba ngôi vị Cha-Mẹ-Con làm nên một tình yêu duy nhất là tình yêu gia đình. Trong ý nghĩa tình yêu là liên hệ thì làm sao để hiểu Chúa là tình yêu mà lại chỉ có một Chúa với một ngôi vị khô khẳng mà thôi ? Trong Thiên Chúa, có một tình yêu sáng tạo cho vũ trụ thành hình, có tình yêu xót thương khi vũ trụ bị tội lỗi tàn phá, có tình yêu thánh hóa cho vũ trụ xanh thươi, có tình yêu trách mắng và sửa dạy, có tình yêu nâng đỡ, có tình yêu đau đớn trên thập giá, có tình yêu rạng rỡ phục sinh. Và mối liên hệ đẹp nhất là : Chúa ở trong mỗi người chúng ta và nhờ đó chúng ta sẽ yêu thương nhau theo gương Chúa yêu thương chúng ta.
Linh mục Phạm Quang Hồng sưu tầm.