(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Không phải chỉ có thế kỷ nầy mới có phong trào háo hức được xem các ơn cả thể như ‘Nói Tiếng Lạ’, hay hiện tượng ‘Té Xỉu Chữa Bệnh’, hay ơn được ‘Gặp Chúa Nhãn Tiền’…mà từ thời thánh Phaolô đã có rồi. Thánh nhân đã nhìn thấy sự thèm khát các ơn lạ nơi cộng đoàn Côrintô, chỉ nhằm đáp ứng những khuynh hướng chọn hào nhoáng bên ngoài chứ không phải là con đường để đi vào Đức Tin. Xét cho cùng, đôi khi còn mở đường cho ‘mê tín dị đoan’, khiến những Kitô-Hữu trở thành những con người xác thịt như dân Do Thái năm xưa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta thế nào là một Đức Tin được củng cố và được thể hiện bằng Đức Ái, thiếu bác ái mọi ân sủng sẽ rỗng tuếch. Ao ước làm được những phép lạ ngoạn mục ư, thật là vô ích ! Chúa Giêsu đến trần gian để yêu thương và Ngài đã yêu thương cho đến chết. Đây là con đường yêu thương rất cụ thể. Thánh Phaolô phân biệt hai hạng người làm đối tượng : Hạng người kiên nhẫn với những kẻ thiếu nhân đức và hạng người giúp đỡ những ai thiếu thốn. Thánh Phaolô khuyên không được nóng nảy, bực tức, chán nản hay tuyệt vọng, mà ngược lại phải duy trì sự hy vọng, tin tưởng và niềm vui. Được như vậy, chính đức bác ái sẽ mở đường cho ơn Chúa đến và chính Chúa sẽ giúp toàn thắng sự dữ, sự tội, sự nguội lạnh và sự bê tha.

Thế nên, so sánh những đặc sủng mà nhiều người ao ước (như các ơn nói tiếng lạ, nói tiên tri, chữa bệnh, làm những việc phi thường…) rõ ràng là đức bác ái trổi vượt hơn hết. Tất cả những ơn kia có ngày sẽ hết vì chúng chỉ cần cho đời sống tạm bợ nầy. Nhưng lòng bác ái sẽ tồn tại mãi mãi và đi theo chúng ta sang cả thế giới bên kia. Ngay cả sánh với hai nhân đức khác là đức tin và đức cậy, đức bác ái vẫn trổi vượt hơn. Cả ba sẽ cùng theo chúng ta sang cuộc sống vĩnh cửu mai sau, theo ý nghĩa là đức tin diễn tả trạng thái cởi mở tâm hồn để nhận biết Chúa thì đời sau vẫn cần ; đức cậy diễn tả trạng thái linh hồn muốn đươc Chúa yêu thương. Riêng đức mến sẽ tồn tại và cao quý hơn hết vì nó làm cho chúng ta kết hợp với Thiên Chúa là bản chất của đời sống hạnh phúc sau nầy trên thiên quốc. Nhưng nếu không có ‘Đức Tin’ làm sao có ‘Đức Ái’ ?

Trong 10 năm tù, tôi đã biết 19 vị linh mục cùng chia sẻ hoàn cảnh tù tội như tôi, tôi cảm phục 18 vị thôi vì có một vị cam lòng làm ‘ăn-ten’ chịu khó rình mò rồi báo cáo lên phía cai tù. Trong 18 vị mà tôi cảm phục, tôi chỉ được diễm phúc sống gần 5 vị mà thôi. Cha Lộc, cha Vàng, cha Minh, cha Luân tôi đã nhắc tới trong những lá thư Mục Vụ trước đây, hôm nay tôi gợi lại lòng cảm phục của tôi dành cho linh mục Trần Công Chức. Nhìn vẻ bề ngoài, cha Chức giống như một cụ già nhà quê cái thuở mà những cụ ông còn ăn trầu ở miền Bắc, chứ không có dáng vẻ một người thành thị có học thức. Cha mang bản án chung thân mà chẳng có ai thăm nuôi mãi đến những năm gần cuối thập niên 80 mới có mấy Dì Phước ra thăm nuôi. Bởi đó cha phải tự mưu sinh để sống còn.

Những linh mục khác truyền đạo bằng đủ mọi cách kể cả cách nguy hiểm nhất là dạy đạo trực tiếp, vì nội qui nghiêm cấm. Riêng cha Chức, tôi không thấy cha dạy dỗ ai nhưng cách sống đầy tình nhân ái của cha đã nói lên nhiều nhất. Cha là một thứ tù ‘mồ côi’ vậy mà cha sẵn lòng chia sẻ từng cọng rau rừng mà cha tìm được (dĩ nhiên là phải lén lút không cho cai tù nhìn thấy). Cha may những túi áo thật to lên trên bộ đồ tù bằng những miêng vải khác mầu, khiến cha trông chẳng khác gì tên ‘hề’ của sân khấu kịch nghệ Âu Châu. Nhưng nhờ những chiếc túi kỳ dị ấy cha đã có những bữa canh rau rừng thật kỳ diệu để chia cho những ‘mồ côi’ khác.

Cha luôn luôn vui vẻ hoà nhã với hết mọi người kể cả những người khinh miệt cha và mỉa mai cha. Thậm chí có những người vốn ghét các tôn giáo nói chung và cách riêng là ghét Công Giáo, họ thích tranh luận cốt ý để gài bẫy và bắt bí cha, dầu biết tâm địa họ như vậy cha vẫn kiên nhẫn với nụ cười hóm hỉnh trên môi để giải thích từng li từng tí và không bao giờ tỏ ra mệt mỏi. sự nhân ái của cha chứng tỏ cha có một lòng ‘TIN’ thật vững chắc. Hãy sống theo lời khuyên của thánh Phaolô đừng ham chuộng những khuynh hướng thoả mãn thị hiếu có thể dẫn đến mê tín dị đoan nhất là gây chia rẽ trong cộng đoàn, mà hãy quyết tâm đi vào con đường bác ái mà đó chính là con đường do bởi ‘TIN’ mà có. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LÁ THƯ MỤC VỤ 3101016.docx