LÁ THƯ MỤC VỤ
Lắng động một chút chúng ta thử suy nghĩ về hai thái cực giữa giầu và nghèo theo cái nhìn khách quan trên bình diện xã hội. Hình như chúng đã trở thành quy luật thực tế. Hai thái cực này khó có thể cân bằng để mọi người được bình đẳng, được chia đều để xã hội không còn phân biệt giai cấp. Thế giới người giầu và người nghèo luôn có sự ngăn cách bởi ý thức hệ, văn hóa và bởi của cải vật chất, nên cái hố sâu vực thẳm này càng kéo dài, và càng xa cách, đến nỗi người giầu khó có thể trao tặng tiền của để kéo người nghèo xích lại gần hơn.
Khi nhìn sự chênh lệch giữa nhà Phú Hộ và Ladarô trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta mới thấy bức tranh hiện rõ trong thế giới. Từ cổ chí kim thực trạng này vẫn luôn tồn tại vì hàng ngày cả tỷ người vẫn con đang lâm vào cảnh không cơm ăn áo mặc, chết vì đói, họ vẫn đang chờ đợi tình thương sẻ chia từ những người giầu để họ vượt qua cảnh nghèo đói. Nhưng đối với họ điều này vẫn còn quá xa vời. Cụ thể như chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay: Nhà Phú Hộ ngày ngày yến tiệc linh đình với những bàn tiệc xa xỉ, phung phí tiền của vào những việc vô bổ, trong khi đó ông không hề quan tâm đến Ladarô, người nghèo đang nằm trước cổng, giang tay chờ đợi ông cho những miếng ăn dư thừa. Thế nhưng ông đã dửng dưng và thờ ơ trước sự mong mỏi đợi chờ đó. Lòng bác ái của ông ở đâu? Trái tim nhân hậu của ông ở đâu? Tình đồng loại của ông ở đâu? Ông đã khóa kín cửa lòng mình, để rồi làm ngơ trước những cảnh túng thiếu, vô tâm trước những tiếng gào thét, đói khát xé lòng của biết bao nhiêu người xung quanh mình.
Chính ông đã tạo ra vực thẳm ngăn cách đó, sự vô tâm và lòng ích kỷ khiến ông chỉ biết hưởng thụ cuộc sống của riêng mình. Vì thiếu nhân hậu nên ông đã lẳng lặng, thờ ơ trước sự nghèo đói của Ladarô, nếu anh có chết đi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của ông, cũng không tác động đến lòng trắc ẩn của ông. Có thể ông Phú Hộ nghĩ rằng, thà Ladarô chết đi lại là một điều tốt để xã hội không còn bận tâm. Đây là vực thẳm ngăn cách mà con người tạo ra ngay ở đời này, hố sâu đó tự mình cô lập không thể nào thay đổi thực trạng này được. Thử hỏi có mấy ai dám dùng của cải của mình mà phân chia cho người nghèo, để kéo cái vực thẳm này gần lại hơn được không?
Tuy nhiên, sự chết không chờ đợi ai, cũng không phân biệt sang hay hèn. Ông Phú Hộ vì quá bận rộn để tận hưởng yến tiệc hằng ngày, rồi một ngày nào đó ông cũng chết. Ladarô cũng quá bận rộn để chiến đấu vượt qua cái đói khát hằng ngày, và ông cũng chết. Sự chết đến với hai ông rất đồng đều và công bằng, chẳng phân chia ai giầu sang ai nghèo hèn. Nhưng điều đáng nói đây là số phận của họ đều khác nhau sau cái chết. Không phải vì giầu có mà người Phú Hộ bị phạt, nhưng là vì từ chối lòng thương yêu, và sự ân thưởng của Thiên Chúa dành cho ông. Ông đã chọn khép lại cánh cửa của lòng nhân ái, yêu thương và trắc ẩn đối với tha nhân. Ông đã quá ung dung hưởng thụ mà không sẻ chia, và không để tâm đến mảnh đời đang chờ đợi ông bố thí. Ladarô không phải vì ông nghèo mà than thân trách phận cho số kiếp hẩm hiu của mình, nhưng ông đã chấp nhận và cậy trông vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, nên ông được hạnh phúc ngồi trong lòng tổ phụ Abraham.
Thế giới càng văn minh thì hố sâu ngăn cách càng rộng lớn, người giầu lại càng giầu, người nghèo lại càng nghèo. Thực tế giầu không phải mình sở hữu nhiều, đo bằng vật chất tài sản mình có bao nhiêu, nhưng giầu là khả năng mình trao ban mới là giầu. Người giầu không biết chia sẻ thì là người nghèo nàn nhất. Họ nghèo vì thiếu yêu thương, nghèo vì lòng bác ái, và nghèo vì sự cảm thông. Dụ ngôn hôm nay Chúa Giêsu đề cập đến một thực tế đang diễn ra hằng ngày. Những người giầu lại đang dửng dung, thờ ơ đối với những cảnh nghèo khó trước mắt họ. Những người nghèo không những họ nghèo về vật chất, họ còn nghèo về sự động viên nâng đỡ ủi an. Họ cần những mẩu bánh vụn của tấm lòng bao dung, họ cần những sự sẻ chia tinh thần, và họ cần đến những cử chỉ chạm đến nỗi đau để được xoa dịu. Những hành vi như vậy giúp người nghèo có thể đứng lên, bước ra khỏi những bế tắc đang bủa vây họ.
Hố sâu vực thẳm chỉ được lấp đầy khi con người biết yêu thương và sẻ chia. Mỗi người ai cũng có một giới hạn của riêng mình, nhưng nếu chúng ta cũng biết nhìn lại sự giới hạn của mình, chúng ta sẽ can đảm cho đi. Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy là một chủ nhà quảng đại, bao dung và sẵn sàng sẻ chia cho những người cùng khổ hơn chúng ta. Nếu quả thực mỗi người chúng ta ý thức được điều này, là chúng ta đã góp một bàn tay chung xây cuộc sống hạnh phúc mai sau. Tất cả mọi hành vi, và cách hành sử tốt của chúng ta, là kết quả của đời sau mà chúng ta đang vun đắp ở cuộc đời này.
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã dựng nên chúng con trong thế giới này, chúng con biết rằng ai cũng nghèo về khía cạnh nào đó, và ai cũng giầu về một phương diện nào đó, nhưng chúng con cần đến nhau, nên chúng con được mời gọi sống cho nhau, làm cho nhau thêm giầu có hơn về nhân cách và đạo đức. Xin cho chúng con luôn có tấm lòng khiêm tốn để nhận biết mình nghèo khó để nhận lãnh, và giầu có để hiến trao. Amen.
Lm. Nguyễn Kim Sơn