LÁ THƯ MỤC VỤ
Qua bài Tin Mừng của Chủ Nhật XXVI Thường Niên Năm B tuần này, tôi muốn chia sẻ về một thực trạng của con người mà chúng ta ai cũng mang trong mình, đó là cái tôi ích kỷ (Ego). Nhìn chung cái tôi ích kỷ này đến từ chính bản thân mình và phát xuất ra bên ngoài. Nó không những làm ảnh hưởng rất nhiều cho chính mình, mà còn ảnh hưởng rộng lớn đến gia đình và xã hội nơi chúng ta đang sống.
Do đó, trong trình thuật Tin Mừng của Thánh Marcô (9:38-43) đã cho chúng ta thấy rõ điều này là Thánh Gioan vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu mến cách đặc biệt đã đến thưa với Chúa Giêsu rằng:“Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ ấy không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y.” Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời Ông như một chuyên viên tâm lý: vừa tâm lý, vừa khôn ngoan và đầy lòng nhân ái“Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ rồi sau đó lại đi nói xấu Thầy”(Mk 38). Qua đó, Ngài đã dạy cho Ông hiểu biết thêm về cách đối nhân xử thế một cách nhân bản và bao dung hơn. Ngài đã giúp Ông biết vượt lên sự ghen ghét ích kỷ của bản thân đã vốn ăn sâu trong bản tính của con người. Đứng trên khía cạnh của Gioan, tôi hiểu rằng: Gioan đã hành động đúng dưới góc nhìn của con người, vì Ông muốn bảo vệ danh tiếng của Chúa Giêsu, nên Ông đã nhìn ra mầm móng nguy cơ gây chia rẽ và lợi dụng. Thế nhưng điều này không phải ý định của Chúa Giêsu muốn hướng dẫn các tông đồ, Ngài muốn hướng các Ông đến sự yêu thương, hiệp nhất trong tinh thần nhân ái, bao dung và độ lượng. Vì vậy để nhấn mạnh đến lòng nhân ái, bao dung này, Chúa Giêsu đã trả lời cho Gioan một cách dán tiếp rằng:“Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước lã vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật các con, kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Lòng nhân ái được Chúa Giêsu nhấn mạnh, không phải bằng sự quảng bá nhưng bằng hành động cụ thể là “biết cho đi” và nó có khả năng phá vỡ cái tôi ích kỷ trong con người của các Ông, thay vào đó là trái tim biết mở ra và trải rộng đến mọi người xung quanh.
Lòng nhân ái là chìa khóa để mở ra mọi cái tôi ích kỷ và sự ghen ghét của mình, nó có khả năng biến đổi mình trở nên bao dung độ lượng hơn, dễ hòa đồng trong một tập thể, dễ chấp nhận những ý kiến trái chiều, và dễ hòa hợp để đồng lòng xây dựng mọi sự khác biệt nhằm mưu cầu lợi ích chung và mang tính toàn vẹn của một tập thể. Mỗi cá nhân là một nhân tố độc lập trong một tập thể, nhưng không có nghĩa là tách biệt, vì thế sự độc lập của mình hàm mang trong mình sự khác biệt, và một tính cách riêng biệt, nhưng sự nhân ái bao dung là chất keo xoa dịu và kết nối lại với những sự khác biệt ấy, để hỗ trợ và giúp đỡ mọi khác biệt cùng kiến tạo tập thể đó tốt đẹp hơn. Nếu cái tôi ích kỷ của mình không mang lại sự hiệp nhất thì nó đang đứng trên mầm móng chia rẽ và tự mình trở thành ốc đảo trong tập thể đó, và dễ đẩy mình vào trạng thái ghen ghét, xầm xì làm ảnh hưởng đến tập thể mình đang sinh hoạt.
Chúa Giêsu đã kịch liệt lên án tính kiêu ngạo, sự giả dối và tính ghen tương nơi những người biệt phái vì họ thường đưa ra những lập luận để chống đối Chúa bằng những luật lệ cứng nhắc, họ không có lòng thương xót mà còn ghen ghét với những việc Chúa chữa lành cho bệnh nhân hay những người bị quỷ ám. Chúa Giêsu đến, để bứt phá những rào cản trói buộc đó và hướng họ đến cái nhìn nhân ái, bao dung đối với những kẻ kém may mắn, tuy nhiên không những họ không chấp nhận mà còn cau có khó chịu vì những việc tốt lành của Chúa Giêsu thực hiện.
Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, Ngài viết: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, và chịu đựng tất cả” (1C 13:4-7). Do đó, “Lòng Nhân Ái” mà thánh Phaolô nói đến là chìa khóa dẫn đưa chúng ta đến sự hoàn thiện, và đó cũng chính là liệu pháp chữa trị tận gốc căn bệnh ghen ghét mà chúng ta thường mắc phải. Hơn ai hết Chúa Giêsu chính là gương mẫu căn bản, là thước đo về sự nhân ái bao dung, để định hình sự thánh thiện tốt lành của chúng ta, chính lòng nhân ái sẽ là phương cách giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi, nhất là tội ghen ghét vì hầu hết các nết xấu đều khởi nguồn từ tính ích kỷ nhỏ nhen mà ra.
Lắng nghe lời Chúa hôm nay, chớ gì từng người chúng ta ý thức hơn về mọi hoạt động tông đồ của mình. Mỗi người chúng ta đang làm việc của Chúa, chứ không phải đang làm việc cho Chúa. Từ đó, chúng ta có một cái nhìn tích cực hơn với anh chị em mình, không kết án, không loại trừ ai, nhưng luôn nghĩ tích cực hơn về người khác, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận mọi người. Nguyện xin Chúa luôn đổ vào tâm hồn chúng ta lòng mến để trong cuộc đời này, chúng ta được thêm yêu thương, hiệp nhất và bình an hơn.
Lm. Nguyễn Kim Sơn