(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Những năm tháng tôi ở trại ‘Trừng Giới Xuân Phước A 20’ (Huyện Đồng Xuân, Tỉnh Phú Khánh), có một nhân vật đã hành xử y như người quản lý mà Chúa Giêsu kể trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhân vật đó chính là anh Nguyễn Văn Hiên, một cựu bộ đội to cao, bị bắt vào tù vì tội tham nhũng hối lộ. Vì có lý lịch ‘tốt’ và có gốc là cán bộ nên các cai tù giao cho anh cai quản nhà kho của trại giam (một công việc khá nhàn hạ).

Trước giờ đi lao động, các đội tù nhân sẽ đến nhận dụng cụ, số lượng bao nhiêu, dụng cụ gì, tất cả đều được anh Hiên đếm và ghi chép rõ ràng trước khi cho xuất kho. Khi lao dộng về các đội cũng phải hoàn trả lại đầy đủ theo danh sách rồi anh Hiên mới cho nhập kho. Thông thường thì không có dụng cụ nào bị thất lạc, nhưng bị hư hao thì xảy ra rất nhiều. Mà theo nội qui của trại, ai làm hư hỏng bất cứ tài sản nào của trại thì hoặc là cá nhân đó hay toàn đội sẽ mang trách nhiệm phải sửa chữa hay phải đền bù tương xứng.

Có một hôm, đội 10 của tôi (mà tôi là đội trưởng, gồm các linh mục, mục sư và chức sắc các tôn giáo) khi hoàn trả dụng cụ, tôi nói cho anh Hiên biết có một cây cuốc bị gẫy cán, đang khi đưa cho anh xem lòng cũng hơi lo, tự hỏi không biết sẽ đền bù bằng cách nào. Thật bất ngờ, anh làm như không biết và không nghe những gì tôi nói mà chỉ lạnh lùng nói thật nhỏ “Mau để nó vào góc các thứ cần sửa chữa rồi lấy một cây cuốc khác nhập vào bó cuốc của đội ông. Làm nhanh lên !” Tuy tôi rất ngạc nhiên nhưng làm sao tránh cái cảm giác rằng tôi có thiện cảm và nhất là đã mang ơn anh. Biết đâu anh muốn giúp đội 10 của tôi vì toàn những linh mục tu sĩ chăng, nên tôi tìm cách hỏi thăm các đội trưởng khác thì biết anh Hiên đều hành xử y như vậy.

Xét cho cùng, anh Hiên chẳng những không thiệt thòi gì mà còn có lợi cho bản thân anh. Kẻ thiệt thòi là ban quản giáo trại giam mà thôi. Các dụng cụ hư hỏng, anh chỉ việc mang xuống đội mộc để họ sửa chữa, trong khi đó anh đã âm thầm chiếm cảm tình của những người tù mang ơn anh. Thật là khôn ngoan ! Anh Hiên được thả về trước tôi hơn 5 năm và anh bắt đầu thu gặt những gì anh gieo vãi lúc ở trong tù. Ngày tôi về với xã hội bên ngoài, tôi chứng kiến việc anh Hiên đi đến đâu cũng được các bạn cựu tù nhân tiếp đón nồng hậu, thậm chí có người kiếm việc làm cho anh vì với lý lịch tù tội, anh không thể chen chân vào guồng máy nhà Nước.

Qua dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không có ý khen ngợi người quản gia vì ông ta đã vi phạm luật công bằng. Việc ông ấy làm là gian dối, nói thẳng ra là ông đã gian lận. Dĩ nhiên Chúa không khuyến khích ai làm theo kiểu bất lương đó. Điểm chính trong bài dụ ngôn này là hành động kịp thời của người quản gia để tự cứu lấy chính mình. Từ điểm này, chúng ta chuyển qua điều Chúa muốn nói với chúng ta. Sự sống ở đời này dựa trên của cải bạc tiền và quấn quít với chúng như hình với bóng. Người ta tìm trăm phương nghìn kế để bảo vệ cuộc sống đó. Ai cũng biết cuộc sống trần thế có giới hạn, thế mà người ta còn tìm mọi cách để duy trì và bảo vệ nó, thì phương chi là cuộc sống vĩnh cửu, vậy mà sao ít thấy ai chăm lo ?

Dĩ nhiên, không ai có thể tách rời cuộc sống trần thế ra khỏi cuộc sống vĩnh cửu, vì cả hai quyện vào nhau. Mặt khác, cuộc sống trần thế cũng là một phần của cuộc sống vĩnh cửu. Nên luôn luôn ghi nhớ rằng cuộc sống trần thế là sự chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu, cũng như hiện tại chuẩn bị cho tương lai. Cách sống của mỗi người chúng ta trong cuộc sống hiện tại sẽ chắc chắn ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của chúng ta. Bởi vậy nên Chúa kêu gọi chúng ta nên hành động khôn khéo ngay từ bây giờ kẻo không kịp !

Tiền của tuy cần thiết cho cuộc sống đời này nhưng nó chỉ có giá trị tạm thời vì hiệu lực của nó chỉ ở trần thế mà thôi, không ai có thể mang tiền của sang thế giới bên kia để tiêu xài. Chỉ có Thiên Chúa và hạnh phúc vĩnh cửu mới có giá trị muôn đời. Điều quan trọng hơn hết là không ai trong chúng ta biết mình sẽ chết lúc nào, nên cần phải có hành động khôn ngoan kịp thời, y như người quản gia trong dụ ngôn trước khi bị ông chủ cho nghỉ việc, ông ta đã kịp thời gieo vãi ân nghĩa hầu khi sa cơ thất thế sẽ được những kẻ thọ ơn đền đáp lại.

Thomas Merton, một linh mục đan sĩ người Mỹ gốc Pháp, một nhà văn Công giáo tuyệt vời, đã nhận xét như sau : “Nếu bạn chưa biết được sự khác biệt giữa ‘khoái lạc’ và ‘niềm vui thiêng liêng’ thì bạn chưa bắt đầu cuộc sống”. Khoái lạc đến từ tiền của và dừng lại ở tiền của. Còn niềm vui thiêng liêng xuất phát từ Thiên Chúa. Chỉ khi nào ta thật sự đặt Chúa làm chủ đời mình và sống trong mối liên hệ đó, thì ta mới nếm được niềm vui thiêng liêng. Chính niềm vui thiêng liêng sẽ đem lại hạnh phúc cho ta, không những ở cuộc đời trần thế này mà còn kéo dài mãi cho đến cõi trường sinh. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LÁ THƯ MỤC VỤ 1809022.docx