(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Ngôn ngữ không những là chìa khóa mở vào các phạm vi đời sống, nhưng còn làm tăng thêm giá trị của một con người. Người có khả năng ăn nói lưu loát thường dễ chiếm được lòng tha nhân. Dĩ nhiên, muốn thực sự ‘đắc nhân tâm,’ việc ăn nói lưu loát mà thôi chưa đủ, nhưng còn phải có một tấm lòng chân thật nữa, mới làm cho người ta tin tưởng và kính phục. Dầu vậy, xét theo lẽ thường, khả năng ăn nói lưu loát là một lợi khí chinh phục lòng người. Vì thế, người vừa điếc vừa ngọng trong bài Tin Mừng hôm nay đã bị người chung quanh hạ thấp giá trị. Chính người đó cũng cảm thấy sự thua kém của bản thân mình so với tha nhân. Người ấy thật đáng thương vì phải sống trong tình trạng bị trói buộc vì bệnh tật. Anh là một tù nhân trong chính cơ thể của mình. Cơn bệnh đã giam giữ anh trong tình trạng tù đày có lẽ từ lúc anh chào đời. Thật đáng thương!

Vì thế, khi Chúa Giêsu chữa lành cơn bệnh điếc ngọng cho anh, anh được tự do để diễn đạt ý tưởng của mình và dễ dàng giao tiếp với người khác. Trước đây, anh sống như một kẻ bên lề xã hội, còn bây giờ anh được hội nhập vào giữa những người thân quen và ngay cả giữa những người còn xa lạ. Nhờ đó, đời sống của anh có ý nghĩa và phong phú hơn. Còn niềm vui nào sánh bằng nên chắc chắn anh vui mừng và hạnh phúc lắm.

Mỗi người chúng ta tuy không lâm vào tình trạng điếc ngọng thê thảm như trên, nhưng chúng ta cũng có kinh nghiệm về hai chứng bệnh quái ác này. Đối với nhiều người, khi không nghe và không nói được tiếng Anh, thì đúng là đang bị điếc ngọng rồi. Từ đó mới thấy, chúng ta bị giới hạn tự do và mất rất nhiều cơ hội tốt đẹp. Ngược lại, đối với một số người khác – đặc biệt là đa số các bạn trẻ – thì nghe không thông và nói không được tiếng Việt khiến họ cũng cảm thấy mặc cảm và bị giới hạn phần nào trong khi giao tiếp.

Đây là một ví dụ điển hình của cá nhân tôi. Tôi mùng đại lễ Phục Sinh đầu tiên trên nước Úc trong cộng đoàn các Frères (Sư Huynh) Dòng La San ở Oak Hill College (vùng Castle Hill, phía Bắc Sydney). Sau Thánh Lễ trọng thể sáng Chúa Nhật Phục Sinh, hơn 11 giờ trưa, tôi đang ở trong phòng thì nghe tiếng gõ cửa. Thầy Bề Trên to cao đứng đó và vui cười nói với tôi một tràng ‘âm thanh lạ tai’ rồi nhìn tôi như chờ đợi câu trả lời. Theo kinh nghiệm mà tôi học lóm được, nếu mình không hiểu thì lịch sự trả lời “No, thanks.” cho chắc ăn. Thầy Bề Trên nhìn tôi rồi hỏi “Are you sure?” Lần này thì tôi hiểu nên đáp liền “Yes, I am.” thế là ông ấy bỏ đi. Tôi vui mừng vì nghĩ rằng mình vừa mới thoát nạn. Ai ngờ đâu, sau một tiếng rưỡi, ông lại gõ cửa và trao cho tôi một gói’chip’ kể rằng họ vừa mới đi ăn về, dù không hiểu cả câu nhưng tôi biết chữ restaurant. Sau giờ Kinh Chiều, ông lại gõ cửa và cũng phán một ‘tràng âm thanh lạ tai’. Mặc dầu tôi vẫn điếc nhưng vì tiếc cho cái vụ hồi trưa nên tôi vui vẻ trả lời liền “Yes, please!” Thế là tôi đi theo các thầy khác mà trong lòng rất vui vì cái bụng đang đói nên nghĩ đến bất kỳ restaurant nào cũng O.K. Ở đời có mấy ai học được chữ ‘ngờ’, lần này không ăn uống chi cả mà phải ngồi nghe diễn thuyết gần hai tiếng đồng hồ với cặp tai điếc

Trở về bài Tin Mừng, tôi thấy nhiều người tuy ăn nói trôi chảy cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nhưng hình như họ lại bị điếc và ngọng ở phạm vi tinh thần. Điếc là khi họ không muốn nghe người khác, họ chỉ theo đuổi ý riêng của mình thôi. Ngọng là khi họ nói mà không biết để ý đến cảm nhận của người nghe. Vì vậy, nhiều hiểu lầm và căng thẳng nảy sinh, có khi đưa đến chia rẽ, rạn nứt. Đây là điều thường xảy ra từ xưa đến nay, nên trong ca dao của chúng ta mới có câu “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Chúng ta cũng có thể điếc và ngọng trước Lời Chúa. Điếc khi chúng ta nghe Lời Chúa nhưng không suy niệm và để cho Lời Ngài thấm nhập tâm hồn chúng ta. Chúng ta có thể nghe rõ mồn một những bài công bố Lời Chúa, nhưng tâm trí chúng ta như bị khóa lại nên Lời Chúa không thấm vào tâm. Mà một khi lòng mình không đón nhận Lời Chúa thì môi miệng không thể ca khen Ngài hay thốt ra những lời hay ý đẹp từ kho tàng Lời Chúa. Vì vậy, trước khi lắng nghe Tin Mừng, bao giờ chúng ta cũng làm Dấu Thánh Giá trên trán, trên miệng và trên ngực chúng ta. Cử chỉ tốt đẹp này mang ý nghĩa là cầu xin Chúa: Khai mở trí khôn để chúng ta nghe và hiểu Lời Chúa. Khai mở môi miệng để chúng ta tuyên xưng đức tin và rao truyền Lời Ngài. Khai mở tâm hồn để chúng ta suy niệm trong lòng, giữ mãi trong tim và chân thành yêu mến Lời Hằng Sống ấy

Trở về với cuộc sống gia đình, hãy thành tâm xem xét lại chúng ta có bị điếc và bị ngọng không? Ước gì từng người trong gia đình biết lắng nghe lời nói cũng như cảm xúc của những người thân yêu để tỏ lòng cảm thông và trợ giúp đúng lúc. Và cũng ước gì Chúa Giêsu cũng phán cùng chúng ta câu: “Épphata” để Ngài mở môi miệng chúng ta hầu chúng ta nói cho nhau biết Chúa tốt lành biết mấy. Linh mục Phạm Quang Hồng sưu tầm.

.

.

LA THU MUC VU 05 09 21.doc