Phụng vụ năm B lần lượt công bố Tin Mừng theo thánh Mác-cô trong các Thánh Lễ Chúa Nhật thường niên. Từ Chúa Nhật 14 đến 16 vẫn còn là Mác-cô, thế nhưng suốt 5 Chúa Nhật, từ 17 đến 21, Phụng vụ lại chọn Tin Mừng theo Gioan trong chương 6. Rõ ràng qua Phụng vụ, Giáo Hội vẫn thấy và muốn chúng ta nhận biết tầm quan trọng và ý nghĩa có một không hai của phép lạ hóa bánh ra nhiều. Tin Mừng Nhất Lãm (gồm Mát-thêu, Mác-cô và Luca) kể lại rất nhiều phép lạ của Chúa Giêsu, còn Tin Mừng Gioan chỉ kể lại 6 phép lạ mà thôi, đó là: 1. Nước hóa thành rượu ở Cana. 2. Con của một quan chức được chữa lành. 3. Chữa người bất toại ở Bêthesđa. 4. Phép lạ hóa bánh ra nhiều. 5. Chữa người bị mù từ lúc mới sinh. 6. Cho Lazarô được sống lại. Chỉ có phép lạ hóa bánh ra nhiều là được cả 4 thánh sử cùng thuật lại.
Trong xã hội trọng nam khinh nữ, phân chia đẳng cấp như xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, thì trẻ em chẳng có là gì cả. Vậy mà trong phép lạ hóa bánh ra nhiều theo tường thuật trong Tin Mừng Gioan hôm nay, vai trò của một em bé lại được Chúa Giêsu làm nổi bật khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tuy em thấp cổ bé miệng và phần ăn mà em mang theo lại ít ỏi, nhưng em có tấm lòng to lớn và số lương thực ít ỏi của em lại làm phát sinh một ngưồn thực phẩm dồi dào cho nhiều người. Đây chính là chuyện nhỏ hóa thành chuyện lớn. Thật vậy, với quyền năng của Thiên Chúa, mọi sự nhỏ nhặt đều có thể phát sinh những hiệu quả phi thường. Hơn nữa, tình yêu thương bao giờ cũng lớn hơn mọi thứ trên đời, vì bản chất của yêu thương là vượt qua mọi biên giới để tạo phúc lợi cho người được yêu thương. Như thế, tình yêu thương của Thiên Chúa còn vô ngần, vô lượng biết mấy đối với những gì Ngài đã tạo ra. Chính với tình yêu đó mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ nầy.
Câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều còn cho thấy một khi con người hơp tác với Thiên Chúa thì phúc lợi sẽ nảy sinh cho con người. Thiên Chúa ban cho con người mọi khả năng cần thiết thì Ngài cũng mong đợi con người dùng những khả năng đó để hợp tác với Ngài trong các sinh hoạt, để mưu cầu lợi ích cho con người. Vì thế, thái độ ‘nằm chờ sung rụng’ không phải là thái độ của các tín hữu chân chính. Mặc dù người tín hữu được mời gọi phó thác vào tình yêu quan phòng của Chúa, nhưng phó thác không có nghĩa là thụ động hoặc lười biếng mong chờ Chúa làm hết mọi sự, hay kỳ vọng Ngài phải trả lời lập tức cho ta. Hiểu theo đúng nghĩa thì phó thác chính là cố gắng làm hết sức mình và phần còn lại là phần của Chúa, hãy để cho Chúa làm.
Trong sách Các Vua, câu chuyện ngôn sứ Êlisa được biếu hai mươi cái bánh lúa mạch và một ít cốm, và mặc dù đứa tiểu đồng bảo là sẽ không đủ hết cho mọi người, ông Êlisa vẫn bảo; “Cứ phân phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế nầy: Họ sẽ ăn mà vẫn còn dư”. Quả thực, dân chúng ăn no mà thức ăn vẫn còn dư dật như lời Chúa phán. Từ câu chuyện nầy cũng như việc hóa bánh trong Tin Mừng Gioan hôm nay, chúng ta mới thấy hồng ân Chúa ban lúc nào cũng dư đầy. Bình thường chúng ta ít khi để ý, nhưng nếu ngồi nghĩ lại về dòng đời, mỗi người sẽ nhận thấy ân sủng rót xuống trên chúng ta rất nhiều, rất đa dạng và đến từ rất nhiều nguồn gốc khác nhau. Chính vì thế, thái độ của chúng ta là cảm tạ, kính mến và phó thác đối với Chúa. Ngoài ra, chúng ta còn thấy Chúa Giêsu bảo các môn đệ thu lại số thức ăn còn thừa. Chúa bảo: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. Hành động của Chúa nhắc chúng ta hãy quý trọng những gì Chúa ban từ vật chất, thể xác đến tinh thần và đừng phung phí ơn lành của Ngài.
Tôi liên tưởng đến một nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ, ông Benjamin Franklin, một nhà vật lý học, một chính trị gia, một nhà phát minh, một nhà hoạt động xã hội…Với những đóng góp và di sản bất hủ để lại cho đời, chân dung của ông đã được nhìn thấy ở nhiều nơi, điển hình như trên tờ 100 Mỹ kim (từ 1928 đến nay). Ông đã từng phát biểu như sau: “Thiên Chúa giúp những ai tự giúp chính mình”. Vì vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cộng tác với Chúa để đem lại phúc lợi cho mình và cho tha nhân. Điều quan trọng tiên quyết là lòng quảng đại để quan tâm đến người khác như Chúa Giêsu đã nhìn thấy đám đông đang cần lương thực. Lòng quan tâm đó đã dẫn tới hành động cụ thể chứ không chỉ trên lý thuyết. Nhiều lúc chúng ta tuy có lòng quảng đại và quan tâm, nhưng lại cảm thấy mình tài hèn sức mọn, e không làm gì được. Lúc đó nên nhớ rằng Chúa chỉ cần chúng ta làm hết sức mình thôi.
Mỗi lần kết thúc Thánh Lễ, chúng ta đều nghe “Thánh Lễ đã xong, chúc anh chị em về bình an”. Về bình an nhưng không thể ‘bình chân như vại’ được. Chúa Giê su vẫn tiếp tục cất tiếng bảo “Anh em hãy lo cho họ ăn” và nhất là Ngài vẫn muôn đời đặt câu hỏi “Ở đây anh em có mấy chiếc bánh?”. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục “chạnh lòng thương” còn tấm lòng chúng ta thì sao? Linh mục Phạm Quang Hồng sưu tầm.