(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ
Nhìn lại thời gian ở tù, tôi vẫn còn nhớ rất rõ những Thánh Lễ được lén lút cử hành trong buồng 2 khu B thuộc trại giam T4 Phan Đăng Lưu trước chợ Bà Chiểu. Lúc đó trong buồng có cả thảy 6 vị linh mục đồng tế trong âm thầm và thật kín đáo. Giờ lý tưởng nhất để cử hành Thánh Lễ là ngay sau khi trại giam phát cho các tù nhân mỗi người một ca nước nóng, thông thường là độ chừng 8 giờ 30 sáng. Những ‘đại gia’ có thăm nuôi sẽ dùng nước nóng để ăn mì gói hay ngâm cớm dẹp hoặc pha cà phê, những ‘kẻ mồ côi’ thì đành thưởng thức từng hớp nước nóng trong khi mũi thì hít thật nhiều và thật sâu hương vị mì gói hay cà phê cho đỡ thèm !
Lúc đó các tù nhân công giáo sẽ ngồi tại chỗ của mình như đang tận hưởng từng hớp nước nóng nhưng tâm trí thì hướng về vị linh mục chủ tế. Chúng tôi cứ như thế mà tham dự từng Thánh Lễ thật sốt mến dù cho không có đèn nến, không có sách lễ, không có chén thánh, không có lễ phục, không có thừa tác viên giúp lễ, không có đối đáp và cũng không có ca đoàn hát xướng chi cả ! Nhưng những Thánh Lễ ấy thật linh thiêng và trang trọng vô cùng. Tôi có thói quen chăm chú nhìn làn hơi nước bốc lên từ ca nước nóng mà thầm thưa với Chúa rằng Thánh Lễ con đang tham dự là Thánh Lễ có xông hương đàng hoàng, long trọng lắm Chúa ơi !
Phần chịu lễ cũng diễn ra thật kín đáo và khéo léo để tránh những con mắt rình mò của đám ‘ăn ten’, nhờ vậy nên các tù nhân công giáo nhận được sự an ủi và nâng đỡ thiêng liêng rất hữu hiệu hầu đủ sức vượt qua những gian truân của kiếp sống trong tù. Cha cố Giuse Tiến Lộc đã được người chị gửi vào một ít ‘bánh tráng vụn’, thật ra đó là những phần còn dư lại khi người ta cắt bánh lễ, kèm theo là một lọ ‘rượu thuốc trị thấp khớp’, nhờ đó mà mỗi Thánh Lễ được cử hành, tuy trong hoàn cảnh thật đặc biệt và thiếu thốn nhưng vẫn có đầy đủ bánh và rượu. Đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Sự hiện diện của Ngài trong Bí Tích Thánh Thể khi các Thánh Lễ trong tù còn được tiếp diễn ở nhà giam Chí Hòa và ở thung lũng tử thần A 20 Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Khánh. Tôi trân trọng quý yêu các Thánh Lễ ấy.
Ngôn ngữ chúng ta có câu : “Bụt nhà không thiêng” hay : “Quen quá hóa nhờn”. Đúng vậy, sự quen thuộc về một con người hay một sự vật thường làm cho chúng ta không còn coi trọng người đó hay sự vật đó nữa. Điều này xảy ra cho Chúa Giêsu khi Ngài trở về thăm quê hương của mình là làng quê Nazarét. Các người ‘đồng hương’ đã rất ngạc nhiên bởi vì trước đây họ chưa từng thấy tài ăn nói khôn ngoan của chàng thanh niên con trai ông thợ mộc Giuse. Từ thái độ ngạc nhiên, họ đi đến việc lục lại ‘lý lịch trích ngang’ của Ngài, tất cả đều rất tầm thường, nên họ đi đến việc từ chối và không tin vào Ngài. Kết quả là họ bỏ mất cơ hội đón nhận ơn lành Chúa ban. Nơi đó Chúa Giêsu đã không thể làm phép lạ cho họ bởi vì họ không có lòng tin.
Chúng ta có thể cảm thấy khó chịu khi dân Nazarét coi thường và không tin vào Chúa Giêsu, nhưng cũng không nên quên rằng chính chúng ta cũng có thể rơi vào thái độ đó trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống hằng ngày. Nhiều lần đọc kinh, chúng ta đọc theo thói quen và nghĩ rằng mình đã thuộc lòng từ lâu, nên không chịu suy nghĩ từng lời kinh mình đọc. Từ đó, theo thiển ý tôi, hai chữ ‘đọc kinh’ không có ý nghĩa bằng hai chữ ‘niệm kinh’ của Nhà Phật. Rất nhiều khi chúng ta không nếm được ý nghĩa sâu xa của từng lời kinh và đem ra thực hành trong đời sống. Vì vậy, ‘đọc kinh’ mà không suy niệm từng lời kinh thì mới chỉ đi có một phần ba đường mà thôi. Bởi lẽ, mỗi lời kinh đòi hỏi ba việc : 1.Tuyên xưng bằng miệng (đọc thành lời). 2.Suy niệm ý nghĩa từng chữ. 3. Thực hành lời kinh trong cuộc sống mỗi ngày. Đối với Thánh Lễ cũng vậy, chúng ta tham dự một cách máy móc theo thói quen hay xem như một bổn phận mà chúng ta bị bắt buộc phải làm. Khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa công bố trong Thánh Lễ (hay khi chúng ta đọc Kinh Thánh trong thời gian riêng tư), chúng ta cũng nên luyện tập để thực hiện ba việc vừa nói trên. Đó là một thao luyện rất đáng làm.
Trong các quan hệ của chúng ta với người khác cũng vậy, chúng ta cần có thái độ cởi mở để đón nhận và lắng nghe. Với thái độ như thế, chúng ta sẽ nhận ra nhiều điều tốt đẹp nơi người chung quanh. Vì quá quen mặt, chúng ta sẽ ‘nhàm’ nên không nhận ra những điều tốt đẹp nơi tha nhân. Và khi chúng ta không nhận ra những điều tốt đẹp nơi người thân cận thì chúng ta sẽ thiếu tâm tình tri ân đối với những người đang chia sẻ cuộc sống với mình. Chúng ta sẽ bỏ mất cơ hội để đáp lại lòng tốt của họ và như vậy cũng đánh mất cơ hội để xây dựng mối liên hệ yêu thương trong gia đình hay ngoài xã hội. Cũng vì quá quen thuộc, nên nhiều khi chúng ta không nhận ra sự khôn ngoan của người chung quanh. Từ đó, chúng ta cũng đánh mất cơ hội để làm giàu cho kiến thức của chính mình. Hãy ý thức và trân trọng những gì mình đang có, đừng để sự ‘nhàm chán’ xen vào cuộc sống khiến chúng ta không thấy gì đáng yêu đáng quý trên cuộc đời nầy. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV CN XIV TN B.pdf