LÁ THƯ MỤC VỤ
Bị giam giữ trong các phòng tập thể ở những trại ‘tạm giam’ như : Thủ Đức, Phan Đăng Lưu, Sở Công An vả khám Chí Hòa, tôi được ‘ở không’ suốt ngày, nghĩa là hoàn toàn ‘rảnh rang’ từ sáng đến tối, nhưng vì phải ở chung với nhiều tù nhân khác nên thời giờ riêng tư trở thành ít hơn so với thời gian bị cùm chân và còng tay một mình ở buồng tối biệt giam trại ‘Con Gà Quay’ Thủ Đức. Từ lúc chào đời cho đến năm 28 tuổi (tôi bị bắt ngày 03 tháng Giêng năm 1978), chưa bao giờ tôi bị cô lập (nghĩa là phải ở một mình) lâu đến như vậy.
Bị cô lập đã là hình phạt đáng sợ lắm rồi, nhưng cái tối tăm còn đáng sợ hơn nhiều. Tối kinh dị, tối khủng khiếp ! Lúc cửa mới đóng sầm lại, tôi cứ tưởng vì từ nơi sáng mới vào nên mắt không thấy gì, hy vọng dần dần mắt sẽ quen. Nhưng sau một ngày, rồi một tuần, rồi một tháng…mắt tôi vẫn không thấy gì, tôi đành phải chấp nhận cái địa ngục tối tăm này. Tối đen như mực, tối hơn đêm ba mươi, tối đến độ hai cái đầu gối đang ở trước mặt mà cũng không nhìn thấy. Điều sợ hãi nhất là không biết phải sống trong tối tăm cho đến bao giờ ?
Trước tiên, bóng tối làm tôi nghẹt thở, tôi có cảm giác như có cái gì nặng lắm đè lên lồng ngực khiến việc hít thở rất khó khăn, tôi cố sức hít thật sâu nhưng không khí không vào. Năm đó tôi vừa tròn hai mươi tám tuổi, cũng không bị suyễn bao giờ, bỗng dưng rơi vào tình trạng không thở được, tinh thần tôi hạ xuống rất nhanh, tôi hoang mang, thất vọng. Nhiều lần tôi mơ thấy mình bị rơi xuống một vực sâu, tôi chới với la hét, cố bám víu vào bất kỳ vật gì để khỏi rơi xuống tới tận đáy vực, nhưng toàn thân trở thành bất lực !
Vì không phân biệt được ngày và đêm, nên ý niệm về thời gian dần dần biến mất. Tôi chỉ biết một điều là mình còn sống – tạ ơn Chúa – thế thôi ! Thú thật đã có lúc tôi đánh mất ý nghĩa của cuộc sống, sống như thế này thì sống để làm gì ? Đã có lần tôi xin Chúa đem tôi đi, xin Ngài giải thoát tôi khỏi cái cảnh khổ nhục này. Chính cái cảm giác sống vô dụng ấy đã mở đường cho nỗi cô đơn khủng khiếp nhất trong đời tôi. Tôi thèm được nghe một tiếng người, tôi khát khao được trông thấy một ai đó, tôi ước muốn một liên hệ. Đúng vậy, tôi rất cần sự hiện diện của ‘người khác’, bất luận ‘người khác’ đó là ai miễn là một con người.
Đến một lúc nào đó (tôi không nhớ rõ) ý thức trân quý mạng sống trở về với tôi vì tôi chỉ có một mạng sống mà thôi, và đó là món quà quý báu nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho tôi, nên nhất định tôi phải sống. Hoàn cảnh biệt giam lại rất thuận lợi cho việc tiếp xúc với Thiên Chúa, thuận lợi thứ nhất vì chỉ còn biết bám víu vào Ngài mà thôi; thuận lợi thứ hai là thời giờ hoàn toàn thuộc về quyền sở hữu của chính tôi; thuận lợi thứ ba là đâu có ai làm cho tôi phải phân tâm, nhất là không có ai báo cáo về việc vi phạm nội quy cấm thực hành tôn giáo của trại giam; thuận lợi cuối cùng là đâu phải lo toan bất kỳ việc gì vì mọi thứ đã có Nhà nước lo (cơm bưng nước rót ngày ba bữa, tắm rửa thỏa lòng mặc sức chơi) . Có thể nói đó là thời gian tôi tiếp xúc thường xuyên và nhiều lần nhất với Chúa hơn bất cứ lúc nào trong đời tôi mãi cho tới hôm nay.
Bước vào tuổi về hưu, chính tôi tự vấn lương tâm và nhận ra rằng hiện nay thời giờ tôi dùng để làm việc rất nhiều, kế đó là nghỉ ngơi và giải trí, còn thời giờ dùng để cầu nguyện thì ít lắm so với 3 điều trên. Mặc dầu tôi vẫn biện luận rằng đang khi làm việc tôi dâng những gì mình làm cho Chúa tức là tôi liên lỉ cầu nguyện rồi còn gì ? Nhưng tôi thấy vẫn có cái gì không ổn cho riêng tôi, nhất là sau khi suy ngẫm bài Tin Mừng hôm nay và đối chiếu với gian đoạn tôi bị nhốt trong biệt giam tối tăm hơn 46 năm về trước.
Tin Mừng trình bày một ngày của Chúa Giêsu. Ngài giảng dạy tại hội đường ở Caphácnaum, Ngài cho bà mẹ vợ của ông Simôn khỏi cơn sốt, chiều đến ngài chữa lành những người bệnh hoạn, tật nguyền và trừ quỷ. Sáng sớm hôm sau, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy để đi ra nơi hoang vắng và cầu nguyện. Như thế, Chúa Giêsu dành ra thời gian để ăn uống, ngủ nghỉ sau một ngày làm việc từ sáng đến tối, nhưng Ngài không bao giờ quên dành thời giờ để tiếp xúc với Cha của Ngài.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng tiếp tục kêu gọi mỗi người chúng ta cố dành thời giờ cho việc cầu nguyện. Cầu nguyện rất cần thiết vì đó là hơi thở của linh hồn. Khi chúng ta dành thời giờ để cầu nguyện, chúng ta mới tạo dựng được sự quân bình cho cuộc sống. Ba yếu tố cần thiết để tạo lập quân bình cho cuộc sống là : Hoạt Động, nghỉ ngơi và cầu nguyện. Khi hoạt động, chúng ta làm tất cả những việc cần thiết để mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho người khác. Khi nghỉ ngơi chúng ta bồi dưỡng cơ thể của mình. Khi cầu nguyện chúng ta bồi dưỡng đời sống tâm linh tức là nuôi sống linh hồn mình. Việc cầu nguyện giúp chúng ta lớn lên trong đức tin và trong tư cách làm người. Xin Chúa giúp chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu. Linh mục Phạm Quang Hồng.