(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ
Mùa Chay khởi sự từ thứ Tư lễ Tro (đúng vào Mồng Năm Tết). Đang ‘Ăn Tết’ mà phải ‘Ăn Chay’ khiến nhiều người lầm tưởng chúng ta bước vào Mùa Thương Khó, suy niệm về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Thưa chưa ! Đó chỉ là con đường dẫn chúng ta đi trong 40 ngày để tiến dần đến chân thập giá hầu nếm một thứ Xuân Mới, Xuân Vĩnh Cửu ! Không ai có thể thưởng thức Mùa Xuân bất diệt ấy mà không học cách phải phấn đấu. Đó là lý do Phụng Vụ nhắc lại việc Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, mà cũng bị cám dỗ nơi sa mạc suốt 40 ngày.
Thánh Mác-cô nhấn mạnh con số 40 ngày để gợi lại 40 năm dân Israel đi trong sa mạc để chịu thử thách. Nào là họ đã bị cám dỗ nặng nề khi thiếu ăn, thiếu uống. Nào là họ bị lôi cuốn muốn chạy theo các tà giáo ở đất Canaan. Nào là họ ước ao tôn thờ các ngẫu tượng. Nào là họ thèm thuồng của cải vật chất và phàn nàn muốn thử thách Chúa. Lần nào Lời Chúa cũng khuyên can họ, đừng sống vì miếng ăn, đừng hoài nghi quyền năng và tình thương của Chúa, nhất là chỉ tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi. Hôm nay Chúa Giêsu lặp lại những lời Kinh Thánh nầy để xua đuổi 3 cơn cám dỗ mà xưa kia con cái Israel đã vấp ngã. Phải chăng Ngài muốn gỡ lại cho loài người những lần thất bại trước đây ? Ngài đã làm lại cuộc hành trình vào ‘Đất Hứa’ mà toàn thắng Satan để cứu vớt những ai sa ngã trong Cựu Ước, đồng thời Ngài bảo đảm phần chiến thắng cho chúng ta nữa.
Chúng ta có quyền liên kết câu chuyện cám dỗ của Chúa với cơn thử thách nặng nề nhất đang chờ Ngài trên thập giá không ? Hãy đọc câu kết của thánh Luca : “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi mà chờ đợi thời cơ”. Thời cơ nào vậy ? Trong cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đụng độ với Satan nhiều lần, đặc biệt khi Chúa chữa những người bị quỷ ám. Nhưng thời cơ quyết liệt nhất chính là cuộc khổ nạn trên thập giá ! Cuối cùng Chúa đã thắng, vì trong suốt cuộc đời trần gian, Ngài chẳng nhượng bộ Satan một điểm nào.
Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu bao gồm mọi hình thức cám dỗ trong cuộc đời mỗi người chúng ta, đó là những cám dỗ về vật chất, quyền lực và danh vọng. Trong cái xã hội thu nhỏ của nhà tù nhất là sống sát cạnh bên nhau 24/7 hết tháng nầy qua năm khác, tôi thấy khá rõ về ba loại cám dỗ nầy nơi các anh em tù nhân. Đói khát vật chất là điều đương nhiên, ai cũng đói ai cũng thèm một miếng ăn. Cái dạ dày bị cám dỗ triền miên khiến tù nhân phải tìm tòi, phải thật sự ‘tháo vát’ để có cái gì đó mà bỏ vào cho dạ dày bớt kêu gào. Cơn cám dỗ nầy có thể lý giải và chấp nhận được, là vì chế độ ăn uống của trại tù cộng sản là một cỗ máy ‘huỷ diệt’, trực tiếp giết thì mang tiếng trước công luận, nên cứ âm thầm mà giết một cách gián tiếp thì che mắt thiên hạ dễ dàng hơn !
Hai cơn cám dỗ về danh vọng và quyền lực thì sao ? Ở tù mà còn ham muốn danh vọng và quyền lực để làm gì chứ ? Nên nhớ, trong thế giới tư bản, kẻ có vật chất sẽ dễ có danh vọng và quyền lực (nhìn lại cuộc tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay). Còn ở dưới chế độ cộng sản, ai có quyền lực thì ắt sẽ có vật chất và danh vọng (nhìn vào xã hội Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ thấy ngay). Thế nên trong tù, vẫn có nhiều người dùng đủ mọi thủ đoạn để được cai tù chọn làm trật tự, hay trưởng ban gì đó, hay làm đội trưởng hoặc nhà trưởng. Với những ‘chức vụ’ đó, họ có thể đi lao động ‘tự giác’ (nghĩa là đi làm một mình, chẳng còn bị canh gác), rồi họ có chỗ nằm tốt hơn, lao động ‘nhẹ’ hơn, phần ăn được ‘cải thiện’ hơn, ưu tiên cứu xét ‘ân giảm ân xá’ để được thả về sớm hơn…Cám dỗ loại nầy mãnh liệt lắm, khó mà chống cự lại, thậm chí nhiều bậc vị vọng đã sa ngã !
Chung quanh chúng ta, vẫn còn rất nhiều người dù đã dư cơm ấm áo, của cải vô số, nhưng lòng tham như không đáy thôi thúc họ tìm mọi cách để vơ vét từ người khác, nhất là từ những người nghèo nàn và cô thế cô thân. Dù chẳng ai dám đụng đến họ, nhưng vì những suy tính điên cuồng, chỉ muốn làm bá chủ quyền lực, mà một số nhà lãnh đạo đã trở nên ‘hèn với giặc, ác với dân’, tán tận lương tâm bán đứng phần đất thiêng liêng của tổ quốc để đổi lấy hai chữ quyền lực và danh vọng . Những cám dỗ ấy cũng không tha cho bất kỳ ai và rất nhiều khi chúng ta cũng đã vấp ngã. Chỉ khi nào chúng ta học bài học từ Chúa Giêsu, hãy dùng Lời Chúa để chế ngự cám dỗ thì chúng ta mới có hy vọng lướt thắng sức hấp dẫn của những cám dỗ ấy. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV CN I MC B.pdf