(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Để đạt đến tình yêu “tình yêu thập giá,” có mấy ai trong chúng ta làm được điều đó. Khi đạt tới mức tình yêu thập giá là chúng ta đã thực hiện cuộc sống này tới mức tối thượng, biết mình biết ta. Sống ý nghĩa thập giá quả là một nghệ thuật, một lý tưởng sống mà nhiều kitô hữu hằng mơ ước. Cho nên đỉnh cao của thập giá là tình yêu độ lượng, khiêm nhu, bao dung và tha thứ. Ở đâu có thập giá ở đó có thiêng đàng, có bình an, có nhân bản và có thứ tha. Để hiểu được tình yêu thập giá đúng nghĩa và trọn vẹn chúng ta không học ở đâu ngoài thập giá Đức Kitô.

Tình yêu thập giá là tha thứ và làm ơn cho người thù ghét mình. Điều này không hề dễ chút nào trong cuộc sống đời thường. Đây còn là đòi hỏi và là điều kiện để đi theo Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo Ta. Chúa Giêsu chỉ rõ cho chúng ta thấy, thế nào là theo Chúa trên con đường thập giá mà chính Ngài đã đi qua. Con đường thập giá của bản thân chính là nhân tố tất yếu để xây dựng tình yêu trong một xã hội đầy sự ghen ghét, hận thù và phi nhân tính. Để mạnh dạng bước trên con đường thập giá ấy chúng ta cần phải quên mình đương đầu với nhiều bất công nhằm mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, thì đó mới là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta thực sự dùng thập giá là phương cách để mang tình yêu của Chúa đến tha nhân thì xã hội này sẽ giảm bớt rất nhiều tranh chấp và hận thù, mặt khác đem lại rất nhiều sự ủi an, tự do, bình an và yêu thương.

Chúng ta hay cho rằng: Thập giá Chúa Giêsu thường làm đảo ngược cuộc sống và các bậc thang giá trị của chúng ta. Thập giá là tiêu chuẩn sống và lối suy nghĩ đi ngược với cách hành xử của chúng ta và không theo định luật của thế gian. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã dạy: “đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án, hãy tha thứ và sẽ được thứ tha và yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.” (Lc 6:36-37). Thập Giá Chúa đòi chúng ta phải thay đổi hoàn toàn tâm thức, thậm chí còn đòi hỏi chúng ta phải đi ngược dòng chảy của xã hội, đến nỗi chúng ta còn bị đào thải ra nguồn chảy đó. Chính vì vậy chúng ta tưởng chừng bị đánh mất chính mình, nhưng tất cả đều ngược lại, và chúng ta lại cứu vì danh Chúa Giêsu và vì Tin Mừng của Ngài. Thập Giá còn là dấu chỉ của sự mâu thuẫn, tuy nhiên những ai theo Chúa với tâm hồn khiêm tốn mới chấp nhận những đề nghị của Thánh Giá, mới có thể trở thành Chứng Nhân của Tình Yêu, và mới có khả năng biến đổi thế giới trong hòa bình trật tự, tình thương và liên đới. Bên cạnh đó, những ai theo Chúa thật lòng và thường xuyên suy niệm mầu nhiệm thập giá, thì mới có thể nhận ra những dấu chỉ của thời đại và những ai nhận thức được những sự kiện lớn nhỏ, khổ đau, thất bại trong đời mình dưới lăng kính tình yêu của thập giá, thì mới có khả năng hiểu được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ.

Thánh Phaolô đã bị quật ngã trên đường vì truy nã những người tin vào Chúa Kitô trên đường đi Đamas. Chính trong tình huống đặc biệt đó, Thánh Nhân đã gặp Đức Kitô Phục sinh, nhưng sau đó khám phá ra rằng, Đức Kitô Phục sinh chính là Đấng đã chịu đóng treo trên thập giá. Đối với Phaolô, thập giá và phục sinh là hai biến cố không thể tách lìa. Thập giá là sức mạnh của Thiên Chúa bởi vì nó mang trong mình quyền năng của Đấng Phục sinh. Ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Kitô chịu đóng đinh. Và đó là cách thể hiện tình yêu của Ngôi Hai Thiên Chúa “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Thánh Phaolô đã nhắc nhở các tín hữu: “Anh em đã được chuộc lại bằng một giá rất đắt là chính bửu huyết của Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,7).

Thập giá là điều mà thế gian chối bỏ và khinh thị, là điều mà bản tính nhân loại ghê tởm và lý trí con người không thể chấp nhận. Thậm chí thế gian còn khủng bố, bách hại những ai yêu mến Thập Giá. Trong bối cảnh đó, Phaolô không ngừng lên tiếng để khẳng định rằng: “Thập giá là sự can thiệp quyền năng của Thiên Chúa vào trong thế giới để cứu độ con người.” Do đó, thập giá là phương thế duy nhất đem lại ân sủng cho con người và giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết. Với một niềm xác tín sâu xa về vai trò trung tâm của Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phaolô tuyên bố: “Tôi không muốn biết điều gì giữa anh em, ngoại trừ Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2,2).

Về phần chúng ta, chúng ta sống tình yêu của mình ở mức độ nào đối với Thập Giá? Tình yêu dành cho Đức Kitô có giúp mỗi người trở nên lời chứng mạnh mẽ cho thấy Nước Thiên Chúa vượt trên mọi thực tại trần thế? Tình yêu dành cho Đức Kitô có giúp cho chúng ta và nhân loại vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống? Nếu tình yêu thập giá của chúng ta luôn là sự liên đới mật thiết, và được thể hiện cụ thể trong niềm tin và hy vọng vào Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, sẽ là sức mạnh tâm linh có thể hoán đổi tâm thức, não trạng và thái độ tục hóa của thế gian. Với một tình yêu hiệp nhất trong đức tin và một niềm hy vọng vào thập giá Giêsu Kitô, sẽ biến đau khổ của thập giá trở thành giá trị đích thực của tình yêu dành cho nhân loại, đồng thời giúp chúng ta kiết tạo tâm thức bình đẳng tự do và hạnh phúc trong tình yêu Đức Kitô chịu đóng đinh. Lm Nguyễn Kim Sơn

LÁ THƯ MỤC VỤ 24 TN B 12.09.21.docx