(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Từ cổ tới kim, con người dù sống trên bất cứ nơi đâu, thuộc mọi sắc dân nào, cũng không tránh khỏi định luật tự nhiên là phải chết. Tất cả đều mang tâm trạng giống nhau, không phân biệt sang hèn, sắc tộc mầu da. Nước mắt ngậm ngùi xót thương cho nỗi chia ly, nhớ nhung cũng như nhau. Con người khi được sinh ra đời, sự chết cũng được sinh ra, giống như hai anh em sinh đôi trong cùng một thân xác, và chúng hằng song hành với nhau trong suốt cuộc đời. Cái chết giống như cái bóng lúc ẩn lúc hiện, rình rập trong người mà mình không để tâm đến. Một ngày nào đó cái chết đến như một tên trộm, giống như một nhát dao cắt đứt mọi thứ trong cuộc sống hiện tại. Nhát dao ấy ngăn cách âm dương vĩnh biệt. Cái chết vẫn là một mầu nhiệm làm chúng ta thường run sợ, ngay cả Chúa Giêsu khi Ngài ở trong vườn Cây Dầu cũng run sợ khi đang đối diện trước cái chết. Cái chết đưa đến sự chia ly ngăn cách, nên khi người thân yêu của chúng ta ra đi, để lại cho người ở lại sự thương tiếc nhớ nhung và nước mắt.

Thánh Sử Gioan (11:11) và Mathew (9:24) đề cập Chúa Giêsu luôn gọi cái chết là một giấc ngủ đơn sơ và tạm bợ. Nấm mồ là một nơi người ta nghỉ ngơi trong lúc chờ đợi thức dậy. Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Lazarô, bạn của chúng ta đang yên giấc, tuy vậy Thầy đi đánh thức anh ấy dậy.” Còn Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô rằng: “Hỡi người đang ngủ, hãy tình giấc, ngày đã sáng rồi. Từ kẻ chết, ngươi hãy chỗi dậy, và được sáng ngời.” (5:14) Đối với Chúa Giêsu, chết không phải là kết thúc, nhưng nó chỉ là một trạm dừng chân để con người tiếp nối và gia nhập vào cuộc sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Những ai đã ngủ yên trong Đức Giêsu, thì Thiên Chúa sẽ dẫn đưa họ cùng đi với người, bởi vì Đức Giêsu đã sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vì thế, cái chết của Lazarô là một mặc khải về mầu nhiệm của sự chết, mà Chúa Giêsu chính là người đã chiến thắng để bước vào vinh quang phục sinh.

Chúng ta thử nhìn xem cảm xúc rất thật trong con người của Chúa Giêsu, Ngài đồng cảm với hai chị em, Ngài chia sẻ sự mất mát đó. Trái tim của Chúa cũng xao xuyến như bao người khác, bằng những giọt nước mắt tiếc thương giữa tình cảm con người đối với nhau. Tự trong sâu thẳm tâm hồn, Chúa Giêsu cũng cảm thấy mất đi một người thân, một người bạn mỗi khi cần đến sự chia sẻ ủi an. Tình cảm của Chúa Giêsu đã biểu lộ trên khuôn mặt của Ngài, cùng sự thổn thức xót xa trong lòng đến bật khóc, nên những người Do Thái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh Lazarô biết chừng nào.” Nào ai thấu hiểu cảm giác thật của Chúa trong lúc này!

Chúng ta cũng hãy thử nhìn xem cảm xúc của Hai chị em Matta và Maria lúc này, có lẽ họ cũng trông đứng trông ngồi, bồn chồn sốt ruột đợi Chúa Giêsu đến. Họ cũng hoàn toàn giống như chúng ta, họ cũng đang bày tỏ nỗi lòng đầy đau thương trước sự ra đi của em mình, là Lazarô. Họ cũng rất đâu buồn thương tiếc, vì Thầy Giêsu không có mặt lúc này, nên sự sống lại em của mình chẳng còn một chút hy vọng nào. Đến nỗi khi Chúa Giêsu đến, họ trách Chúa rằng: “Nếu Thầy ởđây thì em con không chết.” Nghĩa là tại sao Thầy đến trễ quá? Nhưng, đây là một sự trách móc đầy yêu thương và tín thác vào Chúa Giêsu, vì chị Matta hoàn toàn tin tưởng rằng: Nếu Chúa Giêsu xin điều gì cùng Thiên Chúa Cha, Người cũng sẽ ban cho. Vì thể Chị Matta không chút do dự, khi Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽđược sống lại. Ai sống và tìn vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” Chị có tin thế không? Và Chị đã thưa rằng: Thưa Thầy, Có!

Đây là câu trả lời xác tín độc nhất, nghiêm chỉnh và long trọng của Chị Matta với Chúa Giêsu. Câu xác tín này cũng đang hỏi mỗi người chúng ta khi phải đối diện với cái chết từng ngày. Điều quan trọng là qua cuộc sống thực tại hàng ngày, nếu chúng ta chuẩn bị cho cái chết, thì lúc đó sự chết không còn cảm giác bi thảm chia lìa, không còn là nỗi ám ảnh đầy sợ hãi nữa, nhưng thay vào đó là một sự hạnh phúc bình an, vì chính cái chết là cánh cửa giúp chúng ta có thể bước qua một cuộc sống mới, đầy niềm vui hạnh phúc, và được chiêm ngắm Thiên Chúa là Cha chúng ta. Nếu chúng ta không chuẩn bị cho ngày chết thì làm sao chúng ta có cơ hội mà bước vào đời sống vĩnh cửu được. Từng ngày, từng giờ sống, là từng ngày, từng giờ cái chết cũng đang đến gần. Chỉ có một điều là chúng ta có tỉnh thức và sẵn sàng hay chưa?

Phép lạ của Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại, nhắc nhở cho chúng ta hiểu được rằng: Sự sống đời này chỉ là một thứ tạm bợ và sẽ xảy ra cho hết mọi người theo định luật tự nhiên. Do đó qua trình thuật về câu chuyện của Matta và Maria, Chúa Giêsu muốn dạy mỗi người phải luôn biết cậy dựa và tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa, cho dù kẻ đã chết cũng sẽ được sống. Điều cần thiết nhất, là chúng ta phải xác tín rằng: Chúa Giêsu có uy quyền trên sự sống và sự chết. Phép lạ Ngài làm, giúp cho những người không tin, thì nay tin; những người yếu lòng tin thì nay tin mạnh hơn. Phép lạ này giúp cho mỗi người có một niềm hy vọng tuyệt đối vào sự phục sinh. Vậy mỗi người chúng ta hãy sống gắn bó đời mình vào Đức Giêsu Phục Sinh và hãy tạo cho mình một kho tàng nước trời mai sau. Còn cách thức thực hiện như thế nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi người chúng ta.

Lm. Nguyễn Kim Sơn

LTMV V MC A.docx