|
Hôm nay, Ba Nhà Đạo Sĩ trên đường tìm đến thờ lạy Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Họ là những người phương xa, không có đạo hay nói cách khác các ông không biết gì về Đấng Kitô sẽ xuất hiện. Các ông chỉ tìm đến Chúa theo ánh sáng của ngôi sao lạ. Câu hỏi ở đây là làm sao các nhà chiêm tinh đã nhận biết được ngôi sao kỳ lạ đó? Lý do nào mà các ông đến từ những nơi khác nhau, nhưng đều có cùng một nhận thức chung? Điều gì mách bảo các ông lên đường kiếm tìm Hài Nhi Giêsu? Nếu đó là một ngôi sao sáng khác thường, thì làm sao những người khác không nhận thấy? Một loạt câu hỏi được đặt ra hôm nay cũng không thể lý giải được mọi thắc mắc của những người thời đó và cả chúng ta nữa.
Thánh Sử Matthêu viết đoạn Tin Mừng này để làm nổi bật về sự xuất hiện của Chúa Giêsu không những cho người Do Thái, mà còn cho toàn thể nhân loại. Lời Thánh Kinh là một ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp các ông sáng lên niềm tin. Nhưng chính Đức Giêsu mới là ngôi sao mai dẫn họ đi vào một con đường mới, con đường của tình yêu và đức mến. Chính ngọn lửa của đức mến và sức mạnh của niềm tin đã làm cho các ông được biến đổi, đã dám hy sinh đánh đổi cả tính mạng để kiếm tìm một Vị Vua, một Vị Cứu Tinh, nhưng không phải một Vị Vua ngự giữa hoàng cung uy linh lộng lẫy, mà là một Vị Cứu Tinh mới sinh ra trong nơi bần cùng nhất ở Bêlem để thờ lạy Ngài.
Ngày xưa, các nhà chiêm tinh là những nhân chứng hùng hồn nhất để diễn tả ơn cứu độ của Thiên Chúa bao nhiêu, thì ngày nay Chúa cũng cần mỗi người chúng ta có một đức tin khiêm nhường để trở thành một vì sao soi dẫn mọi người đến với Chúa.
Là kitô hữu, chúng ta phải hiểu rằng: Thiên Chúa không phải là của riêng người công giáo mà là Thiên Chúa của mọi người, và Giáo Hội không chỉ là của riêng người có đạo mà là Giáo Hội của mọi dân tộc, vì Thiên Chúa đến để cứu vớt tất cả mọi người. Thiên Chúa đi tìm con người và con người đi tìm Thiên Chúa. Chúng ta có thấy hai yếu tố quan trọng này trong đời sống Kitô hữu không? Ngày nay có nhiều người đang kiếm tìm Chúa. Nhiều người muốn biết Chúa để bước theo nhưng họ không biết tìm nơi đâu. Là kitô hữu chúng ta cần xác tín rằng, một trong những ngôi sao dẫn đường cho chúng ta hôm nay đến với Chúa là Lời Chúa. Chính nhờ đọc và suy ngẫm Lời Chúa mà chúng ta nhận ra Chúa trong cuộc sống. Phúc Âm sẽ vẽ lên cho chúng ta gương mặt đích thực của Chúa Kitô. Phúc Âm sẽ là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta đến với Chúa Giêsu.
Các nhà đạo sĩ khi nhìn thấy ánh sao lạ, họ đã tin tưởng vào một Đấng Cứu Tinh mà ngôi sao là dấu chỉ, họ vội vã lên đường mà không biết ngôi sao sẽ dẫn đi đâu. Khi ánh sao biến mất, họ không thất vọng, không bỏ cuộc, nhưng dò hỏi tìm kiếm. Hành trình của họ là con đường của đức tin, con đường của họ là con đường thập giá. Để giữ vững đức tin, nhiều khi chúng ta phải can trường lướt thắng bản thân, phải liên lỉ chiến đấu hy sinh, phải anh dũng biểu lộ niềm tin của mình.
Ngày nay, những ngôi sao lạ cũng đang xuất hiện mà chúng ta có nhận ra hay không? Chúng ta hãy quan sát mọi biến cố để nhận biết ơn cứu độ đang quanh ta, và mạnh dạn bước ra khỏi chính mình, mọi gò bó đã làm lu mờ ánh sao lạ lúc ẩn lúc hiện trong cuộc sống. Ngày xưa ngôi sao xuất hiện trên trời ngày nay nó đang xuất hiện trong lòng chúng ta. Thiên Chúa không tỏ cho chúng ta những ánh sao xuất hiện trên trời cao, mà Ngài luôn gieo vào trong lòng chúng ta những ngôi sao lúc ẩn lúc hiện là chính đồng loại mà chúng ta đang cùng sống chung với nhau. Chúng ta cần phải có một tấm lòng khiêm nhường như ba nhà chiêm tinh để vững bước trong hành trình đức tin mỗi ngày để dâng lên Chúa những món quà thật ý nghĩa và thương yêu.
Người Kitô hữu phải cần lan tỏa ánh sáng tin yêu, tin yêu Chúa và tin yêu người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hòa tình người, tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ bất hòa. Tin yêu là lan tỏa sự ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi hơn, gia đình cộng đoàn được chan hòa thân thiện yêu thương hơn. Thiếu ánh sáng là thiếu công bình bác ái, thiếu đạo đức, thiếu hy sinh và tha thứ. Mong chúng ta là những ngôi sao luôn biết tỏa sáng trong mỗi vai trò của mình trong cuộc sống. Lm. Đaminh Nguyễn Kim Sơn