LÁ THƯ MỤC VỤ
Ngoài Lề Luật trong Sách Thánh, các thầy Rabbi còn thêm 248 điều răn và 365 điều cấm. Họ còn phân biệt khoản lớn với khoản nhỏ, điều nặng với điều nhẹ. Đồng thời, một câu hỏi được nêu lên : Có thể tóm tắt toàn thể Lề Luật nhờ một đoạn ngắn và vắn tắt không ? Vài tác giả trong Do Thái Giáo đã đưa ra vài câu trả lời. Chúa Giêsu cũng trình bày nội dung của câu trả lời trong bài Tin Mừng hôm nay. Giáo huấn của Người mang tính cách mới mẻ, vì Người liên kết chặt chẽ lòng yêu mến Thiên Chúa và tình thương đối với tha nhân.
Thành ngữ hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực liên quan đến lòng yêu mến Thiên Chúa, chỉ cường độ và tính cách tuyệt đối của lòng yêu mến đó. Tình thương đối với tha nhân phải đạt tới độ cao nhất , bằng tình thương đối với bản thân, vì theo chiều hướng tự nhiên, ai nấy đều quý trọng, yêu mến bản thân hơn tha nhân. Đó chính là câu “Thương người như thể thương thân”. Hai điều răn đó phải liên kết chặt chẽ với nhau trong cuộc sống cụ thể hằng ngày. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn hai điều răn đó.
Các thầy Rabbi cũng đã từng có những tư tưởng đáng phục về tình người. Nhưng việc nối kết hai luật kính mến Chúa và yêu thương người thành một điều răn thì đây là điều mới mẻ chưa từng thấy trong Do Thái Giáo. Điều này không dễ gì được chấp nhận. “Thương người như thương chính mình” theo Chúa Giêsu thì không thể dừng lại ở những cấm đoán, những giới răn. Đó chính là tinh thần “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” nghĩa là mình đừng làm cho người khác những điều mà mình không muốn người khác làm cho mình. Nhưng kiểu ‘thương người’ như thế chẳng khác nào như thương hòn đá bên lề đường hay thương các ngôi sao của giải Ngân Hà, chưa phải là ‘như thương chính mình’ thực sự. Vì hòn đá hay các ngôi sao không làm gì phiền hà đến mình và vì thế nên mình cũng chẳng làm gì phiền hà đến các thứ đó. Chúa Giêsu lại dạy khác:”Mọi điều anh em muốn được người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Như thế, thương người như thương mình là làm cho người y như mình làm cho mình vậy. Không hẳn là phải làm nhiều hay ít, không phải là vấn đề số lượng mà là vấn đề chất lượng. Đó là lý thuyết, trên thực tế không dễ thực hiện đâu !
Lúc tôi bị giam ở buồng 2 khu BC trại T4 Phan Đăng Lưu, cả buồng chứa hơn sáu chục con người, khí hậu nóng bức, tù nhân suốt ngày nhớp nhúa mồ hôi và vì quá chật chội nên bệnh ghẻ lây lan kinh khủng. Lúc đó ở bên ngoài xã hội cũng đang lây truyền dịch bệnh ghẻ mà dân chúng quen gọi là ‘ghẻ bộ đội’. Tù nhân nào cũng toàn thân ngứa ngáy khó chịu, mà ngứa thì phải gãi (thậm chí gãi đến chảy máu), mà hễ gãi đến đâu thì ghẻ lan đến đó. Riêng thân tôi, từ đầu đến chân (trừ ra cặp mắt) biến thành một miếng cơm cháy khổng lồ. Mỗi tuần chỉ có một lần y tế trại đến xức thuốc lưu huỳnh cho các con bệnh ghẻ thế là cả buồng giam sực nức mùi trứng thối. Mỗi lần được xức thuốc thì bớt ngứa một ít lâu nhưng suốt 6 ngày còn lại thì con ghẻ tha hồ tung hoành trên thân thể người tù. Những đại gia trong buồng thì có thuốc nhưng họ chỉ dùng cho riêng mình.
Một vị linh mục trong buồng nhận được một lọ thuốc từ gia đình gửi vào. Ông có thể và có quyền dùng thuốc ấy cho riêng mình để khỏi phải khổ sở vì ngứa, nhưng hoàn toàn trái ngược với những đại gia nêu trên, ông xin phép viên trật tự buồng giam cho tập hợp tất cả các nạn nhân bệnh ghẻ (dĩ nhiên là cả buồng, trừ những đại gia đã có thuốc) và đích thân ông đi xức thuốc cho từng người. Với hơn năm mươi mấy con người mà toàn thân ghẻ chốc, thì thuốc đâu cho đủ! Sau hai ngày thì hết thuốc, thế là ông lại cùng với mấy bệnh nhân kia suốt ngày thực tập đánh đàn lục huyền cầm cổ điển (classical guitar), nghĩa là ngồi gãi ngứa từ sáng đến tối. Vị linh mục đó đã thực hành lời Chúa Giêsu mời gọi: “Mọi điều anh em muốn được người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”, cho nên ông đã thương người như thương mình và ông đã làm cho người y như ông làm cho mình vậy. Đó là gương tốt mà không bao giờ tôi quên. Đúng là tình thương theo luật “Đức Kitô” vượt khỏi tầm nắm bắt của mọi thứ khôn ngoan nên đã có ý kiến cho rằng vị linh mục ấy chẳng khôn ngoan chút nào. Hơn nữa, thứ tình thương mà Chúa Giêsu mời chúng ta thực hiện, là thứ tình thương vượt mọi lý đoán để rồi trước sau gì cũng ít nhiều, bằng cách này hay cách khác, phản ảnh sự điên rồ của thập giá mà Chúa Con đã vui lòng gánh chịu vì thương yêu chúng ta.
Nếu chỉ phải ‘thương người như mình’, nhất là nếu chỉ phải tuân giữ 2 điều răn thứ 5 và thứ 7, thì hễ mình không làm phiền ai và không hại ai…là mình vô tội. Nhưng nếu tuân giữ giới răn mới của Chúa, thì bao giờ chúng ta mới hết thú nhận “những điều thiếu sót” nghĩa là có bao giờ chúng ta mới thoát được nợ yêu thương vì thánh Phaolô nhắc “Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì và đừng nợ gì ai, trừ phi là món nợ yêu mến nhau” (Rm 13,8). Xét cho cùng, ai trong chúng ta cũng còn mắc thứ nợ này đến suốt đời. Linh mục Phạm Quang Hồng.