LÁ THƯ MỤC VỤ
Một lần trong bài giảng vị linh mục đã kể câu chuyện như sau. Hằng ngày Chúa thường sai hai Thiên Thần đi xuống thế gian để nhận những lời khấn nguyện của con người. Hai Thiên Thần cầm hai giỏ, một giỏ chứa đựng những lời cầu xin, một giỏ kia chứa đựng những tâm tình tạ ơn. Ngày nào cũng vậy, giỏ chứa đựng những lời cầu xin thì đầy ắp, thậm chí không còn chỗ để, còn giỏ chứa đựng những tâm tình tạ ơn thì quá ít, đến nỗi không đáng gì so với giỏ cầu xin. Chúa nhìn hai Thiên Thần và nói rằng: “Con người thường chỉ biết nhận và không biết cho đi. Họ chỉ biết xin hết điều này đến điều kia, thậm chí họ xin những điều không xứng đáng với những gì họ cần. Điều tồi tệ hơn khi họ đã nhận được rồi, thì rất rất ít người nhớ đến người đã thi ơn cho họ.”
Phúc Âm tuần này, Thánh Luca tường thuật lại câu chuyện mười người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành, nhưng chỉ có một người quay trở lại để tạ ơn Chúa, nhưng người đó lại là người ngoại giáo, người sứ Samaria. Chúng ta suy nghĩ thử xem cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã làm biết bao nhiêu việc tốt đẹp và phép lạ cho đủ mọi tầng lớp, thế mà có mấy người tri ân Chúa đâu? Điển hình cụ thể nhất khi đoàn người đông đảo đi theo Chúa cả ngày, nghe Ngài giảng dạy, và khi đã xế chiều các môn đệ muốn giải tán đám đông cho họ về các làng mạc mà mua thức ăn, nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy cho họ ăn.” Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và cho họ ăn no nê. Đã có ai chạy đến Ngài để cảm tạ đâu? Hay khi Chúa chữa lành rất nhiều bệnh tật khác nhau, cũng đã có mấy ai tri ân cảm tạ Chúa là Người thi ân cho họ đâu?
Bẽ bàng thay khi Chúa Giêsu oằn oại vác trên vai Thập Giá, có mấy ai dám bầy tỏ lòng tri ân xót thương vác đỡ cho Chúa không? Chỉ riêng duy nhất ông Simon thành Cyrênê vác đỡ cho Chúa, ông Simon cũng lại là người ngoại giáo. Sự vô ơn không chỉ một nhóm người mà cả toàn dân quay lưng lại đả đảo và kết án Chúa như một kẻ tội nhân nguy hiểm. Trên đỉnh cao thập giá lại có mấy ai khám phá ra cả bầu trời yêu thương từ trong ánh mắt của Chúa đâu? nhưng lại là một tên trộm cướp khét tiếng thưa cùng Chúa rằng: “Khi nào Ngài về nước Ngài hãy nhớ đến tôi cùng.” Hành vi thống hối ăn năn của tên trộm cướp là một hành vi biết ơn khi anh nhận ra tấm lòng yêu thương của Chúa và anh đã được Chúa ban ơn cho anh được hưởng thánh nhan Chúa. Khi xưa Dân tộc Do Thái bị lưu lạc trong hoang địa ròng rã 40 năm trời, biết bao lần họ phản bội Thiên Chúa, thế mà Thiên Chúa luôn tha thứ và ban ơn, dẫn họ đến miền đất hứa. Sự vô ơn cũng đó đây, phản phất trong lòng mỗi người chúng ta. Có bao lần chúng ta nhận ra sự vô ơn đó đối với Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta phạm tội hay phản bội Ngài bằng những hành vi xấu xa tội lỗi? Mỗi tội chúng ta phạm là một sự phản bội, mỗi sự ác chúng ta làm là một hành vi chống lại Thiên Chúa, và mỗi lần như vậy là chúng ta thể hiện sự vô ơn đối với Ngài. Hãy quay về xin Thiên Chúa thứ tha và tạ ơn Ngài như người phong hủi xứ Samaria trong bài Tin Mừng hôm nay.
Nếu chúng ta chỉ biết đón nhận mà không biết mở lòng để cho đi, là một thái độ sống vô ơn, chỉ biết riêng cho mình. Trong đời sống đức tin cũng vậy, khi chúng ta được thọ ơn mà không biết gắn liền với một tấm lòng tri ân, thì quả thật đó chỉ là một lối sống ích kỷ. Nó chính là nguyên nhân làm xói mòn đời sống đức tin của người kitô hữu. Khi mười người phong hủi được chữa lành, chỉ có một người quay lại tạ ơn Chúa cho lời van xin của anh được Chúa thương chấp nhận. Còn chín người phong hủi kia cũng nhận được ơn bằng nhau, thế mà lẳng lặng bước đi, chẳng khác nào một hành vi vô ơn. Mặt khác, nếu đi sâu vào thái độ của họ, chúng ta có thể thấy họ tự cắt đứt ân huệ đang tiếp tục tuôn ban cho họ. Sự ích kỷ như là con sâu đục mòn ân huệ của Chúa trong lòng họ và họ khó có thể nhận ra Chúa đang thông ban cho họ. Vâng, sự biết ơn là dấu chỉ của đức tin, nên nó được diễn tả bằng hành động giống như người phong hủi xứ Samaria, khi anh quay lại cám ơn Chúa và Chúa đã nói với anh: “Đứng dậy về đi. Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Ngài đang củng cố đức tin cho anh, để anh được sống cởi mở hơn trong thái độ phục vụ.
Khi một người có cảm thức về đức tin sâu xa, sẽ rất quảng đại trong việc dấn thân phục vụ, đó là dấu chỉ để tỏ bày lòng biết ơn đối với Chúa. Khi chúng ta đã được nhận quá nhiều ân huệ từ Thiên Chúa, chúng ta thường không biết bày tỏ lòng biết ơn đó thế nào cho cân xứng, nên chúng ta rất muốn đóng góp, dành thời gian cho việc phục vụ để tỏ lòng cảm tạ tri ân đó. Càng phục vụ đời sống đức tin của chúng ta càng lớn lên, sự phục vụ của chúng ta cũng vô vị lợi, không so đo ích kỷ và tấm lòng của chúng ta sẽ ngày càng trở nên bao dung, đại lượng hơn. Qua đó, chúng ta biết càng biết cảm tạ Thiên Chúa hơn trong những thuận – cũng như nghịch cảnh. Lòng biết ơn là dấu hiệu mở ra rất nhiều điều tốt, nhất là trong tâm tình phục vụ và cho đi, mỗi khi chúng ta nghiệm lại những lần chúng ta không so đo tính toán, thì điều trước tiên chúng ta cảm thấy đó là hạnh phúc vui vẻ, và điều thứ hai là chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho mình những ơn lành khác.
Lạy Chúa, trong cuộc đời chúng con đã nhận biết bao ơn của Chúa, từ những người thân quen, bạn hữu, đồng nghiệp, hay những người xa lạ, đặc biệt những người cùng trong một cộng đoàn giáo xứ. Chúng con xin cám ơn cuộc đời, cám ơn mọi người, và trước hết chúng con xin cảm tạ tri ân Chúa đã thông ban mọi ơn lành cho chúng con. Lạy Chúa, mỗi người chúng con là món quà mà Chúa đã tặng ban và ước chi chúng con cũng được bẻ ra để trao tặng lại cho mọi người. Amen
Lm. Nguyễn Kim Sơn