(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Chúng ta thường nghe : “ dơ như tù ” hoặc “đói như ma ” hay “đông như quỉ ”…hình như cả ba câu đó được gom lại nơi cái thung lũng tử thần A 20. Tù nhân đông lúc nhúc như những bộ xương biết đi, trùm dưới mớ giẻ rách, lếch thếch thiểu não, có khác gì đám ‘ma cà rồng’ trong khúc phim ‘Thriller’ của Michael Jackson đâu ! Trừ những người có gia đình sống sót qua những lần bị ăn cướp trắng trợn gọi là ‘đổi tiền’, vẫn còn của giấu của chìm mà ra thăm nuôi, đa số còn lại phải nói là đói hơn ma ! Nhưng cái câu “ dơ như tù ” thì phải xét lại, vì nhiều tù nhân ăn ở sạch sẽ vệ sinh, dĩ nhiên cũng có nhiều người chủ trương sống theo châm ngôn : “ Vệ sinh ta chớ có lo, trâu bò mấy tắm vẫn to hơn mình “ hoặc : “ Vệ sinh ta chớ có cần. ăn dơ ở bẩn dần dần cũng quen”.

Không nghe ai nói “ nghèo như tù ” vì ai cũng biết cái thực tế khốn nạn của thân phận tù dưới chế độ cộng sản. Nghèo đến độ không có gì mà ăn cũng chẳng có gì mà mặc. Mùa rét miền Trung thổi vào thung lũng A 20 cái “Cơ-Hàn” khủng khiếp, càng đói thì càng rét và càng rét lại càng đói, nên cái đói rét là thứ ma ám ảnh mọi người tù. Trong hoàn cảnh ấy kẻ có lòng bác ái hay từ bi, muốn giúp người cũng không có gì để giúp. Chia cho nhau vài ngọn rau rừng để giảm đói đã là quý lắm rồi nhưng có thấm vào đâu. Thế nhưng có một thứ mà tù nhân có thể trao cho nhau như món quà quý báu nhất, đó là những lời an ủi, khuyến khích hay khuyên can. Tôi đã cảm phục một vị linh mục có án chung thân, suốt mấy năm tù không có ai thăm nuôi, sống kiếp mồ côi như những kẻ mồ côi khác, nhưng được anh em tù mến phục vì ngài đã không tiếc loại quà quý báu mà tôi vừa kể.

Đó là Cha Trần Công Chức mà lòng tôi rất mến phục. Tôi nhớ mãi hình ảnh một ông cụ mặc bộ áo tù bạc màu sương gió, hai vạt trước đắp thêm hai chiếc túi thật to để ‘cải thiện’, vì không có vải nên hai cái túi không cùng màu lại cũng không giống màu chiếc áo tù. Cha mưu sinh thoát hiểm rất giỏi, Cha biết nhiều loại rau rừng nấm rừng có thể ăn được, Cha rất quảng đại chia cho người khác. Cha không khách sáo trong những lời khen, không quá cao vời trong những lời khuyên và không dè xẻn tình cảm trong những lời an ủi. Người nghe Cha nói cảm được sự chân tình của Cha gói ghém trong sự kính trọng và yêu thương, nên dễ nhận ra rằng hình như Cha đang cầm quả tim của mình mà trao cho họ vậy. Những gì Cha hứa giúp, Cha luôn luôn giữ lời. Thật đáng phục !

Ở đời có nhiều người dễ mở miệng ra nói vì không tốn kém chi cả, “ Lời nói không mất tiền mua ” mà ! Có tốn kém hay không là do trách nhiệm và danh dự họ đặt trong những gì mình nói. Nhiều người hứa đủ thứ rồi không giữ lời mình hứa, ai mà tin tưởng vào họ được. Họ không chủ ý làm như thế nhưng vì họ coi thường chính những lời họ nói nên nó không có giá trị gì, thành thử họ không cần phải nhớ. Ở đời cũng có những người khó mở miệng ra nói hơn hạng người thứ nhất, họ không dễ hứa nầy hứa nọ, nhưng một khi họ đã hứa thì mọi người an tâm tin tưởng vì chắc chắn họ sẽ thực hiện, bởi lẽ họ đặt danh dự, trách nhiệm và tình cảm của họ trên những lời họ nói nên nó nặng cân hơn. Chúa Giêsu nói tới hai loại người kể trên qua bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa không cho cả người anh lẫn người em là lý tưởng, tuy nhiên Ngài muốn dạy chúng ta qua cả hai anh em. Với người con thứ nhất hứa’đi’ rồi lại ‘không đi’, Chúa muốn nhắc chúng ta rằng : Là Kitô-Hữu nhưng chúng ta vẫn sống giả hình, không sống đúng những lời hứa khi nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta tuyên xưng một đàng nhưng lại sống một nẻo ! Không phải hễ làm điều sai mới là tội, mà tội lớn nhất là bỏ sót, là thờ ơ, là không làm điều tốt, nhất là không làm những gì mình hứa. Với người con thứ hai, ‘không hứa đi’ nhưng rốt cuộc ‘lại đi’, Chúa dạy chúng ta rằng cần phải thật lòng khiêm nhường để nhận ra điều không đúng của mình và có can đảm để quay lại nhận lỗi và sửa lỗi. Điều quan trọng nhất là người con thứ hai nhận ra điều sai lỗi của mình chính là việc không làm theo ý cha mình. Sự trung tín giữ những gì mình hứa là điều quý giá nhất trên đời. Nếu những gì mình nói ra phản ảnh con người thật của mình thì hãy cẩn thận những gì mình nói (Quay lưỡi bảy lần trước khi nói), nhất là phải năng tự vấn lương tâm rằng : Những gì tôi nói với người khác có đúng không, có thật không và có thiện không ? Những gì tôi thưa với Chúa có làm theo Ý Ngài không?
Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV CN XXVI TN A.docx