(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Thật dễ hiểu khi bao lâu còn ở với Chúa Giêsu, bao lâu còn chứng kiến những phép lạ Người thực hiện, thì đoàn người theo Chúa vẫn tiếp tục mân mê, nuôi dưỡng cái mộng quyền hành thế lực chính trị, cái mong muốn được thoát ách cai trị của đế quốc La Mã, cái khát khao làm vua làm chúa thiên hạ. Mãi đến lúc Chúa Giêsu sắp chia tay các ông mà về với Cha của Ngài, vậy mà vẫn còn nghe cái câu hỏi khốn khổ kia trở lại đầu môi của các ông, như bởi một chứng ngứa miệng kinh niên vậy : “Thưa Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục lại vương quyền cho Israel không ?” Các ông quả là phi thường : sau bao nhiêu chuyện các ông đã nghe, sau bao nhiêu lời dạy dỗ về Nước Trời, sau bao nhiêu phép lạ các ông đã thấy tận mắt, nhất là sau khi Chúa sống lại, cho đến phút cuối cùng ấy các ông vẫn tỏ ra lòng ham muốn làm quan hơn là tin vào Chúa Giêsu.

Các ông chỉ muốn nghĩ tới vinh quang mà thôi. Thật vậy, ở đời này có mấy ai muốn nghĩ đến đau khổ và chết chóc ? Vì thế mà các ông tranh luận xem ai là người lớn hơn cả, nghĩa là ai có địa vị cao nhất trong nhóm. Vì các ông tin rằng người làm lớn trong nhóm thì ắt sẽ làm lớn trong vương quốc mà Chúa thiết lập. Những suy nghĩ này đi ngược lại với đường lối của Chúa. Đó là lối suy nghĩ thường tình của loài người. Xã hội xung quanh chúng ta đều suy nghĩ và hành động như vậy. Người ta đặt ‘Cái Tôi’ và mọi tham vọng của mình làm trung tâm điều khiển mọi tư tưởng và hành động. Khi mỗi người đều muốn đặt chính mình lên trên người khác, thì đương nhiên căng thẳng sẽ xảy ra. Vì khi ai cũng chỉ lo lợi ích riêng tư của mình, thì họ sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện chung. Khi không ai nghĩ đến chuyện chung thì sẽ không có điểm chung. Từ đó, người ta tranh giành làm sao cho mình được trổi vượt, làm sao cho mình chiếm hữu nhiều lợi lộc và danh giá cho riêng mình. Các môn đệ của Chúa cũng có đầu óc tranh giành như trên. Mỗi người chúng ta cũng vậy thôi !

Đó là những điều trái với con đường khiêm nhường, yêu thương và phục vụ mà Chúa Giêsu vạch ra cho chính Ngài và cho mọi người. Để giúp các môn đệ hiểu rõ bằng cả sự suy nghĩ và cảm xúc về giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu đem một em nhỏ đặt giữa các ông để làm dấu chỉ sống động cụ thể cho lời giảng dạy của Ngài. Trẻ em thì làm gì có địa vị, kiến thức và tài sản. Như thế, trên một phương diện nào đó, trẻ em rất nghèo, không thể sống tự lập, chỉ biết dựa vào cha mẹ mà sống. Qua hình ảnh trẻ em, Chúa Giêsu muốn các môn đệ học cách phải đón nhận hết mọi người không loại trừ ai. Chúa cho thấy, giá trị của một con người không đặt căn bản trên tài sản, địa vị hay kiến thức, nhưng chỉ vì con người là con cái của Chúa và thuộc về Chúa. Bởi vậy, Chúa mới dạy : “Ai tiếp rước một em nhỏ hay một người nghèo mạt rệp vì danh Chúa là đón tiếp chính Chúa. Mà ai đón tiếp Chúa là đón tiếp Đấng đã sai Ngài đến trần gian, tức là đón tiếp chính Thiên Chúa Cha.

Khi kính trọng, chấp nhận và đón tiếp người khác vì họ là người và là con cái của Chúa, chúng ta sẽ hành xử một cách khiêm nhường. Bởi vì khiêm nhường không đánh giá người khác theo tài sản, địa vị hay kiến thức của họ, nhưng là đón nhận họ vì lòng mến Chúa yêu người. Chúa Giêsu không giảng dạy trên lý thuyết nhưng chính Ngài đã sống và đã thực hiện những gì Ngài dạy dỗ. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng không cố giữ địa vị thần linh cao sang. Ngược lại, Ngài đã hạ mình nhập thể làm người. Ngài không chọn sinh ra trong một gia đình quyền quý giàu sang, nhưng lại chấp nhận làm người trong một gia đình lao động nghèo hèn. Ngài không được chào đời trong một cung điện hay ít nhất trong một bảo sanh viện nào đó, nhưng ở trong một hang chiên bò bẩn thỉu. Khi lìa đời, Ngài cũng không chết yên ổn trong nhà, giữa gia đình và bà con thân thương, nhưng lại chết tủi nhục như một người phạm tội tày trời nhất, chết cô đơn giữa trời và đất, chết nhục nhã giữa tiếng nguyền rủa của đám người vô tâm và nhẫn tâm. Xuyên qua tất cả cuộc sống, Chúa Giêsu đã sống khiêm nhường nhất, gần gũi với loài người nhất, đặc biệt là gần gũi những ai nghèo khổ và khốn cùng nhất.

Bài học khiêm nhường của Chúa Giêsu là bài học có giá trị muôn đời. Thật vậy, khiêm nhường đem lại nhiều lợi ích cho đời sống chúng ta. Khiêm nhường giúp chúng ta quảng đại, bởi vì khiêm nhường không chú trọng đến cái tôi và những lợi ích riêng tư luôn kèm theo, nhưng là biết quan tâm đến người khác và vì lợi ích của tha nhân. Khiêm nhường giúp chúng ta gần gũi với người khác, vì chúng ta sẽ không phân biệt sang hèn, không dựa trên địa vị mà cư xử, và không làm cho ai cảm thấy bị đe dọa hay bị hiếp đáp. Khiêm nhường giúp chúng ta khôn ngoan và trưởng thành vì chúng ta nhận ra giới hạn và sự hiểu biết hạn hẹp của mình để biết lắng nghe và học hỏi từ sự khôn ngoan của người khác. Khiêm nhường cũng chính là khí cụ để kiến tạo hòa bình, vì khiêm nhường luôn đem mọi người xích lại gần nhau hơn. Hãy kêu xin Chúa cho chúng ta luôn quyết tâm thực hành đức khiêm nhường trong cuộc sống hằng ngày. Linh mục Phạm Quang Hồng sưu tầm.

LÁ THƯ MỤC VỤ 19-09-21.doc