LÁ THƯ MỤC VỤ
Trong 10 năm, tôi đã từng bị giam giữ ở trại ‘con gà quay’ rồi đồn công an số 1 Thủ Đức, kế đến là trại số 4 Phan Đăng Lưu, rồi sở công an thành phố, rồi khám lớn Chí Hoà và sau cùng là trại Xuân Phước A 20, Đồng Xuân, Phú Khánh. Ở bất kỳ nơi nào (trừ ra giai đoạn ở biệt giam tối tăm), mỗi sáng tôi đều chào đón một ngày mới với tâm hồn hân hoan. Đặc biệt là 7 năm ở trại A 20, sáng nào tôi cũng thích nghe một loài chim nhỏ nhưng tiếng kêu rất thanh, vang vọng vào trại nghe y như là “Khó khăn khắc phục !” Tôi nhìn lên trời cao lồng lộng với những cụm mây tự do phiêu bạt mà thả hồn vào đó để được tung bay ra khỏi vòng rào kẽm gai chằng chịt như thiên la địa võng. Nghe tiếng chuông, tôi nhìn về hướng xóm đạo ‘Gò Thánh Giá’ cách trại không xa lắm mà tưởng tượng giờ nầy có một linh mục đang dâng Thánh Lễ và bà con kính dâng một ngày mới lên Chúa.
Tâm trí tôi bay ra khỏi trại tù mà không ai có thể giam giữ hay bắt nhốt lại được. Tôi sẽ bắt đầu một ngày mới với cái dạ dày xẹp lép nhưng tâm hồn thật bình an vì tôi tuy là một tù nhân nhưng tôi không làm nô lệ dưới bất kỳ hình thức nào, dù là vật chất hay những kẻ đang nắm quyền sinh sát trong tay. Bây giờ ngồi nhẩm lại tôi đã nhận ra một điều rất thú vị, đó là trong những năm tháng bị cầm tù tôi lại sống như một con người tự do hơn bao giờ hết. Tại sao lạ vậy ? Có điều gì nghịch lý chăng ? Sẽ có nhiều cách giải đáp nhưng tôi thích nhất câu trả lời sau đây : Trong những năm tháng ấy tôi được diễm phúc sống giản dị và yêu thương. Và càng sống yêu thương tôi càng khám phá ra cuộc đời càng giản dị. Tôi tin rằng Chúa cũng đơn sơ và giản dị.
Thứ nhất, chính trong tù, tôi bắt đầu yêu cuộc đời hơn. Khi bị tống vào trại giam Thủ Đức, cai tù thu giữ sợi dây thắt lưng, cái đồng hồ Seiko và chiếc nhẫn vàng một chỉ (Nhà Dòng cho mỗi anh em để phòng thân) và trao cho tôi mảnh giấy có ghi “…giữ một đồng hồ đã cũ và một vòng kim loại màu vàng cho đến khi đương sự được tha về”. Ngay lúc ấy tôi hoàn toàn không thấy ngày về nên chả tha thiết lắm. Đời tù trầm nhiều hơn thăng, sống được ngày nào là trân quý ngày ấy. Chết chóc tai ương trải dài trên từng bước chân tù giúp tôi nhận ra thân phận phù du của một kiếp người. Sống được giây phút nào là quý trọng giây phút ấy nên sống sao cho thật trọn vẹn.
Thứ hai, tôi cảm nhận cái nghèo thật sự của mình. Ngoài hai bộ đồ tù xơ xác đâu còn món gì đáng giá. Một bát cơm be bé kèm vài miếng sắn luộc chấm nước muối trong veo sống lây lất qua ngày. Một chiếc chiếu khổ 6 tấc hai ba năm mới phát một lần. Chỗ nằm thì thay đổi nhanh hơn chong chóng ! Mà đời tù thì nằm đâu cũng ngủ được, sát cạnh cầu xí hôi thối vẫn ngủ ngon, các ‘máy cưa’ trứ danh (người ngáy to) vẫn không phá giấc ngủ người tù. Không có món gì giữ được lâu, xâu chuỗi Mân Côi ký ca ký cóp lén lút làm thật nhiều ngày rồi cũng bị họ tịch thu kèm theo hình phạt nữa chứ. Cứ y như xác chết vậy, đang sống mà không mang theo được gì !
Thứ ba, tôi nhận ra cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Loại bỏ những tên ‘ăn-ten’ ra ngoài, vì thứ người lòng lang dạ thú ấy sẵn sàng phản bội anh em đồng cảnh thì kể làm gì , còn lại đám anh em tù nhân yêu thương nhau rất chí tình. Một cọng rau rừng cũng chia cho nhau, khi đó mới thấm thía câu nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Người có thăm nuôi thì chia những ‘đóm’ thuốc lào, những miếng đường thẻ, kẻ không có vật chất thì chia cho người khác cái trí tuệ, cái khôn ngoan của mình. Người tù chân thành hơn trong yêu thương, bác ái hơn trong những đối thoại và nhất là kiên nhẫn và giàu lòng từ tâm hơn.
Cái tự do mà tôi nếm được là một tâm hồn bình an, tôi không lệ thuộc vật chất, tôi không sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đời tù giúp tôi từ bỏ những ràng buộc toan tính để linh hồn tôi được tự do và siêu thoát, bay đến cùng Chúa. Thật chí lý khi thánh Phaolô viết : “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” Xin Chúa cho mỗi người chúng con nhận ra rằng chúng con cần Chúa. Linh mục Phạm Quang Hồng.