Hồi tưởng lại những lần được tham dự Thánh Lễ trong tù, tôi không hiểu sao mình lại sốt mến đến như thế. Dĩ nhiên đó là những ‘Thánh Lễ Chui’. Vâng, hoàn toàn ‘Chui’ vì từ người giáo dân tham dự đến vị chủ tế cử hành đều phải hết sức khéo léo để ‘qua mắt’ những bạn tù đang sống bên cạnh. Chỉ cần sơ hở một tí là cả chủ tế lẫn giáo dân đều bị kỷ luật thật nghiêm khắc như : Cùm tay cùm chân trong biệt giam, bớt khẩu phần ăn (vốn đã rất ít), xử tăng thêm án, cúp thăm nuôi, không cho gặp mặt gia đình…Cho nên mới thấy tác động của ơn Chúa thật lạ lùng.khi ở trong hoàn cảnh khốn cùng như thế mà các Thánh Lễ vẫn được cử hành sốt sắng.
Vấn đề là làm sao có được bánh và rượu ? Có vị linh mục đã xin gia đình gửi vào thuốc ‘Chistomicine’(bánh để thánh hiến thành Mình Thánh Chúa Kitô – Christ); còn vị linh mục khác thì xin gia đình tiếp tế rượu thuốc trị thấp khớp hiệu ‘Misa’. Chén thánh và bàn thờ được chấp nhận là lòng bàn tay của vị chủ tế; còn nến sáng là những con tim và đức tin sốt mến của các giáo dân. Sách bài đọc dùng cho phần Phụng vụ Lời Chúa là hoàn toàn dựa trên ‘bộ nhớ’ của cả chủ tế lẫn giáo dân. Lễ phục là những bộ đồ tù dơ bẩn và rách nát. Nhà thờ là một góc sân của trại giam, nơi các tín hữu tụ tập quanh hai người đánh cờ tướng như đang xem cuộc tranh tài của hai cao thủ nầy, tuy nhiên có điều rất bất tiện vì đang giữa Thánh Lễ thì bỗng có người ‘không mời mà đến’ cũng để xem đánh cờ, thế là Thánh Lễ đành phải tạm ngưng ngang xương ! Trường hợp ở nhà tù Chí Hòa thì an toàn hơn vì ai nấy đều ngồi trong mùng và hướng về chiếc mùng của vị chủ tế.
Cảm động nhất là phần rước Mình Thánh Chúa. Mỗi tín hữu được nhận một tí xíu Mình Thánh cỡ bằng một hạt cơm tấm được các bạn tù lén lút trao cho, nhận Mình Thánh rồi để Chúa Thánh Thể nằm trong lòng bàn tay mà lòng hồi hộp và xúc động vô cùng. Tại sao một Vị Thiên Chúa cao cả và quyền năng tột cùng lại đoái thương chiếu cố đến thân phận người tù, nhất là thân phận người tù dưới chế độ Cộng Sản ? Một thân phận ‘dế giun’ như thế mà được cầm Vị Chúa Tể Càn Khôn trên tay, tôi nghĩ chỉ có những trái tim chai đá mới không xúc động. Nhiều bạn tù của tôi đã nhiều năm không có họ hàng thân nhân thăm viếng, vậy mà một Đấng Tạo Hóa cao sang lại không hề bỏ rơi những tạo vật khốn cùng ấy. Tình yêu ấy thật là vĩ đại. Hạt giống đức tin đã được gieo vào tâm hồn lúc nào mà những người tù vẫn giữ được qua biết bao gian nan thử thách.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu rất ngắn ngủi, chỉ có ba năm mà thôi. Kết cuộc sứ vụ là cuộc khổ nạn và cái chết đau thương trên thập giá. Theo con mắt người đời, kể cả các tông đồ, thì đó là sự thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, từ trong sự thất bại đó, Chúa đã phục sinh và từ đó, Tin Mừng được rao giảng cho toàn thế giới mãi đến tận hôm nay. Trải qua biết bao cuộc bách hại thảm khốc, ‘Nước Trời’ vẫn nảy mầm và mọc lên. Thiên Chúa đã làm, đang làm và sẽ làm những việc thật lạ lùng.
Tuy biết rằng quyền năng của Chúa có hiệu quả phi thường, nhưng nhiều khi nhìn vào đời sống xã hội hiện nay, chúng ta cảm thấy ưu tư không biết rồi đây Giáo Hội sẽ ra sao. Hiện giờ ở Úc số người đến nhà thờ chỉ khoảng 10% mà thôi (đó là dựa theo thống kê trước thời xảy ra dịch bệnh Vũ Hán !) Về phía tập thể người Việt Công Giáo, có những tín hữu khi còn ở Việt Nam trước đây thường đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và đọc kinh cầu nguyện, nay sang Úc đã lơ là với việc thực hành đức tin. Có những người trẻ trong các gia đình Việt Nam Công Giáo bây giờ đang rời xa nhà thờ. Phần khác, hình ảnh Giáo Hội cũng bị sứt mẻ do khuyết điểm và lỗi lầm trong chính Giáo Hội. Thêm vào đó, các phương tiện truyền thông (vốn rất chống đạo) thường xuyên tấn công Giáo Hội. Tất cả những điều đó làm thành một bức tranh tiêu cực về gương mặt Giáo Hội.
Dầu vậy, chúng ta cần phải nhìn vào biết bao điều tốt lành của Giáo Hội để tự tin, phấn khởi và hy vọng. Hơn nữa, chúng ta phải xác tín rằng Thiên Chúa bao giờ cũng quyền năng hơn sự yếu đuối, mỏng giòn của Giáo Hội hay bất cứ thế lực nào của con người. Chính Thiên Chúa sẽ đem “Nước của Thiên Chúa “ đến kết cục viên mãn. Trong quyển sách “Cùng Đi Với Chúa Giêsu”, Đức Thánh Cha Phanxicô có nhắc đến lịch sử Kitô Giáo tại Nhật Bản. Vào đầu thế kỷ 17, một làn sóng bách hại xảy ra. Các nhà truyền giáo hoặc bị giết hoặc bị trục xuất, nhiều tín hữu bị xử tử vì đạo, số giáo dân bị giết rất nhiều. Cuối cùng, không còn linh mục nào trên đất Nhật Bản. Trước sự bách hại đó, các tín hữu phải rút vào bóng tối, sống đức tin thầm lặng. Chính cha mẹ rửa tội cho con cái. 250 năm sau, khi các nhà truyền giáo được phép trở lại Nhật Bản, thì từ bóng tối thầm lặng, các Kitô hữu lại xuất hiện. Từ đó, Giáo Hội Công Giáo tại Nhật Bản lại sinh hoạt và phát triển cho đến hôm nay. Đó là sức sống âm thầm của đức tin và ơn Chúa. Mỗi ngày, hãy tập dâng Giáo Hội, Giáo Phận, Cộng Đoàn và từng gia đình cho Chúa. Linh mục Phạm Quang Hồng.