(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

Trong các dịp lễ lớn chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp một vài người không cùng tôn giáo đến tham dự thánh lễ với chúng ta, đôi khi họ còn lên rước lễ với một thái độ tò mò hiếu kỳ xem tấm bánh có mùi vị thế nào, mà sao hầu hết các kitô hữu rất cung kính trang nghiêm rước Tấm Bánh ấy vào lòng. Người ta sẽ ngạc nhiên hơn nữa, nếu chúng ta nói với họ rằng: “Ăn tấm bánh đó là ăn Thịt của Chúa, uống chén rượu đó là uống Máu của Chúa.” Họ nghĩ thật là khó tin, làm sao có chuyện đó xảy ra như vậy được nhỉ? Tuy nhiên, là những Kitô hữu, có bao giờ chúng ta nghi ngờ khi mỗi lần chúng ta lên rước lễ không?

Thật khó có thể lý giải cho người ta hiểu được tại sao tấm bánh lại hóa thành thịt, cho dù họ có nghe, có nhìn thấy những điều ấy, có đào sâu học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh, hay các nhà khoa học, bác sĩ và các chuyên gia đã từng chứng minh những điều đó, và xác nhận đây là mẫu máu và tế bào của con người, thì họ vẫn không tin. Vì “Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin.” Nếu một người nào đó được khai tâm, mở trí và được trao tặng đức tin thì mới cảm nhận Mầu Nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa, dưới hình dạng của một tấm bánh mỏng manh nhạt nhẽo.

Từ chứng từ cổ xưa và theo truyền thống của người Do Thái, Thánh Phaolô gọi bữa ăn Thánh Thể là bữa ăn của Chúa, và ngài luôn khẳng định rằng ngài chỉ là người truyền đạt lại những gì ngài đã nhận được từ truyền thống Giáo Hội. Bí Tích Thánh Thể là một sáng kiến của Chúa Giêsu trong bữa ăn tiệc ly trước khi Người bị nộp. Chính Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể này bằng cách: khi Ngài cầm tấm bánh dâng lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “hãy cầm lấy mà ăn này là Mình Thầy.” Theo thể thức ấy Chúa Giêsu cũng cầm lấy chén rượu dâng lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “hãy cầm lấy mà uống này là Máu Thầy.” Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta lập lại những gì Ngài đã làm: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy.” Do đó, Giáo Hội cũng đã không ngừng tiếp tục lập lại Bí Tích này đã hơn 2000 năm qua.

Có biết bao thánh lễ đã được cử hành trên thế giới. Thánh Lễ nào cũng là một bữa ăn do chính Chúa Giêsu thiết đãi cho những ai tham dự và thông phần, đó cũng là một nghi thức tưởng nhớ cái chết của Chúa. Chúng ta không thể tách rời Thánh Lễ và cái chết của Chúa Giêsu, vì Ngài cũng sẽ bị nộp và Máu Ngài cũng sẽ lại đổ ra cho chúng ta lần nữa. Nên mỗi khi rước lễ là chúng ta rước lấy Đấng đã chết vì chúng ta, và như thế chúng ta lại được hiệp thông vào cái chết của Chúa trên thập giá. Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, chúng ta loan truyền Chúa chịu chết, nhưng Đấng đã chết cũng là Đấng đã sống lại. Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha và sẽ lại đến trong vinh quang. Rước lễ chẳng phải là rước một thi hài người chết, mà là chúng ta đón rước một Đấng đang sống và là Đấng ban sự sống.

Khi chúng ta tham dự thánh lễ là như thế là chúng ta tham dự vào chính bữa Tiệc Ly mà Chúa Giêsu đã cùng ngồi ăn với các Tông Đồ, đồng thời chúng ta cũng tham dự vào hy tế năm xưa trên núi Sọ. Chính vì thế, chúng ta không nên dự lễ với hai bàn tay không nguyên tuyền, hay một trái tim lạnh giá, hoặc với một tâm trí thờ ơ trống rỗng. Nhưng chúng ta cần phải đặt hết cả tâm tư với trọn cả ước ao và cả một niềm tin yêu, để kết hợp và thông phần vào Bí Tích Nhiệm Mầu mà Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng, là chính Mình và Máu của Ngài đã được bẻ ra cho chúng ta. Qua tấm bánh này được làm từ hạt lúa và công lao vất vả của con người, và Chúa Giêsu cũng cần mỗi người chúng ta, cũng cần những tấm bánh ấy để biến đổi, để thánh hóa, để làm lương thực thần linh cho chúng ta hưởng nhờ.

Tấm bánh ấy tuy mong manh nhỏ bé nhưng lại là nơi quy tụ toàn thể nhân loại thành một và cùng nhau hòa quyện để trở nên Bí Tích Thánh Thể nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Đồng thời, góp phần làm biến đổi thế giới, và tâm can con người. Tấm Bánh Giêsu ấy đã bị bẻ ra và trao cho chúng ta, để chúng trở nên đồng hình đồng và trở nên Một với Ngài. Thật đẹp thay lễ vật chúng ta dâng, nay được chính Thiên Chúa ban tặng lại cho chúng ta là Đấng đã chết và sống lại, đã bị nghiền nát như hạt lúa nay trở nên chính hình dạng Con Một của Ngài.

Từ tấm bánh vật chất đó đã được thánh hóa trên bàn thờ, được bẻ ra và trao đi, chúng ta sẽ được hiệp thông mật thiết với nhau như Trời, Đất và con người như một Tấm Bánh hoàn hảo, tinh tuyền và đầy yêu thương, để cùng dâng lên Chúa Cha. Mỗi khi chúng ta rước lễ, xin cho chúng ta ý thức được rằng chúng ta được rước Chính Mình và Máu của Chúa Giêsu để chúng ta được sống trong Ngài và Ngài sống trong ta.

Lm. Nguyễn Kim Sơn

Lá Thư Mục Vụ 06062021.docx