LÁ THƯ MỤC VỤ
Vì “Không ai là một hòn đảo” nên con người sống là liên lạc, là giao lưu với nhau. Bề rộng, bề sâu của các mối quan hệ sống động giữa ta với tha nhân cũng là bề dày của chính sự hiện hữu của ta. Nói cách khác, ai muốn sống cho đáng sống thì hãy đến với tha nhân và xây dựng những mối liên hệ chân tình và tương kính. Ai trân trọng yêu mến mạng sống mình thì cũng hết lòng trân trọng yêu kính mạng sống của mọi người chung quanh. Nhưng thường tình, sự giao lưu với tha nhân gặp nhiều trở ngại đôi khi rất phiêu lưu mạo hiểm, thậm chí có thể trở thành thù nghịch. Dẫu thiện chí tới đâu đi nữa, con người khó đi tới chỗ gặp gỡ tha nhân thực sự, khó phá được vòng thép gai vây kín cái tôi của mình, càng khó hơn khi phá vòng thép gai đang vây quanh người khác.
Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy sự bạc tình của Ađam (khi thẳng thừng đổ thừa cho Evà), sự ganh tỵ của Cain (khi lạnh lùng giết Aben, em mình), sự chia rẽ giữa người với người (khi xây tháp Baben)…tất cả đều là hậu quả của tội lỗi. Sức ‘ly tâm’ của tội lỗi đối với Thiên Chúa cũng là sức ‘ly tán’ giữa người với người. Nói thế có nghĩa là hễ ai càng yêu kính Thiên Chúa thì càng có lòng yêu thương tha nhân. Bất kỳ cá nhân nào yêu thương người khác chân tình thì chắc chắn nhân vật ấy đã thờ kính Chúa hết lòng hết dạ. Nhìn một gia đình thực sự yêu thương gắn bó với nhau, người ta có thể tin rằng những thành viên trong gia đình ấy đã kính yêu Chúa hết lòng.
Cách giữ tù của người Cộng Sản là không cho tù nhân liên hệ với nhau. Riêng ở trại A 20, họ xây tường kiên cố, rào kẽm gai chi chít không phải chỉ để tù nhân không thể trốn trại, mà còn để cách biệt nhà nầy với nhà kia, để tù nhân không thể tiếp xúc nhau. Nội qui ghi rất rõ: “Cấm đứng từ nhà nầy nhìn sang nhà khác, cấm đi từ buồng nầy sang buồng kia, cấm mọi liên hệ linh tinh dưới bất kỳ hình thức nào” ! Nghĩa là chế độ cộng sản chủ trương biến mỗi người tù thành một hoang đảo. Tôi không bao giờ quên kỷ niệm Giáng Sinh đầu tiên tôi chờ đón Con Thiên Chúa giáng trần trong phòng ‘biệt giam’ tối tăm và cô đơn, không một ai chung quanh !
Cái nỗi đơn côi quả là đáng sợ. Chưa bao giờ trong đời tôi cảm thấy cô đơn như vậy. Buồng giam thường ngày giống như một nấm mộ, trong đêm Giáng Sinh lại càng thu hẹp lại y như một chiếc quan tài chật chội, ngột ngạt. Cái tối tăm của phòng biệt giam thường ngày đã khủng khiếp thì trong đêm Giáng Sinh lại càng đáng sợ hơn. Cô đơn và tối tăm như một sợi giây thừng thắt quanh cổ tôi, từ từ thắt lại, tôi cố cựa quậy nhưng nó vẫn lạnh lùng và tàn nhẫn xiết vào khiến lồng ngực tôi như có gì rất nặng đè lên, không sao thở được!
Qua những khe hở trên cánh cửa sắt, tiếng ồn của xe cộ và của dòng người dạo chơi trên phố phường Sài Gòn trong đêm Giáng Sinh lọt vào buồng giam, đem tôi về với những kỷ niệm Noel Sài Gòn thời thơ ấu. Tôi nhớ hang đá ở nhà thờ Tân Định, tôi nhớ những đèn cắt hình màu ở trường La San Đức Minh, tôi nhớ những đèn ngôi sao treo dọc phố Hai Bà Trưng, tôi nhớ những cửa hiệu hai bên đường Lê Lợi trang hoàng lộng lẫy với hình ảnh ông già Noel hiền lành nhân hậu, tôi nhớ những cây Giáng Sinh lấp lánh ánh đèn muôn màu muôn sắc…Gần nhất là kỷ niệm Giáng Sinh cuối cùng ở nhà thờ Thủ Đức, vài hôm trước khi vào tù, với những bản thánh ca hát chung với ca đoàn họ đạo Thủ Đức. Tất cả hiện về như giấc mơ, lung linh mờ ảo đẹp tuyệt vời !
Trở về với thực tế vẫn là bóng tối và nỗi cô đơn đang vậy quanh trong một đêm Giáng Sinh, tôi nhớ gia đình, nhớ cha nhớ mẹ, nhớ anh chị em tôi, nhớ những gương mặt thân thương trong Nhà Dòng, không biết họ đón Giáng Sinh ra sao. Nhưng tôi được an ủi khi xác tín rằng có một Vị Thiên Chúa đang ở cùng tôi ngay trong cái nơi khốn cùng nầy, và tôi cũng được ở cùng Ngài, thật không có gì sung sướng bằng. Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng nói về niềm vui vì Thiên Chúa đã đến gần, còn Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng nói về Đức Mẹ và sự kiện Thiên Chúa “Ở Cùng Mẹ”. Thật vậy, càng gần lễ Giáng Sinh, Phụng vụ Lời Chúa càng nhấn mạnh đến mầu nhiệm “Thiên Chúa ở cùng con người”. Mến chúc mỗi gia đình một điều mà tôi trân quý nhất, đó là hai chữ rất đơn sơ: “ở cùng”. Xin hãy dành thời giờ để Ở CÙNG Chúa và những người thân yêu trong Mùa Giáng Sinh nầy, có lẽ đó là món quà Giáng Sinh quý giá nhất mà chúng ta tặng cho nhau. Linh mục Phạm Quang Hồng.