(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ
Có lẽ trong mỗi người chúng ta từ thuở bé đã từng xem qua bộ phim nổi tiếng “Tây Du Ký,” và mỗi người có thể rút ra bài học cho mình. Riêng tôi thì rút ra được bài học từ 5 nhân vật trong phim như thế này: Đường Tăng (tượng trưng cho “Thân” xác con người), Ngộ Không (tượng trưng cho cái “Tâm” của con người), Trư Bát Giới (tượng trưng cho “Tình” cảm, dục vọng của con người), Sa Tăng (tượng trưng cho Tính cách của con người), và Bạch Long (tượng trưng cho “Ý” chí của con người). Nghĩa là trong một người ai ai cũng đều có “Tâm, Tình, Tính, Ý”.
Cụ thể như trong con người (Thân) luôn luôn có thiện và ác (Tâm). Do đó con người luôn dễ dàng bị dao động giữa cái tốt và cái xấu. Có đôi khi rất dễ thương, tốt bụng; nhưng cũng có đôi khi ích kỷ, kiêu căng, tàn bạo. Vì thế con người cần phải đào luyện cái tâm của mình như thế nào để không bị cái xấu, cái ác khống chế, nhưng biết kiềm chế bản thân và giúp tâm luôn hướng thiện. Bên cạnh đó, trong con người ai cũng có những cảm xúc, dục vọng, ham muốn (Tình)… nhưng điều quan trọng là làm thế nào để phát triển cái tình, để không nghiêng chiều theo hướng xấu, để không bị những dục vọng, ham muốn điều khiển. Do đó cái tâm phải luôn luôn đấu tranh với cái tình, để giúp con người không dễ dàng bị lôi cuốn, bị cám dỗ và sa ngã. Nếu đánh mất đi cái Tâm, con người sẽ dễ dàng bị cái tình chiếm đi lý trí. Ngoài ra trong mỗi con người, đôi khi rất hăng say, năng nổ, siêng năng, cần mẫn… nhưng cũng có đôi khi ba phải không dám đấu tranh chống lại những thói xấu (Tính). Do đó trong mỗi con người ai cũng cần phải có ý chí để vươn lên, ước muốn hoàn thiện bản thân và quyết tâm thực hiện (Ý).
Bài Tin Mừng hôm nay nói lên thân phận yếu đuối mỏng dòn, dễ sa ngã, dễ bị cám dỗ của con người như Thánh Phaolô nói: “Điều tôi biết là tốt, tôi lại không làm; mà điều tôi biết là không tốt, tôi lại cứ làm.” Vì thế để vượt thắng các cơn cám dỗ, đó chính là sự kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Như Chúa Giêsu dạy chúng ta qua kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Lời cầu xin này, như lời tâm niệm khẩn thiết xin Chúa gìn giữ ta khỏi các cơn cám dỗ, để sống mật thiết với Chúa hơn. Ta hãy bám vào Chúa, hãy nài xin quyền năng Chúa tuôn đổ trên ta, để gìn giữ ta khỏi sa chước cám dỗ và khỏi sự dữ.
Có nhiều loại cám dỗ khác nhau. Chẳng hạn, quỷ kiêu ngạo, nó làm cho cái tôi của chúng ta lên cao để rồi mình coi ai không ra gì, không ai tốt bằng tôi, đạo đức như tôi…! Cho nên tôi sẵn sàng triệt hạ, dèm pha, chê bai, trách móc, chửi bới, xét đoán… mà quên rằng tôi là cũng là người “nhân vô thập toàn”, không có ai trên đời này hoàn hảo cả, chỉ có Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Thứ đến, quỷ tham lam, mê ăn uống, nó cố gắng làm chúng ta lam tham hay ăn uống thái quá, đánh mất nhân tính và đánh mất tình người…. và rất nhiều thứ quỷ khác nữa. Do đó, chỉ có lời quyền năng của Chúa Giêsu mới có thể đẩy lùi quyền lực ma quỷ và xua trừ chúng khỏi lòng người. Vậy chúng ta hãy quý trọng lời Chúa Giêsu và vận dụng lời Người, để thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi tham vọng xấu xa, khỏi những ước muốn đê hèn; loại trừ khỏi cuộc đời chúng ta những hành vi gian ác. Một khi Lời quyền năng của Chúa Giêsu đã thanh luyện cuộc đời, và làm cho tâm hồn chúng ta được bừng sáng nhân đức, thì quyền lực của ma quỷ sẽ từng bước bị đẩy lùi, và vương quốc Chúa Giêsu ngày càng lan rộng trong tâm hồn, trong gia đình và trong cộng đoàn, xứ đạo chúng ta. Mỗi ngày, trong Thánh lễ, lời cầu chúc “Chúa ở cùng anh chị em”; “bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, được gởi tới từng anh chị em, như lời mời gọi xây dựng Nước Thiên Chúa. Xin Chúa ở cùng chúng ta, bình an của Chúa ở cùng chúng ta, để giải thoát chúng ta “khỏi mọi sự dữ” Là Kitô hữu, chúng ta được tham dự vào vương quyền của Chúa Giêsu qua Bí Tích Rửa Tội. Vì thế chúng ta cũng được mời gọi dùng tình yêu để hoán cải lòng người, để hàn gắn những hố sâu ngăn cách của giàu nghèo, của địa vị sang hèn. Dùng tình yêu để phục vụ anh chị em, để dấn thân quên mình vì hạnh phúc của tha nhân. Sự hiện diện của người Kitô hữu phải là những ngọn nến sáng, chịu hao mòn để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời. Là Kitô hữu, chúng ta phải là những hạt lúa chịu nghiền nát, để dâng hiến cho đời những hương thơm của phục vụ, của bác ái và vị tha. Do đó, chúng ta được mời gọi theo gương Thầy Giêsu biết dùng quyền để phục vụ, biết dùng tình yêu để hàn gắn những thương đau của chia rẽ và hận thù, biết lấy đức ái để sống vì lợi ích của tha nhân. Nguyện xin Chúa cho chúng ta sáng suốt để nhận ra Chúa chính là cùng đích, là lẽ sống, và là nguồn cậy trông của cuộc đời mỗi người chúng ta, để rồi giữa những lao đao vất vả của cuộc đời xảy đến, chúng ta luôn chạy đến Chúa, tin thác vào tình yêu và sự quan phòng của Ngài mà thôi. Lm Nguyễn Kim Sơn

LTMV IV TN B.pdf