(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Thời gian sau khi ra khỏi biệt giam đúng là thời kỳ hồng ân Chúa ban, vì tôi đã học được đủ mọi bài học quý giá từ nhiều tù nhân đáng kính phục khác. Nhưng đặc biệt nhất là những gì tôi học được từ gương sống của một vị linh mục trong một buồng giam tập thể mà tôi bị tống vào ở nhà tù Phan Đăng Lưu thuộc khu B. Bài học quý báu nhất tôi học được từ cung cách xử sự của ngài đối với hoàn cảnh khổ cực trong tù và nhất là đối với những anh em đồng cảnh ngộ, là cách ngài trân trọng từng giây phút trong tù và từng con người mà ngài tiếp xúc. Thông thường thì tù nhân nào cũng mong muốn thời gian qua mau bởi cái thực tại trước mắt quá đau khổ nên chỉ muốn thoát ra càng sớm càng tốt. Co rút vào vỏ ốc thủ thân cho qua ngày để không chuốc hại vào thân được cho là thái độ khôn ngoan của hầu hết các tù nhân. Thế nhưng, vị linh mục tù nhân nầy đã sống ngược lại.

Câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày trong tù bằng một nghìn năm bên ngoài) được áp dụng cho hầu hết những ai ‘ở tù’, kể cả chính tôi lúc chưa gặp vị linh mục tuyệt vời ấy ! Ngày dài lê thê, đêm cũng dài lê thê, nhìn quanh chỉ thấy bốn bức tường với kẽm gai cùng song sắt, không gian đi lại ban ngày là dăm ba bước lách qua những con người ngồi nằm lố nhố, chỗ nằm ngủ ban đêm thì y như những con cá mòi xếp trong hộp, không khí để thở thì nồng nặc mùi mồ hôi vì ẩm thấp và oi bức…chẳng ai muốn sống trong nơi chốn cực hình ấy nên mong thời gian mau qua, mà càng mong thì càng thấy nó kéo dài cách thê thàm ! Thế là tù nhân cứ ngồi mà than thân trách phận, ngao ngán nhìn thời gian trôi qua sao quá chậm. Ngược lại, vị linh mục ấy thì không đủ giờ cho những sinh hoạt trong tù của ngài. Vị Mục Tử ấy chính là cha Giuse Tiến Lộc vừa trở về với Chúa.

Ngay sau lúc ‘điểm danh buổi sáng’, ngài kín đáo dâng Thánh Lễ và anh em nào nhận được tín hiệu của ngài thì ngồi yên tại chỗ mà tham dự cùng kín đáo rước Mình Thánh Chúa sẽ được chuyền đến tận chỗ. Sau đó ngài hô hào ai muốn thì cùng tập thể dục chung với nhau, có lẽ nhiều người thích môn ‘Phất thủ liệu pháp’ nhất. Tiếp theo là ăn sáng ngay khi nhận được nước nóng từ trại phát mỗi người một ca. Đúng là ‘ăn sáng’, nghe sang thật, hoá ra là chừa một phần cơm trưa (thường là bo bo hay cục bột mì luộc) và một phần cơm tối để có ‘cái gọi là điểm tâm’ cho giống như ngoài đời ! Sau điểm tâm là đến giờ học hỏi. Phần lớn anh em muốn dùng thì giờ sao cho hữu ích thì chia thành nhiều nhóm nhỏ. Có nhóm học về nhạc lý căn bản, đó là nhóm đông nhất vì âm nhạc là sở trường của vị linh mục ấy, nên biết rằng ngài là một nhạc sĩ khá ‘nặng cân’ (hiểu cả về tài năng lẫn trọng lượng). Nhóm học ngoại ngữ thì được chia ra nhiều lớp, lớp học tiếng Quan Thoại, lớp học tiếng Quảng Đông, lớp học Anh Ngữ và lớp học Pháp Ngữ. Nên nhớ, đây là điều mà nội quy cấm nhặt, nên các nhóm nầy phải thật kín đáo, nhất là không lưu lại bút tích. Vị linh mục ấy hình như không sợ những hiểm nguy đang rình rập ngài.

Nhiều người tù vì yêu mến cách sống của ngài mà tìm đến với Thiên Chúa. Đúng vậy, tôi chưa thấy vị linh mục nào thu hút nhiều con chiên về đàn chiên của Chúa bằng vị linh mục ấy. Ngoài số tù nhân lãnh nhận Phép Rửa cách âm thầm trong tù còn phải kể đến rất nhiều người sau khi ra tù đã tìm đến nhà linh mục ấy học đạo. Riêng tôi, tôi học được cách sống và sống thật sung mãn từng giây phút của cuộc đời nầy nhờ vị linh mục ấy. Chính Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên nhân hậu, cũng đã bắt đầu công cuộc rao giảng bằng lời mời gọi “Hãy tin vào Tin Mừng”, mà “Tin Mừng” là gì ? Câu kết trong bài Phúc Âm Chúa Nhật nầy đã cho chúng ta câu trả lời, đó là : “Phần tôi, tôi đến để cho chiên của tôi được sống và sống dồi dào”. Thật sự, đó chính là một TIN MỪNG.Cuộc sống hằng ngày ai cũng có những gian truân thử thách, ai cũng nếm những thất bại cùng đau khổ, ai cũng nhận ra thân phận yếu đuối tội lỗi, nhưng xin đừng nản lòng, vì Thiên Chúa Con đã xuống thế làm người như chúng ta để chúng ta được sốngsống thật dồi dào. Được sống không phải là một hồng ân rất cao quý sao? Vậy vì lý do gì vẫn có những Kitô-Hữu đã và đang sống buồn rầu như bị bắt buộc phải sống ? Từ gương vị linh mục ấy, tôi nhớ mãi danh ngôn sau : “Đừng lo sợ cuộc sống sẽ kết thúc bởi cái chết, mà hãy lo rằng đến lúc chết rồi mà hình như chưa bắt đầu sống và chưa sống sung mãn”. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV CN IV PS NĂM A.docx