(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

*************

Trong cuộc sống chúng ta đã bao lần dùng chữ “Đợi” để hoãn lại một suy nghĩ hay một hành vi nào chưa? Tôi thiết nghĩ rằng chúng ta đã dùng rất nhiều như là: “Đợi có thời gian rảnh thì đi thăm người này người kia, đợi suy nghĩ tí nữa thì sẽ tha thứ hay chấp nhận, đợi tìm hiểu thêm nữa thì sẽ quyết định…” Đợi…đợi…và đợi mãi rồi đã muộn màng để một lúc nào đó chúng ta hối hận vì đã không làm sớm hơn. Lúc ấy chúng ta thường hay thốt lên rằng: “Giá biết thế thì giờ này không phải hối hận, không bỏ mất cơ hội và không hối tiếc cho những suy nghĩ và hành động đó.

Người con thứ trong Bài Tin Mừng tuần này đã làm một quyết tâm, Anh không thể nào “đợi” được nữa, và quyết định quay trở về cùng Cha mình. Nếu anh đợi lâu một chút nữa có thể anh phải chết vì cơn đói đang hoành hành. Cái chết cận kề, đứng trước tình cảnh đó anh dẹp bỏ mặc cảm, tự ái để đối diện với sự thật. Anh đã thầm nhủ rằng, những người làm công cho Cha mình đồ ăn dư thừa, còn anh đang phải chết vì đói. Vì đói quá anh muốn trở về cùng Cha để xin ăn, đồng thời xin được tha thứ cho những lầm lỗi mà anh đã xúc phạm. Anh cũng thầm nhủ rằng: “xin Cha hãy xem anh như kẻ làm công,” miễn sao anh có cái gì để ăn vì anh quá sợ “cơn đói.” Anh không thể đợi được nữa, nên đã quyết tâm đứng lên và đi về cùng Cha.

Ở quê nhà, từ ngày anh bỏ nhà ra đi, từng ngày từng giờ người Cha đã ngóng trông đợi chờ mỏi mòn, hy vọng một ngày nào đó đứa con sẽ trở về. Thời gian trôi qua quá vô tình, đôi khi làm cho người Cha cảm thấy vô vọng, “không biết con mình có trở về không, bây giờ nó sống ra sao, số tài sản đó có giúp gì được để mưu sinh, hay nó đã chết nơi tha phương nào đó?” Hàng ngàn câu hỏi mãi lẩn quẩn trong đầu có lẽ khiến Ông rất đau buồn và mệt mỏi. Nhưng Ông vẫn mãi cứ “Đợi”, dẫu biết rằng đó vẫn chỉ là một hy vọng nhỏ nhoi nhen nhúm trong lòng, dẫu biết rằng bóng hình đó vẫn mãi mất hút biền biệt. Tóc Ông giờ bạc phơ theo năm tháng, sức khỏe Ông cạn dần, ánh mắt đã lu mờ, vết chân chim đã hằn sâu trên khuôn mặt già nua không còn sự tinh anh nhạy bén nữa. Thế mà Ông vẫn cứ mãi “Đợi” với một tia hy vọng nhỏ nhoi, một ngày nào đó Con Ông sẽ trở về.

Thế rồi một ngày kia cái “Đợi” đó đã được đáp đền, nơi xa xăm hình bóng người con đã xuất hiện, anh mắt Ông không còn nhìn rõ nữa, nhưng con tim đã thúc bách Ông chạy ùa tới ôm choàng lấy người con, dường như rất nghẹn ngào. Niềm vui và hạnh phúc dâng cao đến nỗi Ông không màng đến hình dáng tiều tụy, không còn khôi ngô tuấn tú của người con. Đối với Ông cái “Đợi” đó, giờ đây đã thành hiện thực, cái “lỗi lầm” kia, giờ đây đã hóa thành sự “tha thứ”. Bao nhiêu lời mà người con muốn thân thưa cùng Cha, giờ đây đã lấp đầy niềm vui hạnh phúc bằng tấm lòng nhân hậu của người Cha “mau mau chúng ta phải ăn mừng, vì con ta chết nay đã sống lại, đã mất nay lại tìm thấy!”

Thiên Chúa cũng thế, tình yêu và lòng thương xót vô điều kiện của Ngài đã bao trùm tất cả “tội lỗi” của chúng ta. Ngài cũng luôn mong mỏi “Đợi” chúng ta quay về với Ngài. Liệu chúng ta có can đảm, thật lòng cất bước lên đường quay về với Ngài hay không? Mùa Chay là điều kiện thuận lợi để mỗi người chúng ta thực hiện điều đó, nhưng Thiên Chúa không ngừng chờ đợi chúng ta mỗi ngày.

Qua dụ ngôn này, tôi cảm nghiệm được rằng: Chúa cho tôi thấy, dù tôi có là ai, là con út hay con cả, tôi vẫn cần trở về. Vì nếu tôi chưa đi hoang trong đời sống, chắc chắn đã nhiều lần tôi đi hoang trong tâm hồn. Nhưng dụ ngôn cũng cho tôi an tâm trở về, hình ảnh người Cha hiền đứng “Đợi” mời gọi tôi mau bước. Thiên Chúa là người Cha yêu thương tôi, trước khi tôi yêu Ngài. Đi tìm tôi, trước khi tôi đi tìm Ngài. Tha thứ cho tôi, trước khi tôi xin lỗi Ngài.

Mùa Chay qua Bí Tích Hòa Giải, Giáo Hội mời gọi chúng ta cảm nghiệm sâu sắc tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn dang rộng cánh tay để ôm ấp, để vỗ về và tha thứ cho chúng ta. Và tình yêu vô bờ của Người Cha ấy luôn “Chờ Đợi” chúng ta, dẫu rằng chúng ta ngàn lần quay mặt để lẩn trốn, nhưng Ngài vẫn luôn mời gọi, đứng đợi như thể đang ngóng chờ người con hoang trở về. Ước mong chúng ta luôn biết khao khát tình yêu của Thiên Chúa như người con thứ đói thức ăn và đã quay về bên Cha mình.

Lm Nguyễn Kim Sơn

LTMV CN IV MC C.docx