(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Sáng hôm đó, ngày 12 tháng 9 năm 2001, tôi có hẹn với nha sĩ Réginald tại phòng mạch của bà ở Marrickville – Sydney lúc 10 giờ. Đó là một ngày quan trọng đối với tôi vì kể từ ngày này tôi được nhập quốc tịch Pháp. Người Pháp có dòng họ Henri, còn tôi sẽ được gia nhập dòng họ ‘Hăng-Rết’ vì sáng hôm đó bà Réginald sẽ nhổ quách cái răng cuối cùng của hàm trên rất đáng thương của tôi, để rồi tôi sẽ ‘Hết Răng’ và hàm trên của tôi chỉ toàn thấy ‘lợi’. Nằm trên bàn ‘tử hình’, tôi nhìn lên cái TV đang chiếu lại cảnh hai chiếc phi cơ dân sự bị không tặc cướp rồi cho đâm xuống tòa tháp đôi thương mại (New York) xảy ra bên Mỹ vài tiếng đồng hồ trước đó. Tôi có cảm giác mình đang có mặt trong những chiếc phi cơ xấu số nói trên bởi lẽ tôi cũng đang nằm chờ đợi cái gì đau đớn sắp xảy ra vì theo nha sĩ thì đây là một chiếc răng bất trị, nó có ba chân níu vào nhau y như nó sợ bị nhổ vậy. Thế là, để xoa dịu cơn đau, bà nha sĩ đã tiêm thuốc tê.

Tạ ơn Chúa ! Cuối cùng, bà cũng đã hoàn tất mỹ mãn công việc của mình sau hơn một tiếng đồng hồ khó nhọc. Trên đường đi bộ về nhà dòng (cách đó không đầy 500 thước), tôi dùng lưỡi dò xét lại chỗ trống do chiếc răng đã đi nghỉ phép vĩnh viễn để lại, một cảm giác rất lạ lùng như thiếu vắng một cái gì trong nhiều năm thân thiết lắm mà nay đã không còn. Một cảm giác lạ lùng hơn nữa chính là khi tôi sờ lên mặt, lên má, tôi hoàn toàn không nhận ra đó là phần cơ thể của tôi. Tôi hiểu đó là hiệu quả của thuốc tê mà bà nha sĩ đã tiêm vào. Tôi lại liên tưởng đến một thời kỳ mà hai chân tôi dường như không còn thuộc về tôi sau lần tôi bị rơi xuống giếng lúc còn ở trong tù. Cho đến nay, mỗi lần nhớ lại cái cảm giác ấy, tôi vẫn còn thấy sợ.

Bài đọc 2 hôm nay với hình ảnh quan trọng mà thánh Phaolô dùng để mô tả về Giáo Hội, chính là thân thể con người. Một hình ảnh rất cụ thể, rất thân thiết, nhưng cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa rất sâu xa. Qua hình ảnh này, thánh Phaolô cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa các phần tử trong Giáo Hội. Mỗi tín hữu đều là một bộ phận liên kết chặt chẽ với nhau, nhờ vào sự liên kết giữa mỗi người với Chúa Giêsu. Như thế, mọi người tuy khác nhau nhưng đều được kêu gọi để liên kết chặt chẽ để cùng nhau xây dựng Giáo Hội.

Một bộ phận không thể tách rời ra khỏi cơ thể, một cá nhân không thể tách rời ra khỏi gia đình và xã hội, một Kitô hữu cũng không thể tách rời ra khỏi Giáo hội. Cộng đoàn của chúng ta cũng không thể tách rời ra khỏi Giáo Hội địa phương là Tổng Giáo Phận Perth. Thật vậy, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc của chúng ta là một chi thể của Tổng Giáo Phận Perth. Cộng Đoàn của chúng ta được như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp rất nhiều công sức của rất nhiều người. Tuy nhiên chúng ta cần phải cầu tiến luôn mãi. Mà để thăng tiến Cộng Đoàn, có nhiều điều chúng ta cần phải lưu ý :

Thứ nhất, chúng ta cần ý thức, chọn lựa và cảm nghiệm sâu xa rằng mình thuộc về Cộng Đoàn. Do đó, cần phải yêu mến Cộng Đoàn và luôn tìm cách hỗ trợ mọi sinh hoạt của Cộng Đoàn. Thứ hai, mình phải thăng tiến chính bản thân bằng cách nuôi dưỡng đức tin, về 3 phương diện : Trau giồi kiến thức đức tin, thực hành các việc thờ phượng, và sống theo giáo huấn của Chúa. Thứ ba, cố gắng dấn thân vào các sinh hoạt của Cộng Đoàn nhất là tham gia bằng cách âm thầm phục vụ. Hơn nữa, như lời thánh Phaolô ám chỉ trong bài đọc 2 hôm nay, mọi người phải chiếu cố nhiều hơn đến những phần chi thể được coi như yếu hơn và không trang nhã mấy. Đó không phải là thái độ và sứ mạng của Chúa Kitô sao ? Ngài đến trần gian để phục vụ trong khiêm nhường và hiến mạng sống Ngài hầu xóa sạch tội lỗi nhân gian. Ngài luôn quan tâm và đến với những kẻ mà xã hội gán cho nhãn hiệu là ‘phường tội lỗi và gái điếm’.

Thế nên chúng ta họp nhau lại để lắng nghe Lời Chúa như con cái Israel năm xưa, thì chưa đủ. Chúng ta cùng nhau tham dự vào tiệc Mình Máu Thánh Chúa Giêsu để kết hiệp với Người và nhờ đó mà kết hiệp với nhau như trong cùng một thân thể vậy. Nhận lấy Mình Máu Thánh của Chúa Giêsu, chúng ta cũng nhận lấy Thần Khí của Ngài và cố hết sức mình sống thực hành Lời Ngài dạy, nhờ đó chúng ta cũng muốn tôn trọng và hợp tác với anh chị em mình hơn nữa.

Hãy nhìn lại ‘bản chất Công Giáo’ của mình để nhận ra một điều là mỗi người chúng ta đều được mời gọi để đem tâm hồn, sức lực, tâm trí, thời giờ và tài năng riêng nhằm góp phần vào sinh hoạt Cộng Đoàn. Khi làm như vậy, chính là lúc chúng ta cùng nhau xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô ngay lúc này, ngay hôm nay và ngay tại Cộng Đoàn này.

Linh mục Phạm Quang Hồng.

LÁ THƯ MỤC VỤ 2301022.docx