(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Chiều đã gần tàn, hai môn đệ mệt mỏi thất vọng trở về quê quán. Dọc đường họ đã trò chuyện với nhau về những chuyện đã xẩy ra mấy hôm trước. Câu chuyện cứ mãi xoay quanh về Thầy Giêsu, và tâm trạng của họ giờ đây cũng mệt mỏi thất vọng lê từng bước chân trên đường trở về Emmaus. Đoạn đường không xa lắm, nhưng sao họ cảm thấy xa vời vợi, độ chừng mười một cây số từ Giêrusalem đến Emmaus.

Hai môn đệ vẫn chưa tin vào mắt mình, cũng chưa hoàn hồn khi chứng kiến tất cả câu chuyện xảy ra cho Thầy Giêsu. Câu chuyện không có hồi kết là vì họ không thể nào tìm ra lý do tại sao người ta giết Thầy Giêsu, và lại càng khó tin hơn nữa tại sao Thầy mình là Con Thiên Chúa, sao Thiên Chúa lại để chuyện xảy ra như vậy. Chịu sỉ nhục, hành hạ, tra tấn, vác thập giá và bị đóng đinh treo trên thập giá, rồi chết một cách tức tưởi, còn bị đối xử tệ bạc hơn tên trộm cướp. Thất vọng tràn trề và không lý giải được. Họ đành bỏ cuộc trở về quê quán bắt đầu cuộc sống từ đầu. Hành động trở về làng Emmaus là một hành động bỏ cuộc, gác kiếm, không còn một chút hy vọng gì về tương lai.

Đang mải mê trò chuyện, thì bất chợt một vị khách lạ hiện ra cùng đồng hành với hai môn đệ, nhưng hai ông không nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Vai kề vai cùng sánh bước với hai môn đệ, lắng nghe tâm sự, suy nghĩ và cảm giác của hai ông về cái chết của Ngài. Chúa Giêsu Phục Sinh muốn tham gia vào câu chuyện của hai ông, hay nói cách khác, Ngài muốn an ủi xoa dịu nỗi đau đang dày vò tâm can mà hai ông đang phải gánh chịu. Chúa Giêsu nhẹ nhàng ân cần hỏi hai ông có chuyện gì xảy ra mà sao vẻ mặt buồn sầu thế? Nhưng Ngài không nản lòng hay bị sốc trước câu trả lời của Clêôpát: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong mấy ngày nay.” Nhưng Chúa Giêsu giả vờ không hay biết, và vẫn kiên nhẫn lắng nghe họ tâm sự để cho họ vơi bớt đi nỗi đau buồn. Chúa rất tâm lý không cắt ngay câu chuyện vì Ngài muốn để cho họ trút bỏ tâm sự. Mặt khác Ngài rất đồng cảm trước cảm giác thất vọng hoàn toàn của hai ông. Vì trước đây họ hy vọng về Thầy Giêsu, nay niềm hy vọng đó chỉ còn là chuyện quá khứ, chỉ là trong mơ, và tâm hồn họ nặng trĩu về một tương lai tiền đồ đổ vỡ.

Câu chuyên bị cắt ngang đúng lúc khi Chúa nhẹ nhàng nói với hai ông rằng: “Sao các anh chẳng hiểu gì cả. Lòng trí các anh thật chậm tin vào Lời các Ngôn Sứ!” Chúa Giêsu đã từ từ mở trí lòng các ông, để các ông hiểu thêm về vấn đề mà hai ông đang đi tìm câu trả lời. Ngài mở lòng trí hai ông bằng cách giải thích Kính Thánh, bắt đầu từ Môisen cho đến các ngôn sứ. Ngài vén mở cho hai ông thấu hiểu về ý nghĩa mầu nhiệm đau khổ, bằng chính cuộc thương khó của Chúa. Ngài phải chịu đau khổ, phải chịu chết và sẽ Phục Sinh để ứng nghiệm Kinh Thánh và Lời các ngôn sứ. Trên hết mọi vấn đề, Chúa Giêsu phải thực thi Thánh Ý Cha Ngài. Chúa Giêsu muốn ngầm giải thích cho các ông hiểu rằng: sự việc xảy ra cho Ngài, không phải Thiên Chúa Cha của Ngài đã bỏ rơi Ngài, nhưng chính Ngài phải đi ngang qua thập giá, con đường đau khổ này, để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt.

Dưới con mắt của hai môn đệ và tất cả các môn đệ khác, những chuyện xảy ra họ cho là xui xẻo, là bất công, vì họ đã đầu tư hết mọi tâm sức, trí lực vào Thầy Giêsu, nay trở thành công cốc. Tầm hiểu biết của các ông còn bị giới hạn, họ chỉ nhìn những sự kiện đó theo cái nhìn của loài người, nên họ không thể nào chấp nhận những chuyện ấy xảy ra như thế. Vì thế, Chúa từ từ cắt nghĩa cho hai ông hiểu rằng: Đau khổ nó có chỗ đứng của nó, và đau khổ cũng không thể nào thiếu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta thấy Lời của Chúa Giêsu Phục Sinh có sự thuyết phục rất mạnh mẽ, khiến nỗi đau khổ của hai môn đệ dịu đi, họ không còn tranh luận nẩy lửa trong sự bực tức nóng giận. Nên hai ông đã cố nài ép Chúa ở lại dùng bữa, để tìm cơ hội tiếp tục lắng nghe Chúa, để hiểu thêm vấn đề đã xảy ra. Đây là cơ hội quí hiếm nên hai môn đệ nắm bắt cơ hội để cùng Chúa hàn uyên tâm sự, chính vì thế mà tầm hiểu biết của hai ông đã được nâng lên tầng cao mới. Nhưng hai ông vẫn còn phân vân chưa nhận ra Chúa, và Chúa đã dùng một hành động cụ thể để cho niềm tin của hai ông được trọn vẹn, không còn bâng khuâng ngờ vực cho sự Phục Sinh của Thầy Giêsu. Hành động cầm bánh, chúc tụng rồi bẻ ra trao cho hai ông. Ngay lập tức mắt hai ông sáng ra, lòng các ông mở ra, và nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu. Niềm vui chưa nói được một lời thì Thầy đã vụt biến mất, và để lại trong tâm trí của hai ông một khoảng trống bao la, không giống như khoảng trống của ngôi mộ. Khoảng trống đó lấp đầy niềm vui, hạnh phúc và bình an. Niềm tin của hai ông được nhân đôi, không còn đau khổ, ngờ vực và bâng khuâng nữa.

Kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus cũng là kinh nghiệm của chúng ta. Lúc ta tưởng Chúa Giêsu vắng mặt, thì Ngài đang ở gần bên. Lúc lòng ta khép kín, thì ta tưởng rằng Ngài biến mất. Nhưng những lúc ấy, chúng ta lại nghiệm xâu xa hơn sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn. Chúa Giêsu Phục Sinh luôn vẫn đồng hành với chúng ta những lúc ta ngờ vực, nghi ngờ, đau khổ hay thất vọng. Đặc biệt Chúa đến với chúng ta qua từng Thánh Lễ, và chính Ngài bẻ Thân Thể ra một lần nữa để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính Ngài đích Thân cắt nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta hiểu thêm về Ngài để chúng ta càng xác tín hơn về tất cả những gì nói về Ngài. Vậy Thánh Lễ mà chúng ta tham dự là một hiến tế được lập lại về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nhưng không đổ máu như xưa, và chính trong Thánh Lễ chúng ta lại chứng kiến sự Phục Sinh của Chúa đang hiện diện, và Ngài lại đồng hành với chúng ta như xưa Ngài đồng hành với hai môn đệ trên đường về làng Emmaus. Lm Nguyễn Kim Sơn

LÁ THƯ MỤC VỤ III PS A.docx