GIỚI THIỆU THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA (Giáo hội về Thánh Thể)
Trang Nữ Vương Công Lý 29/12/11 11:06 AM
Thông điệp Ecclesia de Eucharistia của ĐGH Gio-an Phao-lô II là dịp tốt cho chúng ta kiểm điểm lại cách sống mầu nhiệm này. Trong thời gian bốn mươi năm sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, đã có nhiều thay đổi về phụng vụ, thánh nhạc, kiến trúc các nhà thờ, cách tham dự các nghi lễ v.v.. Chắc hẳn những thay đổi đó là do ảnh hưởng của cách hiểu và sống bí tích Thánh Thể. Vì vậy, thiết tưởng đọc và tìm hiểu thông điệp này là điều bổ ích và cần thiết.
Dẫn nhập
ĐGH phản ánh một số thông tin từ nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Nam Mỹ v.v… Qua những thông tin này, ngài cho thấy ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể bị thu gọn lại trong một vài hình thức hạn hẹp, như coi Thánh Thể là một cuộc họp thân hữu mang tính vui tươi sống động, hơn là nơi cử hành mầu nhiệm Chúa Ki-tô, Đấng cứu chuộc loài người. Trong bầu khí này, ý nghĩa của sự thiêng thánh và cuộc tưởng niệm hy lễ của Chúa không còn nữa (x số 10). Nhiều nơi có khuynh hướng coi đây là những buổi gặp gỡ mang tính đại kết và chấp nhận cho các người ngoài công giáo rước lễ, viện cớ là tạo cơ hội xích lại gần nhau hơn giữa các anh em thuộc các Giáo hội ly khai. Lý luận như thế là hiểu sai và mơ hồ về nội dung đức tin và thừa tác vụ của bí tích Thánh Thể. Về điểm này, ĐGH viết: “Hội thánh được sinh ra từ mầu nhiệm Vượt Qua. Chính vì lý do này mà Thánh Thể, bí tích cao cả của mầu nhiệm Vượt Qua nằm ở điểm trung tâm của Hội thánh.” (số 3)
Hội thánh được nuôi dưỡng và soi sáng nhờ Đức Ki-tô. Bất cứ ở nơi nào Hội thánh cử hành Thánh Thể thì một cách nào đó, người tín hữu có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Em-mau: “Mắt họ được sáng ra và họ nhận ra Người.” (Lc 24,31) (số 4)
Ở đây ĐGH nhấn mạnh đến mầu nhiệm đức tin, bởi vì Hội thánh sống bí tích Thánh Thể như uống từ một nguồn suối đem lại sức sống cho mình, chứ không phải như một cách diễn tả hay đúc kết hoạt động của mình. Nếu Thánh Thể phát xuất từ mầu nhiệm Phục Sinh thì mầu nhiệm này nhằm nói với ai hoàn toàn sống theo mầu nhiệm đó rằng chính là nhờ cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô mà chúng ta đón nhận được hiệu quả của ơn cứu chuộc. Mối dây liên hệ thiêng liêng với Chúa Giê-su là nòng cốt cho các buổi họp mừng Thánh Thể.
Chương I: Mầu nhiệm đức tin
Trong thánh lễ, sau lời truyền phép, chúng ta hát: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết, chúng con tuyên xưng Chúa sống lại, chúng con đợi chờ ngày Chúa quang lâm. ”Câu hát đó cho chúng ta thấy hành vi hiến tế của Chúa Giê-su là điểm trung tâm cuộc gặp gỡ của chúng ta. Câu hát đó ở thì hiện tại và do đấy không phải chỉ hoàn toàn là một sự khơi gợi lại dĩ vãng, một kỷ niệm về cuộc hiến dâng của ngày hôm qua như ĐGH nói: “Trong Thánh Thể, Chúa Giê-su chứng tỏ rõ ràng một tình yêu cho đi tới cùng (x Ga 13,1), một tình yêu không có giới hạn.” (số 11)
Việc hiến dâng chính mình bằng “thân xác bị trao nộp” và máu đổ ra cho “muôn người được ơn cứu độ” đã trở thành hy lễ dâng tiến cho thế gian được sống. Từ hy lễ gợi cho chúng ta sự đau đớn. Đó là giá phải trả để chuộc lấy sự tự do và trong trắng cho chúng ta. Không có đời sống Ki-tô hữu, nếu không có sự hiến thân thúc đẩy chúng ta hy sinh bản thân để hiệp thông với cuộc dâng hiến của Đức Ki-tô cho Chúa Cha và anh em mình. Vì vậy, tưởng nhớ đến hy lễ của Chúa Giê-su là nhớ lại rằng Người ở đó để lấy lại tính năng động và giúp chúng ta gỡ mình ra cho khỏi tính thích chiếm hữu và từ chối các mối lợi riêng để hiệp thông với Người trong mầu nhiệm Phục Sinh. Sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, việc biến đổi bản thể bánh và rượu là những sự việc đầy tính năng động. Sự hiện diện này bắt đầu từ cuộc Thương Khó qua cuộc Phục Sinh tới cuộc Vinh Thắng hoàn toàn. Tính năng động của ơn cứu độ hiện rõ trong hy tế Thánh Thể của Chúa Giê-su như ĐGH viết: “Hiệu năng ban ơn cứu độ của hy tế được thực hiện đầy đủ, khi Mình và Máu Chúa được tín hữu lãnh nhận qua việc rước lễ.” (số 16)
Rước lễ đúng ra là hiệp thông, như từ Communio dùng để chỉ công việc này. Rước lễ là rước Mình và Máu thánh Chúa tức là hiệp thông với Chúa và anh em đồng loại. Vì vậy, rước lễ là hành vi làm cho ý nghĩa của thánh lễ được nên hoàn hảo, thành ra hễ đi lễ là phải cố làm sao cho có điều kiện bên trong cũng như bên ngoài để rước lễ.
Rước lễ là một việc đòi người lãnh nhận phải ở trong tình trạng ơn nghĩa và liệu cho lòng trí được sẵn sàng. Xưa kia, khi các môn đệ nghe Chúa Giê-su nói thịt của Người thật là của ăn và máu của Ngươ thật là của uống (Ga 6,55), nhiều thính giả đã bỏ ra về. Người còn nói thêm: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi đến và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (6,57)
Thánh Ephrem (Ép-rem) cũng lập lại tương tự những lời này như sau: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn. Đây đích thật là Mình Thầy; ai ăn sẽ được sống muôn đời.” (Bài giảng số 4 về Tuần Thánh)
Sống kết hợp với Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, gắn bó mật thiết với sự sống vĩnh cửu không làm cho các người tin Chúa xa lánh trần gian mà trái lại càng thúc đẩy họ góp phần vào việc xây dựng xã hội trấn gian, như lời trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng: “Một tia sáng của thành Giê-ru-sa-lem trên trời xuyên qua các đám mây bao phủ lịch sử chúng ta và chiếu sáng con đường chúng ta đi. Vinh quang đó thúc đẩy bước tiến của chúng ta trong lịch sử, làm nẩy sinh niềm hy vọng sống động trong sự tận tâm hàng ngày của mỗi người đang đảm trách các nghĩa vụ của mình. Điều đó không làm yếu đi mà càng thôi thúc ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với trần gian.” (số 39)
Ở đây, ĐGH gợi lại nhiều vấn đề như hòa bình, liên đới, bảo vệ sự sống, toàn cầu hóa, rồi kết luận: “Chính trong thế giới này, niềm hy vọng của chúng ta phải tỏa sáng. Cũng vì lý do đó, Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong bí tích Thánh Thể bằng cách làm cho sự hiện diện của Người trong bữa ăn và trong hy tế trở nên lời hứa đổi mới nhân loại nhờ tình yêu của Người. (số 19-20)
Cũng trong chiều hướng đó, ĐGH trích dẫn thêm thánh Gio-an Kim Khẩu: “Bạn muốn tôn kính Mình Chúa Ki-tô ư ? Bạn đừng khinh bỉ khi thân thể đó trần truồng. Bạn đừng tôn kính thân mình đó ở đây trong nhà thờ, qua những vải vóc tơ lụa, trong khi bạn để thân mình đó ở bên ngoài chịu rét mướt và thiếu quần áo. Thật vậy, Đấng đã nói: “Này là Mình Thầy” và Đấng đã thực hiện điều ấy khi nói ra cũng là Đấng đã nói: “Xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn… và mỗi lấn các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất này là các ngươi đã không làm cho Ta vậy.” (Mt 25, 42.45) Nào có lợi ích gì, khi bàn thờ của Đức Ki-tô đầy bình vàng, còn chính Người lại chết đói ? Bạn hãy bắt đầu bằng việc cho người đói ăn no, rồi với cái còn lại, bạn hãy trang hoàng bàn thờ.” (Gio-an Kim Khẩu, Bài giảng về TM theo thánh Mt 50,3-4)
Chương II: Thánh Thể xây dựng Hội thánh
Người công giáo được gọi là người di lễ, và không đi lễ là cắt đứt liên lạc với cộng đồng Ki-tô hữu. Đi lễ là luật buộc của Hội thánh từ Công Đồng La-tê-ra-nô II năm 1215. Là công giáo và tham dự thánh lễ đi dôi với nhau. Người ta thường dựa vào việc đi lễ hay không đi lễ để định mức thịnh suy của Hội thánh, (tuy còn phải căn cứ vào lối sống theo Tin Mừng và số người lãnh bí tích Thanh Tẩy nữa). Công Đồng xem ra cũng đồng tình với ý tưởng này khi viết: “Hội thánh tiến triển trong sự hiệp thông mang tính bí tích với Con Thiên Chúa, Đấng đã hy sinh vì chúng ta… Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy… Mỗi khi anh em uống, hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11, 24-25; x Lc 22,19)
“Nhờ kết hợp với Đức Ki-tô, dân của Giao Ước mới thay vì khép kín, đã trở thành một bí tích cho nhân loại, một dấu hiệu và dụng cụ ơn cứu độ, ánh sáng cho thế giới và muối cho trần gian. (x Mt 5,13-16) nhằm cứu chuộc mọi người.” (số 22)
“Vì thế, Thánh Thể xuất hiện như nguồn sinh lục và chóp đỉnh của mọi cuộc loan báo Tin Mừng, bởi vì mục tiêu của công cuộc này là hiệp nhất loài người với Chúa Ki-tô và trong Người, hợp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.” (số 22)
Đời sống trong Hội thánh bắt đầu từ bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức, được củng cố nhờ bí tích Thánh Thể. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Ki-tô hiện diện trong Dân Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đến linh hoạt và hợp nhất cộng đồng tín hữu đồng thời hiến thánh bánh và rượu thành Mình và Máu thánh Chúa Ki-tô. Các khát vọng bình an và hợp nhất của loài người được đáp ứng trong món quà Chúa Giê-su tặng ban qua bí tích Thánh Thể: “Ân sủng của Đức Ki-tô và Thánh Thần của Người mà chúng ta lãnh nhận khi rước lễ, thực hiện một cách viên mãn và phong phú những khát vọng hiệp nhất trong tình huynh đệ. Những khát vọng này tiềm ẩn sâu xa trong tâm hồn con người, đồng thời nâng cao kinh nghiêm về tình huynh đệ, một tình huynh đệ vượt trên mọi kinh nghiệm thông thường của con người trong môt bữa ăn.” (số 24)
Hội thánh ở đó như một dấu hiệu hiệp nhất mọi người với nhau: “Những mầm mống chia rẽ mà kinh nghiệm hàng ngày cho thấy cắm rễ sâu trong nhân loại như là hiệu quả của tội lỗi đã bị ngăn chặn bởi quyền năng đem lại sự hiệp nhất của thân mình Chúa Ki-tô. Trong khi xây dựng Hội thánh, Thánh Thể kiến tạo một cộng đồng nhân loại.” (số 23)
Tiếp đó, ĐGH nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ. Lòng tin vào sự hiện diện đích thật của Chúa Giê-su ngoài thánh lễ là nét đặc biệt của Hội thánh công giáo.
Chương 3: Đặc tính tông đồ và chiều kích Hội thánh của Thánh Thể
Có một sự tương đồng giữa Thánh Thể và Hội thánh. Ngay từ đầu, Thánh Thể được Đức Ki-tô giao cho các Tông Đồ. Hội thánh cử hành Thánh Thể như các Tông Đồ đã tin. Thánh Thể được trao lại cho các đấng kế vị các ngài và cho các linh mục hiệp nhất với các giám mục thông hiệp cùng Tòa thánh. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia nhấn mạnh đến mối dây liên hệ đặc biệt nối kết linh mục với việc cử hành Thánh Thể. Ngay từ đầu thông điệp, Đức Gio-an Phao-lô II đã nói rất rõ về vị thừa tác cử hành Thánh Thể như sau: “Chính vị ấy nói lên, với sức mạnh của Đức Ki-tô từ trong phòng Tiệc ly: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Này là chén Máu Thầy đổ ra vì anh em…” Linh mục nói những lời này, hay đúng hơn, để cho Đấng đã nói những lời đó tại phòng Tiệc ly dùng tiếng nói của mình. Người muốn rằng lời ấy phải được lặp lại qua mọi thế hệ, do tất cả những ai thông phần vào chức vụ linh mục trong Hội thánh của Người (số 5)
Chính vì thế chỉ một mình linh mục đọc các lời trong Kinh Tạ ơn. Nhân danh sứ vụ tông đồ được ban cho trong bí tích Truyền Chức, linh mục, thừa tác viên Thánh Thể, cử hành nhân danh Chúa Ki-tô, được đồng hóa với chính Chúa Ki-tô trong lời nói và việc làm. Cùng với Chúa Ki-tô, linh mục là người chủ động dâng của lễ, như nhiều kinh Tạ ơn chứng tỏ, nhất là kinh tạ ơn III:”Xin Cha đoái nhìn hiến lễ của Hội thánh và nhận đây chính là của lễ Con Cha đã dâng hiến để nhân loại được giao hòa với cha. Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô.”
Đặc tính tông đồ của Thánh Thể được tập trung ở đây, nơi con người linh mục: “Thừa tác viên này là một quà tặng cộng đoàn nhận được nhờ việc kế vị tông truyền có từ thời các Tông Đồ.” (số 19) Linh mục hiện hữu là để cử hành Thánh Thể. Đó là lý do chính yếu, là điểm trung tâm của bí tích truyền chức, khi bí tích Thánh Thể được thiết lập cùng với chức linh mục trong bí tích này. Vì vậy, ĐGH không công nhận lễ của Giáo Hội Cải Giáo và Tin Lành vì họ không được truyền chức theo dòng truyền thống kế tiếp từ các Tông Đồ. Ở đây, ngài cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cử hành thánh lễ mỗi ngày của các linh mục. Dù trong một nhà thờ vắng vẻ, ít người tham dự, thánh lễ vẫn có một chiều kích phổ quát mang tính toàn cầu, và là một nét biểu dương căn tính của cộng đồng những người đã lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. “Quả vậy, giáo xứ, cộng đồng của những người đã lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy diễn tả và củng cố căn tính của mình, nhất là qua việc cử hành hy lễ tạ ơn.” (số 32)
Chương IV: Bí tích Thánh Thể và sự hiệp thông
“Trong cuộc lữ hành trên trần thế, Hội thánh được mời gọi giữ gìn và cổ võ sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và giữa các tín hữu với nhau.” (số 34) Trong bí tích Thánh Thể, có sự hiệp thông khi rước lễ. Rước lễ là đỉnh cao trong sinh hoạt bí tích và đời sống Ki-tô hữu. Rước lễ kết hợp cách hoàn hảo sự hiệp thông với Thiên Chúa là Cha, nhờ sự đồng nhất với Con Một là Chúa Con, do quyền năng Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần. Các tín hưu được đối thoại vói Ba Ngôi Thiên Chúa là nhờ Chúa Con.
Về điểm này, ĐGH lưu ý: “Việc cử hành Thánh Thể không phải là khởi điểm của sự hiệp thông. Bí tích này giả thiết đã có sự hiệp thông, một sự hiệp thông được kiện toàn và củng cố nhờ việc cử hành.” (số 35) Sở dĩ như vậy, vì trước khi hiệp thông trong Thánh Thể, đã phải có sự hiệp thông trong giáo huấn của các Tông Đồ, trong các bí tích và trong phẩm trật của Hội thánh. Dó là điều được gọi là chiều kích hữu hình và tình trạng ân sủng thuộc phạm vi vô hình.
Điều này thuộc lương tâm có liên hệ với bí tích hòa giải. Hòa giải là tiền đề và điều kiện tối cần để được rước lễ. Như vậy, muốn cử hành thánh lễ cách đích đáng, phải tôn trọng những yếu tố thuộc bí tích Thanh Tẩy và Truyền chức mà nếu không có thì khống thể cử hành bí tích Thánh Thể cách đích thật và đúng đắn được, vì “bi tích Thánh Thể không chấp nhận sự giả dối”. (số 38)
Mỗi buổi cử hành Thánh Thể vượt ra ngoài khuôn khổ cộng đoàn được qui tụ như viết trong thông điệp: “Một cộng đoàn thánh thể đích thật không thể tự khép kín và coi mình như đủ, trái lại cần phải hòa hợp với những cộng đoàn khác.” (số 39)
Bởi thế, mỗi khi tham dự thánh lễ là chúng ta hiệp thông với toàn thể Dân Chúa trên thế giới. Ngày Chúa nhật là ngày của Hội thánh, ngày biểu lộ sự hiệp nhất và hiệp thông. Luật buộc đi lễ ngày Chúa nhật và sống mối hiệp thông đại đồng này vẫn còn giá trị.
Chương VI: Sự trang trọng của bí tích Thánh Thể
Thánh Thể là bí tích vô cùng cao quí. Vì vậy, phải dành cho bí tích này một sự trang trọng đặc biệt, mỗi khi cử hành thánh lễ hoặc đưa Mình Thánh Chúa cho người già nua, ốm đau bệnh tật. Chúng ta nên nhớ lại bình dầu thơm đắt tiền bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã dùng để xức vào chân và người Chúa Giê-su. Cử chỉ đó biểu lộ lòng quí mến và sự kính trọng đối với thân thể Đức Ki-tô. Vì vậy, chúng ta phải hết sức tỏ lòng cung kính Mình Thánh Người.
Vẻ trang trọng cung kính của chúng ta biểu lộ lòng chúng ta quí mến ơn huệ cao cả Chúa Giê-su ban cho Hội thánh. Phụng vụ Ki-tô giáo phát sinh từ những lời và cử chỉ của Chúa Giê-su. Đây là bữa tiệc thánh mang tính hy lễ, vì là máu đổ ra trên đồi Gon-gô-tha.
Vì thế, việc cử hành phụng vụ phải khơi lên vẻ trang trọng của biến cố được cử hành và không được đơn giản hóa đến nỗi có nguy cơ biến thành một buổi gặp gỡ thông thường giữa một nhóm bạn thân với nhau. Ở đây ĐGH gợi lại tất cả những gì liên quan đến nghệ thuật thánh bên Giáo Hội Đông Phương qua bữa tiệc trong họa phẩm Chúa Ba Ngôi của Roublev: “Điều này giả định và đòi hỏi, như trong họa phẩm của Roublev về Chúa Ba Ngôi, Hội thánh phải có chất thánh thể sâu xa, nơi đó việc tham dự vào mầu nhiệm Đức Ki-tô trong tấm bánh được bẻ ra, chìm sâu trong sự hợp nhất vô song giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và biến Hội thánh thành hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.”
Tuy vậy, vẫn phải coi chừng với hình ảnh bữa tiệc trong bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là bữa tiệc thật, nhưng không phải chỉ có tiệc mà còn có gì khác nữa. Vì thế, không nên chỉ nhấn mạnh đến tiệc mà bỏ qua những yếu tố khác để bày ra những kiểu cách cử hành ngoại lệ, khiến ĐGH phải lên tiếng cảnh báo; “Phụng vụ thánh diễn tả và cử hành một đức tin duy nhất mà mọi người tuyên xưng. Vì là gia sản của toàn thể Hội thánh, nên các Hội thánh địa phương không thể định đoạt cách riêng rẽ, tách rời khỏi Hội thánh toàn cầu.” (số 57)
Linh mục chủ tọa thánh lễ nhân danh Chúa Giê-su và phục vụ thay mặt cho mọi người, có bổn phận đặc trách phụng vụ và mối hiệp thông. Phụng vụ không phải là tài sản của riêng ai cũng không phải của cộng đoàn đang cử hành thánh lễ. Vì vậy, phải làm nổi bật ý nghĩa của Hội thánh phổ quát trong khi cử hành phụng vụ. Lễ nào cũng là lễ được cử hành khắp nơi trên thế giới vậy.
Chương VI: Đức Ma-ri-a, mẫu gương tôn sùng Thánh Thể
GH so sánh thái độ của Đức Mẹ đối với thân mình Chúa ki-tô và tác phong của các Ki-tô hữu hiện nay giữa câu: “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thày” với câu: “Người bảo gì, các anh cứ làm nhu vậy.” Ngay cả trước khi bí tich Thánh Thể được thiết lập, Đức Mẹ đã cưu mang thân thể Đức ki-tô trong mình. Cái nhìn ngây ngất của Đức Mẹ khi ngắm Hài Nhi Giê-su mới sinh trong vòng tay âu yếm của Người, nào chẳng phải là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo mỗi khi rước lễ đó hay sao ?: “Suốt thời gian sống bên cạnh Đức Ki-tô chứ không chỉ nguyên ở đồi Can-va-ri-ô, Đức Ma-ri-a đã xem chiều kích hy tế của Thánh Thể như là của mình.” (số 56)
Đức Mẹ đã sống bí tích Thánh Thể trước thời gian, nghĩa là đã hiệp thông bằng lòng ao ước và sự hiến dâng trước khi Thánh Thể được các Tông đồ cử hành để tưởng nhớ đến cuộc Thương Khó.
Kết luận
ĐGH đã dùng những lời lẽ sau đây để kết thúc thông điệp. Những lời này mang tính cá nhân nhưng cũng là những lời động viên mạnh mẽ chúng ta sống bí tích Thánh Thể như ngài, một vị đã sống và hoan toàn tin tưởng ở hiệu lực dồi dào và cao quí của bí tích này: “Trong Bánh Thánh và Rượu Thánh, mỗi ngày đức tin của tôi nhận ra Vị Lữ Khách Thần Linh đã cùng đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau, và đã làm cho mắt họ nhìn thấy ánh sáng và tâm hồn họ chứa chan niềm hy vọng mới (x Lc 24,13-35).
Anh chị em thân mến, tôi chia sẽ lòng tin của tôi đặt nơi bí tích Thánh Thể với anh chị em và chứng thực rằng đây là kho báu của Hội thánh, là con tim của thế giới, là bảo chứng của sự hoàn hảo mà mọi người nam nữ khát khao dù không ý thức.” (số 59)
Trong dấu hiệu khiêm tốn của bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu của Người, Đức Ki-tô đồng hành với chúng ta như nguồn sức mạnh và của ăn đàng; Người biến chúng ta thành những nhân chứng của niềm hy vọng cho anh chi em chúng ta.” (số 62)
L.m.An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
Đàn hát trong nhà thờ
Trang Nữ Vương Công Lý 22/12/11 7:24 PM
ĐHY Villot, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh có viết : “Phải cố gắng tránh và cấm tất cả các loại âm thanh, nhạc khí mang tính thế tục, đặc biệt những bài hát kích động, gay cấn, rùm beng làm náo động bầu khí trang nghiêm và khung cảnh thanh bình của các nghi thức phụng vụ.”
Đàn hát là điều cần thiết và hữu ích trong phụng vụ. Phụng vụ là việc kính thờ công khai và công cộng mà Đấng cứu chuộc chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, dâng lên Chúa Cha với tư cách là thủ lãnh Giáo hội. Đó cũng là việc của Giáo Hội, dâng lên Đấng lãnh đạo minh, với tư cách là Dân Thiên Chúa. Nói tóm lại, đây là việc kính thờ trọn vẹn của toàn thể thân mình mầu nhiệm Đức Ki-tô, tức Hội thánh dâng lên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong công việc thờ phượng này, thánh nhạc đóng một vai trò quan trọng vì là thành phần hoàn chỉnh của phụng vụ, nghĩa là phải có thánh nhạc, phụng vụ mới đầy đủ.
Thánh nhạc trước đây được gọi là ancilla liturgiae, nghĩa là nữ tỳ của phụng vụ, tùy thuộc phụng vụ như một tôi tớ. Khi dùng từ này, tự nhiên người ta thường có những ý tưởng thấp kém về vật hay người ở trong vai trò đó. Nhưng trong phụng vụ, từ nữ tỳ chỉ có ý nói đến sự liên hệ chặt chẽ giữa đôi bên, thánh nhac phục tòng phụng vụ, nhất là từ sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, khi phụng vụ được cải tổ và thánh nhạc được chú trọng đặc biệt trong huấn thị De musica sacra (Về thanh nhạc) và vị trí của thánh nhạc trong phụng vụ.
Cụ thể, xin bàn về ca hát trong nhà thờ, vì vấn đề này thiết thực liên hê trực tiếp đến công đoàn và ca đoàn. Ca đoàn hát và cộng đoàn cũng hát. Vậy hai bên phải ca hát thế nào cho đúng phụng vụ và hợp với chức năng của thánh nhạc là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Chức năng và nhiệm vụ của thánh nhạc là như thế, nên ca đoàn và cộng đoàn phải đầu tư công sức và sự chú ý để làm tròn công tác của mình.
1.Hát trong thánh lễ
Thường có lễ là hát. Hát nhiều hay ít là tùy cấp bậc của lễ. Huấn thị De musica sacra in sacra liturgia (Về thánh nhạc trong phụng vụ thánh) viết : “Khi cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là những ngày Chúa nhật và ngày lễ, nên hết sức coi trọng hình thức hát, dù cử hành nhiều lần trong cùng một ngày. Phải phân biệt lễ trọng, lễ hát và lễ đọc như đã ấn định trong huấn thị De musica sacra năm 1958 số 3, chiếu theo các luật phụng vụ hiện hành. Tuy nhiên, vì lý do ích lợi mục vụ , có thể đề ra những cấp bậc tham gia lễ hát, để từ nay về sau, mỗi cộng đoàn tùy phương tiện sẵn có, dễ dàng cử hành thánh lễ long trong hơn, nhờ ca hát.
Các cấp bậc tham gia được qui định như sau : Bậc nhất dùng riêng một mình ; bậc hai, bậc ba chỉ được dùng tất cả phần riêng cho mình hay một phần chung với bậc nhất. Như vậy, tín hữu sẽ luôn luôn được khuyến khích dự phần đầy đủ vào việc ca hát”.
Bậc nhất gồm
Lời chào của linh mục và lời đáp của giáo dân lúc đầu lễ, và lời nguyên nhập lễ.
Các câu Tin Mừng đối đáp
Lời nguyện tiến lễ
Kinh tiền tụng và các lời đối đáp
Kinh Thánh, Thánh, Thánh
Lời vinh tụng kết thúc kinh Tạ ơn
Kinh Lạy Cha với lời nhắn nhủ và lời cầu nguyện tiếp theo
Lời chúc bình an
Lời nguyện hiệp lễ
Công thức kết lễ.
Bậc hai gồm
Bộ lễ tức : kinh Thương Xót, Vinh Danh, kinh Tin Kính, Thánh Thánh Thánh, Lạy Chiên Thiên Chúa
Lời nguyện giáo dân
Bậc ba gồm
Những bài hát lúc nhập lễ và rước lễ
Đáp ca
Tung hô Tin Mừng
Bài hát lúc dâng của lễ
Các bài đọc sách thánh, (trừ khi thấy nên đọc hơn hát). Phân cấp hạng bậc như thế là để hát cho thêm phần sốt sắng và long trọng. Nếu muốn hát thì hát trong các phần chỉ định đó.
Tại một vài nơi, các bài hát khác được dùng để thay thế các bài ca nhập lễ, tiến lễ, hiệp lễ, lấy trong sách Graduale do đặc quyền riêng.
Có thể giữ như thế, tùy theo phán quyết của Vị Thường Quyền Sở Tại, miễn là các bài hát đó phù hợp với các phần đoạn trong thánh lễ, ngày lễ cũng như mùa phụng vụ. Thẩm quyền địa phương phải phê chuẩn lời ca trong những bài hát đó.
Cộng đoàn tín hữu nên hết sức tham gia phần riêng dành cho mình. Điều này có thể thực hiện được, nhất là khi có những điệp khúc dễ hát và những hình thể âm nhạc thích hợp.
Qua những điều trên đây, đã rõ là Giáo Hội khuyến khích việc ca hát trong thánh lễ, nên mới đặt ra các cấp bậc và qui tắc trong vấn đề này. Sở dĩ như thế, vì ca hát trong thành lễ là một công việc thuộc phạm vi phụng vụ. Mà phụng vụ là việc thờ phượng có những luật riêng được qui định cho những ai có bổn phận phải thi hành. Bởi vậy, có nhiều người, kể cả các linh mục, cho rằng ca hát trong nhà thờ phải theo qui tắc phụng vụ thấy ngặt nghèo và nặng nề quá. Cũng phải thôi. Nhưng nếu suy nghĩ thêm và hiểu cho đúng thì không phải như vậy, vì ca hát trong nhà thờ có một chức năng cao quí như đã nói ngay từ đầu là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Chức năng này rất đòì hỏi, đòi hỏi dòng nhạc phải có nghệ thuật, lời ca, lý tưởng là lời Kinh thánh và phụng vụ, phong cách diễn đạt phải thánh thiện, bài ca phải được công nhận là nghệ thuật ở khắp nơi và mọi thời. Những ai theo dõi hay nghiên cứu thánh nhạc một chút thì không còn xa lạ gì với những điều đã được cô đọng trong tiếng la tinh dưới các từ bonitas formae, sanctitas, và universalitas.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II, tuy khuyến khích hội nhập văn hóa và đã cho dùng thường ngữ trong các bài ca, nhưng vẫn đòi hỏi lời trong những bài đó phải có chất Kinh Thánh, hợp giáo lý, đúng phụng vụ. Riêng vấn đề hòa nhạc trong các nhà thờ, (điều còn rất họa hiếm ở Việt Nam, trừ những buổi trình diễn thánh ca), ngày 5.11.1987, Tòa Thánh đã ra sắc lệnh qui định những điều sau đây :
“Nhạc công và thính giả phải ăn mặc và đi đứng cho xứng hợp với nơi thiêng thánh.
Các nhạc công và ca sĩ phải hết sức tỏ lòng tôn kính bàn thờ, giảng đài và ghế ngồi của chủ tế.
Phải đưa Mình Thánh Chúa đi nơi khác.
Phải có lời giới thiệu nhạc phẩm sắp trình diễn không nguyên về lịch sử nghệ thuật mà còn về tâm tình, ý hướng của tác giả nữa.”
Xem đấy thì xưa cũng như nay, Giáo Hội luôn có những luật lệ về ca hát theo phụng vụ. Dù cởi mở hay thích nghi, Hội thánh vẫn đặt ca hát trong nhà thờ vào đúng vị trí của nó, như thấy biểu lộ trong thông điệp gửi các nhạc sĩ ngày 8.12.1965 :
“Nếu đặt thánh nhạc hay nhạc đạo vào đúng vị trí của nó, các nhạc sĩ Ki-tô hữu vá các thành viên trong các ca đoàn chuyên nghiệp (Scholae cantorum) sẽ cảm thấy được an ủi, khi theo đuổi truyền thống vẫn có và giữ cho sống động để phục vụ đức tin, như lời mời gọi của Công Đồng Va-ti-ca-nô II Các bạn đừng từ chối đem tài năng của mình ra để phục vụ chân lý của Chúa. Thế giới chúng ta đang sống cần phải có cái đẹp để khỏi rơi vào tuyệt vọng. Cái đẹp cũng như chân lý làm cho lòng người vui tươi phấn khởi. Điều đó có được cũng là nhờ bàn tay của các bạn.”
Khi nói ca hát trong nhà thờ là có ý nói đến ca hát trong thánh lễ, các giờ kinh phụng và các bí tích hơn những gì khác.
Các bài hát trong thánh lễ, lời mới là chính. Lời ở đây là lời Kinh thánh và phụng vụ, như đã nói. Nhiều người cho rằng nhạc phụng vụ buồn vì phải dựa vào lời mà viết nhạc. Nhạc sĩ phải gò bó theo khuôn lời, thành ra mất tự do trong sáng tác. Đúng vậy. Nhưng một nhạc sĩ giỏi có thể viết nhạc theo một thánh vịnh hay một thánh thi mà vẫn hay, cũng như một văn sĩ hay một thi sĩ tài ba có thể viết lời cho một bản nhạc giá trị đã có sẵn, mà không ai chê được. Vấn đề là tài nghệ. Ngoài tài nghệ ra là kỹ thuật sáng tác, do công học hành nghiên cứu. Có điều nếu muốn dệt nhạc vào lời Kinh thánh hay phụng vụ mà lại dùng các nhịp điệu tân thời hiện nay thì thật là khó và không hợp. Về điểm này, trong thư gửi cho Đại hội Thánh nhạc Ý vào thập niên 70 đăng trong Osservatore romano số 39, ĐHY Villot, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh có viết : “Phải cố gắng tránh và cấm tất cả các loại âm thanh, nhạc khí mang tính thế tục, đặc biệt những bài hát kích động, gay cấn, rùm beng làm náo động bầu khí trang nghiêm và khung cảnh thanh bình của các nghi thức phụng vụ.”
Thường nhiều người vẫn chưa phân biệt được thánh ca phụng vụ với thánh ca thông thường. Thánh ca bao gồm nhiều thứ như ca khúc bình dân tôn giáo, nhạc có khởi hứng và tâm tình tôn giáo, nhạc đa âm hợp xướng, nhạc phụng vụ. Các loại thánh ca khác có thể được hát trong nhà thờ ngoài khung cảnh phụng vụ, mà chưa chắc đã được hát trong thánh lễ, vì những bài hát trong thánh lễ phải là những bài phù họp với các phần đoạn trong thánh lễ, theo hình thể âm nhạc dành cho mỗi phần. Thí dụ đem bài hát kính Đức Mẹ hay các thánh hát vào lúc rước lễ là không hợp và không được, vì chỗ đó là để hát các bài tạ ơn, kết hợp với Chúa Giê-su mà mình vừa rước vào lòng, cũng tựa như khách đến thăm mà mình không nói chuyện với khách, lại nói chuyện với một người nào khác. Ngoài ra, đưa các bài đời ra đặt lời đạo vào để hát trong nhà thờ cũng không được, vì nguyên tắc là bài hát dùng ở nhà thờ phải là bài hát có ý làm ra vì mục đích đó. Cũng vì thế, không được dùng bài của người ngoài đạo để hát trong nhà thờ. Nhiều nơi đã đưa những bài như Wedding, One day, Hymne à la joie lời Việt, và những bài như Ơn nghĩa sinh thành, Uống nước nhớ nguồn vào hát trong nhà thờ. Như thế là không được theo kỷ luật thánh nhạc. Những bài này có thể hát trong phòng sinh hoạt hay tại gia đình vào các dịp lễ giỗ.
Các nhà thờ của chúng ta, ca hát vui vẻ, sôi nổi thât, nhưng thiết tưởng có nhiều điều cần phải suy nghĩ lại. Dù dễ tính đến đâu cũng phải thấy rằng việc ca hát trong nhiều nhà thờ chưa ổn. Lý do chưa ổn là vì còn quá ồn ào kích động, không giúp tín hữu cầu nguyện bao nhiêu, lại thiếu nghệ thuật trong việc đàn hát và không tuân hành kỷ luật về ca hát theo phụng vụ.
Bởi thế, cần phải chọn những bài hát có nghệ thuật, đáp ứng đòi hỏi của phụng vụ, hát vào đúng phần đoạn trong thánh lễ, nhập lễ ra nhập lễ, đáp ca ra đáp ca v.v…
Hát ở nhà thờ không phải hát như trên sân khấu. Vì vậy, ai lãnh vai trò lĩnh xướng, thì đừng hát như ca sĩ mà hát như người cầu nguyện và giúp người khác cầu nguyện.
Cần phân biệt nhạc vào đời và nhạc nhà thờ. Nhạc vào đời là nhạc dùng các ý tưởng, tâm tình tôn giáo để du nhập đạo vào đời trong các sinh hoạt cộng đồng, như Nhóm LỬA HỒNG đang làm từ nhiều năm qua.
Ca đoàn không phải là một hội ái hữu hay một câu lạc bộ mà là một đoàn thể gồm những người thành tâm thiện chí, muốn phụng sự Chúa bằng lời ca tiếng hát. Đây là một công tác tông đồ và đạo đức mà chỉ có những người thiện chí, bằng lòng hy sinh thời giờ và công sức mới thực hiện được.
2. Các bài hát
Các bài hát trong thành lễ là ca nhập lễ, bộ lễ, tiến lễ, hiệp lễ và kết lễ. Thường trong các nhà thờ vẫn thấy hát như thế, nhưng phải nói là quá ồn ào, bài hát chọn lựa không kỹ, nên không đúng với tinh thần của mùa phụng vụ và các phần đoạn trong thánh lễ. Sở dĩ như thế, có lẽ vì ca trưởng và ca viên chưa được nghe nói về thánh lễ và nhạc phụng vụ cho đủ, lại thiếu các bài hát được soạn để hát cho đúng phụng vụ hay có, mà vì chiều theo thị hiếu dễ dãi, không đòi hỏi của ca viên, có khi của cả cha sở và cha phó nữa, cũng như khuynh hướng của giới trẻ thiên về nhạc sân khấu, phòng trà, mà ca trưởng đành bỏ qua. Rồi còn đàn nữa. Những người chơi đàn trong các nhà thờ hiện nay hầu hết dùng đàn điện tử, thường mở âm lượng thật lớn và đánh những điệu nhạc đời như Surf, Twist, Rumba v.v… đã có sẵn trên đàn. Nếu đến nhà thờ để nghe cho vui tai như giới trẻ vẫn thích thì được, còn đến để cầu nguyện trong một bầu không khí và quang cảnh như thế thì thật là khó. Nhưng nhà thờ là nơi để cầu nguyện và giáo dục đức tin hay là nơi để người nghe được vui tai ? Vấn đề tranh chấp là ở chỗ đó, người muốn nghiêm túc thì bị giới trẻ cho là bảo thủ, còn giới trẻ thích dễ dãi phóng khoáng thì bị mang tiếng là hời hợt, nông nổi. Muốn hành xử cho đúng, xin mời xem Qui chế tổng quát sách lễ Roma từ số 24-40.
2.1 Ca nhập lễ
Mục đích của bài ca này là mở đầu thánh lễ, tạo bầu khí vui tươi, phấn khởi nhằm cho thấy ý nghĩa của mùa phụng vụ hay ngày lễ. Lý tưởng là cả nhà thờ cùng hát, nhất là khi có rước chủ tế hay đoàn đồng tế ra cử hành. Nên chọn bài hát phổ thông thích hợp để mọi người cùng có thể hát. Về cách hát, có thể theo ba cách : cách thứ nhất là công đoàn và ca đoàn, cách thứ hai là một ca xướng viên và công đoàn hát, cách thứ ba là toàn thể cộng đoàn cùng hát.
2.2 Kinh Thương xót
Đây là một bài xưng tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa. Hình thức xứng hợp nhất để hát kinh này là xướng đáp. Chủ tế, một người hay ca đoàn xướng rồi mọi người đáp lại. Lối xướng đáp ở đây mang tính tung hô nên bài hát cần phải đơn sơ dễ hát.
2.3 Kinh Vinh Danh
Bản chất bài này là ca tụng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một bài thánh thi bằng văn xuôi có nhịp điệu, nên phải hát thế nào để biểu lộ được niềm hân hoan và mối đồng tâm của những người tham dự. Vì thế, có thể hát chung hay chia làm hai bên luân phiên giữa cộng đoàn và ca đoàn, hay giữa hai bên cộng đoàn với nhau.
2.4 Thánh vịnh đáp ca
Đây là phần hát cần phải điều chỉnh hơn cả, vì thường ca trưởng cũng như ca viên hay lấy bất cứ bài nào mình thích hay chọn bài về vị thánh kính nhớ ngày hôm đó để đưa vào chỗ này. Làm như thế chẳng khác nào” ông nói gà bà nói vịt” vậy, vì Chúa nói một đường mình đáp lại một nẻo. Chúa nói trong bài đọc. Giáo Hội đã xem những bài đó và tìm ra những bài tương ứng để đáp lại là những thánh vịnh đáp ca. Có lẽ khi chọn bài hát, ai đó đã không để ý tới điểm này. Cũng hiểu được là vì chưa có những thánh vịnh đáp ca hoàn toàn đúng tiêu chuẩn như luật qui định. Luật qui định là phải hát đúng lời thánh vịnh, không được thay đổi ý hay thêm bớt lời thánh vịnh. Nếu không hát thì đọc hoàn toàn như thánh vịnh. Hiện đang có những cố gắng để đáp ứng đòi hỏi này, tuy khá gay go, vì các dấu trong tiếng Việt. Trường hợp hát thánh vịnh như hiện nay mới chỉ là châm chước chứ chưa hoàn toàn đúng.
Người hát thánh vịnh đáp ca nên đứng ở giảng đài quay xuống cộng đoàn hát các câu riêng, còn câu đáp nên để cho cả nhà thờ cùng hát. Vì muốn cho cả cộng đoàn hát, nên câu này phải thật vắn gọn và dễ hát, chỉ cần tập vài phút trước lễ là ai cũng hát được. Câu này đã có sẵn trong bài đáp ca. Các nhạc sĩ chỉ cần dệt nhạc vào thôi. Trong tạp chí Maison Dieu số 80, cha Jounel viết Khúc ca này không cần giáo dân hát hết, họ chỉ cần hát câu đáp. Một người đứng ở giảng đài đọc hay hát các câu xướng, mọi người chăm chú ngồi nghe và đáp lại bằng câu đáp. Đừng làm gì khiến cộng đoàn bị phân tán. Tốt nhất là cộng đoàn nghe đọc hay hát, chỉ cần một người đọc hay hát và cộng đoàn đọc hay hát câu đáp thôi.
2,5 Tiến lễ
Có thể nói ngoài các bài hát kính Đức Mẹ ra, các bài hát tiến lễ chiếm đa số. Điều này cũng dễ hiểu vì trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, chỉ có phần này là được hát bằng tiếng bản quốc, nên các nhạc sĩ tập trung vào đây sáng tác khá nhiều. Bây giờ phần này được tự do hát cũng được không hát cũng được. Nhưng nhiều nơi lại làm quá đáng, nào là rước lễ vật, múa hát như văn nghệ, khiến cho thánh lễ kéo dài mất cân bằng, đành rằng có nơi bên Mỹ, bên Phi Châu người ta làm như thế, nhưng đó không phải là chuẩn mực, mà có khi chỉ là một ngoại lệ được chuẩn chước, hay tự ý bày ra như thế thôi, lấy cớ cho lễ được long trọng và hấp dẫn. Nhưng mục đích chính của việc dâng lễ vật ở chỗ này là làm cho giáo dân ý thức vai trò tế lễ của họ, trong chức vụ linh mục chung của họ mà thôi.
2,6 Bài ca Thánh Thánh Thánh
Bài này là một bài tung hô phấn khởi, được thể hiện trong tư thế thờ lạy, cần được nhấn mạnh khi hát câu Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.
2,6 Lạy Chiên Thiên Chúa
Đây là bài hát của cộng đoàn dưới hình thức kinh cầu, diễn tả ý nghĩa của nghi thức bẻ bánh. Cử chỉ bẻ bánh có liên hệ đến cuộc thọ hình của Chúa Ki-tô. Người như tấm bánh được bẻ ra để phân phát cho mọi người. Sự hy sinh của Người là dành cho mọi người và ai cũng được hưởng công ơn của việc hy sinh này.
2,7 Ca hiệp lễ
Bài ca hiệp lễ đi kèm với việc tiến lên rước lễ bày tỏ mối dây hiệp nhất giữa những người rước lễ và niềm vui trong tâm hồn, Có thể hát đối đáp giữa cộng đoàn và ca đoàn, giữa một ca xướng viên và cộng đoàn hay dạo một bài đàn thay vào đó. Cũng không cần phải hát cho đầy trong tất cả khoảng thời gian rước lễ. Rồi có thể giữ một khoảnh khắc yên lặng trong đó một người nói lên một vài câu lấy trong bài Tin Mừng hay các bài sách thánh ngày hôm đó. Lúc này chỉ hát những bài tạ ơn thờ lạy Chúa, chứ không hát về Đức Mẹ hay các thánh.
2.7 Kết lễ
Trong các nhà thờ ở Việt Nam, thường sau lời chúc bình an kết lễ vẫn có thói quen hát một bài. Có thể hát về Chúa, Đức Mẹ hay các thánh tùy ý. Bài này có thể bỏ nếu muốn, và thay vào bằng một bản đàn. Huấn thị Âm nhạc trong phụng vụ số 35 cũng nói đến bài hát này như sau : “Trong thánh lễ đọc, có thể hát một vài phần thường lễ hay lễ riêng. Hơn nữa, đôi khi có thể hát một bài khác với bài nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ cũng như kết lễ. Tuy nhiên, nếu chỉ có ý cho hợp thánh lễ thì chưa đủ mà còn hợp với các phần lễ, ngày lễ và mùa phụng vụ. Nhưng vì câu ‘Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an’ là một câu kết thúc và giải tán nên phải làm cho người ta thấy đến đây là hết. Vì vậy, nếu có hát thì không nên hát dài. Tuy là hết nhưng mới hết ở giai đoạn cử hành, còn sau đó là kéo dài trong tinh thần và giai đoạn áp dụng.
Lễ đã xong, tín hữu ra về bình an, trở lại với những công việc đời thường của mình, nhưng lại đem vào đó tinh thần và sức mạnh của lời Chúa. Thánh Thể mình đã lãnh nhận trong thánh lễ sẽ giúp mình vui tươi phấn khởi và như kéo dài thánh lễ ra trên trần gian.
Kết luận
Ca hát trong nhà thờ là một phần hệ trọng trong sinh hoạt phụng vụ. Thánh nhạc góp phần trong sinh hoạt này. Vì thế, theo tinh thần thánh nhạc, cộng đoàn cũng như ca đoàn nên để tâm chu toàn phần việc của mình trong sinh hoạt ca hát. Như thế có nghĩa là hai bên đều lưu ý thực hiện đúng theo tinh thần phụng vụ và chức năng của thánh nhạc vậy.
L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
1. Tổng Quát
Ý NIỆM PHỤNG VỤ
Mỗi thành viên của Hội thánh có một cách thế khác nhau để nuôi dưỡng mối liên hệ với Chúa Giêsu, cũng như đáp trả lại sự mời gọi của Chúa Thánh Linh để sống kết hiệp mật thiết hơn với Chúa Giêsu bằng đời sống cầu nguyện. Nhưng Hội thánh từ căn bản không phải là sự cộng chung các cá nhân lại với nhau. Hội thánh là một người lữ hành, với sự hiện diện của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Linh, kết thành một hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu và với nhau. Sự hiệp thông này hiện diện cả ở trên trời lẫn ở dưới trần thế. Hội thánh cử hành sự hiện diện và công việc liên lỉ này của Chúa Giêsu trong một tập hợp những nghi thức gọi là Phụng Vụ.
Định nghiã phụng vụ
Phụng vụ là sự thờ phụng công cộng (public worship) bởi Dân Chúa, Thân thể Màu nhiệm của Chúa Kitô, Hội thánh. Phụng Vụ dịch từ chữ Hylạp leitourgia chỉ việc thiện nguyện – chính trị, kỹ thuật, hay tôn giáo – cử hành cho toàn thể dân chúng. Phụng vụ hiểu như thế là việc thờ phụng Thiên Chúa chính thức và công khai bởi Hội thánh. Vì thế việc cử hành Thánh lễ Chúa Nhật được xem như hình thức quan trọng và phổ quát nhất của Phụng Vụ. Cùng với những giáo hưũ Công giáo khác cử hành Thánh lễ Chúa nhật là căn tính của đời sống Công giáo. Thánh lễ chiều thứ bảy cũng được coi như Thánh lễ Chúa nhật.
Bản chất của Phụng vụ
Phụng vụ là việc thức thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hoá con người được mang ý nghiã qua những dấu chỉ khả giác và được thực hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ nhiệm thể Đức Kitô, nghiã là gồm cả Đầu cùng các chi thể của Người (PV 7; GL 834)
Vì phụng vụ là công việc của Đức Kitô và của Thân thể Người là Hội thánh, nên mọi việc trong cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh và không một hành vi nào khác của Hội thánh có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (PV 7)
Trong phụng vụ Hội thánh loan truyền và cử hành mầu nhiệm Đức Kitô để các tín hữu sống và làm chứng mầu nhiệm này trên toàn thế giới (CG 1068)
Nhờ phụng vụ, nhất là trong thánh lễ, mà công trình cứu chuộc của chúng ta được thực hiện. Phụng vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu qua cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho người khác mầu nhiệm Đức Kitô và bản tính đích thực của Hội thánh chân chính (PV 2)
Vì phụng vụ diễn tả mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm Hội thánh, nên trong phụng vụ có các nhiệm vụ khác nhau: người đóng vai trò chủ toạ, kẻ khác là thừa tác viên… mỗi người thi hành nhiệm vụ của mình, nhưng tất cả đều nhằm biểu lộ mầu nhiệm Thân thể Đức Kitô (PV 10,14)
Phụng vụ là hành vi chí thánh, là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội thánh, nên phụng vụ trổi vượt các hoạt động khác của con người (PV 7,10)
Do đó để biết một hành vi đuợc gọi là phụng vụ cần phải hội đủ ba tiêu chuẩn sau đây: 1/được cử hành nhân danh Hội thánh, 2/ bởi những người do Hội thánh uỷ nhiệm cách hợp pháp 3/ và chu toàn đúng đắn các nghi thức đã được thẩm quyền Hội thánh phê chuẩn (GL 834).
Phụng vụ bao gồm những gì?
Toàn bộ đời sống phụng vụ của Hội thánh xoay quanh bí tích Thánh thể và các bí tích khác (CG 1113).
Ngoài ra phụng vụ còn bao gồm các á bí tích, giờ kinh phụng vụ, nghi thức an táng, việc tôn kính các thánh, lời khấn và lời thề (PV 60; CG 1667, 1683, GL 1166, 1173, 1176, 1186, 1192)
Khi cử hành các bí tích, mọi người phải tuân giữ trung thành các sách phụng vụ đã được thẩm quyền Hội thánh phê chuẩn, vì thế không ai đuợc tự ý thêm vào, bớt đi hay thay đổi điều gì (GL 846).
Như thế những lời kinh đọc riêng hay đọc chung với một nhóm người, dù là tự phát hay được đọc trong những dịp có tổ chức long trọng đến đâu mặc lòng, hay ngay cả khi dùng các hình thức và lời kinh của phụng vụ, cũng không thể gọi là việc phụng vụ được, mặc dù chúng thiết yếu cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Chặng đàng thánh giá, đọc kinh tôn vương, các hình thức ngắm nguyện hay rước sách cũng vậy không phải là phụng vụ.
Thẩm quyền điều hành phụng vụ
Phụng vụ là hành vi thánh thiện của Đức Kitô và của toàn thể hội thánh, nên phụng vụ không lệ thuộc sáng kiến cá nhân hay nhóm người nào (GL 837).
Việc điều hành phụng vụ chỉ tuỳ thuộc vào thẩm quyền của Hội thánh, nghiã là thuộc quyền tòa thánh và chiếu theo quy tắc luật pháp cũng thuộc quyền giám mục (PV 22).
– Toà thánh có quyền điều hành phụng vụ trong toàn thể Hội thánh, ấn hành các sách phụng vụ, duyệt y các bản dịch sách phụng vụ ra tiếng điạ phương, canh chừng để các quy luật phụng vụ được mọi nơi tuân giữ (GL 838).
– Hội đồng giám mục có thẩm quyền soạn thảo các bản dịch phụng vụ ra tiếng điạ phương, thích nghi cách xứng hợp các bản dịch vào văn hoá điạ phương theo những giới hạn đã xác định trong các sách phụng vụ, và ấn hành các bản dịch ấy sau khi Tòa thánh phê chuẩn (GL 838)
– Giám mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật phụng vụ buộc mọi người phải tuân giữ trong Hội thánh đã được uỷ thác cho ngài, và trong giới hạn thẩm quyền của ngài (GL 838).
– Linh mục, do bí tích truyền chức, tham dự vào sứ mạng phổ quát Đức Kitô đã trao cho các tông đồ (CG 1565), vì vậy khi hành động linh mục phải luôn luôn hiệp thông với giám mục, là những người kế vị các thánh tông đồ (CG 1567). Đàng khác, linh mục còn là hiện thân của Đức Kitô là đầu khi chủ toạ cộng đoàn phụng tự, ngài phải tôn trọng các quy luật phụng vụ đã được thẩm quyền Hội thánh phê chuẩn, nhằm đem lại lợi ích thiêng liêng cao cả cho dân Chúa (PV 33). Vì thế tuyệt đối không một ai, dù là linh mục, được tự quyền thêm bớt hay thay đổi bất cứ điều gì trong phụng vụ (PV 22).
Phụng vụ và đời sống
Phụng vụ có liên hệ trực tiếp đến đời sống hằng ngày của chúng ta. Nó có chủ đích cử hành và làm sống động trong toàn thể cộng đoàn Kitô giáo ý nghiã của đời sống chúng ta như là các Kitô hữu. Chúng ta múc được từ Phụng vụ quyền lực và sức mạnh để làm cho Đức Kitô được hiện hiện và hoạt động trong thế giới. Trong đời sống thường ngày, chúng ta mang tình yêu kiên vững của Đức Kitô đến cho mọi người và mang sự quan tâm liên lỉ của Ngài về tiến triển tốt đẹp hơn của nhân loại ngay tại trần thế này. Bằng niềm tin vào sự Xuống Thế Lần Thứ Hai (Second Coming) của Đức Kitô chúng ta giữ cho ngọn lửa hy vọng cháy sáng về sự hiện hữu tối hậu và vĩnh cửu của nhân loại.
Phụng vụ theo đúng nghiã loại trừ những kinh nguyện riêng và những lòng sùng kính cá nhân hay tập thể. Tuy nhiên, hiểu rộng ra có thể nói rằng đối với các Kitô hữu không có kinh nguyện nào gọi là kinh nguyện cá nhân. Kinh nguyện đơn lẻ, thân mật, và riêng tư nhất của chúng ta là kinh nguyện với tư cách là thành viên của Hội thánh, Thân thể Mầu nhiệm của Đức Kitô. Phụng vụ là sự sống nội tâm của Kitô hữu, vì đó là sự sống của Hội thánh nơi mà mọi tín hữu liên kết với nhau, bất kể họ cầu nguyện một mình hay cầu nguyện chung, cầu nguyện trong tâm trí hay dùng những cử chỉ bên ngoài. Nó giống như dòng máu lưu chuyển không ngừng trong toàn thân thể của Hội thánh để biểu lộ tỏ tường tôn giáo của nhân loại hướng về Thiên Chúa.
Trong một vài giáo hội đặc biệt Giáo hội Đông phương Phụng vụ được hiểu như là việc cử hành Thánh lễ. Còn bình thường thì nó được hiểu theo nghiã rộng là việc cử hành các bí tích cho các tín hữu.
Chữ Phụng vụ cũng được dùng trong từ Khoa học Phụng vụ, là môn dùng lịch sử, thần học, và các môn khoa học nhân văn để tìm hiểu sâu và có hệ thống hơn kiến thức về phụng vụ.
Kết
Với bài viết ngắn này, hy vọng sẽ giúp chúng ta hiểu biết chính xác hơn về cái gì là phụng vụ và cái gì không phải là phụng vụ. Từ đó chúng ta biết phân biệt cái gì quan trọng hay cái gì kém quan trọng hơn cho đời sống đức tin. Và cũng từ đó chúng ta hiểu rõ hơn tại sao luật hội thánh buộc chúng ta giữ các ngày Chúa Nhật và các lễ trọng buộc vì cùng cử hành Thánh Lễ chung với nhau là căn tính của đời sống công giáo của chúng ta.
Xin Đức Kitô, là đầu của Thân Thể Màu Nhiệm của Ngài là Hội Thánh, giúp chúng ta biết quý trọng Phụng Vụ, vì qua Phụng Vụ Ngài tiếp tục hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh dưới trần thế cho đến khi chúng ta được cùng cử hành Phụng Vụ với Ngài trên nước trời.
Lm Nguyễn Mộng Huỳnh
GHI CHÚ
+Các chữ viết tắt
PV = Hiến chế về Phụng vụ của Công Đồng Vatican II
GL = Bộ Giáo luật 1983
CG = Bộ Giáo lý Công giáo toàn cầu 1992
Và các phần trích dẫn được trích lại từ sách Tuyển Tập Những Quy Luật Căn Bản Khi Cử Hành Phụng Vụ của Lm Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ, TPHCM, 2004
+Và phần tham khảo khác để viết bài này là từ hai cuốn sách
– Dictionary of the Liturgy, by Rev. Jovian P. Lang, OFM, Catholic Book Publising Corp. , New York 1989
– What Catholics Believe, Gerald Hore, St Paul Publications, 2010
2. Ban Điều Hành
3. Sinh Hoạt