Ngày của cha
TT – Ngày lễ của cha (Father’s Day) được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng sáu, nhưng tại Úc được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ nhất của tháng chín. Đây là ngày lễ dành để tôn vinh những người cha bắt đầu ở Mỹ từ năm 1972.
Ý tưởng này được bắt nguồn từ cô Sonora Smart Dodd (người được cha mình nuôi dưỡng khi mẹ cô qua đời)
. Sau khi trưởng thành, cô đã hiểu hết những nỗi vất vả của người cha phải một mình nuôi dạy sáu đứa con thơ, vì thế người cha trong mắt cô là biểu tượng của sự hi sinh, vị tha, bao dung. Vì vậy, cô đã tổ chức ngày của cha đầu tiên ở Washington vào ngày 19-6-1910 (cha của Sonora sinh vào tháng sáu).
* Rộn rịp với Ngày của cha nhất vẫn là ở nước Mỹ. Khắp các bang đều có lễ hội trong ngày 17-6. Trẻ con thì xuống đường diễu hành, kèn trống tưng bừng trong ánh mắt hãnh diện của người lớn. Ở lễ hội chính của thành phố Kennewick (bang Washington), trẻ em sẽ tha hồ vui chơi như trong Ngày quốc tế thiếu nhi; tranh tài trong các trò chơi vận động…
* Ở một số nước khác, Ngày của cha không rầm rộ như ở Mỹ nhưng quà tặng cha cũng được bày bán khắp nơi và tinh thần của ngày này được các phương tiện truyền thông nhắc nhở. Tại Nhật, một số cửa hàng rao trên mạng các sản phẩm dành cho cha. Còn ở Trung Quốc, Nhân Dân Nhật Báo gợi ý nên tặng những người cha bận rộn gối ngủ trên máy bay, thẻ thể dục thể hình, túi đựng thuốc vitamin, CD nhạc nhẹ, giày thể thao, kính râm, cần câu, dụng cụ làm vườn. Tại Canada, những tấm gương làm cha mẫu mực đang được tôn vinh trên báo, như anh Paul Archer ở Lakefield nhiều năm nay chăm sóc tận tình đứa con thiểu năng trí tuệ.
Lãng mạn với ngày của Cha
Ngày của Cha là một ngày lễ khá mới mẻ ở Mỹ. Năm 1910, một phụ nữ tên Sonora Smart Dodd đã đề xuất ý tưởng này, nhưng mãi đến năm 1972 (thời Tổng thống Nixon) nó mới được chính thức công nhận. Mục đích của Sonora là nhằm để ca ngợi công đức của người cha quá cố, ông William Jackson Smart, đã một mình nuôi sáu đứa con nên người.
Loại bỏ áp lực
Điều mà người cha trong gia đình mong muốn là có một ngày hoàn toàn thoát khỏi mọi áp lực, thậm chí đó là áp lực có “một ngày hoàn hảo” cũng thế. Thực sự là họ từng ước ao một ngày nào đó không có những thời hạn phải giải quyết công việc, không có cả những việc rắc rối phức tạp và những việc vặt vãnh; họ ước gì không phải sửa chữa gì cả và chẳng việc gì mà họ phải mong mỏi ngày đặc biệt này. Vậy thì, bạn hãy cứ để cho chàng được thực sự nghỉ ngơi để có thể hưởng thụ những gì chàng mong ước.
Sử dụng thời gian cùng nhau
Điều này mới nghe qua chúng ta tưởng chừng như thật đơn giản. Thế nhưng, bạn sẽ dễ dàng bị lạc hướng khi bạn phải lao vào nấu nướng hoặc chạy vội ra cửa hàng, hoặc nỗ lực hoàn tất một dự định nào đó. Bạn hãy ra khỏi nhà nếu như phải làm như thế để dành cho chàng một ngày trọn vẹn và bạn hãy dùng ngày này để tập trung vào việc ở cùng bên chàng. Những việc có thể giúp bạn ở bên chàng vào ngày này là cả hai cùng thực hiện một chuyến đi dạo, đi dã ngoại; bạn cũng có thể cùng ngồi uống trà, kể chuyện cho nhau nghe và cùng nhau chia sẻ những ước mơ. Được như vậy, đây sẽ là một ngày rất đáng nhớ của chàng.
Tạo ra không khí lãng mạn
Ngày của Cha không phải chỉ để mừng người cha là một người nuôi dưỡng và trông nom con cái. Đây còn là ngày để người vợ thể hiện sự tôn trọng đối với người bạn đời của mình, một người yêu và người bạn thân. Bạn hãy làm cho chàng cảm nhận được sự đặc biệt của chàng bằng cách nói với chàng rằng chàng có ý nghĩa với bạn đến mức nào, hãy chọn áo quần cho chàng mặc, massage cho chàng. Bạn hãy khiến chàng phải ngạc nhiên thú vị ngay buổi sáng sớm hoặc thể hiện tình yêu nồng nàn của bạn dành cho chàng bất chợt vào một thời điểm nào đó trong ngày.
Dành cho chàng toàn quyền quyết định
Thay vì hoạch định tất cả mọi chuyện cho chàng, bạn hãy trao cho chàng món quà đặc biệt, đó là được rảnh rỗi và được chọn lựa. Bạn cứ để cho chàng quyết định sẽ làm gì và sử dụng ngày này như thế nào. Chẳng hạn như chàng là một người hâm mộ bóng đá, hãy cùng xem với chàng một trận đấu của đội bóng chàng yêu thích. Hoặc trong trường hợp chàng thích câu cá, bạn hãy đi cùng với chàng nếu như chàng muốn như thế. Còn nếu như chàng muốn ở một mình, bạn cũng hãy chiều theo ý chàng. Chàng xứng đáng được đối xử như vậy, ít nhất là trong ngày này.
Khen tặng chàng
Các người cha trong gia đình đều muốn được trân trọng. Bạn hãy cho chàng biết bạn cần chàng biết là chừng nào. Hãy tỏ ra cho chàng thấy cảm nhận của bạn bằng cách viết cho chàng một lá thư ngắn, trong đó nêu rõ những gì chàng mang lại cho gia đình, sự nâng đỡ về mặt đạo đức và cảm xúc của chàng, điểm nổi bật khiến chàng là một người cha gương mẫu và người chồng tốt. Nếu như chuyện viết lách không phải là thế mạnh của bạn, bạn có thể làm bất cứ điều gì miễn là để chàng cảm thấy mình được đề cao. Bạn không cần phải tiêu tiền một cách phí phạm vào những món quà đắt giá để tặng chàng. Tình yêu và sự trân trọng của bạn là những quà tặng quý báu nhất mà bạn có thể trao cho chàng nhân Ngày của Cha.
Nhớ Về Cha
Cho đến lúc này, tôi vẫn không có nhiều ấn tượng về cha của tôi. Một hình ảnh đó là cha tôi, một người đàn ông rất điển trai, trạc chừng 25 tuổi, thường mặc quân phục lính Bộ Binh (Sư đoàn 1), với một bàn tay cụt hết 4 ngón (trong một trận chiến năm 1968). Trong thời gian tĩnh dưỡng chờ lệnh xuất ngũ, mỗi chiều cha tôi thường ra giếng làng gần nhà nội để múc nước từng gàu tắm cho anh em chúng tôi, anh trai, chú út và tôi. Đó là thời gian tôi gần gũi cha tôi, là thời gian tôi cảm nghiệm được tình cha, là hình ảnh còn đọng lại trong trí óc tôi về cha của tôi.
Nhưng tiếc thay, đó là thời gian ngắn ngũi, tôi ở bên cha mình, hình như chỉ chừng chưa đầy một tháng, chiến trạnh, bom đạn lại cuớp mất cha tôi trong một trận chiến ngay tại làng quê của tôi. Lúc ấy tôi chưa đầy 4 tuổi.
Một hình ảnh khác còn lại trong ký ức về cha của tôi, đó là ngày tiễn đưa cha ra nghĩa trang. Đội kèn của quân đội thổi những bài tiễn đưa rất hùng tráng, lúc ấy tôi cảm thấy thật là vinh dự cho người lính hy sinh vì tổ quốc, thật sự vinh dự về cha của mình. Nhiều người khóc, nhất là mẹ tôi. Ngày hôm sau khi tiễn đưa cha về nơi an nghĩ cuối cùng, tôi ngã bệnh thương hàn. Ai đến thăm và hỏi tôi đều trả lời vì thương ba nên con bị bệnh.
Cha tôi, dù không có nhiều ấn tượng về cha, nhưng tôi luôn ý thức rằng, tôi có một người cha đã hy sinh cho tổ quốc mình, một người cha rất yêu thương con cái, một người cha rất đẹp cả hình dáng bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong. Tôi tự hào về cha của tôi.
Australian Father’s Day, 2010
Hoa Hạ, fsc
Ngọn Nến Không Cháy
Trong thành phố nọ có hai cha con sống với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc. Một hôm, đứa bé gái chẳng may bị bệnh và ra đi mãi mãi. Người cha quá đau khổ, tuyệt vọng, quay lưng lại với tất cả mọi người. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Ông tự nhốt mình trong phòng và khóc mãi.
Một hôm, ngưòi cha ngủ thiếp đi và ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, ông gặp một đoàn người rước đèn. Tất cả ngọn đèn đều lung linh toả sáng, trừ ngọn đèn của đứa bé cuối. Đứa bé ấy cầm một ngọn nến không được thắp sáng. Nhìn kỹ hơn, ông nhận ra đứa bé ấy chính là đứa con gái bé bỏng của mình.
Ông tiến lại gần và hỏi con rằng: “Tại sao nến của con lại không cháy?” Bé gái đã đáp rằng: “Con đã cố lắm nhưng không được cha à! Mỗi lần con thắp lên ngọn nến thì những giọt nước mắt của cha lại dập tắt hết ngọn nến của con.” Đến đó thì người cha choàng tỉnh.
Từ đó, ông lấy lại thăng bằng, lại sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh bởi ông không muốn những giọt nước mắt của ông lại dập tắt ngọn nến hi vọng của con ông.
Nước mắt chỉ có thể xoa dịu phần nào chứ không thể làm tan biến hoàn toàn nỗi mất mát lớn lao. Hãy cứ khóc khi bạn cần, nhưng hãy đứng lên vững vàng bạn nhé! Bởi ngoài kia, đâu đó, ở một nơi nào đó, người thân của bạn đang nhìn bạn mỉm cười
Hoa Hạ sưu tầm
HÌNH ẢNH CUỘC ĐỜI
Ngày kia, người cha giàu có nọ mang cậu con trai duy nhất về nơi thôn dã với ý định để cho con tìm hiểu và so sánh với cuộc sống nghèo nàn của người dân quê. Hai cha con sống hai ngày tại một làng xóm xa xôi nơi mà người ta cho là có đời sống khó khăn. Sau khi trở về nhà, người cha hỏi người con:
– Con thấy cuộc đi chơi ra sao?
– Cuộc đi thích thú lắm – người con trả lời.
– Con có thấy cuộc sống của người dân quê không?
– Dạ, có.
– Con nhận thấy gì trong cuộc sống của họ?
– Con nhận thấy chúng ta chỉ có mỗi một con chó mà họ thì có tới bốn con. Chúng ta chỉ có một hồ bơi nhỏ ở giữa vườn, còn họ thì có cả một nhánh sông chảy mút mùa. Chúng ta phải nhập cảng những chiếc đèn để treo trong vườn mà họ thì không cần đến vì họ có đầy sao chiếu sáng lúc ban đêm. Tại chỗ ngồi chơi trước nhà, chúng ta chỉ có thể nhìn tới bức tường ở cổng trước mà thôi, còn họ có thể ngồi nhìn suốt tới tận chân trời. Chúng ta chỉ có một khoảng đất để sống quanh quẩn ở đó, còn họ có cả một khoảng đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Chúng ta phải có người ở để giúp việc chúng ta, còn họ thì không cần, họ tự lo cho nhau. Chúng ta phải bỏ tiền đi mua đồ ăn, còn họ trồng lấy và tự túc về thực phẩm. Nhà chúng ta phải có tường bao quanh để bảo vệ chúng ta, còn họ thì không cần vì họ có những bạn tốt để đùm bọc lẫn nhau.
Trước những lý luận của người con trai, người cha đã không nói nên lời. Người con nói tiếp: “Con cám ơn cha đã mang con đi du hành để tỏ bày cho con thấy chúng ta đang có một cuộc sống nghèo nàn như thế nào!”
Hoa Hạ sưu tầm
Con Tự Hào Là Con Của Bố
Tôi chưa bao giờ nghe trộm người khác nói chuyện. Nhưng có một lần tôi đã làm điều đó khi đi ngang phòng con trai tôi. Khi ấy vợ tôi đang trò chuyện cùng Bobby – đứa con trai nhỏ của chúng tôi – về những chuyện của con với bạn.
Dường như vợ tôi đã nghe vài đứa bạn của Bobby khoác lác về công việc của bố chúng – những vị giám đốc và những ông chủ lớn. Sau đó chúng hỏi Bobby: “Bố cậu làm nghề gì, Bobby?”. Bobby lúng túng, e ngại và ngoảnh mặt nói nhỏ: “Bố tớ là công nhân!”.
Đợi cho bọn trẻ ra về, vợ tôi gọi Bobby đến, hôn lên đôi má bầu bĩnh của con rồi bảo: “Bobby, con đã nói rằng bố là một người công nhân, điều đó không sai! Nhưng mẹ nghĩ là con chưa thật sự hiểu được công việc ấy có ý nghĩa như thế nào. Vậy mẹ nói cho con nghe điều này!”.
Rồi vợ tôi bắt đầu kể: Trong tất cả những ngành công nghiệp làm giàu đất nước, trong những cửa hiệu buôn bán hay bất cứ khi nào con trông thấy một tòa nhà mới xây, hãy nhớ điều này con trai, chính những người công nhân bình thường như bố con đã làm những công việc đồ sộ đó!
Đúng là người giám đốc có được những chiếc bàn làm việc sang trọng và quần áo sạch sẽ cả ngày; đúng là họ phác thảo ra những công trình và điều hành công việc. Nhưng để biến tất cả thành hiện thực chính là nhờ vào những người công nhân như bố con. Nếu những ông chủ ngưng làm việc trong một năm, bánh xe công nghiệp vẫn chuyển động dù có chậm lại, nhưng nếu thiếu những người như bố con, thì bánh xe ấy không chuyển động được nữa.
Tôi đã cố ngăn dòng nước mắt chực trào ra vì xúc động khi bước vào phòng. Ánh mắt Bobby sáng lên, rồi đứa con trai bé bỏng bật dậy chạy đến ôm lấy tôi: “Con rất tự hào khi được làm con trai của bố vì bố là một trong những công nhân bình thường ấy, những người đã làm nên những công việc thật vĩ đại mà không ai biết được”.
Hoa Hạ sưu tầm
TÌNH CHA CON
Tại một gia đình nghèo nọ, người cha quở phạt đứa con gái nhỏ của mình vì tội lãng phí cả một cuộn giấy màu gói quà.
Do tiền bạc eo hẹp, ngườ cha nổi giận khi đứa con gái của ông cắt cuộn giấy màu thành từng mảnh nhỏ để trang trí cái hộp giấp. Sáng hôm sau, ngày nhớ ơn cha, cô cón gái nhỏ mang hộp giấy đến tặng cha mình và nói: “Nhân ngày mừng cha, con xin tặng Bố!” Người cha cảm động và bối rối vì đã la mắng con gái mình hôm trước; nhưng rồi cơn giận lại bùng lên khi ông mở hộp giấy ra thì trong đó trống rỗng.
Đang khi ông có những lời la mắng thậm tệ… thì đứa con gái ông thì ngước nhìn cha nước mắt rưng rưng, cô nói: “Bố ơi, đó đâu phải là một hộp quà rỗng, con đã để vào đó bao nhiêu nụ hôn con dành cho bố để tặng cho bố mà.”
Người cha giật mình. Ông cúi xuống ôm lấy cô con gái nhỏ của mình và xin lỗi con.
Không bao lâu sau đó, cô bé ấy qua đời vì một tai nạn hiểm nghèo. Nhiều năm sau, người cha vẫn cứ giữ lấy cái hộp giấy bên mình, mỗi khi gặp chuyện nản lòng, ông lại lấy hộp ra tưởng tượng đến nụ hôn của cô con gái mình và nghĩ đến tình yêu của con gái bé bỏng của ông.
Minh Duy Lớp 2 B sưu tầm
Bó Đũa
Trong gia đình nọ có bốn anh em nhưng chúng thường hay cãi cọ, gây gỗ, sạnh nạnh nhau. Người cha thấy vậy bèn gọi bốn người con lại. Ông trao cho mỗi người một chiếc đũa và yêu cầu họ bẻ gãy. Rất dễ dàng cho mỗi người. Mỗi người đều nói: “Rất dễ!” và đều bẻ gãy chiếc đũa.
Ông lại trao cho mỗi người hai chiếc rồi tiếp tục đề nghị bẻ gãy. Rồi lại thêm lần nữa với ba chiếc đũa, lần này bắt đầu thấy khó khăn. Và cuối cùng ông trao cho họ mỗi người một bó đũa. Ai cũng cố sức để bẻ nhưng không thể được.
Lúc ấy ông liền nói cùng các con: “Các con thấy đó, một chiếc đũa thì dễ dàng bị bẻ gãy, nhưng nguyên cả một bó đũa thì không ai có đủ sức mạnh để làm gảy nó, dù là một cây đũa trong đó. Các con cũng thế, nếu cứ chia rẽ, sống tách rời các con sẽ bị người khác hiếp đáp, Nhưng nếu các con đoàn kết lại với nhau, sống gắn bó với nhau thì có đủ sức mạnh đến đỗi không ai có thể ức hiếp, hãm hại, trấn áp chúng con được.
Hãy nhớ lấy bài học ấy trong đời.
Hải Tâm lớp 2B sưu tầm
Mừng Ngày Của Cha
Tình cha ấm áp tựa vầng Dương
Ủ ấm đàn con bao đêm trường
Một mình cha vượt bao băng giá
Chăm sóc đàn con với tình thương
Nay bóng cha già mờ khuất núi
Để lại cho con bao vấn vương
Ơn cha con nguyện luôn phấn đấu
Tiếp bước chân cha mọi nẻo đường