(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

NHẬT KÝ SINH HOẠT CỘNG ĐOÀN 2013

(Nguyễn Đăng Quang phụ trách)

 TĨNH TÂM CHUẨN BỊ MỪNG LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (5 và 6 /11 2013)

Nhân chuyến viếng thăm vùng Tây Úc của Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, nguyên giám mục chính tòa giáo phận Vinh, ngài đã giảng tĩnh tâm cho cộng đoàn trong hai ngày 5 và 6/11 2013.

DC Thuyen Giang Phong_5_resizeA

Bài thuyết giảng của buổi tĩnh tâm xoay quanh hai vấn đề “Đổi mới chính mình” và “Đời sống nội tâm”. Đây không hẳn chỉ là việc điều chỉnh đời sống cho phù hợp với lề luật mà cốt yếu là để lấy lại cái “phẩm chất” của con người, cũng như Chúa đã mời gọi người đàn bà ngoại tình trong Phúc Âm – “Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Đức cha cũng nhắc nhở mọi người nên duyệt xét lại lối sống đạo của mình và để ý đến những tham vọng thầm kín, nhiều khi được bao bọc ngay trong những công việc đạo đức. Đổi mới cũng đòi hỏi phải hy sinh, phải loại bỏ ngay cả những gì là trân quí nhất đối với mình : Một ông tướng oai phong như Lưu Bảo Ôn đã phải loại bỏ cả áo giáp của mình mới thoát khỏi được cái vòng kiềm tỏa của từ trường nam châm trong ngôi miếu của Khổng Minh. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã phải hy sinh cả mạng sống của mình vì niềm tin và lòng trung kiên đối với Thiên Chúa. Đức Mẹ cũng đã phải quên đi tất cả những dự tính tương lai của Mình mới có thể nói lên lời “Xin Vâng” và dành cả cuộc đời để phục vụ tha nhân, đồng lao cộng khổ với Con mình, trong tâm tình tạ ơn, khiêm cung và phó thác.

DC Thuyen Giang Phong_3_resizeA

Qua lối trình bày tuy rất đơn sơ giản dị của Đức Cha, người ta cũng dễ nhận ra nơi ngài một con người đã từng trải qua rất nhiều khó khăn trong đời sống mục vụ tại giáo phận của mình. Và khi đề cập đến đời sống cầu nguyện và hiệp thông với Chúa, quên đi những lo lắng của bản thân để quan tâm đến hết mọi người và tha thiết với sứ mệnh loan báo tin mừng, Đức Cha đã cho mọi người cảm nhận được rằng cái yếu tố làm cho nhiều cá nhân, cộng đoàn hoặc tu viện bị suy tàn, chính là tình trạng “thiếu cân bằng” giữa sự phát triển về vật chất và đời sống nội tâm. Điển hình là trường hợp của cựu linh mục Luthêrô. Lý do đơn giản là vì khi không có Chúa đồng hành thì con người chỉ có thể đi lạc hướng mà thôi !

Trong khi cám ơn hai cha Quản Nhiệm cũng như cộng đoàn vì sự tiếp đón ân cần đã dành cho ngài, Đức Cha đã xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội tại quê nhà, đặc biệt cho giáo phận Vinh, hiện vẫn còn phải đương đầu với nhiều khó khăn về đủ mọi mặt mặt. Điển hình là tình trạng thiếu linh mục và những cản trở từ bên ngoài trong đời sống phụng vụ.

 

CÔNG TÁC DỜI HÀNG RÀO TRUNG TÂM MỤC VỤ (3-11-2013)

Sau bao tháng ngày chờ đợi, cuối cùng thì công trình xây cất tại trung tâm mục vụ cộng đoàn cũng đã có thể khởi sự và nghi thức đặt viên đá đầu tiên đã được ấn định vào ngày lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 17-11-2013.

Hang Rao

Công việc đầu tiên cần phải được thực hiện ngay là dời toàn bộ hàng rào phía sau hội trường ra bên ngoài ranh giới của trung tâm mục vụ để dọn chỗ cho việc xây dựng hàng rào mới. Được biết nếu mướn thợ thì phí tổn có thể lên đến khoảng 15 ngàn Úc Kim và Ban Thường Vụ đã nghĩ đến việc nhờ các trai tráng trong cộng đoàn để đảm trách công việc này. Lời kêu gọi đã được khoảng 80 người đáp ứng và họ đã có mặt để bắt tay vào việc ngay sau Thánh Lễ sáng Chúa Nhật 3/11 như đã được đề nghị.

Các phần việc họ đảm trách khá tỉ mỉ và nhiều khi rất nặng nhọc: Trước hết phải dùng kìm để gỡ cả hàng ngàn mối cột bằng dây chì mới có thể tách rời được giàn lưới và đào các cột sắt lên. Những chàng trai nào trông có vẻ cường tráng thì được trao cho chiếc búa thầu để đập bể những tảng xi-măng bao quanh các chân cột. Một số người khác thì có trách nhiệm đào lỗ để chôn cột ở những vị trí mới. Chỉ cần nhìn những anh này mồ hôi nhễ nhại, đang gắng sức khắc phục những tảng xi-măng chai cứng hoặc đứng khom khom xuống tấn để điều khiển những cái “khoan” đào lỗ bằng tay, cũng đủ để thấy rằng mấy cái “job” này cũng không dễ ăn chút nào… Sau khi các cột sắt đã được chôn lại và tăng cường cho vững chắc là đến giai đoạn ráp nối. Các tay “thợ vịn” được trưng dụng tối đa trong giai đoạn này. Họ có bổn phận giữ cho giàn lưới sắt khỏi bị ngả. Khi nào nghe tiếng hô : “Một, hai, ba, kéo …” thì họ phải gồng mình kéo cho lưới thật căng trước khi được cột vô các cọc sắt…

Hang Rao1

Trời nắng chang chang. Thật là cảm động khi thấy cả các bác cao niên, có người mặt đỏ như gấc vì để đầu trần, cũng hăng say làm việc như đám trẻ vậy ! Mỗi người một việc, chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ là cả một hàng rào dài 220 thước đã được yên vị. Được biết, với hàng rào mới, sẽ được xây dựng lại sau này, thửa đất phía sau của trung tâm mục vụ sẽ rộng thêm được khoảng 1000 thước vuông. Số đất này, cộng đoàn không phải mua, nhưng đã có được qua việc thương lượng trao đổi với Bộ Công Lộ Tây Úc “Department of Main Roads WA”.

Trong khi cám ơn mọi người qua tờ Tin Yêu, chú Lê Minh, Trưởng Ban Thường Vụ, đã nhắc đến tên của anh Nguyễn Ngọc Chung, anh Nguyễn Phước, thành viên ban xây cất của cộng đoàn và anh Phạm Văn Bình, trưởng ban bảo trì trung tâm mục vụ. Được biết anh Phước và anh Bình là hai người đã đứng ra phối hợp nhân sự trong công tác sáng nay. Còn anh Chung đã đem cả giàn xe truck và bobcat đến giúp khai quang vùng đất mới được nới rộng sau khi dời hàng rào. Chắc các anh đã rất hài lòng vì sự đóng góp của mình !

 

CA ĐOÀN TÊRÊSA MỪNG BỔN MẠNG

(12/10/13). Ca đoàn Têrêsa mừng Bổn Mạng. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu được kính nhớ vào ngày 1 tháng 10. Nhưng  có lẽ để khỏi trùng với các sinh hoạt phụng vụ khác của cộng đoàn vào thượng tuần tháng 10 nên năm nay ca đoàn Têrêsa đã mừng lễ bổn mạng trễ đi một vài tuần lễ.

Bon Mang CD Theresa 2013 Main 1

Ngay trước khi Thánh Lễ bắt đầu thì mọi người đã đoán là có điều gì đó khác thường khi thấy các nữ ca viên tiến vô chỗ ngồi của mình trong những trang phục mầu trắng rất đẹp. Riêng cha Nguyễn Hoàng Dương thì trên tay đã thủ sẵn một cây vĩ cầm, nhưng trong Thánh Lễ, có lúc chính cha cũng lên bục đóng vai ca trưởng. Tối nay, chỉ cần nhìn thấy cha điều khiển câu xướng Alleluia cũng đủ để cho người ta thấy được tất cả cái nét điêu luyện trong những thao tác của cha rồi. Mong sao cha Dương cứ ở lại đây để dùi mài kinh sử và đồng thời tiếp tục đóng vai trò quân sư cho ca đoàn Têrêsa như cha đã từng làm trong gần hai năm qua.

Bon Mang CD Theresa 2013 Main 2

Sau lời nguyện giáo dân, nhiều cặp mắt đã đổ dồn về phía bốn em gái mặc trang phục màu đỏ đang tiến lên gian cung thánh để dâng bánh rượu. Được biết các em là những ái nữ của các ca viên và màu đỏ đã được chọn để tượng trưng cho những bông hồng mà thánh nữ Têrêsa đã hứa là sau khi qua đời sẽ tuôn đổ tràn đầy trên mặt địa cầu …

Theo thông lệ thì trong Thánh Lễ Bổn Mạng của các ca đoàn, lời chúc mừng của ban thường vụ luôn kết thúc bằng một món quà do đại diện ban tài chánh trao tặng. Không biết vấn đề bị rò rỉ thế nào nhưng đã đến tai cha Phạm Quang Hồng và cả cộng đoàn đã không nhịn cười được khi nghe cha nhắc lại lời của ai đó bình luận rằng “với thời gian thì  vật giá đã không ngừng leo thang, nhưng sao năm nào trong bao thơ cũng chỉ có 500 đô mà thôi!” … Cha nói vậy cho vui chứ không có bao lì xì thì các ca đoàn vẫn hoạt động hăng say như thường.

 

Được biết ca đoàn Têrêsa đã được thành lập vào năm 1988  khi có nhu cầu cử hành thêm Thánh Lễ cho cộng đoàn vào mỗi chiều Thứ Bảy – Người ca trưởng đầu tiên là chị Ngô Thị Bích Hạnh. Hiện nay, thành phần lãnh đạo của ca đoàn gồm có anh đoàn trưởng Vũ Quốc Thái, ca trưởng Lâm Tôn Quyền và ca phó Nguyễn Mạnh Hùng. Riêng anh Hùng và anh Quyền cũng đã  cộng tác với chị Hạnh ngay trong thời gian đầu :  Anh Hùng là  ca phó còn anh Quyền là nhạc sỹ đờn keyboard. Ngoài ra, cộng đoàn còn ghi ơn anh Dương Văn Soi là người đã từng giữ chức đoàn trưởng trong một thời gian.

Cho đến bây giờ, ca đoàn Têrêsa đã qui tụ được khoảng 35 ca viên và thường ở lại trung tâm mục vụ cộng đoàn để tập hát ngay sau Thánh Lễ chiều Thứ Bảy. Mỗi lần tập hát như vậy, miêu duệ của các anh chị ca viên bao gồm khoảng chừng 20 em lớn nhỏ cũng được ở lại để … làm bạn với cha mẹ mình. Ngoài ra, vì thường xuyên có dịp trở về với cộng đoàn, Các em luôn sẵn sàng để đảm nhận những vai trò đa dạng trong những dịp lễ lớn  hoặc tổ chức văn nghệ của cộng đoàn… Thật đáng quí thay !

 

SINH HOẠT TRONG THÁNG MÂN CÔI 2013.

 

(5/10/13). Từ ngày có trung tâm mục vụ cho đến bây giờ, tổ chức rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ có thể coi như là một phần không thể thiếu được trong niên lịch phụng vụ của  cộng đoàn.

Ruoc Duc Me Man Coi    03

Năm nay, công việc chuẩn bị đã đạt được những tiêu chuẩn khá cao về mặt kỹ thuật : Các em trong nhóm dâng hoa do chị Phan Thị Thanh Tuyết hướng dẫn từ 2 năm nay  đã rất quen thuộc với phần vụ của mình. Kiệu hoa của Mẹ đã được anh Lữ Ngọc Minh tu chỉnh lại cho gọn nhẹ và có mỹ thuật hơn. Những tấm hình lưu niệm do anh Đỗ Dũng cung cấp cho ban truyền thông chẳng những vẫn rõ nét mà còn có một góc độ rất bao quát nữa.

Ruoc Duc Me Man Coi    01

Trong lời dẫn nhập mở đầu buổi rước kiệu, cộng đoàn được mời gọi hiệp ý với Đức Thánh Cha Phanxicô để hiến dâng toàn thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ để khẩn khoản xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa đoái thương đến tương lai của Giáo Hội và của cả nhân loại. Những đóa hoa tươi mà đoàn thánh vũ thay mặt cộng đoàn để dâng lên Mẹ trong nghi thức phụng vụ chiều nay  tượng trưng cho những lời ngợi khen và cầu xin ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa được chứa đựng trong kinh Mân Côi mà chúng ta đồng dâng lên Mẹ để biểu lộ tâm tình của những người con thảo đối với Mẹ.

Buổi rước kiệu đã có diễn tiến thật tốt đẹp và đã giúp cho mọi người có dịp đến với Chúa qua việc tôn sùng Đức Mẹ. Cộng đoàn xin ghi ơn tất cả các thành viên của các ban ngành đã chu tròn phần vụ của mình trong tổ chức thánh thiện này.

 

GIA ĐÌNH TÔN VƯƠNG KỶ NIỆM 16 NĂM NGÀY THÀNH LẬP.

(5/10/13). Hôm nay cũng là ngày nhóm “Gia Đình Tôn Vương” kỷ niệm 16 năm ngày nhóm được thành lập. Sáng kiến này có thể được coi như là do tác động của Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy một số gia đình liên kết với nhau trong tinh thần cầu nguyện.

GD Ton Vuong

Tối Chúa Nhật nào cũng vậy, họ lần lượt tụ họp nhau trong một gia đình của nhóm để lần chuỗi, đọc sách thiêng liêng, suy gẫm và cầu nguyện theo những ý chỉ đặc biệt trong ngày. Chương trình của mỗi buổi cầu nguyện kéo dài khoảng một giờ đồng hồ.

Lúc đầu, chỉ có hai gia đình ở vùng Bayswwater họp mặt  để cầu nguyện chung với nhau, nhưng  cho đến bây giờ thì nhóm đã bao gồm 25 gia đình đang sống rải rác trong 7 vùng của thành phố Perth. Mỗi lần sinh hoạt có khoảng  trên dưới 30 người tham dự. Họ chủ trương hoạt động không có  thành phần lãnh đạo. Lâu nay chỉ có ông cố Vũ Bình là người phụ trách xướng kinh trong các giờ cầu nguyện mà thôi.

Để duy trì  tính chất thiêng liêng cho các buổi họp mặt, một qui luật không thành văn nhưng đã được mọi người chấp nhận là ngoại trừ trường hợp gia đình chủ nhà có những biến cố hoặc kỷ niệm đặc biệt, sau giờ cầu nguyện, những người tham dự  chỉ chia sẻ với nhau một miếng bánh hay một ly nước để giải khát mà thôi. Tuyệt đối không có vấn đề ăn nhậu say sưa hoặc đề cập đến những chuyện tốt xấu của người khác.

Có người trong nhóm đã chia sẻ là nhiều khi rất bận rộn nhưng vẫn cố gắng trung thành với những buổi cầu nguyện như vậy vì đã cảm nhận được sự quan phòng và chúc phúc của Chúa và Đức Mẹ  đối với gia đình mình! Thật đáng ngưỡng mộ thay.


TRUNG THU 2013

 

 (21/9/13).Hội chợ tại trung tâm mục vụ. Hôm nay trời đẹp lắm. Cả tuần lễ mưa gió dầm dề nhưng đến trưa hôm nay thì mây mù đã tan biến hết  nên các gian hàng hội chợ đã có thể được thiết lập  ngay cả trong sân cỏ bên ngoài hội trường.

Main 2 Tet Trung Thu 2013

Các thiết bị cần thiết đã được sắp đặt sẵn từ 9 giờ sáng, và đến 2 giờ 30 chiều thì các gian hàng đều đã ổn định : Nào là trò chơi xếp ly, bắn súng, bóng rổ, ném phi tiêu, Bucket ball, coloured hair spray, pirate ship, dice your life, face Painting, lantern painting, fairy floss, donut on a string, Shrek bouncing house … và quan trọng nhất là quầy phân phối thực phẩm và nước giải khát miễn phí do trường Việt Ngữ đài thọ với sự trợ giúp của Hội Phụ Huynh Học sinh.

Tet Trung Thu 2013 02 06

Trước ngày tổ chức hội chợ, các em thiếu nhi đã được nhắc nhở nên đem theo một số bạc lẻ để mua thêm vé – 1 đồng hai vé hoặc 2 đồng 5 vé – nếu muốn tiếp tục tham gia các trò chơi sau khi đã sử dụng hết các vé được phát miễn phí. Em nào thắng cuộc ở các gian hàng do huynh trưởng phụ trách sẽ lãnh thưởng tại chỗ. Riêng các thầy cô sẽ thưởng các em bằng phiếu để có thể đem đổi lấy đồ chơi tại gian hàng “tạp hóa” của trường Việt Ngữ.

Tet Trung Thu 2013 03 01

Chung chung thì trò chơi tại  các gian hàng đều nhẹ nhàng cho cả người chơi cũng như người phụ trách. Chỉ có  gian hàng bóng rổ của  thầy Tuấn là vất vả nhất. Sau khi phải chạy tới chạy lui cả hàng giờ đồng hồ để lượm banh thì đêm nay chắc thầy sẽ ngủ ngon lắm ? Thật là tội nghiệp! Ngoài ra, những em nào dám thi đua ăn  “Donut on a string” thì có thể không mắc nghẹn cũng bị trẹo cổ sau khi đã phải rán sức cạp cho lẹ và chính xác cái “donut” bất kham cứ không ngừng đong đưa trước gió! …

Tổ chức hội chợ kéo dài từ 2 giờ 30 đến 4 giờ 30. Sau đó các anh chị huynh trưởng tiếp tục cho các em sinh hoạt trong khi những em nào tham gia thi đua làm lồng đèn và bích chương được mời vô bên trong hội trường để ban giám khảo chấm điểm. Kết quả sẽ được công bố và các em sẽ lãnh thưởng sau phần Rước Lễ. Thi đua là để cho vui mà thôi, vì bất kể lồng đèn và bích chương  có tốt hay xấu thì các tác giả cũng đều được thưởng hết. Sau phần chụp hình lưu niệm, những lời ca quen thuộc về ngày Tết Trung Thu được ca đoàn Têrêsa xướng lên và  tất cả những em có mang theo bích chương hoặc đèn trung thu, dù là tự chế hay mua ngoài tiệm, đều được mời gọi tham gia đoàn rước chung quanh nguyện đường.

          

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi.

Em rước đèn đi khắp phố phường … ”

(22/9/13).  Tham dự buổi văn nghệ cộng đồng. Theo thông lệ thì thì Tết Trung Thu năm nào cũng bao gồm đêm văn nghệ do Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt tổ chức. Học sinh tất cả các trường Việt Ngữ trong thành phố Perth đều được mời gọi tham dự và góp phần của mình trong chương trình văn nghệ. Trường Anrê Dũng Lạc đã đóng góp hai tiết mục “Trình Diễn Thời Trang” và “hip Hop Dance”  dưới sự hướng dẫn của thầy hiệu trưởng Phạm Đức Khiêm và cô Nguyễn Thu Hương. Ngoài ra một số em cũng đã dự thi và được lãnh thưởng về các môn vẽ, viết văn và làm lồng đèn. Năm nay không có phát thưởng cho các em đứng nhất nhì trong các lớp Việt Ngữ.

Tết Trung Thu đã qua. Nhưng hy vọng nó vẫn còn lưu lại chút âm hưởng nào đó trong ký ức của các em thiếu nhi, cộng với lòng biết ơn đối với các phụ huynh, các thầy cô cũng như các anh chị huynh trưởng đã hy sinh rất nhiều thời giờ và công sức để tuổi thơ của các em luôn được đánh dấu bằng những kỷ niệm êm đẹp.

 

ĐẠI HỘI PHỤ NỮ (24 & 25/8/2013)

Đây là kỳ đại hội thứ 15 với chủ đề “Yêu Thương Hòa Hợp Sống Đời”. Theo thông lệ thì chương trình gồm hai phần sẽ lần lượt được thực hiện  sau các Thánh Lễ tối Thứ Bảy và sáng Chúa Nhật. Và cũng theo thông lệ thì chương trình tối Thứ Bảy luôn bắt đầu bằng một bữa ăn tối đơn giản – chỉ một tô phở thôi – để cho ai nấy được thoải mái trong khi tham dự đêm sinh hoạt.

DHPNu, 24-8-13

Bài thuyết giảng đầu tiên do  cha Đỗ Huy Nhật Quỳnh đảm trách. Cha Quỳnh là một vị linh mục trẻ hiện đang làm cha phó tại nhà thờ chính tòa Tổng Giáo Phận Perth. Để khai triển chủ đề  của ngày đại hội, cha đã dựa trên điều kiện Chúa đã đặt ra cho tất cả những ai muốn theo Ngài, đó là thái độ sẵn sàng đón nhận thập giá hàng ngày. Yêu thương là quan tâm, là lo lắng, là kính trọng nhau và cùng nhau nhìn về một hướng. Tình yêu đó sẽ được thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong sự hy sinh và tha thứ cho nhau. Và nó sẽ là nền tảng cho sự “hòa hợp” giữa hai vợ chồng, một điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc gia đình và cho sự thành công trong mọi lãnh  vực. Nhờ có sự hòa hợp mà vợ chồng sẽ là điểm tựa cho nhau, bổ sung những khiếm khuyết của nhau và con cái sẽ có cơ hội thăng tiến. Nhưng để hòa hợp cũng đòi hỏi hai người phải biết tôn trọng những giá trị, những khác biệt về tâm lý và giới tính của nhau… Tất cả những điều này đều không dễ thực hiện và câu hỏi phải được đặt ra là chúng ta có cầu nguyện đủ chưa, có  còn duy trì được sự hiệp thông với Chúa không … vì có liên kết với Chúa thì mối dây ràng buộc giữa người với người mới bền vững được.

Sau bài thuyết giảng là phần giải đáp thắc mắc và  giải trí. Người điều khiển những giây phút thư giãn này không ai khác hơn là cha Phạm Quang Hồng. Với óc tưởng tượng của cha, một bài ca, một vần thơ, một công việc rất tầm thường xảy ra hàng  ngày … đều có thể biến đổi thành một trò chơi hoặc một câu chuyện vui nhộn. Đặc biệt tối nay, sau khi nghe cha Quỳnh đọc hai câu thơ “ Đêm qua để cửa chờ chồng, Đêm nay để cửa chờ ông láng giềng” là cha Hồng đã chế ngay ra câu chuyện “Ông hàng xóm sang thăm bà láng giềng” nghe xong không ai có thể nhịn cười được…

Trước khi kết thúc buổi sinh hoạt tối Thứ Bảy, trong khi ban chấp hành đang phân phối bảng tên cho những người tham dự thì cánh cửa ăn thông với nhà bếp được mở ra và ai nấy  lại được thưởng thức một ly chè gọi là để lót dạ trước khi lên đường về nhà.  Phải công nhận rằng ban tổ chức đã rất chu đáo khi quan tâm đến cả nhu cầu vật chất của những người tham dự.

Năm nay tầm quan trọng của ngày Đại Hội Phụ Nữ đã được công nhận rõ nét hơn trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật khi đại diện Ban Thường Vụ đã thay mặt cộng đoàn để nói lên lời chúc mừng sau phần Rước Lễ và cha chủ tế cũng đã mời gọi tất cả mọi người cùng đọc kinh kính thánh Monica mà Hội Phụ Nữ đã chọn làm Quan Thầy.

Sau Thánh Lễ, những người nào ở lại để  tham dự Đại Hội đều được mời dùng bữa sáng trước khi đi vào hội trường nhỏ để tiếp tục chương trình. Thuyết giảng viên sáng Chúa Nhật là cha Phạm Quang Hồng. Là một người đã từng nghiên cứu về Hán ngữ, cha Hồng đã dùng chữ Hán để giúp tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ “Hòa Hợp”. Theo Cha thì sở dĩ cần phải có hòa hợp vì đời sống  vợ chồng tự nó đã không tránh khỏi những căng thẳng và tranh chấp rồi. Mà cội nguồn của mọi căng thẳng là sự “khác biệt” : Khác biệt về bản chất, khác biệt trong cách nhìn về tôn giáo, khác biệt trong sự trưởng thành, trong cách kiếm tìm và sử dụng tiền bạc, trong cách sử dụng thời gian cũng như trong quan niệm về giáo dục con cái… Căng thẳng là bình thường nhưng nếu không hòa hợp với nhau được thì sẽ là đại họa. Mà đại họa lớn nhất là sự “giao động nửa đời” mà cha Chu Quang Minh gọi là “khủng hoảng trung niên”. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm “Blood and Wolf” trên 100 cặp vợ chồng thì 52 người vợ cho rằng mình đã hạnh phúc trong hai năm đầu, nhưng 20 năm sau thì con số đó giảm xuống chỉ còn có 6 người mà thôi ! Yếu tố thời gian quả thực đã làm cho lời thề của họ khi xưa bị sứt mẻ nặng nề. Lý do đơn giản là tới một tuổi đời  nào đó, con người có khuynh hướng trở về với quá khứ, để nhìn lại những gì mình đã chọn, với tất cả những nuối tiếc, những so sánh và sự nhàm chán đối với những gì mình đang có. Tình trạng khủng hoảng này còn trầm trọng hơn khi họ cảm thấy từ trí óc cho đến sức khỏe thể lý, tất cả con người của họ đều đang bị suy thoái, nhất là thời gian  không còn bao lâu nữa và dường như cái chết cũng đã gần kề …

Để duy trì hạnh phúc, cha đề nghị mọi người hãy cố quên đi những gì là tiêu cực như tuổi tác, khuyết điểm và bệnh tật, để sống lạc quan, hòa nhã, vị tha, thường xuyên vận động, … và nhất là có được một người bạn tri âm cũng như một “góc riêng” cho mình. Nói tóm lại, câu hỏi phải được đặt ra là “Lòng mình có còn yêu thương không ?  Đối với tôi, Chúa là ai, người ấy là ai, đứa con tôi là ai, và tôi đối với tôi, tôi là ai ?”

Dường như tất cả bài thuyết giảng của Cha Hồng đã được gói trọn trong bốn câu hát sau đây mà cha đã dạy sau khi đề cập đến những “Ô” trong trái tim của người phụ nữ :

Có một người ở ô không may,

            Đó là người em chưa thương mến.

            Em sẽ dìu sang ô bên nay,

            Để từ đây mến thương tràn đầy.

Vai trò của cha Hồng không chấm dứt với bài thuyết giảng vì cha còn phải điều khiển chương trình giải trí trước và sau bữa cơm trưa. Được ngồi nghe cha chế biến bài thơ “Nếu biết rằng em đi lấy chồng”, học theo cha để múa máy tay chân theo điệp khúc  “Tay đâu… chú ý… nhịp nhàng …”,  hoặc độc đáo hơn nữa khi cùng cha diễn lại hoạt cảnh “Bác Sáu Nho đi chợ” … có lẽ  đã là những giờ phút gây ấn tượng nhiều nhất cho những người tham dự hai ngày đại hội.

Trước giờ bế mạc là phần bầu cử ban chấp hành mới. Cũng đã có một số chị em được đề cử nhưng không có ai ra ứng cử ! Thế là mọi người đề nghị ban chấp hành cũ ở lại làm việc và một tràng pháo tay đã kết thúc cuộc bầu cử khi chị hội trưởng Nguyễn Mộng Huyền tuyên bố sẵn sàng  tiếp tục ở lại để hy sinh cho đại cuộc. Ngoài ra cũng có thông báo là theo lịch trình sinh hoạt thì ban chấp hành dự tính sẽ tổ chức đi viếng nhà nguyện thánh nữ Mary MacKillop vùng South Perth vào ngày mùng một tháng 12 năm nay. Trước khi ra về, các  chị em đã ghi tên và một số đã đóng ngay $20 tiền lệ phí để giữ chỗ trong xe buýt.

Đại hội đã kết thúc lúc 2 giờ 30 chiều Chúa Nhật. Những người tham dự đã ra về trong hân hoan. Nhưng các thành viên trong ban tổ chức vẫn còn phải ở lại để thu dọn mọi thứ trong nhà bếp và trong phòng họp. Một lời cám ơn chân thành phải được dành cho các bác và các chị em đã hy sinh các giờ nghe thuyết giảng và sinh hoạt để lo vấn đề ẩm thực cho các tham dự viên khác. Và làm như vậy, họ đã đem ra thực thi cách trọn hảo một trong những ý tưởng then chốt của ngày đại hội là “khi mình làm cho người khác hạnh phúc thì chính mình cũng được hạnh phúc”. Thật đáng quí thay !

 

HỌC SINH TRƯỜNG VIỆT NGỮ CHỤP HÌNH LƯU NIỆM. (10-8-2013)

 

Từ ngày trường Việt Ngữ được thành lập, vấn đề chụp hình lưu niệm đã trở nên  một thông lệ cho mỗi niên học. Riêng năm nay, ngày đó đã được chuẩn bị  từ lâu, qua việc tổ chức đêm “disco” gây quĩ vào ngày mùng một tháng sáu vừa qua. Được biết số tiền lời đã dư để may đồng phục và phân phối miễn phí cho các thầy cô cũng như toàn thể học sinh của trường.

Áo đồng phục của các em học sinh màu thiên thanh, xen kẽ với màu xám dọc hai bên hông; rất dễ phân biệt với đồng phục của các thầy cô, được thiết kế bằng sự phối hợp của hai màu tím và xanh đen một cách thật hài hòa, tạo nên một nét đẹp vừa mạnh vừa tao nhã.

Hoc sinh TVN, 10-8-13

Theo dự đoán thì buổi chụp hình sẽ kéo dài trong suốt giờ học Việt Ngữ nên ban điều hành không phải chuẩn bị bàn ghế cho các phòng học. Ngược lại, điều quan trọng là phải sắp xếp thế nào để có thể chụp được tấm hình chung cho gần 400 người, bao gồm khoảng 30 giáo viên và 350 học sinh ! Từ 9 giờ sáng, sáu dãy ghế lớn nhỏ đã được sắp trải băng ngang trên dưới gian cung thánh để có thể gom tụ các em  trong đủ ba tư thế ngồi, quì và đứng  xen kẽ với nhau một cách khéo léo. Thời gian trước đây, các thầy cô và học sinh  toàn trường cũng đã từng được chụp hình chung  cách dễ dàng dưới sân cỏ. Nhưng mấy bữa nay, vì thời tiết không tốt cho lắm, nên đã có quyết định sử dụng hội trường lớn cho an toàn hơn…

Người đảm trách công việc chụp hình chiều nay vẫn là anh Đỗ Dũng, nhiếp ảnh gia của cộng đoàn, một chuyên viên ân cần vui vẻ rất dễ cậy nhờ. Vừa đến nơi là anh phải bắt tay vào việc ngay vì nội vấn đề chụp hình riêng cho 17 lớp học cũng sẽ mất khoảng 60 phút rồi. Tuy nhiên giai đoạn này dù sao cũng đã được hoàn tất dễ dàng. Chỉ đến lúc phải gom tụ  gần 400 người lớn nhỏ trong một khoảng không gian có giới hạn để  chụp tấm hình chung  thì khó khăn mới xuất hiện và phải mất gần nửa tiếng đồng hồ thì mọi người mới yên vị và anh Dũng cũng như một số phụ huynh có đem theo máy ảnh mới chụp hình được. Thật là tội nghiệp cho các thầy cô – đặc biệt là thầy Khiêm – đã vất vả mệt mỏi nhiều trong công việc này.

Vấn đề  may sắm đồng phục cho các giáo viên và toàn thể học sinh quả thực đã đòi hỏi rất nhiều công sức từ ban điều hành cho đến các thầy cô và phụ huynh. Nhưng  thiết tưởng đây cũng là cách đáp ứng cho một trong các khía cạnh của chương trình giáo dục. Bất cứ cá nhân nào, một khi đã mặc đồng phục của tổ chức mình gia nhập, cũng sẽ cảm thấy có một chỗ đứng trong tổ chức đó (Sense of belonging). Và đồng thời cũng có trách nhiệm không được làm hoen ố đồng phục của mình. Điều này hoàn toàn đúng đối với học sinh của mỗi trường học.

 

LỄ THÁNH MARTHA (Chúa Nhật 28-7-2013)

 

Hôm nay là lễ thánh Martha, bổn mạng của tất cả các thiện nguyện viên trong cộng đoàn. Có thể nói là chưa bao giờ vị thánh nữ lại được kính nhớ cách đặc biệt như sáng hôm nay. Ngoài ra, mọi người còn ngạc nhiên không ít khi  thấy có sự cộng tác của Ban Vệ Sinh với ca đoàn Thánh Linh để đảm trách phần thánh nhạc, một điều cũng chưa bao giờ  xảy ra trong lịch sử của cộng đoàn ! Lý do của sự hợp tác trên đây là vì ban vệ sinh đã chọn thánh Martha làm quan thầy và còn có một lực lượng nhân sự khá hùng hậu, bao gồm những giọng ca rất chuẩn nữa.

Le thanh Martha, 28-7-13

Ngoài ban vệ sinh, sau buổi họp của Ban Thường Vụ vào ngày 13-6-2013, các ban ngành khác cũng đã được  nhận cùng một vị thánh để làm quan thầy cho mình. Vì thế, tất cả những ai đang hoạt động  trong các ban thường vụ, tài chánh, phụng vụ, thừa tác viên, cắm hoa, vệ sinh, bảo trì và cây cảnh, trật tự, truyền thông và quầy hàng của bác Nguyễn Văn Thành, đều có phần trong  Thánh Lễ sáng nay. Chắc thánh nữ Martha đã rất vui khi thấy rằng vai trò của mình trong Phúc Âm (Lc:10, 40) cũng không kém phần quan trọng…

Sau Thánh Lễ, thành viên  các ban ngành đã tụ họp trong hội trường nhỏ để sinh hoạt chung với nhau và bàn thảo về những vấn đề liên quan đến việc sử dụng và bảo trì trung tâm mục vụ. Một điều đã và đang được áp dụng  là tất cả các ban ngành hay đoàn thể, mỗi khi muốn  sử dụng trung tâm, đều phải đăng ký và tuân theo những điều kiện đã được nêu ra  trong bản nội qui của cộng đoàn. Ngoài ra, những hướng dẫn về việc sử dụng và tồn trữ những hóa chất tại trung tâm mục vụ cũng được đề cập đến nhằm bảo đảm sức khỏe cho những người liên hệ.

Trở về với trường hợp của ban vệ  sinh trên đây thì được biết xưa nay vẫn có một số anh chị em tình nguyện đến quét dọn  trong ngoài trung tâm mục vụ, nhưng chỉ đơn thuần với tư cách cá nhân mà thôi. Đến  tháng 7 năm 2010, anh Nguyễn Trung Thịnh đã đứng ra kêu gọi được khoảng  30 người ghi danh để chánh thức lập ra ban vệ sinh trong đó các thành viên sẽ phục vụ theo một bảng phân công rõ rệt và chọn thánh Martha làm quan thầy.  Anh Thịnh đã làm  trưởng ban vệ sinh cho đến ngày 13 tháng 6 năm 2013 thì xin từ chức và hiện thời chị Mai Thiên Kim đã thay thế anh trong chức vụ này, với một lực lượng nhân sự rất hùng hậu khoảng 60 thành viên, được phân chia thành 4 nhóm cho sáng Thứ Bảy và 4 nhóm khác cho tối Thứ Bảy.

Ngày lễ bổn mạng được đánh dấu bằng bữa tiệc mừng do cộng đoàn đài thọ và đã được một số chị em tình nguyện chuẩn bị từ sáng sớm. Đây là một bữa tiệc “agape”, nối kết tình thân giữa những người đã đến với nhau trong tinh thần phục vụ. Nhân cơ hội này, cộng đoàn cũng muốn cám ơn tất cả các anh chị đã hy sinh thời giờ và công sức để giúp cho các sinh hoạt tại trung tâm mục vụ luôn được tiến triển thuận lợi. Vì số thiện nguyện viên quá lớn nên  khuôn khổ của bản tin không cho phép nêu tên của từng người được. Nhưng cho dù thuộc về cấp lãnh đạo hay chỉ là những thành viên mà tên tuổi không được nhiều người biết đến, chắc hẳn công việc âm thầm mà các anh chị  đang thực hiện sẽ được Chúa chúc phúc qua lời cầu bầu của thánh Martha quan thầy của các anh chị.

 

HỘI CAO NIÊN ĐI HÀNH HƯƠNG TẠI NEW NORCIA (28-6-2013)

 

Xe buýt chở chúng tôi khởi hành từ trung tâm mục vụ cộng đoàn lúc 7 giờ 45, chạy hết con đường West Swan Road và sát nhập vào đoàn xe đang lưu chuyển trên đường xuyên tiểu bang Great Northen Highway trực chỉ New Norcia. Rải rắc hai bên đường là những cánh đồng nho sau mùa thu hoạch. Những cây nho đã được cắt tỉa chỉ còn vài cành khẳng khiu  trơ trọi đang im lìm trong giấc ngủ của  mùa đông khá lạnh trên vùng Tây Úc…

Hoi cao nien di New Norcia, 28-6-13

Trên đường đi, ông cố Nguyễn Văn Thân đã hướng dẫn phái đoàn lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Nhờ có máy vi âm được ráp sẵn trên xe nên buổi lần hạt đã diễn ra rất nhịp nhàng và sốt sắng. Ngoài ra, ông còn điều khiển mọi người đọc một số kinh khá dài – có lẽ thuộc một địa phận nào đó ở ngoài Bắc – mà không mang theo  giấy tờ gì cả ! Các bạn trẻ mà nghe được chắc chắn cũng phải chào thua luôn …

Chúng tôi đến New Norcia lúc 9 giờ 50, sau khi đã dừng chân ở Gingin chừng 15 phút để các bác có dịp thư giãn gân cốt. Chương trình hành hương bắt đầu bằng Thánh Lễ,  do cha quản nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh làm chủ tế và Sr Tơ đảm trách phần thánh nhạc, tại nhà thờ mang tên “Abbey Church” nằm đối diện với tu viện của các cha dòng Biển Đức. Đây là nhà thờ đã được bắt đầu xây cất vào năm 1850. Còn nhớ, trong thập niên 1980, khi trường nội trú ở New Norcia chưa đóng cửa, hàng năm, cứ vào độ tháng mười kính Đức Mẹ, cộng đoàn công giáo Việt Nam Tây Úc, dưới sự hướng dẫn của cha Nguyễn Ngọc Để và kế đó là cha Lý Văn Ca,  đã từng có dịp cùng với các giáo xứ Úc, đi  tham dự ngày hành hương tại đây do tổng giáo phận Perth tổ chức… Thật là sầm uất và sốt sắng …

Sau Thánh Lễ, xe buýt chở phái đoàn chúng tôi đi tham quan những cơ sở còn hiện hữu trong khu vực : Bên này đường Great Northern Highway là Trung tâm giáo dục, thư viện, trường nội trú, nghĩa trang, nhà máy xay bột, khách sạn, viện bảo tàng và tu viện cũ. Đối diện bên kia đường là nhà thờ “Abbey Church”, nhà máy xay bột cũ, tiệm bánh, xưởng điều chế dầu ô-liu và tu viện các cha dòng Biển Đức. Tu viện này đã được hai linh mục dòng là  Dom Rosendo Salvado và Dom José Serra đặt viên đá đầu tiên vào năm 1846. Dự tính của các tu sỹ Tây Ban Nha khi đặt chân đến vùng đất hoang dã này là thiết lập một ngôi làng cho các thổ dân để họ có thể tự lực cánh sinh bằng nông nghiệp. Nhưng đến thập niên 1860, sau khi bệnh tật được du nhập từ bên ngoài đã khiến cho một số lớn dân địa phương bị giết hại, các tu sỹ Biển Đức đã dồn mọi nỗ lực vào công việc giáo dục các trẻ em Thổ Dân được gởi đến từ khắp miền Tây Úc. Chính cha Salvado đã từng trở về Âu Châu gây quĩ hầu có tiền mua đất, xây dựng cơ sở, mua sách vở, quần áo cũng như những thiết bị máy móc cho công trình giáo dục đa dạng này. .. Cha đã qua đời trong một chuyến đi La Mã nhưng  thi hài đã được mang về New Norcia và được chôn cất trong ngôi Thánh đường “Abbey Church”.

Ngoài khu vực dành riêng cho các cha và các thầy, giáo dân được phép đến nguyện đường của tu viện để tham dự những giờ kinh nhật tụng. Hôm nay cũng là cơ hội để chúng tôi  đến đọc kinh trưa với các cha dòng. Nguyện đường nằm trên lầu 1, các dãy ghế và bàn quì được sắp theo hình chữ U, đáy hướng về phía bàn thờ. Một tu sỹ đứng trực ở cửa ra vào của nguyện đường để phát cho chúng tôi tờ chương trình bao gồm đầy đủ các kinh sẽ được đọc để mọi người tiện bề theo dõi. Tất cả có 8 cha dòng đến chia làm hai nhóm ngồi đối diện với nhau trong nguyện đường. Đúng 12 giờ trưa thì giờ kinh bắt đầu. Hôm nay là ngày Thứ Sáu nên Thánh Vịnh được chọn mang một  âm điệu sám hối có liên hệ mật thiết với tâm tình của con người được ơn cứu độ.

 

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,

Đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy…

Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,

Và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con …

 

Thực ra, đây không phải là buổi đọc kinh thông thường nhưng cốt yếu là hát Thánh Vịnh theo cung điệu của nhạc bình ca (Gregorian music) được thịnh hành trong các nghi thức phụng vụ  thời trước công đồng Vatican II. Các cha, tuy đã có tuổi, nhưng vẫn còn có thể đối đáp rất chuẩn và giọng hát của các ngài quyện theo tiếng nhạc đệm nhẹ nhàng của chiếc đàn phong cầm (harmonium) ở cuối nguyện đường đã tạo nên một bầu không khí huyền diệu hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Đây chính là môi trường thích hợp cho đời sống chiêm niệm.

Sau giờ ăn trưa và nghỉ ngơi là phần thăm viếng viện bảo tàng. Từ sáng sớm, ngay trước giờ khởi hành, hai ông Nguyễn Ngọc Thanh và Nguyễn Kim Linh, hội trưởng và hội phó của chúng tôi đã gom tiền để mua vé vô cửa là $6.50 cho mỗi đầu người. Viện bảo tàng có hai tầng lầu. Dưới đất gồm phòng triển lãm các dụng cụ đặc trưng cho nếp sống của người bản xứ và  khu vực bán đồ lưu niệm cũng như những  đặc sản địa phương : dầu ô liu, bánh mì, bánh ngọt, rượu,  chocolate  v.v.… Lầu một dành cho phần triển lãm những tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả những bức tranh do nữ hoàng Tây Ban Nha gởi tặng và bộ sưu tầm các phẩm phục của hàng giáo sỹ  như áo lễ (chasuble) hình vỏ đàn vĩ cầm, mũ đen bốn cạnh (biretta) của linh mục,  túi đựng Mình Thánh cho kẻ liệt (purse),  áo choàng (cope) đến từ cung điện của nữ hoàng Isabella vào thế kỷ thứ XIX,  đặc biệt là chiếc mũ giám mục (mitre), được thực hiện vào thế kỷ thứ XVII, với những vật liệu được sử dụng bao gồm lụa, gấm, chỉ kim loại, vàng lát mỏng và ngọc bích… Lên đến lầu hai, khách hành hương đi vào một nhà nguyện nhỏ được trang trí với những phương tiện cổ xưa nhưng cũng không kém phần nghệ thuật. Xem chừng nguyện đường này bây giờ không còn được sử dụng nữa …

Trên đường về, chúng tôi dừng xe tại  Bullsbrook để cầu nguyện trước tượng đài kính Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành (Our Lady of Revelation). Được biết nhà thờ cũng như tượng đài đều thuộc quyền sở hữu của hội mang tên “Sacri Association” do ông Bruno  Cornacchiola thành lập. Có nguồn tin cho biết ông Bruno đã được Đức Mẹ hiện ra tại Tre Fontane, Rôma,  ngày 12-4-1947. Chính Đức Tổng Giám Mục  William Foley đã cung hiến tượng đài cho Đức Mẹ vào năm 1987. Một số trong chúng tôi còn chuẩn bị chai lọ để hứng nước suối đã được truyền đến một cái vòi nằm ngay giữa sân nhà thờ để mang về sử dụng. Nước rất ngọt. Có người còn tin là linh thiêng nữa …

Nước suối Bullsbrook có linh nghiệm thế nào thì ta không chắc. Nhưng buổi đi hành hương chẳng những đã cho chúng tôi có được một ngày chung vui với nhau mà còn giúp mọi người cầu nguyện, cũng như đã cảm nghiệm được phần nào sự gần gũi với Chúa trong đời sống chiêm niệm.

 

BUỔI TRÌNH DIỄN THÁNH NHẠC VỚI CÁC EM THIẾU NHI (6-7-2013)

 

Đây là sáng kiến của Sr Lê Linh sau khi đã truy cập những tài liệu về ông Andrew Chinn và tham dự chương trình hát Thánh nhạc do ông điều khiển tại các giáo xứ Úc.

Buoi trinh dien Thanh nhac, 6-7-13

Được biết ông Chinn đã là giáo viên trong các trường tiểu học công giáo từ  20 năm nay. Một thiên tài về âm nhạc, ông vừa là ca sỹ vừa là nhạc sỹ và đã bắt đầu sáng tác thánh nhạc từ năm 1993. Cho đến nay, ông đã thực hiện được 8 CDs và 4 DVDs và đã phổ biến nhạc của ông tại  nhiều nơi trên các nước Úc, Tân Tây Lan, Mỹ và Gia Nã Đại. Tài nghệ của ông còn được biết đến qua những sách truyện bằng tranh cho trẻ em mà  ông đã thực hiện khi lấy cảm hứng từ đời sống của thánh nữ Mary MacKillop. Một số tác phẩm của ông có tựa đề như sau : “In The Beginning” (Từ nguyên thủy), “I am The River” (Tôi là dòng sông), “Rain Bow” (Cầu vồng), “Under Your Stars” (Dưới ánh sao của Ngài) …

Hôm nay ông Chinn đến với cộng đoàn cùng với vợ là bà Bernadette Chinn, cô con gái Eleanor và bé cháu gái Georgia. Theo như đã được thông báo thì buổi trình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 4 giờ 35, nhưng ông đã có mặt tại trung tâm mục vụ cộng đoàn trước đó hơn nửa giờ để tập cho các em thiếu nhi những thao tác biểu hiện tâm tình của mỗi bản nhạc. Ngoài ra, ông cũng đã nhờ cha Quản Nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh phiên dịch sang tiếng Việt hai nhạc phẩm “A Cross of Stars” và “These Hands” để có phần đóng góp của ngôn ngữ Mẹ trong chương trình.

Vì buổi trình diễn được thực hiện trong giờ sinh hoạt thiếu nhi nên các em đều mang khăn quàng theo cấp bậc của mình và Ông Chinn đã căn cứ theo các màu vàng, xanh lá cây, xanh dương và màu đỏ để mời từng nhóm lên phụ diễn với mình trong mỗi bản nhạc, trong khi đó thì một số em đã được chọn để tạo thành một ca đoàn nhỏ. Những em này sẽ túc trực trên sân khấu để làm nồng cốt cho thành phần tham dự.

Chương trình gồm 9 tiết mục, lần lượt chuyên chở những tâm tình đơn sơ, những lời chúc phúc, cũng như những lời mời gọi dấn thân và phó thác : Thiên Chúa đã dựng nên thế giới này cho chúng ta… Tất cả chúng ta đều được mời gọi … Mọi người như một, chúng ta hãy đến với Ngài … Xin Ngài ngự trị  trong lòng và trong trí chúng ta …  Và với đôi tay này, con tim này, tiếng hát này, chúng ta hãy ca khen Ngài, làm việc cho Ngài và biểu hiện tình yêu đối với Ngài …

Với một giọng hát tràn đầy sức sống và những thao tác thật nhẹ nhàng, điêu luyện, nhưng rất dễ thương và có lúc còn mang đôi nét hài ước, phải công nhận là nhà mô phạm Andrew Chinn đã hoàn toàn chinh phục, chẳng những các để tử tí hon của mình, mà còn lôi cuốn được tất cả những ai có mặt trong hội trường. Và cũng trong dịp này, người ta đã khám phá được tài nghệ bẩm sinh nơi một số em nhỏ. Nhìn các em thao diễn hăng say, nhịp nhàng và không thiếu phần chuyên nghiệp, chắc hẳn các phụ huynh tham dự buổi sinh hoạt chiều nay đã rất hãnh diện và đặt nhiều kỳ vọng nơi con em của mình.

 

LỄ BỔN MẠNG ĐOÀN THIẾU NHI THÁNH THỂ, ĐÊM DISCO GÂY QUĨ

CỦA TRƯỜNG VIỆT NGỮ ANRÊ DŨNG LẠC (1-6-2013)

 

Hôm nay sinh hoạt tại trung tâm mục vụ cộng đoàn nhộn nhịp cách lạ thường. Sau giờ học Việt Ngữ là buổi sinh hoạt đặc biệt mừng bổn mạng  Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Trong khi đó thì ở dưới hầm “carpark”, các anh chị trong Hội Phụ Huynh trường Việt Ngữ đã bắt đầu bày bán thực phẩm để gây quĩ rồi. Trong Thánh Lễ 6 giờ tối, Ca Đoàn Thiên Thần đảm trách phần thánh nhạc. Cộng đoàn thực sự đã bị thu hút bởi những giọng hát trẻ trung, hồn nhiên  và rất hăng say của  các em thiếu nhi. Các em đã hát hết mình, không câu nệ và đã tạo cho  những ca khúc mà các em trình bày một sắc thái khác hẳn so với phong cách của các anh chị trong các ca đoàn người lớn.

Nhân dịp Lễ Bổn Mạng năm nay, 3 em nghĩa sĩ cấp 3 đã được tuyên thệ để trở thành Dự Trưởng. Cùng với vị linh hướng là cha Phạm Quang Hồng, các em đã quì gối để xướng lên bài ca huynh trưởng và đọc lời tuyên hứa trước khi lãnh nhận chứng chỉ và khăn quàng màu đỏ, tượng trưng cho cấp bậc mới của mình.

 

Lạy Chúa Giêsu huynh trưởng tối cao,

            Xin dạy con biết hy sinh cao thượng, Phụng sự Chúa và giúp ích mọi người.

            Xin dạy con biết hy sinh không cần báo đáp, Luôn xông pha không ngại bão táp,

Đẹp ý Cha trên trời, Trong tình thương yêu hết mọi người …

 

Trong Thánh Lễ tối nay, 12 em huynh trưởng của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể cũng được lãnh nhận chức vụ Thừa Tác Viên Đặc Biệt Trao Ban Mình Thánh Chúa. Các tân thừa tác viên trẻ này sẽ thi hành chức vụ của mình trong các Thánh Lễ dành riêng cho giới trẻ cũng như mỗi khi cộng đoàn cần đến trong các trường hợp đặc biệt. Đây cũng là một cách tạo cơ hội để các em dấn thân tham gia đời sống phụng vụ một cách tích cực hơn.  Đặc biệt trong phần Rước Lễ tối nay, chính các tân thừa tác viên trẻ sẽ trao ban Mình Thánh Chúa cho cộng đoàn. Qua cách đi đứng gọn gàng tự nhiên và cách cho rước lễ thành thạo, các em đã cho thấy được sự thành công của khóa huấn luyện mà các em đã tham dự, dưới sự hướng dẫn của cha Phạm Quang Hồng và Sr Lê Linh.

Le Bon mang TNTT, 1-6-13

Thời gian sau Thánh Lễ mới là lúc bầu không khí tại trung tâm mục vụ nhộn nhịp nhất. Những vị cao niên nào còn ở lại để chờ con cháu thì chắc chắn đã bị choáng ngợp bởi những gì đang xảy ra bên trong hội trường : trong màn khói tỏa mịt mù và ánh đèn pha xoay chiếu loạn xạ, cả một đàn em nhỏ đang tưng bừng nhảy nhót theo  tiếng nhạc  dồn dập phát ra từ những chiếc loa mở hết công suất. Sự hăng say của các em có một sức thu hút rất mãnh liệt, và chỉ trong chốc lát là người ta thấy cả những bậc đàn anh đàn chị cũng từ từ nhập cuộc và còn nhót dữ dội hơn các em nhỏ nữa !

Dem disco, 1-6-13

Đây là sáng kiến của thầy Phạm Đức Khiêm, hiệu trưởng trường Việt Ngữ Anrê Dũng Lạc,  muốn tổ chức disco và bán thực phẩm để gây quĩ sắm đồng phục miễn phí cho học sinh của trường. Trong khi các em nhỏ đang vui chơi bên trong hội trường thì bên ngoài hành lang, các anh chị trong ban chấp hành hội phụ huynh học sinh và một số anh chị em tình nguyện bày bán đủ mọi thứ cơm, xôi, chè, bánh ngọt, bánh mặn, nước uống  thật là đa dạng. Công việc chuẩn bị đã bắt đầu từ một tuần lễ trước và đòi hỏi rất nhiều thời giờ và công sức của các anh chị trong ban tổ chức. Tuy mọi người đều mỏi mệt nhưng rất vui, vì nghe đâu số tiền lời đã dư để sắm đồng phục cho tất cả các thầy cô và học sinh nữa.   Xin chúc mừng !

 

THÁNH LỄ THÊM SỨC VÀ BỔN MẠNG CA ĐOÀN THÁNH LINH (19-5-2013)

 

Hôm nay là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Cha quản nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh đã thay mặt Đức Giám Mục để ban Bí Tích Thêm Sức cho 25 em thiếu nhi trong cộng đoàn. Chương trình giáo lý vẫn do Sr Lê Linh và hai cô Nguyễn Minh Khôi và Trịnh Thị Phương Uyên đảm trách. Đặc biệt năm nay nhờ có cô Khôi đã dịch các bài học sang tiếng Việt nên một số em mới từ Việt Nam sang cũng hiểu bài dễ dàng và các phụ huynh cũng có thể theo dõi và trợ giúp con em của mình trong tiến trình học hỏi. Sự cộng tác của các gia đình với giảng viên giáo lý được thể hiện qua những buổi tối họp mặt trong đó các thành viên trong gia đình cùng ăn tối, học giáo lý và cầu nguyện chung với con em của mình và các gia đình khác.

Thanh le Them Suc, 9-5-13

Thánh Lễ sáng nay rất long trọng vì cũng là Lễ Bổn Mạng của Ca Đoàn Thánh Linh. Lộng lẫy trong những bộ trang phục màu đỏ, phải công nhận hôm nay ca đoàn đã đảm trách phần thánh nhạc một cách thật tuyệt vời. Theo thông lệ thì sau phần rước lễ,  anh Nguyễn Đình Dương đã thay mặt Ban Thường Vụ để gởi lời chúc mừng và cám ơn đến các anh chị ca viên trước khi chú  Hoàng Minh Tân, trưởng ban tài chánh, trao tặng cho người đại diện ca đoàn là anh Viên Đức Thắng một bao lì xì, để góp phần của cộng đoàn trong việc tổ chức ngày lễ Bổn Mạng.

Bon mang CD Thanh Linh, 9-5-13

Được biết ca đoàn Thánh Linh đã phục vụ trong các Thánh Lễ sáng Chúa Nhật được 22 năm rồi. Vì được thành lập bởi Đoàn Thanh Niên Công Giáo trong kỳ đại hội thứ III vào hai ngày 14 và 15/12/1991, lúc đầu ca đoàn đã có danh xưng là Ca Đoàn Thanh Niên để rồi sau này mới đổi tên là Ca Đoàn Thánh Linh và nhận Chúa Thánh Thần làm Quan Thầy của mình. Lúc đầu, số ca viên chỉ có chừng từ 25 đến 30 người mà thôi. Cho đến bây giờ thì số anh chị em gia nhập đã tăng lên đến 47 người. Trong khi các hội đoàn khác thay đổi người lãnh đạo khá thường xuyên thì  ca đoàn Thánh Linh chỉ có hai ca trưởng là anh Mai Thanh Minh, từ 1991 đến 2002  và anh Nguyễn Trung Thịnh từ,  2002 đến 2012. Hiện nay anh Minh lại đã trở về Tây Úc với ca đoàn của mình, sau khi phiêu lưu một thời gian tại các tiểu bang miền đông nước Úc. Anh cho hay bây giờ mình chỉ đóng vai ca trưởng phụ trách phần thánh nhạc, còn nọi  công việc đối ngoại và đối nội thì đã có anh đoàn trưởng Viên Đức Thắng gánh vác. Chắc là anh này phải đương đầu với nhiều vấn đề cam go dữ lắm ? … Chúc các anh may mắn.

NHÓM SINH HOẠT NGÀY THỨ SÁU

VIẾNG THĂM GIÁO XỨ CANNING VALE  (17-5-2013)

 

Đây là một trong những buổi đi tham quan và du ngoạn được tổ chức khá thường xuyên theo chương trình sinh hoạt hàng năm. Kỳ này Sr Lê Linh và cha Phạm Quang Hồng dẫn các bác cao niên xuống thăm giáo xứ của cha Nguyễn Quyết Chiến. Được biết cha mới đổi về đây ngày 20-2-2013 sau khi đã phục vụ  giáo dân tại  Bencubbin – cách thành phố Perth 300 cây số, trong vùng trồng lúa mì của Tây Úc – từ năm 2006 cho đến nay.

Nhom SH Ngay thu sau di Canning Vale, 17-5-13

Trước hết, phái đoàn đến viếng nhà thờ của họ đạo, tọa lạc ở số 151 đường Amherst,Canning Vale. Có thể nói đây là ngôi thánh đường  mới nhất trong tổng giáo phận đã được khánh thành cách đây bốn năm. Cha Chiến cho hay hiện giờ họ đạo có khoảng một ngàn giáo dân và con số chắc sẽ còn tăng thêm mỗi ngày. Lý do là vì Canning Vale hiện đang trên đà phát triển và những gia đình trẻ chiếm một tỷ lệ khá cao trong dân số. Họ đến từ bốn năm chục nước khác nhau, trong đó có Singapore, Ấn Độ, Mã Lai, Phi Luật Tân v.v. Con em của họ phần đông được gởi đến trường tiểu học St. Emilie De Vialar của họ đạo, sĩ số học sinh trong niên học 2013 là 449 em.

Theo nhận xét của cha Chiến thì trước khi xây được nhà thờ, giáo dân của họ đạo Canning Vale cũng đã từng long đong như Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Perth vậy. Họ đã phải tham dự Thánh Lễ tại nhà xứ cũ, rồi đến nhà xứ mới, tiếp theo là trong cái “hall” của trường học và tất nhiên cũng đã từng rất  vất vả với việc sắp xếp và thu dọn bàn ghế tại các nơi cử hành những nghi thức phụng vụ. Cho đến bây giờ thì nơi thờ phượng coi như đã tạm ổn định, có chăng chỉ còn thiếu hệ thống điều hòa cho nhà thờ và món nợ xây cất đối với ngân hàng  mà thôi.

Công việc mục vụ của cha xem ra cũng khá bận rộn : Ngoài các Thánh Lễ cho giáo dân của họ đạo, cha còn cử hành Thánh Lễ cho khoảng 40 bác cao niên trong viện dưỡng lão mỗi Thứ Tư đầu tháng, cho trường học vào ngày Thứ Năm và cho các sơ dòng Schoenstatt ở vùng Armadale sáng Thứ Sáu đầu tháng. Ngoài ra, cha còn linh hướng cho phong trào tôn vinh lòng Chúa thương xót mới được thành lập, hội Đạo Binh Đức Mẹ và đoàn Thanh Niên Công giáo với khoảng 100 đoàn viên…

Một trong những khó khăn đối với cha chánh xứ trong một họ đạo có tính cách “đa văn hóa” như vậy là làm sao dung hòa  những nghi thức đã được Giáo Hội ấn định với những phong tục tập quán mà nhiều sắc dân muốn được đem ra áp dụng trong  những nghi thức phụng vụ. Tuy khá tế nhị nhưng dường như cá nhân cha Chiến đã khắc phục được vấn đề khó khăn này. Hơn nữa, chính sự hiện diện của nhiều sắc dân trong giáo xứ  lại làm cho nó thêm phong phú  qua sự đóng góp đa dạng của họ,  nhất là vào  những dịp lễ lớn trong năm.

Vào khoảng 12 giờ trưa, phái đoàn được chở đến viếng thăm nhà xứ – cũng nằm trên đường Amherst, số 174 – để ăn trưa và sinh hoạt như thường lệ. Một điều làm cho  mọi người để ý  là chuông điện thoại cứ reo liên tục làm cho cha Chiến luôn đứng ngồi không yên. Nghe đâu vì là linh mục tuyên úy của trường tiểu học nên  vấn đề giao tiếp với phụ huynh và phê duyệt giấy tờ sổ sách đã làm cho cha bận rộn tối ngày. Nhưng theo như cha nói thì niềm vui của cha lại nằm trong chính cái bận rộn liên tục  đó.

Phái đoàn chúng tôi dời nhà xứ lúc 2 giờ chiều để trở về trung tâm mục vụ cộng đoàn. Cha Chiến đã đến từng xe để nói lời tạm biệt và cám ơn mọi người đã đến viếng  thăm. Một cử chỉ thật đơn sơ nhưng đã để lại trong chúng tôi một ấn tượng rất sâu sắc về một vị linh mục vừa khiêm nhường vừa gắn bó với giáo dân của mình. Buổi viếng thăm còn  cho chúng tôi một khái niệm về  đời sống và sinh hoạt mục vụ của các linh mục, những người luôn phải sẵn sàng để phục vụ ở những nơi mà mình không hề lựa chọn



BỮA TIỆC NGÀY HIỀN MẪU (12-5-2013)

Đây là một tổ chức có tính cách “một công hai việc” : Vừa là để mọi người trong cộng đoàn có dịp chung vui với nhau vừa để gây quĩ hỗ trợ cho dự án xây cất sắp sửa được khởi công trong vòng ba bốn tháng tới. Công việc bán vé vô cửa có lúc đã làm cho ban tổ chức hơi lúng túng vì chỉ còn có một tuần lễ nữa là đến ngày mở tiệc mà mới bán được có hơn 200 vé. Nhưng có lẽ lương tâm giáo dân đã bị cha Phạm Quang Hồng đánh thức khi ngài tuyên bố sau Thánh Lễ cuối tuần trước là “ai không mua vé là người con bất hiếu” nên chỉ trong vòng có  mấy ngày mà số người tham dự đã vượt quá 700 người !

Bua tiec ngay hien mau, 12-5-13

Chú Lê Minh đã nhắc nhở là buổi tiệc sẽ bắt đầu vào đúng lúc 6 giờ tối nên ai nấy đều sắp xếp để có mặt đúng giờ. Từ cửa nhìn vào, người ta thấy dường như   hôm nay hội trường lớn rộng hẳn ra, với các bàn tiệc được sắp thành 13 dãy, mỗi dãy gồm 6 bàn có đánh số rõ rệt. Anh chị em tiếp tân đứng trực ở tất cả các cửa ra vào để soát vé và cho biết số bàn đã được sắp cho mỗi thực khách nên mọi người đều có thể kiếm ra chỗ ngồi của mình dễ dàng.

Năm nay  thực phẩm cũng được phân phối theo kiểu “buffet” nhưng mọi người được yêu cầu ngồi tại chỗ để ban khánh tiết mang đồ ăn tới từng bàn cho mỗi người. Ngoài ra, nước ngọt, nước mía cũng như bia rượu đều có bầy bán ở cuối hội trường theo nhu cầu của thực khách.

Chương trình văn nghệ bắt đầu thật sôi động với hợp ca “Bức họa đồng quê” của nhạc sỹ Văn Phụng do ca đoàn Têrêsa trình bày. Nhưng ngay sau đó, bầu không khí trong hội trường tự nhiên lắng đọng khi ca khúc “Ngày Của Mẹ” do cha quản nhiệm Mộng Huỳnh sáng tác đặc biệt cho đêm nay được giọng hát nhẹ nhàng và đơn sơ của em Huyền Mi gởi đến mọi người :

Hôm nay ngày của mẹ, Ngày vui nhất đời con …

                        Happy Mother’s  Day, con hứa luôn yêu mẹ, yêu mẹ đến muôn đời

 

Đêm văn nghệ được tiếp nối với mục “Thời Trang Áo Dài” của các chị em Hội Phụ Nữ.

các chị đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để tự chuẩn bị áo dài cho mình và dày công tập luyện để cống hiến cho cộng đoàn một màn trình diễn thật ngoạn mục.

Ngoài mục biểu diễn áo dài trên đây, Hội Phụ Nữ còn đóng góp cho chương trình một  màn kịch khá dài có tựa đề “Đời Mẹ Cho Con”. Điểm đặc biệt của vở kịch là ở chỗ tất cả các diễn viên đều là các bà mẹ. Câu chuyện xoay quanh lối sống của một cô gái con nhà nghèo tên là Hiền Thục – tuy cô chẳng hiền thục chút nào – đầy tự ti mặc cảm, nhưng lại ương ngạnh chẳng những không biết nghe lời khuyên nhủ của người thân mà còn tưởng mình có thể tự xoay sở khi phiêu lưu bên  ngoài xã hội. Tất nhiên là cô đã thất bại và một ngày nọ, tin tức về  đời ống bụi đời của cô đã làm cho người mẹ già lên cơn đau tim và suy sụp hoàn toàn. May thay, cũng  chính biến cố này đã làm cho cô  con gái hồi tâm chuyển ý. Cô đã xin mẹ tha thứ những lỗi lầm của mình và còn hứa sẽ kiếm việc làm để có  tiền lo cho mẹ và đóng học phí cho đại học…

Vào khoảng giữa chương trình văn nghệ, cha quản nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh đã chia sẻ với cộng đoàn về diễn tiến của dự án xây cất nhà xứ. Cha đã trình bày sơ qua về vị trí của nhà xứ, đường xe chạy, khu vực dành để lưu trữ tro cốt của giáo dân v.v. Và ngài cũng cho  biết hiện thời nhà thầu mà cộng đoàn đã chọn đang đi vào chi tiết của sơ đồ xây cất để nộp và xin giấy phép (building license) của  Hội Đồng Thành phố. Hy vọng trong vòng 3 hoặc 4 tháng nữa là có thể khởi công rồi. Cha cũng kêu gọi mọi người trợ giúp về tài chánh với cộng đoàn trong dự án quan trọng này. Đã có rất nhiều mạnh thường quân lên ký sổ vàng và danh sách đã được trình chiếu trên màn ảnh ngay trong bữa tiệc.

Trước khi chương trình kết thúc với điệu vũ “Boys Hip Hop Dance” của các em học sinh trường Việt Ngữ, vở kịch “Tại sao má mập” của ‘nhóm cao niên sinh hoạt ngày thứ sáu’ đã làm cho cả hội trường rúng động. Khởi đầu là nhạc khúc “Thắp Sáng Trong Con” được ca đoàn cao niên trình bày, với phần phụ họa của hai vũ nữ Phạm Văn Quát và Nguyễn Văn Thân trong những trang phục mà người xem không thể đoán ra được là của sắc dân nào nữa.

Chúa Chúa ơi, con đây nhịn hoài vẫn béo,

Béo béo luôn, thân con nay thật là tròn

Bàn cân leo lên, tâm can con thật là bối rối,

Bàn cân xoay xoay, kim bàn cân hổng bao giờ dừng…

Bản nhạc còn đang tiếp nối thì bỗng dưng cử tọa dường như lên cơn sốt khi người đẹp Phạm Quang Hồng xuất hiện, chân mang giầy cao gót, mình mặc váy ngắn, đầu đội tóc giả và mặt mũi được trang hoàng màu mè sặc sỡ. Vừa nhập cuộc là ‘cô’ Hồng hát hò và nhảy múa hăng say  đến nỗi đánh rớt cả đồ nghề độn ngực xuống sàn. Nhưng đến khi cô gỡ luôn bộ tóc giả để lộ ra cái đầu hói thì các ca viên ôm bụng cười hát không muốn nổi nữa ! Rốt cuộc thì đây là lần đầu tiên mà cộng đoàn được cha Hồng ban phép lành trong một trang phục bất hủ như vậy…

Buổi tiệc mừng ngày Hiền Mẫu được coi như đã thành công vượt quá sự mong đợi của ban tổ chức. Nhưng nó cũng đã đòi hỏi không biết bao nhiêu công sức của các thành viên trong cộng đoàn. Một lời cảm ơn chân thành phải được dành cho các anh chị trong các ban ẩm thực, âm thanh ánh sáng, bán vé vô cửa, trang trí, trật tự, khánh tiết, vệ sinh, các cá nhân và hội đoàn đã đóng góp trong chương trình văn nghệ, đặc biệt là ban “khuân vác bàn ghế” đã phải đổ rất nhiều mồ hôi mới chu tròn được phần vụ nặng nề của mình. Nói theo kiểu phim Hàn Quốc thì “các anh chị đã vất vả rồi!”. Chắc chắn là Mẹ sẽ bồi dưỡng chu đáo cho mọi người trong tháng hoa năm nay.                                                                           

Phụ chú:

Đơn ca và tốp ca : Bức họa đồng quê (Ca đoàn Têrêsa), Ngày của Mẹ (Huyền Mi),

You raise me up (Trung Hiếu), Nhật ký của mẹ (Tuyết Nhi), Vào Đời (Tu sỹ Perth),

Cây viết chì (cha Huỳnh), Tình khúc cho em (nhóm ngẫu hứng),

Riêng một góc trời (Hội Cao Niên).

* Vũ: Tea Party (Shania Đan Thùy), Áo dài bà ba (Ca đoàn Thánh Linh),

Boys Hip Hop Dance (Trường Việt Ngữ)

* Độc tấu đàn tranh : Hòn Vọng Phu (chị Huyền + Hội Phụ Nữ múa phụ họa).

* Kịch : Đời Mẹ cho con (Giới Phụ Nữ), Tại sao má mập ( Cha Hồng + Hội Cao Niên)

* Video mừng ngày Hiền Mẫu : (Thiếu nhi).

* Thời trang áo dài : (Hội Phụ Nữ)

 

RƯỚC KIỆU THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ (4-5-2013)

Như thường lệ, năm nay cộng đoàn cũng tổ chức rước kiệu đầu tháng hoa kính Đức Mẹ.  Mọi thứ đã được chuẩn bị rất chu đáo : kiệu hoa lộng lẫy, giàn âm thanh lưu động, ngay cả các đèn giấy cũng đã được tăng cường khéo léo để ngọn nến khỏi bị dao động, bị tắt hoặc làm cháy vỏ giấy bên ngoài…

Đến giờ tập họp trước tượng đài Đức Mẹ, bên cạnh đoàn thánh vũ là các anh chị trong phong trào tôn vinh lòng Chúa Thương Xót, có trách nhiệm khiêng kiệu hoa của Mẹ.

Ruoc kieu thang hoa, 4-5-13

Qua lời dẫn nhập cộng đoàn đã có dịp nhìn lại  nguồn gốc của việc dâng hoa kính Đức Mẹ trong tháng năm, với  sự tích của chân phước Herarico Suso, người đầu tiên đã kết triều thiên hoa tươi trang hoàng bàn thờ Đức Mẹ, nhằm mục đích thánh hóa những phong tục dân gian tại các nước Âu Châu khi mùa xuân tưng bừng trở lại, với những lễ hội triển lãm hoa tươi dâng kính Thần Hoa.

Hợp với những cánh hoa tươi, tượng trưng cho nét đẹp  kiều diễm của Mẹ, cộng đoàn cũng được mời gọi để gói trọn  tất cả những hy sinh, những việc lành cũng như những khó khăn và thăng trầm trong  cuộc sống, để kết thành một bó hoa thiêng liêng dâng lên Mẹ.

Trong buổi rước kiệu  năm nay, ca đoàn Cêcilia tiếp tục phụ trách chương trình dâng hoa. Số lượng các em tham gia  đoàn thánh vũ đã tăng lên đến 18 em, được chia thành hai nhóm với trang phục riêng biệt. Đây là công khó của cô Phan Thị Thanh Tuyết đã ân cần tập luyện cho các em trong những tuần lễ vừa qua … Chú trưởng ban thường vụ Lê Minh, sau nghi thức dâng hoa, và cha chủ tế Phạm Quang Hồng, sau phần rước lễ, đều đã nhắc nhở đến các em trong lời cám ơn của mình. Theo cha Hồng thì ở bên xứ Úc này, nội cái việc gom tụ được các em để tập dượt cũng đã rất khó khăn và đáng được khen ngợi rồi! Quả thật đúng như vậy, vì  nếu không có sự hy sinh thời giờ của các bậc phụ huynh đã khuyến khích và cung cấp phương tiện di chuyển cho con em của mình thì đội dâng hoa đã không thể hoạt động được…

Chắc chắn  là Mẹ sẽ chúc phúc cho những đứa con thật dễ thương của Mẹ tại vùng Tây Úc này.

 

HỌP HỘI ĐỒNG MỤC VỤ (28-4-2013)

Trong khi Ban Thường Vụ nhóm họp khá  thường xuyên thì các thành viên của Hội Đồng Mục Vụ chỉ gặp nhau  mỗi năm một hai lần mà thôi. Đây là dịp để đại diện các đoàn thể và ban ngành báo cáo về những sinh hoạt của mình và nêu lên những vấn đề cần được chỉnh sửa trong tổ chức chung của cộng đoàn, với sự hướng dẫn và góp ý  của ban Tuyên Úy, ban Thường Vụ và các ban ngành khác.

Điều này tỏ ra rất cần thiết vì hiện nay cộng đoàn bao gồm khá   nhiều nhóm đang hoạt động song song với nhau: Nào là Hội Phụ nữ, 3 ca đoàn Cêcilia, Têrêsa và Thánh Linh, hội Legio, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, giới trẻ, trường Việt Ngữ Anrê Dũng Lạc, phong trào Cursillo, hội Cao Niên, ban Thừa Tác Viên, Ban Bảo Trì, Ban Tài Chánh, Ban Vệ Sinh, Ban Trật Tự, Ban Thường Vụ, và đặc biệt năm nay lại có thêm Ban Truyền Thông nữa ! Tất cả đều phải hoạt động thật nhịp nhàng và ăn khớp với nhau trong tinh thần phục vụ. Điều đáng mừng là hội đồng cũng được báo cáo là các hội đoàn và phong trào đều đã thực hiện được việc đăng ký xử dụng trung tâm mục vụ cho riêng mỗi nhóm từ gần một năm nay, giúp cho vấn đề bảo trì và an ninh của trung tâm mục vụ được hữu hiệu thêm.

Ngay trong những phút đầu của buổi  buổi bọp, anh Nguyễn Hiệp đã mang đến cho cử tọa một tin vui liên quan đến vấn đề xây cất nhà xứ khi anh báo cáo đã nhờ được một số chuyên viên trong cộng đoàn để lãnh nhận  những công việc thích hợp với ngành nghề chuyên môn của họ hầu giảm bớt chi phí tổng quát của dự án. Ngoài ra, nhà thầu mà cộng đoàn đã chọn cũng đang đi vào  chi tiết của sơ đồ xây cất để nộp và xin  giấy  phép (building license) của Hội Đồng Thành Phố. Hy vọng trong vòng hai ba tháng nữa thì mọi thủ tục sẽ được hoàn tất và dự án sẽ được khởi công.

Đặc biệt trong buổi họp sáng nay, Sr Lê Linh đã đề cập đến Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ hiện đang được sự cộng tác của  24 bạn trẻ thiện nguyện đang phục vụ trong những sinh hoạt dưới đây :

* Phụng vụ Lời Chúa cho các em nhỏ : 14 bạn trẻ + Sr Kim Dung.

* Giáo lý :       Cha Hồng, Sr Lê Linh và 3 giảng viên giáo lý  .

Ngoài ra năm nay có 7 người đã ghi danh đi học khóa huấn luyện của địa phận.

* Bí Tích Hòa Giải mùa vọng và mùa chay, chầu Thánh Thể ngày Thứ Năm Tuần Thánh:

6-8 điều hợp viên; 50-70 em tham dự.

* Nhóm 18+, họp để chia sẻ theo đề tài : 2 điều hợp viên; 8-12 người tham dự

* Thánh Lễ song ngữ & ca đoàn Thiên Thần : 5 điều hợp viên;  35 ca viên.

* Thừa tác viên giúp lễ :     2 bạn trẻ.

* Thừa tác viên đặc biệt : 12 bạn trẻ.

* Nhóm đọc Thánh Thư  & Lời nguyện giáo dân: 2 điều hợp viên ; trên 10 thành viên.

* Hoạt động tông đồ mấy năm nay tại Việt Nam của nhóm “VN Smile”, do nhóm trẻ của

Perth và Sydney thành lập, qui tụ mỗi năm hơn 20 bạn trẻ tại Úc, không phân biệt tôn giáo

và sắc tộc, trong số đó khoảng phân nửa thuộc CĐCG tại Perth.

Hop HDMVu, Hinh gioi tre, 28-4-13

Phải công nhận rằng đây là một chương trình thật đa dạng và bao quát, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ trong cộng đoàn và chuẩn bị hành trang cho tầng lớp lãnh đạo của cộng đoàn trong tương lai. Theo như lời kêu gọi của Sr Lê Linh, chương trình cần sự nâng đỡ và khuyến khích từ mọi thành phần  trong cộng đoàn, đặc biệt là sự cộng tác của các phụ huynh, những người có liên hệ và ảnh hưởng trực tiếp trên con em của mình…

 

TAM NHẬT VƯỢT QUA TẠI CỘNG ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TÂY ÚC 2013

 

Thứ Năm Tuần Thánh (28-3-2013). Chúng tôi tới trung tâm mục vụ cộng đoàn khi phần “Ngắm Nguyện” đã khởi sự. Một bầu không khí trang nghiêm lạ thường đang bao trùm cả nguyện đường. Trước mặt mọi người, một cây thập giá khoảng 4 thước chiều cao  đang đứng uy nghiêm ngay bên cạnh gian cung thánh, và cách đó không xa, một bàn thờ tạm  đã được chuẩn bị cho giờ “chầu lượt” sau nghi thức tưởng niệm Chúa lập Bí Tích Thánh Thể. Tất cả đều yên lặng và người ta chỉ nghe được giọng ngâm đều đều của bài ngắm nguyện. Vì cộng đoàn gồm những thành viên đến từ nhiều vùng khác nhau, nên giờ ngắm nguyện cũng mang nhiều sắc thái khác nhau, tùy theo tuổi tác hoặc xuất xứ của người ngắm nguyện.

Tam nhat vuot qua, 28-3-13

Trong bài chia sẻ lời Chúa, cha phụ tá Phạm Quang Hồng đã để lại một hình ảnh khó quên khi dẫn cộng đoàn về tham dự một đám tang tại một bộ lạc sắc tộc thiểu số trên vùng cao nguyên trung phần Việt Nam trong đó những người tham dự đều được thết đãi bằng một miếng thịt đã được ướp và nướng thơm phưng phức. Có điều là mỗi miếng thịt đó đều đã phải được đặt lên miệng của  người quá cố để cái thây ma  được thưởng thức trước! Đó là câu trả lời cho câu hỏi “Tội nặng thế nào thì không còn được rước lễ?” Miếng thịt vẫn được đưa tới miệng, nhưng người đã chết thì không tài nào lãnh nhận và hấp thu được …

Năm nay, nghi thức Rửa Chân được thực hiện trên 12 thừa tác viên. Tất cả đã được yêu cầu mặc áo “Alba” và ngồi trên hàng ghể đầu trong nguyện đường. Bài thánh ca “Đầy Tớ Khiêm Nhường” của linh mục Đinh Thanh Bình do ca đoàn tổng hợp trình bầy đã làm lắng đọng tâm hồn của mọi người tham dự.

            “Ngài rửa chân con, như lời mời, yêu thương vời vợi…”

Thật đúng với tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã cử hành nghi lễ rửa chân đầu tiên với tư thế là người kế vị của thánh Phêrô, trong  một nhà tù, cho một số phạm nhân bao gồm cả gái điếm và người hồi giáo!

Sau Thánh Lễ là phần rước kiệu Mình Thánh Chúa đến bàn thờ tạm và giờ chầu lượt. Tất cả cộng đoàn đã tham dự giờ chầu chung trước khi các hội đoàn thay phiên nhau ở lại để tâm tình với Chúa, cũng như Ngài đã cầu nguyện với Cha Ngài trong vườn cây dầu từ hai ngàn năm trước. Đặc biệt là  trong phiên chầu lượt nào cũng đều thấy có đọc kinh đền tạ Trái Tim Chúa. Phải chăng khi quì trước thánh nhan Ngài, ai ai cũng  đều cảm nhận được sự yếu đuối mỏng dòn của thân phận làm người để rồi những gì  phát xuất tự đáy lòng cũng chỉ là một lời xin lỗi chân thành mà thôi ?!

Chặng Đàng Thánh Giá (29-3-2013).  Năm nay, chặng đàng Thánh Giá cũng được tổ chức ngoài trời như năm ngoái trong khuôn viên trung tâm mục vụ. Từ sáng sớm, các anh trong ban bảo trì và ban âm thanh ánh sáng đã có mặt để hoàn tất công việc chuẩn bị bắt đầu từ mấy hôm trước : Cắt tỉa cây kiểng bên cạnh lối đi của đoàn rước, dựng cột để treo hình ảnh 14 chặng đàng Thánh Giá tại những địa điểm đã được dự định sẵn, nối kết đường dây điện và dây loa để có thể chuyển tải những lời dẫn giải, kinh nguyện và tiếng hát của ca đoàn đến những người tham dự…

Đến 10 giờ sáng thì mọi người đã tập họp đông đủ trước tượng đài Đức Mẹ, quây quần chung quanh cây thập giá mà lát nữa đại diện các hội đoàn và một số gia đình sẽ thay phiên nhau vác mỗi nhóm một đoạn của  lộ trình 14 chặng. Vì cây thập giá vừa  lớn lại vừa nặng, nên một số anh em thanh niên đã phải  luôn túc trực để giúp cho công việc chuyển giao tại mỗi chặng được bảo đảm an toàn. Thật là đáng ngưỡng mộ  khi thấy các anh không nón không dù, mồ hôi thấm ướt đôi vai, nhưng vẫn hăng say thi hành phần vụ nặng nề của mình…

Trong lời dẫn nhập, vị đại diện cộng đoàn đã xin Chúa giúp cho mỗi người tham dự có thể cảm nhận được thế nào là tình yêu mà  Ngài  đã dành cho chúng ta, được thể hiện qua cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Là những người đang theo chân  Chúa trên con đường thập giá, chúng ta cũng được mời gọi để trở nên những sứ giả của tình yêu, biết quan tâm đến những đau khổ và khát vọng của tha nhân, những người thiếu tình thương, những kẻ cô đơn, bệnh tật, nghèo đói đang sống  ngay bên cạnh chúng ta. Hôm nay,  chúng ta cũng cầu nguyện đặc biệt cho những anh chị em đang đau yếu trong cộng đoàn, những gia đình có tang chế, các linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt là linh hồn các ân nhân của cộng đoàn đã qua đời trong những tháng ngày vừa qua.

Vì số bạn trẻ trở về tham dự  khá đông nên ban tổ chức đã ghép thêm phần dẫn giải bằng Anh ngữ cho mỗi chặng đàng Thánh Giá nhưng vẫn duy trì những kinh nguyện thông thường mà ai cũng có thể đọc được để mọi người có thể tham dự một cách tích cực. Xen kẽ với lời kinh là bản thánh ca mà dư âm của điệp khúc vẫn còn văng vẳng đâu đây :

            Con xin được chọn Thánh Giá là đường con đi.

            Con xin được chọn Thánh Giá dù đường đời khổ nguy.

Hoạt cảnh thương khó Chúa Kitô.Năm nay phần ngắm nguyện chiều Thứ Sáu Tuần Thánh kết thúc sớm hơn thường lệ 20  phút để dành thời giờ  cho hoạt cảnh Cuộc Tử Nạn của Chúa  Cứu Thế. Từ cách chuẩn bị trang phục cho đến việc chọn người thích hợp cho các vai diễn, tất cả đều nhằm mục đích khơi dậy những hình ảnh của biến cố lịch sử đã xảy vào đầu thế kỷ thứ nhất.

Giuđa xuất hiện đầu tiên tại hiện trường, hí hửng đếm tiền rồi dẫn quân lính đến và trao cho  Chúa  nụ hôn phản bội trước khi lui vào bóng đêm dầy đặc.  Kế đến là tường thuật của một chuỗi những màn đấu tố, Phêrô chối bỏ Thầy  mình, Chúa chịu xỉ vả, đánh đòn và cuối cùng là bản án tử hình được phán ra từ cửa miệng của một ông quan hèn nhát.

Chúa bị điệu xuống cuối hội trường để bắt đầu cuộc hành trình đầy gian khổ dẫn lên núi sọ. Dọc đường là những roi đòn ác liệt, những lần ngã quị, sự trợ giúp chẳng đặng đừng của ông Simon, nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ thật cảm động với bà Vêrônica, với các con cái Sion và nhất là với Đức Mẹ trong tiếng khóc nghẹn ngào. Đến đây thì dường như Chúa đã hoàn toàn suy sụp và đã ngã gục trên bậc thang cuối cùng dẫn lên địa điểm hành hình.

Những gì xảy ra sau đó thật là bi hùng : Một Giêsu rã rời, mặt mày bê bết máu, đang bị quân lính xốc cho đứng lên, lột trần rồi đóng đinh vào cây thập giá với những nhát búa vang dội khắp cả hội trường. Với giọng nói thều thào khàn đục của một người hầu như đã kiệt lực, Chúa đã nói những lời trăn trối cuối đời rồi gục đầu xuống bất động. Khi tên lý hình dí lưỡi đòng vô cạnh nương long Chúa thì hai lằn vải trắng và đỏ tượng trưng cho nước và máu cũng tuôn đổ xuống từ trên cây thập giá. lời cầu xin lòng Chúa thương xót được trổi lên, và theo phản ứng tự nhiên,  nhiều người trong cộng đoàn cũng lâm râm hợp tiếng với ca đoàn:

                        “Ôi máu và nước, từ Trái Tim Chúa Giêsu,

              Như mạch nguồn tình thương, tuôn trào ra cho chúng con

              Này con tin tưởng nơi Chúa, con tin tưởng nơi Ngài …”

 Lời ca vừa dứt thì một tiếng khóc uất nghẹn đã phát ra từ trên gian cung thánh. Người ta thấy  xác Chúa được gỡ ra từ cây thập giá và đặt trong lòng Đức Mẹ. Lời ca trầm buồn của bài “Than Hang Đá”, đặc thù của miền Bắc Việt Nam, từ từ vọng ra như lời ru của Mẹ trên xác Người Con  trân quí của mình.

                        “Giang tay ẵm lấy xác con, Mẹ chịu đau đớn ôm con vào lòng.

  Đau khổ mênh mông, Cùng niềm đau khổ mênh mông

  Mẹ áp mặt xuống hôn  con của mình…”

Nhưng rồi cuối cùng thì Mẹ cũng phải buông con mình ra và mấy tên lính đặt xác Chúa trên  chiếc “băng ca” rồi âm thầm khiêng vào hội trường nhỏ ở cuối nguyện đường. Thôi, thế là hết và Chúa đã chết thật rồi ! Mọi người đều im lặng. Một nỗi bàng hoàng hụt hẫng dường như đang xâm chiếm tâm hồn mỗi người…

Đêm Vọng Phục Sinh (30-3-2013). Bầu không khí của nguyện đường tối nay biến đổi tùy theo diễn tiến của chương trình Phụng vụ. Thoạt đầu cũng vẫn là hình ảnh của cuộc thương khó với những bài ngắm nguyện buồn thảm. Kế đó là bóng tối dầy đặc của những giây phút đợi chờ trước khi chủ tế làm phép lửa. Nhưng chỉ trong chốc lát là ánh sáng truyền đi từ cây nến Phục Sinh đã lan tỏa  khắp nguyện đường, trong khi linh mục chủ tế phấn khởi công bố tin mừng phục sinh : “Hãy vui lên, hỡi ca đoàn thiên sứ, hãy vui lên … Vì đây là lễ vượt qua, là đêm hạnh phúc, đêm phối hợp Thiên Chúa và loài người …”

Đêm nay, những bản thánh ca xen kẽ với các bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa, và nhất là bài ca hiệp lễ, đã được ca đoàn tổng hợp trình bày cách tuyệt hảo, dưới sự điều khiển của các ca trưởng và đặc biệt là cha Nguyễn Hoàng Dương, một khuôn mặt rất quen thuộc đối với mọi thành phần trong cộng đoàn.

Trong bài chia sẻ sau Phúc Âm, cha phụ tá Phạm Quang Hồng đã so sánh thái độ của một số người thân cận với Chúa Giêsu vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh.

Trước hết là các tông đồ, và đặc biệt là Phêrô,  cho dù đã được các phụ nữ tường thuật những gì họ đã mắt thấy tai nghe khi đi viếng mộ, thì cũng chỉ cho là truyện vớ vẩn của đàn bà và đã không tin. Duy có  Phêrô đã chạy ra mồ, nhưng cũng trở về mà trong lòng vẫn bán tín bán nghi mà còn mang nặng một nỗi băn khoăn lo lắng vì  trước đó không lâu, đã chót chối bỏ Thầy mình đến 3 lần!

Kế đến là tâm trạng của Maria Mađalêna, một cô gái sống vì tình cảm, nhưng đã được Chúa giúp bỏ lại sau lưng cái quá khứ nhiều lầm lỗi của mình. Ngay từ sáng sớm, cô cũng đã tới mồ, không phải để ướp xác Chúa, nhưng chỉ ngồi đó mà  hồi tưởng lại những kỷ niệm đã có  với Thầy của mình. Và khi thấy ngôi mộ trống rỗng thì nước mắt nhạt nhòa, Chúa đứng ngay trước mặt mà vẫn nhìn không ra!

Nhân vật thứ ba là  Gioan. Anh ta cũng đã đến mồ, đã thấy những gì các người khác đã thấy, nhưng vì trước đây đã sống mật thiết với Chúa và Lời của Ngài đã ghi sâu trong tâm khảm của mình, nên chỉ một mình Gioan đã nhận ra  ngay là Chúa đã sống lại.

Còn đối với chúng ta, những người cũng  đang sống mầu nhiệm phục sinh, thiết tưởng không nên để cho mình bị trói buộc bởi những lỗi lầm của quá khứ, cũng không nên để cho tình cảm chi phối cái nhìn của con mắt tâm linh, nhưng cần phải tập sống mật thiết với Chúa, nhìn tất cả mọi sự việc với cái nhìn của Chúa, hầu có thể tìm ra những dấu chỉ của thời đại qua những biến cố đã và đang xảy ra trong đời sống mỗi người …

Đêm nay, qua Bí Tích Rửa Tội,  cộng đoàn vui mừng đón nhận hai tân tòng là anh Giuse Đào Vũ Khanh và Giuse Sử Trung Hải, cùng với hai em bé là Elizabeth Phạm Minh Minh và Maria Phạm Thiên Thiên. Vì đã trưởng thành, nên các anh Khanh và Hải cũng đã được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, do cha quản nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh, đại diện cho Đức Giám Mục cử hành. Hy vọng hai anh sẽ là những chứng nhân xác tín cho mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô.

Một tin vui khác cũng đến với mọi người trong đêm Vọng Phục Sinh : Chương trình phát triển trung tâm và nhà xứ vẫn tiến triển tốt đẹp. Nhà thầu Danmar Homes đã được chọn với sự đồng ý của Văn Phòng Phát Triển Địa Phận. Tổng số chi cho nhà xứ và nhà hưu dưỡng là

$ 1,576,144.00 và cho các công trình xây dựng khác – gồm khuôn viên lưu trữ tro cốt, đường xe chạy hai chiều, hàng rào đá vôi, song sắt phía sau trung tâm và nâng cấp các tiện nghi ga, điện và nước cho trung tâm – là $ 816,000.00. Hiện tại cộng đoàn đã có khoảng  1,000,000.00 và còn thiếu khoảng 1,400,000.00. Con số tuy khá lớn, nhưng với tinh thần rất cao của mọi thành phần trong cộng đoàn, chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng thôi.

Theo thông lệ, Thánh Lễ mừng Chúa sống lại  luôn luôn kết thúc với mục phát trứng Phục Sinh cho các em thiếu nhi. Phải nói là năm nay khoảng trống trước gian cung thánh đã bị tràn ngập khi các em ùa lên để lãnh kẹo. Đây chính là mầm non và cũng là tương lai của cộng đoàn. Nhờ có  các tổ chức như trường Việt Ngữ, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, các lớp giáo lý vỡ lòng và Thêm sức, chương trình Phụng Vụ Lời Chúa cho trẻ em v.v., các em đã luôn có dịp để trở về với cộng đoàn. Một lời cám ơn chân thành phải được dành cho quí phụ huynh đã hy sinh thời giờ để đồng hành với con em của mình và giúp cho những sinh hoạt trên đây đạt được thành quả tốt đẹp. Những dự án xây dựng có tính cách vật chất sẽ chỉ có ý nghĩa trong một cộng đoàn sống động và hiệp nhất mà thôi …

 

Phụ chú : Hoạt cảnh thương khó:

Chúa Giêsu : Johnny Cao ; Đức Mẹ : Hoàng Thị Mai ; Madelene: Đào Thị Khuy;

thánh Gioan : Nguyễn Minh Duy David ; Giuđa & Simon: Matthew Lê.

Con cái Sion : Nguyễn Thị Thanh Trúc, Đinh Thị Thu Hương, Lưu Thị Xuân Thương;

Vêrônica :       Đồng Kim Chi

Lính :              Hoàng Viết Tam, Hoàng Viết Tự, Nguyễn Phi Hùng.

 
PHONG TRÀO CURSILLO TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ULTREYA ĐẦU NĂM QUÝ TỴ

(3-2-2013)

 

Đây là Đại Hội chào mừng Tân Cursillistas và các anh chị trợ tá trở về sau hai khóa đào tạo #41 và #42  tại Melbourne. Tùy theo nhu cầu, phong trào Cursillo từng đã tổ chức các khóa đào tạo cho nam và nữ ứng viên tại các địa điểm khác nhau. Hai khóa đào tạo 39 và 40 năm 2012 đã được tổ chức tại Perth và đã nâng tổng số Cursillistas của phong trào ngành Việt Nam tại Tây Úc  lên đến 175 người.

Phong trao Cursillo dai hoi, 3-2-13

Có thể nói rằng phong trào Cursillo là một tổ chức sử dụng nhiều từ ngữ nghe lạ tai nhất : nào là Ultreya, Cursillista, Palanca, rollo, Decolores, v. v.

Lý do là vì phong trào đã được đức cha Juan Hervas khởi xướng tại giáo phận  Majorca bên Tây Ban Nha vào năm 1940. Trong giai đoạn  đầu, ngài đã cùng với Đoàn Thanh Niên Công Giáo Tiến Hành tổ chức những khóa đào tạo cán bộ hướng dẫn hành hương viếng mộ thánh Giacôbê ở thành phố Santiago Compostela, nhằm mục đích hàn gắn những đổ vỡ sau cuộc nội chiến đã chấm dứt vào năm 1939. “Cursillo” có nghĩa đen là “Khóa huấn luyện ngắn”. Tinh thần đi hành hương dựa trên lòng  thao thức của những tâm hồn không hài lòng với nếp sống thiêng liêng hiện tại và  muốn “lên đường hành hương” để tìm một hướng đi khác cho đời sống tâm linh của mình. Vì luôn bị đình hoãn bởi chiến tranh nên mãi đến năm 1948 thì chuyến đi hành hương đầu tiên đã mới được tổ chức.

Thế rồi khó khăn đã dồn dập kéo đến từ mọi phía, đặc biệt là sự chống đối của giáo quyền và đến năm 1955, đức cha Juan Hervas đã bị thuyên chuyển đến Ciud Real, một giáo phận nhỏ hơn và chỉ hai năm sau, phong trào Cursillo tại đảo Majorca đã bị tan rã vì  không được đức giám mục kế vị ủng hộ. Tuy nhiên, nhờ ở tính kiên định của đức cha Juan Hervas  và ủy ban do ông Edouardo Bonin làm chủ tịch từ năm 1950,  Cursillo  đã từ từ được khôi phục trở lại và trong vòng nửa thế kỷ vừa qua, phong trào  đã lan tràn trên khắp năm châu và đã đào tạo được khoảng 3 triệu Cursillistas.

Riêng tại cộng đoàn công giáo Việt Nam Tây Úc thì phong trào Cursillo đã được khởi xướng vào năm 1998, và đã lần lượt được linh hướng bởi các cha Francis Lý Văn Ca, Phêrô Nguyễn Minh Thúy, Giacôbê Nguyễn Quyết Chiến, Đa Minh Nguyễn Kim Sơn và bây giờ là cha Micae Phạm Quang Hồng.

Một lời cám ơn chân thành cũng phải được dành cho các ông Giuse Lê Minh Toàn (đã về với Chúa), Phêrô Dương Văn Soi, Phêrô PhạmVăn Long, Giuse Đinh Thanh Bình, Phêrô Nguyễn Văn Tịnh và hiện thời là anh Phêrô Nguyễn Phi Hùng, đã lần lượt đứng ra điều hành các hoạt động của phong trào từ khi  được thành lập cho đến ngày nay.

Ngoài chức vụ chủ tịch do  anh Phêrô Nguyễn Phi Hùng đảm trách, tân Ban Chấp Hành của Phong Trào còn bao gồm những phần vụ sau đây :

 

* Trưởng Trường Lãnh đao :              Phao lô Vũ Bình & Maria Trương Thị Minh

* Trưởng Khối Tiền Cursillo :             Phêrô Nguyễn Văn Tịnh và Maria Đặng Thị Hải

* Trưởng Khối 3 Ngày :                     Maria Nguyễn Thị Thu Hào

* Trưởng Khối Hậu Cursillo :             Maria Lâm Thảo Nhung

* Trưởng Ban Truyền Thông :            Đa Minh Viên Đức Thắng

* Trưởng Ban Phụng Vụ :                  Hoàng Thảo Ly

* Thư ký :                                            Nguyễn Tô Anh Hoa

* Thủ quỹ :                                          Đinh Lan

 

Sinh hoạt hàng tháng của phong trào gồm có :

– Đại hội Ultreya (Sau Thánh Lễ Thứ Sáu đầu tháng) : Tất cả các nhóm cùng gặp gỡ , trao đổi

và học hỏi theo chủ đề.

– Sinh hoạt Trường Lãnh Đạo (Thứ Sáu hai tuần lễ sau Ultreya) : Các thành viên học hỏi

thêm về Phong Trào, về Giáo Hội cũng như những tín điều mà Giáo Hội giảng dạy.  Lãnh

đạo ở đây không phải là điều hành mà là âm thầm biến đổi môi trường sống của mình, cũng

như chất men đã làm biến thể cả một thùng bột.

– Họp nhóm (Mỗi nhóm từ 3 đến 8 người) : Giờ giấc tùy theo sự sắp xếp của mỗi nhóm.

Đặc biệt, vào ngày Chúa Nhật 17/3/2013, các cursillistas sẽ lên Bullsbrook  suy niệm 14 chặng đàng Thánh Giá để chuẩn bị cho Tam Nhật Vượt Qua. Ngoài ra, Lễ Bổn Mạng của phong trào sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6/2013 nên trong tháng sẽ có tĩnh tâm để chuẩn bị tâm hồn cho Lễ Bổn Mạng và đồng thời cầu nguyện cho hai khóa đào tạo ở Sydney vào cuối tháng 8/2013.

Khách quan mà nói thì hiện nay, phong trào Cursillo  trong cộng đoàn công giáo Việt Nam Tây Úc, đã được  tổ chức rất chặt chẽ, có khóa đào tạo và tổ chức nhân sự, có trường lãnh đạo, có mục đích và chiến thuật hoạt động rõ rệt … Nếu bạn hỏi một Cursillista về những sinh hoạt trong phong trào thì chắc sẽ nhận được câu trả lời ngắn gọn là “Hãy đến mà xem” !  Tuy nhiên, bạn không thể đường đột tới dự thính các buổi sinh hoạt của họ đâu. Trước hết, bạn  phải ghi tên tham dự khóa tĩnh huấn 3 ngày. Trong  3 ngày ấy, sẽ có rất đông những anh chị em trợ tá túc trực ngày đêm để lo tất cả mọi vấn đề vật chất cho bạn, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn có thể dành trọn thời gian để cầu nguyện, nhìn lại đời sống tâm linh của mình dưới ánh  sáng Phúc Âm, và nhất là để bạn gặp lại và cảm nghiệm được sự hiện diện và tình yêu của Đấng mà các Cursillistas luôn gọi là “Thầy Chí Thánh” của họ. Người ta dám quả quyết rằng, nếu bạn cộng tác với Chúa Thánh Thần, bảo đảm là sau 3 ngày tĩnh huấn, bạn sẽ hoàn toàn trở nên một người mới, một người lính can trường trong đạo binh của Chúa Kitô.

Bạn có muốn thử cho biết không ?                                              

HỘI CHỢ TẾT (15 & 16-2-2013)

Hoi cho Tet, 15-2-13

Cứ mỗi độ xuân về, năm nào Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt tại Tây Úc cũng tổ chức hội chợ. Cũng như năm ngoái, địa điểm được sử dụng vẫn  là khu Wanneroo Show Ground, ở góc đường Wanneroo và Ariti Av., Tất cả các hội đoàn, tổ chức tôn giáo  và những cá nhân có thương nghiệp tư đều có thể  thiết lập  gian hàng của mình trong khuôn viên  hội chợ … Lẽ dĩ nhiên là phải đóng thuế cho ban tổ chức. Nghe đâu năm nay gian hàng của cộng đoàn công giáo còn làm ăn khấm khá hơn năm ngoái vì số người đến thưởng thức các món ăn đã tăng lên khoảng 30%. Trong số khoảng 40 gian hàng trong khuôn viên hội chợ, có thể nói gian hàng của cộng đoàn công giáo là lớn nhất, và có khả năng cung cấp đồ ăn và nước giải khát theo một thực đơn  dài và khá phức tạp  để đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người. Ngoài ra, những người đứng ra tổ chức gian hàng hội chợ, gồm các anh chị trong Ban Thường Vụ và Ban Tài Chánh của cộng đoàn, đã rút kinh nghiệm từ những lần tổ chức trước đây để có qui củ hơn trong việc tổ chức và phục vụ khách hàng. Điều đáng nói ở đây là phần đông các anh chị đều là những người đang rất bận rộn với thương vụ riêng của gia đình. Và họ đã phải hy sinh  công việc nhà để chuẩn bị thực phẩm rồi đích thân ra túc trực ở gian hàng của cộng đoàn trong hai ngày hội chợ.  Người ta tự hỏi động lực nào đã thúc đẩy  những anh chị này  làm điều đó ?!  Cộng đoàn thật diễm phúc vì có được những thành viên ân cần như họ.

Tin buồn (15-2-2013). Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc xin chia buồn với cha Phụ Tá Micae Phạm Quang Hồng vì bà cố Maria Goretti Nguyễn Thị Nở đã từ trần. Chúng con nhớ lại cách đây 5 năm, khi được thụ phong Linh Mục, Cha đã rất mừng vì có Bà Cố  ở bên Cha  để  đích thân dâng hiến người con yêu quí của mình cho Chúa. Ngược lại, trong thời gian  vừa qua, vì hoàn cảnh đặc biệt, Cha đã không thể kề cận bên người mẹ của mình trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Chắc là Cha đang buồn lắm! Chúng con sẽ cầu nguyện cho Cha để xin Chúa an ủi và ban cho Cha thật nhiều can đảm trong những giờ phút đau buồn này. Chúng con cũng cầu nguyện cho Bà Cố, nhưng với niềm hy vọng là bây giờ Bà đã được về với Chúa và đang chúc phúc cho Cha…

 

CỘNG ĐOÀN CGVN TÂY ÚC MỪNG XUÂN QUÝ TỴ (9-2-2013)

Hôm nay là 30 Tết và cũng là ngày trường Việt Ngữ và đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể bắt đầu sinh hoạt trở lại… Bầu không khí của  trung tâm mục vụ cộng đoàn nhộn nhịp khác hẳn ngày thường.

CD mung xuan Quy Ty, 9-2-13

Buổi sáng thì mọi người bận rộn với công tác  vệ sinh tổng quát, chuẩn bị  bàn ghế cho các phòng học, trang trí nguyện đường cho Thánh Lễ Giao Thừa và đặc biệt là hoàn tất giai đoạn chót trong tiến trình làm “bê thui”, một món ăn rất được ưa chuộng  mà lâu lâu anh trưởng ban tài chánh Hoàng Minh Tân và một số anh chị em tình nguyện vẫn cho mọi người thưởng thức, đặc biệt là vào những dịp lễ lớn của cộng đoàn.

Đến khoảng 2 giờ chiều thì bầu không khí trong hội trường lại còn  nhộn nhịp hơn nữa với sự hiện diện của  các phụ huynh và con em của mình. Bên phải cửa ra vào là dãy bàn hướng dẫn và thâu ngân của trường Việt Ngữ, còn bên trái thì các anh chị huynh trưởng đã bày  la liệt cả trên bàn và dưới đất, nào là “laptops”, giấy tờ,  đồng phục, khăn quàng … tất cả đều  sẵn sàng để các phụ huynh có thể ghi tên, đóng tiền niên liễm và mua đồng phục cho con em đi sinh hoạt.  Trong khi đó thì ở cuối hội trường, nhóm làm bê thui vẫn còn cần chút thời gian nữa mới xong việc ! Sức ép trong hội trường  chỉ giảm xuống  sau khi  thầy hiệu trưởng Phạm Đức Khiêm cho các em học sinh đọc kinh vô lớp. Theo thông lệ thì các em có  1giờ 30 phút để học Việt Ngữ; 15 phút để giải lao và 1giờ 15 phút để sinh hoạt thiếu nhi trước khi tham dự Thánh Lễ vào lúc 6 giờ.

Riêng tối nay thì Thánh Lễ mừng Giao Thừa sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ 30. Hội trường đã được trang hoàng hơi khác hơn mọi năm vì ai đó đã mang về từ Việt Nam được mấy dây pháo tối tân có thể  châm ngòi bằng “remote control” đàng hoàng và nổ hoài cũng không bị tan xác !

Trên bàn thờ, ngoài những khuôn mặt quen thuộc của cha quản nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh, cha phụ tá Phạm Quang Hồng, cha Nguyễn Văn Phan và cha Đỗ Huy Nhật Quỳnh, cộng đoàn còn có dịp đón tiếp hai vị khách là cha Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Văn Toàn.

Bài giảng của Cha Huỳnh tối nay rất ngắn, nhưng xúc tích và chau chuốt như một viên ngọc, dựa trên phong tục đón Giao Thừa và  “Hái lộc đầu Xuân”. Trong khi người phương tây rủ nhau xuống  đường vui chơi thỏa thích và người Á Châu lên chùa xin xăm bói quẻ  cốt yếu là để đem cái may mắn về cho gia đình mình thì người công giáo tới nhà thờ lãnh nhận Lời Chúa, để qua Lời của Ngài, chính Chúa là người xông đất và sẽ luôn hiện diện trong  gia đình của họ. Và như thế, tất cả những ước vọng của con người về một cuộc sống an bình và hạnh phúc đều đã trở thành hiện thực, vì chính Chúa sẽ là niềm vui, là sức mạnh và là mối dây liên kết mọi phần tử trong gia đình bằng khả năng yêu thương mà Ngài sẽ  trao ban cho  họ …

Tổ chức Thánh Lễ Giao Thừa năm nay đặc biệt có phần chúc thọ cho các vị cao niên trong cộng đoàn từ 70 tuổi trở nên. Hơn 80 vị – kể cả những vị chưa ghi danh – đều được dành riêng những  dãy ghế trên cùng trong khoang giữa của nguyện đường. Sau bài ca hiệp lễ, linh mục chủ tế đã mời các bác đứng lên để cộng đoàn giơ tay cầu nguyện cho mọi người. Các linh mục đồng tế còn xuống tận nơi để trao cho mỗi bác một xâu chuỗi Mân Côi làm quà chúc thọ. Món quà tuy nhỏ bé nhưng dường nhưng  các bác đã rất vui vì cảm nhận được sự ưu ái của cộng đoàn đối với mình.

Hôm nay cũng là ngày tân Ban Thường Vụ được chánh thức giới thiệu với cộng đoàn. Tuy nói là “tân” nhưng thực ra mọi thành viên cũ đều đã được đề nghị  ở lại để tiếp tục thi hành chức vụ của mình. Chỉ có cô Nguyễn Minh Khôi xin tạm thời được nghỉ ngơi đôi chút sau 6 năm hoạt động và đặc biệt đã đóng góp một phần quan trọng trong việc thực hiện DVD kỷ niệm 30 năm thành lập cộng đoàn. Cô Nguyễn Thị Khánh Vân đã thay thế cô Khôi trong chức vụ thư ký của Ban Thường Vụ. Hiện cô Khôi vẫn còn là giảng viên  giáo lý cho các em chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và  dạy Việt Ngữ cho các em thiếu nhi của cộng đoàn.

Trong lời chúc Tết, chú Lê Minh, Trưởng Ban Thường Vụ,  đã chia sẻ với mọi người những thông tin mới nhất liên quan đến dự án xây dựng nhà xứ và giới thiệu tân ban trật tự của cộng đoàn. Xét về địa thế của lối ra vào trung tâm mục vụ, ban trật tự quả thực phải đóng một vai trò không thể thiếu được trong vấn đề bảo đảm an toàn xe cộ, nhất là trong những dịp lễ lớn.

Với tinh thần trách nhiệm của mọi người cộng với lòng hăng say phục vụ của các thành viên trong các ban ngành, hy vọng là  những lời chúc đã được trình chiếu trong Thánh Lễ Giao Thừa năm nay sẽ trở thành hiện thực :

                                                  Phước lộc ơn trời tuôn đổ mãi.

An bình hoan lạc chẳng hề vơi.

Xem Tiếp Năm 2012