(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

NHẬT KÝ SINH HOẠT CỘNG ĐOÀN 2015

Nguyễn Đăng Quang phụ trách

BUỔI LIÊN HOAN TẤT NIÊN CỦA NHÓM SINH HOẠT NGÀY THỨ SÁU
(17-12-2015).

Đây là tổ chức hàng năm mừng Giáng Sinh do Văn phòng Đa Văn Hóa tổ chức cho tất cả các bác cao niên thuộc đủ mọi sắc tộc đang tham gia chương trình Chăm Sóc Tại Gia và Cộng Đồng (Home and Community Care).

Buổi liên hoan luôn kèm theo chương trình văn nghệ bao gồm những điệu vũ dân tộc, cũng như những bản hợp ca và đơn ca v. v. Năm nay, phái đoàn Việt Nam do cha Phạm Quang Hồng và sơ Lê Linh dẫn đầu đã góp phần của mình cho buổi họp mặt một cách khá tích cực : Cá nhân cô Châu Đan Sâm, một trợ tá cho những buổi sinh hoạt ngày Thứ Sáu, đã được mời làm xướng ngôn viên và điều khiển chương trình. Điểm đặc biệt là, trong khi các nhóm sắc tộc khác đã phải nhờ đến các vũ công trẻ tuổi để biểu diễn những điệu vũ dân tộc, thì các bác cao niên người Việt, ngoài bản hợp ca “Đêm Thánh Vô Cùng”, còn dầy công tập luyện, dưới sự hướng dẫn của cô Sâm, để có thể tự mình góp mặt trên sân khấu qua vũ khúc “Cô Thắm Ngày Nay” rất dễ thương và đã được mọi người tán thưởng. Ngoài ra, còn phải kể đến màn biểu diễn Tai Chi của bà Lý Tiếu Dung, một thành viên khác trong nhóm, theo nhịp điệu độc đáo của chiếc quạt giấy luôn linh động trên tay …

Hop ca

 

Mua non 2

Tai chi

… Buổi tiệc nào rồi cũng có lúc tàn … Hôm nay cũng là lần cuối cùng sơ Lê Linh dẫn phái đoàn đi dự liên hoan tất niên, vì bắt đầu từ năm 2016, sơ sẽ bận rộn với công việc đèn sách và không còn đến với Nhóm Sinh Hoạt Ngày Thứ Sáu nữa, một nhóm mà sơ đã có công gầy dựng từ 5 năm trước đây! Dù sao cũng chúc sơ học hành tấn tới, rồi mau trở về với bao người đang mong đợi.

HỘI PHỤ NỮ ĐI DU NGOẠN TẠI SAFETY BAY (29-11-2015)

Safety Bay là một vùng ngoại ô ven biển cách thành phố Perth khoảng chừng 50 cây số về phía nam. Tại đây đặc biệt có Đảo Chim (Penguin Island), chỉ cách đất liền khoảng chừng 5 phút đường tàu, là một địa điểm du lịch của tiểu bang Tây Úc.

Kỳ này, số người tham dự lên đến 106 người, nên ban tổ chức đã mướn hai xe buýt lớn. Chuyến du ngoạn khởi hành lúc 8 giờ sáng. Khi lên xe, mỗi người được cung cấp một giỏ xách trong đó có đủ đồ ăn sáng, ăn trưa và nước uống, để có thể tùy ý hưởng dùng lúc thuận tiện. Làm như vậy để giúp cho ban ẩm thực cũng có giờ vui chơi với mọi người mà không bị chi phối bởi vấn đề bếp núc …

Các chị em trong ban chấp hành chia nhau thành hai nhóm để hướng dẫn và điều khiển những giờ sinh hoạt trong khi đi đường. Hướng dẫn viên trong xe chúng tôi là chị hội trưởng Nguyễn Mộng Huyền. Ngay sau khi xe bắt đầu lăn bánh là chị giúp mọi người cầu nguyện để dâng ngày cho Chúa và chuẩn bị tinh thần để ai nấy đều có dịp tạo niềm vui cho nhau và thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên. Ngoài ra, chị cũng sơ lược chương trình trong ngày và lưu ý mọi người về một số điều cần tuân thủ liên quan đến các vấn đề quan trọng như : vệ sinh, trật tự, giờ giấc, an toàn khi ra viếng đảo chim … Chị cũng không quên sơ lược một số thông tin về hòn đảo này …

Điểm dừng chân đầu tiên của phái đoàn là nhà dòng Josephites của Sơ Lê Linh. Hôm nay là ngày Chúa Nhật. Tại đây chúng tôi đã tham dự Thánh Lễ do cha Phạm Quang Hồng cử hành. Trong bài chia sẻ ngắn gọn, cha đã chỉnh sửa lại cách nhìn của chúng ta về Mùa Vọng khi đưa ra nhận xét là, giữa cha mẹ và con cái, cũng như giữa chúng ta và Thiên Chúa, chưa chắc là ai đã chờ ai !
Bà mẹ mang thai thì đêm ngày ngóng chờ đứa con sắp chào đời. Khi nó lớn lên đi đâu lâu không về thì lo lắng không biết điều gì đã xảy ra. Lúc mình về già thì lại chờ mong được nó đến thăm. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài đã đến rồi và đang chờ mọi người : Đừng trốn Ngài như tổ phụ Adong, nhưng chỉ cần hướng tâm hồn lên là sẽ gặp được Ngài …

Tham du Thanh Le

Sau Thánh Lễ, chúng tôi được chia thành hai nhóm để lên tàu ra đảo. Nhóm thứ nhất gồm 75 người, phần lớn là những chị em muốn đi xem phong cảnh trên đảo. 31 người còn lại sẽ cùng với cha Hồng đi chuyến tàu kế tiếp chung với những khách du lịch khác. Trong khi chờ đợi thì nhóm này có thể nghỉ ngơi và ăn trưa dưới bóng mát gần bến tàu.

Toàn bộ hòn đảo và vùng biển bao quanh là một khu du lịch tấp nập bao gồm công viên, bãi biển cạn và yên sóng rất thích hợp cho trẻ em bơi lội, cây cầu gỗ chạy vòng quanh hòn đảo giúp cho du khách có thể đi xem phong cảnh một cách thoải mái và tiếp cận đủ loại chim rừng. Dường như trên đảo có tới khoảng 50 giống chim khác nhau. Danh xưng “Safety Bay” là do ông John Septimus Roe, một nhà nghiên cứu địa hình, đã đặt cho vùng biển này khi thấy nó rất an toàn cho tàu bè neo trú …

Khi nhóm thứ hai chúng tôi tới đảo thì nhóm thứ nhất đã cùng với sơ Lê linh đi xem phong cảnh rồi. Mặt biển yên tĩnh như ao hồ. Trong khi phần đông chúng tôi nghỉ ngơi trên công viên thì một số chị em cũng cởi giầy xuống tản bộ dọc theo bãi biển, hoà mình với các du khách và con em của họ.

1 giờ 45 : Giờ cho chim cánh cụt ăn. Đây là những con chim bị thương hoặc mồ côi đã được cứu và mang về đây chăm sóc. Chúng tôi được vô bên trong một căn phòng khá lớn và đứng chung quanh một hồ nước nhân tạo, trong đó 7 con chim cánh cụt đang tung hoành ngang dọc -. Một nhân viên xuất hiện mang theo một sô cá con. Cô trình bày về đời sống hoang dã trên đảo, về các loại chim và đặc biệt là về loài chim cánh cụt mà cô đang cho ăn. Chúng lanh lẹ vô cùng. Mỗi lần cô thảy cá xuống là chúng phóng tới chụp không sót một con nào. Được biết chim cánh cụt sống khoảng 75% thời gian trong nước và thường chỉ ra khỏi nước trong mùa sinh đẻ mà thôi. Cũng vì lý do đó mà ở đây, trong năm 2016, đảo sẽ đóng cửa từ ngày 7/6 cho đến 14/9. Ngoài ra, để bảo vệ đời sống hoang dã, trên đảo không có quán bán đồ ăn hoặc bất cứ đồ dùng nào khác. Cũng không có thùng rác công cộng và du khách được yêu cầu tự mình mang tất cả rác về đất liền. Ngay cả nhà vệ sinh cũng được thiết kế cách đặc biệt (composting toilets) để chất thải có thể tự phân hủy và không cần sử dụng nước …

Chim canh cut 1

Khoảng thời gian trước khi lên tàu trở về đất liền là giờ sinh hoạt do cha Hồng điều khiển. Cha ở giữa, các chị em bao chung quanh, tiếng cười ròn rã của mọi người đã thu hút những du khách ngoại quốc. Tuy không hiểu tiếng Việt nhưng dường như họ rất thích thú với những gì đang xảy ra trước mặt. Quang cảnh trên đảo hôm nay quả thật đã có điều gì khác lạ …

Sinh hoat

Trên đường về, một lần nữa, chị hội trưởng lại giúp mọi người hướng tâm hồn lên cùng Chúa để cảm tạ Ngài đã cho các chị em một ngày vui. Kế đó là giờ sinh hoạt trên xe, bao gồm những chuyện cười, câu đố và trò chơi. Cha Hồng là người giải đáp đúng hầu hết những câu đố. Cha lanh trí thật ! Còn trò chơi thì phải kể đến trò “Tam sao thất bản” trong đó câu chuyện ly kỳ của “ông già đầu bự lo đám cưới cho con”, sau khi qua tai của hơn 50 chục người trên xe, về đến người chót chỉ còn lại vỏn vẹn 4 chữ “ông già đầu bự”!

Phái đoàn chúng tôi về đến trung tâm cộng đoàn trước 5 giờ chiều. Xin cám ơn các chị trong ban chấp hành đã có công chuẩn bị cho buổi du ngoạn một cách thật chu đáo, cả về vật chất và tinh thần.

THÁNH LỄ GIỚI TRẺ NGÀY 28-11-2015.

A. Nghi thức trao bằng cho giảng viên giáo lý. Trong năm nay, cộng đoàn lại có thêm một số bạn trẻ đã học xong những khóa giảng viên giáo lý và được cha Phạm Quang Hồng trao bằng trong Thánh Lễ tối nay :

* Bốn bạn: Trần Thị Hà, Phạm Gia Huy Bruce, Nguyễn Hoàng Long Simon và La Dzung
Jasmine, đã hoàn tất khóa giáo lý căn bản 10 tuần

* Hai bạn: Hồ Thị Thi và Nguyễn Thị Nam Phương, đã học xong khóa căn bản và 2 khóa về
Thần Học và Thánh Kinh.

* Ngoài ra, các giảng viên giáo lý cũ vẫn tiếp tục phục vụ giới trẻ : Teresa Phạm đã phục vụ
được 3 năm; Trịnh Phương Uyên phục vụ được 4 năm và Nguyễn Minh Khôi năm nay kỷ
niệm 10 năm trong chức vụ giảng viên giáo lý của cộng đoàn.

Giang vien giao ly

B. Chúc lành cho giới trẻ và Huynh Trưởng. Tối hôm nay, các bạn trẻ sắp sửa lên đường đi tham dự Đại Hội Giới Trẻ Úc Châu tại Adelaide (3/12 – 5/12/2015) cũng như các huynh trưởng, dự trưởng và nghĩa sỹ 4 sẽ tham dự trại huấn luyện Sa Mạc Nắng Hồng XIV tại Melbourne (7/1 – 10/1/2016), cũng được mời lên để cha chủ tế chúc lành cho chuyến đi của họ.

Huynh truong

Đại Hội Giới Trẻ được tổ chức 3 năm một lần cho các bạn trẻ từ lớp 9 trở lên. Các em được học hỏi và chia sẻ Đức Tin qua những sinh hoạt do các thuyết trình viên chuyên môn hướng dẫn. Chủ đề của đại hội 2015 là “Phúc cho những ai có tinh thần trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”.

Mục đích của trại Nắng Hồng là tạo cơ hội cho các huynh trưởng gặp gỡ, học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm sinh hoạt của phong trào, nhằm trau dồi khả năng đạo đức và gây tinh thần đoàn kết giữa các xứ đoàn, đồng thời thống nhất những nghi thức căn bản của phong trào.

Có 24 em trong cộng đoàn sẽ đi tham dự trại.

* xin cám ơn sự dấn thân hy sinh của các giảng viên giáo lý, các bạn trẻ, các huynh trưởng, dự trưởng và nghĩa sỹ cấp 4. Chúc các bạn đi đường bình an và gặt hái được kết quả tốt đẹp qua hai kỳ đại hội.

LỄ BỔN MẠNG CỘNG ĐOÀN (15-11-2015)

A. Công việc chuẩn bị. Năm nay cộng đoàn vừa mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam vừa mừng Năm Thánh Hiến.

Ban Thường Vụ đã soạn thảo chương trình và đồng thời liên lạc với các linh mục và tu sỹ trong tổng giáo phận rất sớm, chẳng những để mời các ngài đến tham dự Thánh Lễ mà còn góp phần với cộng đoàn trong những nghi thức phụng vụ cũng như trong chương trình văn nghệ. Tổng cộng có tới 15 linh mục, 18 nữ tu thuộc 5 dòng tu khác nhau, 1 thầy sáu, 1 thầy dòng Chúa Cứu Thế và 10 thầy đại chủng sinh – do đức ông Kevin Long giám đốc đại chủng viện St Charles dẫn đầu – đã đến chung vui với cộng đoàn.

Về phần trang trí, trong khi những người khác lo chuẩn bị kiệu rước xương Thánh Tử Đạo, cắm hoa, căng “banderol” v.v., thì từ mấy tuần lễ trước, bác Nguyễn Văn Khoát đã trải một số ván mỏng trong hầm carpark của trung tâm mục vụ cộng đoàn. Sau đó, mỗi ngày bác lại đến cặm cụi đo kích thước, cưa ván, đóng khung, vẽ kiểu, sơn phết … Để đến sáng Thứ Bảy 14/11, nối kết tất cả thành một tác phẩm sống động – nhìn từ xa thấy dường như đã được thiết kế theo không gian 3 chiều – chiếm toàn bộ bức tường phía sau bàn thờ ! Đây là biểu tượng của năm Thánh Hiến 2015, trong đó các nhân vật tượng trưng cho một cộng đoàn dân chúa, từ linh mục – sao trông giống cha Hồng quá! – cho đến các tu sỹ và giáo dân, tất cả đều giang tay hướng về cây thập giá trong một tư thế tận hiến và phó thác…

Linh muc dong te

Vì đoán trước là số giáo dân về tham dự sẽ khá đông – kỳ này có khoảng 1400 người – nên ban xây dựng nhà xứ đã chuẩn bị một lối vào mới bên cạnh hàng rào về phía Reid Highway để xe cộ có thể được hướng dẫn đi vô sân cỏ mà không ảnh hưởng đến đoàn rước kiệu.

B. Phụng vụ. Bắt đầu là phần rước kiệu xương Thánh Tử Đạo Việt Nam. Vì sân cỏ mới được chỉnh sửa, nên lộ trình chỉ giới hạn trên đường xe chạy chung quanh hội trường, tuy tương đối ngắn gọn nhưng rất thuận tiện cho việc thiết lập dàn âm thanh lưu động để giúp cộng đoàn hát và đọc kinh chung với nhau cách nhịp nhàng và sốt sắng. Trong đoàn rước kiệu hôm nay, đặc biệt có sự hiện diện của của các sơ và các thầy Đại Chủng Viện, trang trọng và khả kính trong đồng phục đa dạng của mỗi tu hội.

Doan ruoc kieu

Vì hôm nay cũng là ngày mừng Năm Thánh Hiến nên trong Thánh Lễ, các thầy và các sơ sẽ được mời đảm trách phần dâng bánh rượu, cũng như đọc sách thánh và lời nguyện giáo dân. Sự cung kính mà các tu sỹ biểu lộ trong khi sắp hàng chắp tay tiến ra cúi đầu chào Chúa trước khi thi hành phần vụ của mình, đã là một nguồn cảm hứng cho mọi người …

Phải công nhận rằng lối trình bày của ca đoàn tổng hợp đã diễn tả được cách trọn vẹn tâm tình của những bản nhạc được chọn cho từng giai đoạn của Thánh Lễ : Bi hùng nhưng có khi lại rất tha thiết trong “Khải Hoàn Ca” quen thuộc của Hải Linh; Nhẹ nhàng và đầy ắp tâm tình phó thác “Như Một Hiến Lễ” của Ngọc Linh :

Này cuộc đời con đây Chúa ơi !
Như giọt sương long lanh sớm mai.
Luôn tinh khiết trắng ngần tình con dâng Ngài
Từng giây trong đời thủy chung đoan nguyền
Dẫu đời dù có biến thay.

Thôi thúc và chan chứa niềm vui của “ngày mùa” trong ca khúc “Ai Ra Đi” của Thế Thông :

Ai ra đi gieo hạt giống trong lệ sầu.
Sẽ trở về với mùa màng đầy sức sống…

Ca doan tong hop

Bản nhạc này đã làm cha Phạm Quang Hồng nhớ lại những bước chân kiên cường của thánh Philiphê Phan Văn Minh trên con đường từ khám lớn Vĩnh Long đến Đình Khao, nơi thánh nhân bị chém đầu ngay dưới gốc cây dương … trước cặp mắt đẫm lệ của tất cả những giáo dân và ngay cả quân lính đã theo ngài ra pháp trường.

Trong bài chia sẻ sau Phúc Âm, sau khi sơ lược những cực hình mà các Thánh Tử Đạo đã phải chịu trong khoảng thời gian hơn 300 năm dưới 53 sắc dụ cấm đạo, cha Hồng đã nâng vấn đề lên theo một chiều kích mới khi đưa ra nhận xét rằng “kết hợp tử đạo với đời sống thánh hiến” là một khái niệm tuyệt vời vì các thánh Tử Đạo là những người đã thánh hiến đời mình cách tốt đẹp nhất … bằng chính mạng sống của họ.

Cha nhắc lại câu chuyện của cô gái trong Phúc Âm thánh Marcô. Trong khi Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Simôn tật phung, cô đã đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng hương thuần chất quí giá. Đập vỡ bình bạch ngọc, cô đổ hết dầu trên đầu Chúa. Cô gái đó tượng trưng cho giới tu trì, những người đã “đập vỡ cái cổ chai” để đi cho tới cùng. – Nhưng cũng có người chỉ mở nút chai để còn có thể dành lại chút chút, phòng khi không tu được thì về lập gia đình …

Phần cuối của bài chia sẻ xoay quanh câu hỏi mà Chúa đã đặt ra cho thánh Phêrô sau khi sống lại :
“Phêrô, con có yêu thầy hơn mấy người này không?”
(Hiểu theo nghĩa : con có yêu thầy hơn mấy người này yêu thầy không?).

Câu hỏi này, Chúa cũng hỏi tất cả những vị tử đạo, tất cả những người thánh hiến, thánh hiến trong đời sống vợ chồng và đặc biệt là thánh hiến trong đời sống tu trì. Chúng ta cần suy nghĩ về câu hỏi này mỗi ngày trong khi cầu nguyện, và đặc biệt … ngay trong Thánh Lễ tối hôm nay !

C. Một điều ngạc nhiên đối với các tu sỹ nam nữ là sau phần rước lễ, tất cả được mời lên trước gian cung thánh để nhận một món quà nhỏ, nhân dịp mừng Năm Thánh Hiến. Món quà này là do các giáo dân trong cộng đoàn đóng góp trong một Thánh Lễ cuối tuần trước đây. Trong khi các thành viên của Ban Thường Vụ trao quà thì chú Lê Minh đã mời cộng đoàn hát lại bài ca rất quen thuộc trong những buổi sinh hoạt tập thể :

Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người …

Các quan khách người Úc, cho dù không hiểu tiếng Việt, nhưng chắc đã cảm nhận được thế nào là sức mạnh và niềm phấn khởi khi một ngàn mấy trăm người đồng thanh xướng lên ca khúc này.

Tối hôm nay, một nữ tu đã được đặc biệt mời lên sau cùng. Đó là Sr Patricia, người đã gắn bó với cộng đoàn từ năm 1984 đến bây giờ. Trong suốt 31 năm trời, Sr Patricia đã đóng vai trò của một người bạn, một vị cố vấn và một người mẹ, không chỉ riêng cho người công giáo, mà còn cho tất cả những ai cần đến sự trợ giúp của Sơ, không phân biệt tôn giáo … Bây giờ, tuy sức khỏe không cho phép sơ tiếp tục sinh hoạt được như xưa, nhưng sơ đã khẳng định trong khi cám ơn cộng đoàn: “Anh chị em vẫn có một chỗ đứng đặc biệt trong lời cầu nguyện của tôi. Quả Thực như vậy, vì anh chị em chính là gia đình của tôi và tôi trân quí mối liên hệ này.”

D. Kết quả bầu cử Ban Thường Vụ. Chúng ta đang ở trong mùa bầu cử, và cộng đoàn có trọn tháng 10 để điền và góp phiếu đề cử. Hôm nay, trước khi kết thúc Thánh Lễ, cha quản nhiệm đã thông báo là 80% phiếu đề cử đã muốn Ban Thường Vụ đương nhiệm tiếp tục ở lại làm việc. Có 4 cá nhân đã hội đủ điều kiện để được đề cử, nhưng 3 người đã từ chối, chỉ còn lại 1 người nhưng tên tuổi vẫn chưa được tiết lộ. Như vậy là cuộc bầu cử đã thành công mà không cần phải tổ chức hội họp gì thêm nữa. Xin chúc mừng các anh chị trong Ban Thường Vụ đã được tín nhiệm để bước thêm một bước nữa trên con đường phục vụ. Chắc là nó sẽ còn rất dài ! …

E. Chươg trình văn nghệ. Sau Thánh Lễ, cộng đoàn cũng như quan khách được mời ở lại để dùng bữa và tham dự buổi văn nghệ bỏ túi. Được giới thiệu là “bỏ túi” nhưng thực ra mọi người đã được thưởng thức một chương trình tuy ngắn gọn nhưng thật hấp dẫn. Đức ông Kevin Long dự tính sẽ chỉ xem một vài tiết mục rồi đưa các thầy Đại chủng viện về nghỉ ngơi vì hôm sau còn phải thi cử. Nhưng rốt cuộc ngài đã đổi ý và ở lại cho đến phút chót … để rồi bị cha Hồng mời lên tiếp tay cho cha trong màn ảo thuật kết thúc chương trình.

Ca đoàn Thiên Thần đã mở đầu buổi văn nghệ với hợp ca “Here I am to worship”. Các em lớn mau quá: tự tin, điêu luyện, và không còn cái giọng trọ trẹ của em bé nữa.

Ca Doan Thien Than

Các em Minh, Anne và Thiên Ân; các ca sỹ Như Ý, Lâm Tôn Quyền, cũng như các em đảm trách vũ phụ họa do hai cô Thu Hương và Phụng Anh hướng dẫn, rồi đến cô vũ nữ tý hon Thiên Ân do … mẹ hướng dẫn, tất cả đều là những khuôn mặt quen thuộc. Riêng cha Mộng Huỳnh, đầy nghệ sỹ tính với cây đàn ôm ấp trên tay, thì tên tuổi và tác phẩm đã được đưa lên trang mạng “Thánh Ca Việt Nam” từ lâu rồi. Ngoài ra còn phải kể đến ca đoàn Thánh Linh trong hai nhạc phẩm “Giao Ước” và “Cảm mến hồng ân’’. Các anh chị hát hay đến nỗi chú Lê Minh, trưởng ban thường vụ, đã đề nghị hát lại hai bài này trong Thánh Lễ mừng ngày kỷ niệm 20 năm thụ phong linh mục của cha quản nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh (17/11/1995–17/11/2015).

Vu khuc (2)

(Nhân dịp này, cộng đoàn chúng con xin chúc mừng cha Quản nhiệm đã đạt đến chặng mốc thứ 20 trên con đường tận hiến. Xin Chúa tiếp tục đồng hành và chúc phúc cho Cha trên những chặng đường kế tiếp.)

Trong số 3 ca sỹ mới xuất hiện lần đầu trên sân khấu của cộng đoàn thì ông cố Vương, thân phụ của sơ Thảo, là có vẻ hiền lành và nhẹ nhàng nhất, còn thầy Nguyễn Hữu Tuấn và cha Đỗ Huy Nhật Quỳnh thì dường như đã làm rung động cả hội trường với giọng ca hùng hồn và đầy cảm xúc của mình…

Ong co Vuong va cha Quynh

Chương trình đã kết thúc lúc 8 giờ 05 phút. Chú Lê Minh kể rằng, trong lúc chia tay, một chủng sinh đã đến nói với chú: “Tôi muốn trở thành một thầy người Việt Nam, thân tình và vui quá …!” Thật đúng như vậy, vì dường như đây cũng là cảm nghĩ của mọi người tham dự, nhất là những ai đã hy sinh thời giờ và công sức để góp phần của mình cho sự thành công của ngày đại lễ hôm nay.

ANH EM TỴ NẠN KỶ NIỆM MỘT NĂM ĐƯỢC RA SỐNG NGOÀI XÃ HỘI.
(18-10-2015)

Một năm đã trôi qua, kể từ ngày Bộ Di Trú cho phép hơn 100 anh chị em tỵ nạn mới đến Úc được ra sống ngoài cộng đồng. Trong số đó, có 58 anh chị em là người công giáo và họ đã được cộng đoàn đón tiếp lần đầu tiên vào sáng Chúa Nhật 29-10-2014.

hinh chup cac em ty nan 19 Oct 2015

Đây là điểm khởi đầu của mối liên hệ mật thiết giữa cộng đoàn và các anh chị trong suốt thời gian qua. Với sức mạnh và sự lanh lợi của tuổi trẻ, các anh chị thường lãnh nhận những phần vụ nặng nề nhất trong những sinh hoạt của cộng đoàn, đặc biệt là trong công việc chuẩn bị cho những ngày đại lễ. Cho đến bây giờ, khoảng 80% đã có công ăn việc làm, nhưng các anh chị vẫn trở về với cộng đoàn trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật. Rất dễ nhận diện ra nhóm tỵ nạn này, vì họ có khuynh hướng ngồi chung với nhau trong nguyện đường và thường ở lại để hàn huyên đôi ba phút ngoài hành lang trước khi chia tay…

Một tin vui đã đến với các anh chị hồi tháng 6/2015, khi họ nhận được visa cho phép đi làm khai thuế. Đây là một dấu hiệu tốt liên quan đến vấn đề di trú.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian một năm qua, đã có mấy đợt anh chị em tỵ nạn được cho phép ra sống ngoài cộng đồng, nâng thành phần công giáo lên khoảng 100 người, trong đó có 10 người nữ. Thời hạn visa đối với mỗi nhóm cũng khác nhau. Visa của những nhóm đầu có thời hạn 1 năm, nhưng nhóm cuối cùng gần đây nhất lại được đến 3 năm !

Hôm nay, để kỷ niệm 1 năm được sống ngoài cộng đồng, các anh chị đã xin lễ tạ ơn và chung vui với nhau trong bữa tiệc barbecue được tổ chức sau Thánh Lễ. Cộng đoàn xin chia vui với các anh chị và cầu chúc mọi điều may mắn trong những tháng ngày sắp tới.

TRUNG THU (26-9-2015).

Hôm nay, vì lễ bổn mạng của ca đoàn Têrêsa trùng với việc tổ chức Tết Trung Thu cho các em thiếu nhi nên mọi sinh hoạt của các em đều kết thúc trước 6 giờ để dành trọn buổi tối cho các anh chị trong ca đoàn mừng bổn mạng.

2 giờ 30. Các em được tập họp trong hội trường để ban giám khảo chấm điểm đèn trung thu và phát thưởng cho những em đã tham gia cuộc thi. Có 3 giải thưởng đặc biệt, nhưng để khuyến khích, chủ nhân của tất cả các đèn khác cũng đều được thưởng. Qua tấm hình lưu niệm, nếu để ý thì người ta có thể thấy rằng thành phần “dự thi” toàn là những em nhỏ chưa cầm nổi con dao để vót tre làm lồng đèn ! … Xin cám ơn quí phụ huynh đã giúp con em mình duy trì một nét của nền văn hóa dân tộc. Hình ảnh của những người cha ngồi cặm cụi làm lồng đèn chắc hẳn sẽ mãi tồn tại trong ký ức của các em.

Cham diem thi long den

Trước khi tham dự hội chợ, mỗi em được tặng một số vé để làm vốn. Sử dụng hết vé mà muốn tiếp tục chơi thì phải mua thêm. Các em đã được nhắc nhở trước về điểm này.

Hầu hết các trò chơi đều nhẹ nhàng và thích hợp với từng lứa tuổi. Các em nhỏ thì có gian hàng “Tranh Cát” ở cuối hội trường. Những em nào thích nhảy nhót thì căn lều “Batman Bouncing Castle” đã được chuẩn bị sẵn  ở dưới sân cỏ. Ngoài ra, dọc theo hành lang là cả một dãy các trò chơi đa dạng : Nào là bắn dây thun, bắn bia, phóng phi tiêu, thảy bóng rổ, bắn súng, thảy ống, xếp ly  v.v. Năm nay các huynh trưởng còn bày ra một trò chơi khá gây cấn mang tên “Gladiator Gauntlet” (Đương Đầu Với Dũng Sĩ). Dưới sân cỏ, giữa hai làn ranh giới là các “mộc nhân”, tay cầm đòn cản, sẵn sàng chờ đợi bất cứ ai muốn qua ải. Có nhiều em, tuy còn nhỏ thó nhưng cũng muốn liều mạng nhào ra thử sức. Kết quả là “châu chấu đã voi”, em thì nằm lăn lóc dưới đất, em thì bị ủi văng ra khỏi vòng chiến …

Tranh cat

Để đơn giản hóa việc trao giải thưởng, mỗi khi thắng cuộc, các em sẽ được trả bằng phiếu và có thể dùng những phiếu đó để mua đồ ở một gian hàng duy nhất. Một số phụ huynh có con tương đối nhỏ, đã dùng tiền mặt để mua đồ chơi cho con em của mình. Và như vậy là chắc ăn nhất, cho dù các em chơi  thắng hay thua cũng vẫn có đồ chơi  như thường…

Gian hang ban do choi

Sau buổi hội chợ, các em được thưởng thức món “hot dog” do các anh chị trong hội Phụ Huynh Học Sinh chuẩn bị. Các em ngồi ăn ngon lành, hồn nhiên và thoải mái. Đây là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho nếp sống của các em khi trở về với cộng đoàn : Học Việt Ngữ, sinh hoạt thiếu nhi, tham dự Thánh Lễ, đi du ngoạn hoặc cắm trại …Lúc nào cũng có nhau, hài hòa, gắn bó với nhau và dường như chưa bao giờ có xung khắc làm cho các thầy cô và huynh trưởng phải bận lòng.

Hot dog

Tổ chức Trung Thu cho các em vẫn còn một phần cuối : Ngày mai, 27/9, các em sẽ được phụ huynh chở đi tham dự buổi văn nghệ do Cộng Đồng Người Việt tổ chức và những em xuất sắc sẽ được mời lên lãnh quà và bằng danh dự. Món quà tuy đơn sơ, nhưng các phụ huynh sẽ rất hãnh diện vì con em của mình.

CA ĐOÀN TÊRÊSA MỪNG BỔN MẠNG (26-9-2015).

Mỗi khi có ca đoàn nào mừng bổn mạng thì các nghi thức phụng vụ lại có phần đặc sắc hơn thường lệ. Riêng đối với ca đoàn Têrêsa thì phần thánh nhạc còn hùng hậu hơn nữa vì giàn âm thanh đã được tăng cường bởi một số máy vi âm và loa phụ mà chính các anh chị đã tự trang bị thêm cho đoàn của mình.

Mat tien cua san khau

Tối hôm nay, các nữ ca viên nổi bật trong những tà áo dài màu thanh thiên, một màu rất được ưa chuộng và đã được cha chủ tế khen là “đẹp như thiên thần”. Nhưng đây chỉ là mặt tiền của “sân khấu”. Các nam ca viên, tương đối cao hơn và khiêm tốn hơn trong trang phục áo sơmi trắng và cà-vạt xanh,  thì phải đứng sau lưng các chị. Còn các em nhỏ, miêu duệ của các ca viên, vì chưa đi vô hàng ngũ, nên được dành cho dãy ghế cuối cùng! Tuy chưa có thể gia nhập ca đoàn, nhưng các em cũng đang từ từ được hướng dẫn để góp phần của mình trong các nghi thức phụng vụ. Riêng tối hôm nay, 8 em gái trong y phục màu trắng, đã đảm trách phần Dâng Bánh Rượu một cách rất trang nghiêm và thuần thục.

Cung kinh dang le vat

Qua lời cám ơn của chị Nguyễn Tô Anh Hoa, sau khi nhận bao lì xì của đại diện Ban Tài Chánh, cộng đoàn được biết là hiện nay ca đoàn Têrêsa có gần 50 ca viên, ở lứa tuổi từ 30 đến 45. Trong năm vừa qua, ca đoàn đã có thêm 3 ca viên mới. Ngoài việc phục vụ trong các Thánh Lễ cuối tuần cũng như lễ cưới và lễ tang khi có yêu cầu, các anh chị còn tham gia chương trình gây quĩ cho trẻ em nghèo khuyết tật.

Một điều làm các anh chị cảm thấy rất hãnh diện là trong những ngày chuẩn bị mừng bổn mạng, cha Nguyễn Hoàng Dương, dù đang bận rộn với công việc đèn sách, cũng đã  từ Sydney bay về với các anh chị, chẳng những để tổng dượt phần thánh ca cho thật nhuần nhuyễn, mà còn giúp các anh chị tĩnh tâm nữa ! Nhân  dịp này, các anh chị  đã có thể nhìn lại những gì đã thực hiện được, những khiếm khuyết cần phải khắc phục và xác định lại hướng đi cho thời gian sắp tới. Xin cám ơn cha Dương rất nhiều vì đã giúp cho các anh chị hâm nóng lại tinh thần phục vụ của mình.

NGHI THỨC KHÁNH THÀNH CỘT CỜ (3-10-2015).

Trong buổi rước kiệu tháng Mân Côi chiều hôm nay, nhiều người ngạc nhiên khi thấy ở phía sau tượng Đức Mẹ nào là  cờ  Hội Thánh, cờ Úc và cờ vàng ba sọc đỏ, đang tung bay trước  gió trên đầu của 3 cây cột rất đẹp và dường như  mới được dựng lên cách đây không lâu.

Thang Man Coi 2015 007

 

Được biết, những cột cờ này là sáng kiến của một nhóm thân hữu và cựu quân nhân công giáo đã đóng góp tài chánh để thực hiện, với ước nguyện có được một biểu tượng của Việt Nam Tự  Do nơi đất nước chúng ta đang cư ngụ.

IMG-20151003-WA0002 1

Nghi thức khánh thành cột cờ đã được tổ chức vào lúc 11 giờ sáng hôm nay 3/10. Cha Phạm Quang Hồng đã làm phép cột và Quốc Kỳ. Sau đó, cha đã chia sẻ về ý nghĩa của lá cờ, là Linh Hồn, là Biểu Tượng  của  một quốc gia hay một đoàn thể. Cha cũng kể lại chuyến đi thăm các trại tỵ nạn trước đây tại các nước trong vùng Đông Nam  Á, do Văn Khố Thuyền Nhân tổ chức. Trước khi kết thúc, cha đã làm một số người rơi lệ khi hát lên một điệp khúc mà cha đã dạy cho các bác cao niên khi đi sinh hoạt ngày thứ sáu:

Tự Do ơi Tự Do, tôi trả bằng nước mắt.

                        Tự Do ơi Tự Do, anh trao bằng máu xương.

                        Tự Do ơi Tự Do, em đổi bằng thân xác.

                        Vì hai chữ Tự Do, ta sống đời lưu vong.

Những dòng nhạc trên đây là cảm tác của một linh mục có mặt trong chuyến đi vừa qua. Cha thuộc về nhóm đến từ Hoa Kỳ, đã từng là một cậu bé tỵ nạn và đã chứng kiến không biết bao nhiêu nỗi thống khổ bi thương của người tỵ nạn …

Mỗi lần nhìn thấy lá cờ Hội Thánh là một dịp để chúng ta cảm tạ hồng ân của Chúa đã quan phòng và che chở chúng ta cho đến ngày hôm nay. Lá cờ Úc nhắc nhở chúng ta về công ơn của đất nước đã cưu mang chúng ta. Và cuối cùng, điều thiết thực nhất mà chúng ta có thể làm khi đứng trước lá cờ vàng ba sọc đỏ là cầu nguyện cho quê hương thân yêu, bao nhiêu năm đã trôi qua sau chiến tranh mà vẫn chưa được thanh bình ! …

BỮA TIỆC VƯỢT QUA – PASSOVER SEDER.(19-8-2015)

Đây là sáng kiến của Sr Lê Linh, người đã sưu tầm, in tài liệu, chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho các nghi thức và mời ông John Murphy đến để điều khiển chương trình. Được biết, ông Murphy là  một giáo viên đã về hưu. Hàng năm ông vẫn đến trường học để giúp các giáo viên cử hành Bữa Tiệc Vượt Qua này. Ông có nhiều kinh nghiệm về truyền thống của người Do Thái vì gia đình ông đã sống tại Giêrusalem một thời gian.

Sr Lê Linh đã mời các giảng viên giáo lý, huynh trưởng đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và một số bạn trẻ đến tham dự, để  họ có được một kinh nghiệm về bữa tiệc mà chính Chúa Giêsu đã cử hành với các môn đệ. Hy vọng các bạn trẻ sẽ hiểu và ý thức hơn mỗi khi tham dự Thánh Lễ.

7 giờ tối. Công việc trang bị phòng tiệc đã hoàn tất. Bàn ghế được sắp theo hình chữ U để mọi người có thể hướng về cây đèn 7 nhánh được đặt trang trọng trên một chiếc bàn ở phía đối diện. Trước mặt mọi người là tập sách nghi thức và những vật liệu đã được chuẩn bị : rượu, bánh không men, trứng, mật ong, nước muối, rau đắng, rau mùi, quế … Riêng món chánh là “chiên vượt qua” thì vẫn còn được Sr Lê Linh cho giữ nóng trong lò.

Quang canh phong tiec

Đây là một bữa tiệc theo truyền thống Do Thái. Mỗi món ăn đều có một ý nghĩa đặc biệt và được dùng theo một trình tự nhất định, sau khi đã đọc lời chúc tụng.

Ba món ăn có tính cách tượng trưng đặc biệt là Chiên Vượt Qua (Passover Lamb), Bánh

Không Men (Matzah) và Rau Đắng (Maror).

Nhung mon an tuong trung

* Chiên vượt qua nhắc nhở biến cố lịch sử của ngày lễ vượt qua đầu tiên mà dân Do Thái đã cử hành bên Ai Cập, khi họ bôi máu chiên  trên cửa để Thiên Thần của Chúa dễ nhận ra nhà nào là của họ …

* Bánh không men là một loại bánh nướng mỏng mà dân Do Thái đã ăn trên đường chạy trốn khỏi Ai Cập.

* Rau đắng tượng trưng cho  những nỗi đắng cay của dân Chúa khi còn sống trong cảnh nô lệ. Nó cũng giúp chúng ta đặt mình vào địa vị của những người nghèo đói và cô đơn, và luôn nhớ rằng, chính chúng ta cũng đã được Chúa cứu ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi.

Khởi đầu bữa tiệc là nghi thức “Lên Đèn”. Được biết, trong các gia đình Do Thái, đàn ông sẽ nói lời dẫn nhập và đàn bà cao niên sẽ đọc lời nguyện và thắp đèn. Tối hôm nay, 7 giảng viên giáo lý đã được mời lên để thực hiện nghi thức này.

7 giang vien giao ly

♥ Chương trình của buổi tối được chia thành 4 phần. Mỗi phần đều kết thúc bằng nghi thức nâng chén chúc tụng:

+ Chúc tụng Chúa, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, là Vua vũ trụ, là Đấng đã

    làm cho cây nho được đơm hoa kết trái.               

= Chúng ta hãy chúc tụng Thánh Danh Chúa.

+ Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời. Amen

* Chén thứ nhất để tạ ơn Chúa đã thánh hóa chúng ta và đặt sự mến chuộng tự do trong tâm hồn chúng ta (Cup Of Sanctification).

* Chén thứ hai để chúc tụng Chúa đã cứu chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, cũng như đã giải thoát dân Ngài ra khỏi đất Ai Cập (Cup Of Deliverance).

* Chén thứ ba là chén cứu độ (Cup Of  Redemption), dựa trên lời Chúa hứa trong sách Xuất Hành: “Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy các ngươi”.

Trong Bữa tiệc Vượt Qua mà Chúa Giêsu đã dùng với các tông đồ, Ngài đã nhân dịp này để lập Bí Tích Thánh Thể:

{Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy mà nói : “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.”}

* Chén thứ bốn là chén phục hưng (Cup Of Restoration), căn cứ trên lời hứa của Chúa trong  sách Xuất Hành : “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân của ta, và ta sẽ là Chúa các ngươi”.

Riêng trong Bữa Tiệc Ly, có lẽ Chúa Giêsu đã không uống chén này. Ngài đã tuyên bố : “Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”

♥ Sau chén chúc tụng thứ nhất là tường thuật về cuộc Xuất Hành (Maggid). Bản văn khá dài  được chia thành những đoạn nhỏ để những người tham dự có thể thay phiên nhau đọc. Riêng người trẻ nhất trong cử tọa có nhiệm vụ đưa ra những câu hỏi để người lớn trả lời.

Theo truyền thống Do Thái, có 4 câu hỏi thông thường, liên quan đến việc sử dụng bánh không men, rau đắng, nhúng rau vào nước muối và cách ngồi (recline) trong Bữa Tiệc Vượt Qua. Những câu hỏi này chẳng những tạo cơ hội cho trẻ em góp phần của mình trong bữa tiệc, mà còn có mục đích giúp người dự tiệc ghi lòng tạc dạ những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện để giải thoái dân Ngài khỏi ách nô lệ. Vì thế, ngay cả khi chỉ có một người ăn tiệc vượt qua thì cũng đòi hỏi phải đặt cho mình những câu hỏi trên để tự mình phải trả lời !

♥ Tiệc Vượt Qua (Passover Meal). Sau khi đã dùng những món ăn có tính cách tượng trưng như : Rau (Karpas) nhúng trong nước muối (Haroset), Trứng, Rau đắng (Maror) và Bánh không men (Matzah), Bữa Tiệc Vượt Qua chánh thức bắt đầu.

Phải công nhận rằng Sr Lê Linh nấu ăn rất ngon : cái món “đùi trừu khìa” ăn với bánh mì và rau sống cộng thêm một chút rượu chát để đưa cay quả là không có chỗ nào chê được !

Tiec Vuot Qua

♥ Nội dung phần cuối của chương trình dường như muốn  hướng tâm hồn của người tham dự về ngày cánh chung. Trong Cựu Ước đã có niềm tin rằng một ngày nào đó,  tiên tri Êlia sẽ trở lại để loan báo ngày  quang lâm của Đấng Thiên Sai (Malaki: 3,23). Khi đó, Ngài sẽ giải quyết mọi vấn đề khó khăn cho dân Ngài. Cũng vì vậy mà chén rượu thứ bốn còn được gọi là chén của tiên tri Êlia (Elijah’s Cup) và trong bữa tiệc đêm nay, có đặt thêm một chiếc ghế dành cho tiên tri Êlia để phòng trường hợp ông trở về ! …

Trước khi nâng chén chúc tụng để kết thúc chương trình, ông John Murphy đã tóm lược lại những điểm chính yếu của bữa tiệc, đặc biệt là ý nghĩa của mầu nhiệm Vượt Qua, cần phải được cụ thể hóa trong đời sống của mỗi người tham dự, bằng nỗ lực cá nhân để thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Ông đã mời mọi người đứng lên đọc kinh Lạy Cha để cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Sau đó ông tiếp nối bằng lời nguyện quen thuộc :

“Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ,

              xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”

Bữa tiệc kết thúc lúc 9 giờ. Đây quả là một trải nghiệm mới đối với những người tham dự. Xứ Đoàn Trưởng đã ngỏ ý xin tổ chức lại Bữa Tiệc Vượt Qua cho Ban Huynh Trưởng vào năm tới. Xin cám ơn Sr Lê Linh rất nhiều vì đã hy sinh thời giờ và sức lực để trau dồi kiến thức cũng như giúp cho đời sống tâm linh của giới trẻ đang sinh hoạt trong cộng đoàn được phong phú thêm.

ĐẠI HỘI PHỤ NỮ KỲ THỨ XVII (18 & 19-7-2015)

Chủ đề của đại hội kỳ này được giới thiệu là “Sưởi Ấm Tâm Hồn”, nhưng khi nhìn lên phần trang trí trong hội trường thì lại thấy cả một lời nguyện : “Lạy Chúa, Xin Sưởi Ấm Tâm Hồn Chúng Con”.

Trang tri

Cha Tuấn Anh, trong bài thuyết giảng tối hôm 18/7, đã theo sát tinh thần của lời nguyện trên đây để khai triển để tài của mình. Cha dựa trên tường thuật về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô Phục Sinh với hai môn đệ thành Emmao để cho thấy chính Chúa là người đã giúp họ lấy lại tinh thần và làm cho họ phấn chấn đến nỗi đã bỏ nhà ngay trong đêm tối để trở về Giêrusalem khoe với các tông đồ là mình đã gặp được Ngài.

Thuyet giang 1

Cha kể câu chuyện của một người bạn, trước kia là một phật tử nhưng đã xin gia nhập đạo công giáo. Anh có một việc làm trong khách sạn ở Mũi Né. Khi ấy, một số bạn bè của bố anh ở ngoại quốc về thăm, và họ đã rủ nhau ra chơi ngoài Mũi Né nhưng chẳng may ông cụ đã bị chết đuối. Thoạt đầu anh rất hận Chúa vì đã để cho cha mình bị chết như vậy. Nhưng rồi một tia sáng đã lóe lên trong đầu và anh đã nghĩ rằng có thể đây là một cái chết bình an và hiện giờ cha anh đang rất hạnh phúc …  Anh đã tổ chức lễ an táng cho cha theo nghi thức công giáo. Bạn bè tới tham dự mà trong lòng ai nấy đều cảm thấy hối hận. Nhưng anh đã “Cám ơn mọi người vì đã cho ba con ra đi rất bình an. Bởi vì ba con đã mong cũng có ngày sẽ được trở lại đạo, rằng có ngày sẽ được ra đi trong sự bình an, trong niềm vui. Và đây là thời điểm mà ba con vui nhất.” Mọi người đã bừng lên khóc vì đã trút bỏ được gánh nặng vì gia đình không oán trách mình…

Cha Tuấn Anh nhận xét : Chỉ có niềm tin vào Chúa mới làm cho tâm hồn được sưởi ấm mà thôi. Nhưng  niềm tin đó phải đi đôi với niềm tin và sự quan tâm đối với tha nhân. Trong câu chuyện 6 người bị kẹt trong một hang động, lẽ ra họ vẫn còn sống khi được cấp cứu. Nhưng họ đã kỳ thị lẫn nhau và không ai chịu cộng tác để giúp cho ngọn lửa trong hang được duy trì. Kết quả là họ đã chết, nhưng trước khi chết vì cái lạnh thể xác thì họ đã chết vì cái lạnh của tâm hồn …

Điểm đặc biệt của buổi sinh hoạt tối nay là cử tọa đã có khá nhiều thời giờ để chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những nhận xét của mình liên quan đến đời sống và hạnh phúc gia đình. Cha Tuấn Anh đã lấy tâm tình chứa đựng trong ca khúc “Ngài Có Đó” để tóm tắt phần hội thảo và góp ý với những chia sẻ của một số chị em:

                        “Ngài có đó, khi con tưởng mình vẫn cô đơn…”

Ngài có đó, và muốn ta luôn chia sẻ. Con người chỉ hạnh phúc khi biết chia sẻ tình yêu của Ngài với tha nhân. Chúng ta luôn bận rộn, thường để Chúa trong nhà thờ và chỉ  đến gặp Ngài một vài giờ mỗi tuần. Tại sao không mang Ngài về nhà và đến nơi làm việc? Ngài sẽ đồng hành để chiếu sáng và thoa dịu mọi vết thương cho tâm hồn …

Chương trình của ngày 19/7 do cha Phạm Quang Hồng  đảm trách. Cha bắt đầu bài thuyết giảng bằng cách khai triển ý nghĩa của chủ đề. Cha nêu ra khá nhiều thí dụ để cho thấy mối liên hệ giữa Trái Tim với nhưng cơ phận khác trong con người, cũng như  những khái niệm lâu đời của các nước Á Đông về HồnPhách, để đi đến kết luận rằng: “sưởi ấm tâm hồn” tức là sưởi ấm toàn bộ con người, bao gồm cả HỒN và XÁC. Hai yếu tố này liên kết chặt chẽ với nhau và con người phải chú trọng đồng đều đến cả hai : Đức Phật ngồi thiền đói quá cũng phải công nhận là “Tôi không được bỏ cái xác của tôi!”. Nhưng ngược lại, ai quá ham về nhục thể sẽ làm cho phần “con” trong “con người” nổi dậy và lấn át phần hồn.

Thuyet giang 2

Nếu tối hôm qua, đề tài của cha Tuấn Anh xoay quanh vấn đề “Chính Chúa là Nguồn Sưởi Ấm” thì sáng hôm nay, cha Hồng đưa ra “Tám Mối Phúc Thật”  như là  những “điều kiện” để được như vậy. Với lối trình bày dí dỏm xen kẽ với những thí dụ cụ thể, cha đã khai triển tất cả Tám  Mối Phúc Thật mà cử tọa vẫn không cảm thấy mệt mỏi.

Khi đề cập đến  “Tinh thần khó nghèo”, cha cho rằng con người cần được giải thoát về vật chất, nhưng cái gì thái quá cũng không tốt : “Eccess of one thing is good for nothing”. Không nên noi gương bà bề trên của một tu viện, trong nhà có tới 4 cái máy cắt cỏ nhưng vẫn bắt 18 nữ tu trẻ phải dùng kéo để cắt, hầu tránh cho họ tình trạng “ăn no ấm cật” !

Lối trình bày của Cha trang trọng hơn khi Cha chuyển sang Mối Phúc Thật thứ 3: “Ai khóc lóc ấy là phúc thật…”. Mỗi khi gặp đau khổ, nếu mình thay đổi được cách nhìn  đối với nghịch cảnh, có thể là niềm đau sẽ trở thành một nguồn an ủi cho mọi người trong cuộc. Cha nhắc lại câu chuyện của Cha Nguyễn Tầm Thường về một cô gái sau khi đi giao du với bạn bè thì mang về nhà một cái bụng đã lớn rồi. Người mẹ tuyệt vọng không muốn thấy mặt con nữa, nhưng bà đã nằm mơ thấy một cô gái, cũng chạc tuổi con bà, đến khóc lóc “Xin bà cho con tá túc vì mẹ con đã đuổi con đi rồi!” Bà giật mình tỉnh dậy, sang thăm đứa con đang ngủ và thấy thương nó vô cùng. Chúa đã giúp bà thay đổi cách nhìn về hoàn cảnh của nó. Bà đã giữ nó lại và lo cho nó sanh nở mà không có mặc cảm gì đối với xứ đạo của mình. Sau này, trong những buổi tĩnh tâm về giáo lý hôn nhân, con đó nói hay nhất. Nó nói mấy đứa kia còn nghe hơn cả ông cha và bà phước nữa !

Đề cập đến  “Lòng thương xót”, cha cho rằng ở đời ai cũng có nỗi khổ riêng của mình. Vậy trong mối tương quan với người khác,  nếu mình tìm thấy cái khổ của họ và sưởi ấm cho họ thì mình cũng được sưởi ấm lây. Trong một buổi phỏng vấn, có người hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma sao lúc nào ngài cũng cười được, tuy rằng ngài đã mất đất nước, phải lưu vong khắp nơi, và từng bị người ta âm mưu sát hạt nữa ? –Đây là câu trả lời : “Tôi vẫn cười vì tâm tôi an. Tâm tôi an vì từ nhỏ tôi đã được huấn luyện là hễ nhìn ai thì cố gắng xem họ đang có gì khổ, cả xác lẫn hồn. Mà hễ tìm thấy họ có cái khổ, cả xác lẫn hồn, thì tự nhiên tôi thương.” Dường như ở đây có cái gì giống tâm trạng của Chúa khi Ngài thấy đám đông bơ vơ như đàn chiên lạc không người dẫn dắt đang lũ lượt đến với Ngài…

Trở về với đời sống cá nhân, “giữ lòng thanh sạch” quả là một điều rất khó, nhưng theo như cha Nguyễn Phúc Hậu đã nhận xét : “cái libido nó rất mạnh nhưng không toàn năng”. Và ai chế ngự được nó thì sẽ được phần thưởng rất đặc biệt là “được thấy mặt Chúa”. Lúc đó tâm hồn sẽ được sưởi ấm, và còn được sưởi ấm một cách thật sung mãn nữa!…

Theo như thông lệ, ngoài bài thuyết giảng, cha Hồng cũng phụ trách phần giải trí. Kỳ này, xen kẽ với các trò chơi, còn có cả một chương trình văn nghệ bỏ túi với với những tiết mục hợp ca, tốp ca và đơn ca, dựa trên một bài hát ngắn gọn mà cử tọa đã dễ dàng học thuộc lòng:

 

Con tim trên bàn tay, mẹ thương trao con này,

Đong đưa nơi bàn tay, tình yêu thương vơi đầy.

                        Hò lơ ho lớ ho lờ. Hò lơ ho lớ ho lờ.

Sinh hoat 1

Chương trình đã kết thúc lúc 3 giờ chiều ngày Chúa Nhật. Phải công nhận rằng Ban Chấp Hành Hội Phụ Nữ có óc tổ chức và đã làm việc hết mình : Nào là trang trí hội trường, soạn thảo chương trình, chuẩn bị thực phẩm cho hai ngày đại hội. Ngoài ra còn có quà cho các cha và cả những người tham dự nữa. Quả thực các chị đã làm cho ai nấy được ấm lòng.

 Hinh luu niem chung

CẬP NHẬT HÓA TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG NHÀ XỨ (8-2015)

* Cũng như kỹ sư Đỗ Khanh đã dự đoán trong buổi văn nghệ mừng ngày Hiền Mẫu, nóc nhà

xứ đã lợp xong vào cuối tháng 6.

* Tường đã được tô và hệ thống gas, điện, nước trong nhà đã được thăng cấp xong vào trung

tuần tháng 7.

* Bước sang đầu tháng 8 thì  công việc làm trần trong các phòng ốc và ngoài hành lang cũng

như  hệ thống cửa ra vào và cửa sổ cũng đã hoàn tất. Nhà xứ đã được “locked up” !

* Hiện nay,  trong khi nhà bếp, phòng tắm, nhà vệ sinh v. v. được trang bị ở bên trong, thì ở

bên ngoài, công việc xây tường chắn (retaining walls) và hàng rào gạch cũng đang được

xúc tiến.

Nha Xu

Điều đáng mừng là những phần việc ở bên trong, như sơn tường cũng như trang bị cho các phòng ốc, đều do các nhà thầu phụ của cộng đoàn đảm trách. Công ty Danmar chỉ lo những công việc ở bên ngoài mà thôi. Như vậy đã giúp giảm bớt chi phí cho dự án một cách đáng kể. Thật đáng mừng khi cộng đoàn có được những tay nghề đầy thiện chí như vậy.

LỄ BỔN MẠNG CỦA XỨ ĐOÀN THÁNH TÂM (13-6-2015)

Vì hôm nay mừng bổn mạng, nên các em thiếu nhi đảm nhiệm hầu hết các phần vụ trong Thánh Lễ : Phụ trách phần thánh nhạc, đọc sách thánh và lời nguyện giáo dân, trao ban Mình Thánh Chúa cho cộng đoàn… Phải công nhận rằng, cho đến bây giờ, Ca Đoàn Thiên Thần đã tỏ ra rất thuần thục trong lối trình diễn của mình, với những giọng solo rất chuẩn tuy còn phảng phất cái nét hồn nhiên của tuổi trẻ.

* Đặc biệt tối nay có nghi thức tuyên thệ của Tân Ban Quản Trị Xứ Đoàn, của các Dự Trưởng và Huynh Trưởng Cấp I.

Ban chap hanh

**Trước hết, các thành viên của Tân Ban Quản Trị đã quì gối tuyên thệ : Triệt để chu toàn trách vụ đã được giao phó, thi hành đúng lý tưởng và đường lối của Tổng Liên Đoàn và tận dụng quyền hạn và khả năng cho việc tông đồ của Giáo Hội, cách riêng cho giới trẻ.

**Kế đó, các Tân Dự Trưởng và Huynh Trưởng Cấp I cũng tuyên hứa : sẽ nỗ lực thánh hóa bản thân, vâng phục bề trên và hợp tác với mọi thành phần của Giáo Hội, cũng như trau dồi khả năng của mình để phục vụ giới trẻ hữu hiệu hơn.

**Cha linh hướng Phạm Quang Hồng đã trao Bổ Nhiệm Thư cho các thành viên của Tân Ban Chấp Hành, gắn cấp hiệu và trao chứng chỉ cho các Tân Dự Trưởng và Trưởng Cấp I.

Sau Thánh Lễ, tất cả các tân và cựu Huynh Trưởng đều được mời tham dự buổi liên hoan để đánh dấu ngày Bổn Mạng. Đây là những khuôn mặt thân quen, trong số đó có những người đã trưởng thành và đang vất vả để lo cho gia đình của mình nhưng vẫn trở về sinh hoạt trong cộng đoàn. Cũng có những người hiện nay được các bạn cũ gọi là “cha” vì đã tận hiến đời mình cho Chúa trong thiên chức linh mục… Có thể nói rằng, những gì họ có được ngày hôm nay là hoa trái của một tuổi trẻ đã thấm nhuần lý tưởng của phong trào, được tóm gọn trong lời “Kinh Huynh Trưởng” đã in sâu trong ký ức của mỗi người :

“Lạy Chúa Giêsu Huynh Trưởng tối cao, xin dạy con biết hy sinh cao thượng, phụng sự Chúa và giúp ích mọi người. Xin dạy con biết hy sinh không cần báo đáp, luôn xông pha không ngại bão táp, đẹp ý Cha trên trời, trong tình thương yêu hết mọi người”.

Phụ chú:

a) Tân Ban Chấp Hành: Đoàn Trưởng: Anna Nguyễn Mai Bích Phượng Fiona; Phó Nội Vụ: Maria Theresa Phan Minh Châu Victoria; Phó Ngoại Vụ: Maria Dương Thị Lệ An; Thư Ký: Maria Dương Thị Tuyết Nhi Amy; Thủ Quỹ: Anna Nguyễn Ngọc Trâm.
b) Dự Trưởng : Anna Nguyễn Ngọc Trâm, Maria Dương Thị Tuyết Nhi,
Stêphanô Bruce Phạm, Phêrô Phaolô Nguyễn Aaron.
c) Trưởng Cấp I : Maria Theresa Phan Minh Châu Victoria.

LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA (6 & 7-6-2015)

A. Buổi sinh hoạt đặc biệt của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (6/6). Từ trước đến nay, các em Thiếu Nhi mừng bổn mạng vào ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa. Nhưng bắt đầu từ năm nay, lễ bổn mạng sẽ được chính thức tổ chức vào ngày Thứ Bảy sau lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cho phù hợp với danh xưng của phong trào tại Tây Úc là “Xứ Đoàn Thánh Tâm”.

Tuy nhiên, chiều hôm nay, nhân dịp lễ Mình và Máu Thánh Chúa, trường Việt Ngữ cũng được yêu cầu cho nghỉ học để Ban Huynh Trưởng có đủ thời gian tổ chức một buổi sinh hoạt đặc biệt ngoài trời cho các em, bao gồm các trò chơi theo nhóm, chụp hình lưu niệm, dùng bữa ăn nhẹ và đố vui để học.

TN

Phần đông các trò chơi đều nhẹ nhàng, đơn giản, và chỉ cần đến những vật liệu thông thường và dễ kiếm được. Duy có vấn đề chụp hình lưu niệm là có vẻ công phu và đòi hỏi sự lanh lợi : Máy ảnh được dựng đứng chênh vênh trên mấy chiếc bàn xếp được ghép lại với nhau ngay giữa sân cỏ. Đến lúc chụp hình, phó nhòm phải leo lên bàn, bấm nút “timer” rồi lại nhào xuống chạy thục mạng về đứng chung với những người khác để có được khuôn mặt của mình trong hình. Vì muốn cho chắc ăn nên anh bạn đã vất vả chạy tới chạy lui để chụp đến 4 kiểu, bao gồm cả tư thế “Oh, What a feeling!” giống như trong quảng cáo xe hơi của hãng Toyota vậy.

B. Tân thừa tác viên giới trẻ lãnh nhận chứng chỉ (6/6). Năm nay, cha quản nhiệm đã huấn luyện thêm được 7 em thừa tác viên đặc biệt trao ban Mình Thánh Chúa. Các em đã lãnh chứng chỉ và có dịp thi hành tác vụ của mình ngay trong Thánh Lễ tối nay. Cùng được mời lên với các em là 11 thừa tác viên cũ, cũng lãnh nhận chứng chỉ để tiếp tục sứ mạng trong nhiệm kỳ 2 năm. Các em sẽ phục vụ trong các Thánh Lễ dành cho giới trẻ cũng như trong các Thánh Lễ cuối tuần khi cần thiết.

Le Bon Mang BGL 2015 020

C. Lễ Bổn Mạng của Ban Giúp Lễ (6/6). Hôm nay cũng là Lễ Bổn Mạng của các em giúp lễ. Các em được yêu cầu mặc đồng phục và ngồi trên những hàng ghế đầu. Sau Thánh Lễ, các em đã ở lại để chụp hình lưu niệm và tham dự bữa tiệc nhẹ do Sr Lê Linh tổ chức cho các em. Trong tờ Tin Yêu, cha quản nhiệm đã cám ơn quí phụ huynh đã khuyến khích và giúp đỡ con em phục vụ trong Ban Giúp Lễ. Cha cũng cám ơn các em đã góp phần của mình trong đời sống phụng vụ của cộng đoàn.

Được biết, từ khi Ban Giúp Lễ được thành lập, vì cảm thấy được nâng đỡ và phân công rõ rệt, căn cứ trên hoàn cảnh đặc biệt của mỗi cá nhân, các em đã rất hãnh diện và đảm trách phần vụ của mình cách rất đều đặn.

Le Bon Mang BGL 2015 024

D. Buổi tĩnh tâm của các thừa tác viên giúp lễ và ngoại thường (7/6). Thật là nhộn nhịp. Nếu hôm qua Ban Giúp Lễ trẻ mừng bổn mạng thì hôm nay lại đến phiên Ban Thừa Tác Viên Giúp Lễ và Ngoại Thường … già. Trong Thánh Lễ 9 giờ sáng Chúa Nhật, các thừa tác viên giúp lễ cũng được yêu cầu mặc đồng phục và ngồi ở những hàng ghế đầu. Sau phần kết Lễ, cũng có chụp hình lưu niệm. Chắc các bác các chú sẽ coi trọng tấm hình này vì từ khi Ban Giúp Lễ được thành lập cách đây khoảng 30 năm, hôm nay là lần đầu tiên họ có dịp đứng chụp hình chung với nhau như vậy !

Le Bon Mang BTTV 2015 044

Chương trình được nối tiếp với giờ tĩnh tâm và hội thảo để rút ưu khuyết điểm và kết thúc bằng một bữa cơm thân mật.

Sáng hôm nay, trên gian cung thánh có sự hiện diện của một thừa tác viên mới. Đó là ông Nguyễn Kim Linh, thừa tác viên tại giáo xứ Lockridge, bây giờ cũng muốn phục vụ tại cộng đoàn. Xin chào mừng và cám ơn sự dấn thân của vị tân thừa tác viên.

29 EM THIẾU NHI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÊM SỨC (23-5-2015)

Năm nay, Đức Giám Mục Donald Sproxton đã ban Bí Tích Thêm Sức cho các en thiếu nhi của cộng đoàn. Đây là một vinh dự cho các em vì hôm nay là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và rất nhiều giáo xứ muốn có sự hiện diện của ngài.

LeThem Suc 1920-1080 2015 002

Cũng như mọi năm, Sr Lê Linh, cô Trịnh Thị Phương Uyên và cô Nguyễn Minh Khôi đã chuẩn bị cho các em ngay từ đầu niên học. Chương trình cũng bao gồm những buổi học tập trong đó các phụ huynh được mời đến để cùng học, cùng cầu nguyện và cùng ăn với các em trong tinh thần gia đình. Đây là một gợi ý đối với các phụ huynh về việc cộng tác với ban giảng huấn trong nỗ lực củng cố Đức Tin nơi con em của mình.

Nhìn các em lên lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, người ta thấy ở nơi các em có một sự khác biệt rõ nét so với lúc các em rước Chúa lần đầu : Chững chạc hơn, lanh lợi và tự tin hơn … Quả thực đã đến lúc phải chuẩn bị hành trang cho các em “vào đời”. Có phụ huynh đã chia sẻ là con mình đã có những thắc mắc về sự hiện hữu của thiên đàng, về lý do phải đi lễ ngày Chúa Nhật v.v. Điều này chứng tỏ các em tin tưởng và muốn hiểu biết nhiều điều qua cha mẹ mình. Vấn đề là làm sao để các em không phải thất vọng …

TIỆC MỪNG NGÀY HIỀN MẪU – DỰ ÁN XÂY DỰNG NHÀ XỨ(10-5-2015)
Mother' Day 2015 dvd cover comp
Trong bữa tiệc ngày Hiền Mẫu năm nay, nghe nói có người đã muốn đến tham dự chỉ vì vào dịp Tết nguyên đán, gian hàng hội chợ của cộng đoàn đã để lại cho họ một ấn tượng rất đặc biệt… Hy vọng là đêm văn nghệ vừa qua cũng đã không làm cho họ thất vọng … Quả thực như vậy, vì đối với các ban ngành trong cộng đoàn, công việc tổ chức tiệc mừng trong những dịp lễ lớn đã trở thành một thông lệ và ai nấy đều đã rất quen thuộc với phần vụ của mình. Vừa tới cửa hội trường là thực khách được hướng dẫn để tìm ra chỗ của mình một cách dễ dàng. Trên bàn tiệc thì mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ … Chỉ cần chờ cha Phụ Tá ban phép lành là có thể nhập tiệc. Đồ ăn dường như đã được cung cấp khá dồi dào, vì ban ẩm thực đã phục vụ hết mình mà vẫn còn dư để bán cho thực khách mua về nhà sau buổi họp mặt …

Điểm đặc biệt của chương trình văn nghệ là sự đóng góp tích cực của giới trẻ. Ban nhạc TSM (Team Solo Musics) gồm toàn những em thiếu nhi xuất thân từ Ca Đoàn Thiên Thần. Các em ăn mặc chỉnh tề và có lối chơi còn rất hồn nhiên nhưng không kém phần điêu luyện.  Về phía ca sỹ thì ngoài khuôn mặt quen thuộc của các em Tuyết Nhi, Thiên Ân, Shania … phải kể đến nhóm 9 em nhỏ của trường Việt Ngữ do cô Nguyễn Thu Hương luyện tập, đã đọc “Thơ Cho Mẹ” và trình bày nhạc phẩm “Bàn Tay Mẹ”.

Mothers Day 2015 092

Với giọng nói có khi còn trọ trẹ, các em đã chinh phục cả hội trường bằng những lời lẽ đơn sơ, mộc mạc và lối diễn xuất tự nhiên của tuổi thơ. Kế đó, sau khi xướng ngôn viên giới thiệu nhạc phẩm “Nhật Ký Của Mẹ”, do hai cô Hà Việt Hà và Phạm Châu Trúc Ly song ca, một em bé trong trang phục mầu trắng rất dễ thương, cũng được hai cô dắt ra sân khấu để múa phụ diễn. Tên em là Seraphina Thiên Ân, mới được 4 tuổi và chính là ái nữ của cô Trúc Ly. Em múa rất tự nhiên, với những thao tác đa dạng và điêu luyện khả dĩ làm cho khán giả vỗ tay khen thưởng ngay khi bản nhạc còn đang được trình bày.

Mothers Day 2015 117

Ở giữa chương trình văn nghệ, kỹ sư Đỗ Khanh đã lên tường trình những tiến triển về công trình phát triển trung tâm và xây dựng nhà xứ.

Nha Xu 14-6-15

A. Giai đoạn đầu, đã hoàn tất:
* Đặt viên đá đầu tiên : Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 17-11-2013.
* Mở rộng đất của khuôn viên trung tâm mục vụ ra thêm 932m2 về phía Reid Hwy.
* Nâng cấp các hệ thống hạ tầng cơ sở – gas, điện, nước, cứu hỏa và âm thanh ánh sáng –
cho trung tâm hiện tại cũng như nhà xứ trong tương lai.
* Chi phí : $195,850 + GST
B. Giai đoạn kế tiếp, cho đến ngày hôm nay đã hoàn tất :
* Cha Quản Nhiệm ký giao kèo với nhà thầu : 27-4-2014.
* Chuẩn bị và đổ nền, Xây gạch, hệ thống điện nước cho cả hai tầng lầu.
* Chi phí : $792,165 (bao gồm $72,015 GST)
C. Đang xúc tiến : Mái nhà, dự trù lợp xong vào tháng 6 sắp tới.
D. Các phần việc còn lại : Hy vọng sẽ hoàn tất vào giữa năm 2016.

Chương trình văn nghệ được tiếp nối với những mục diễn xuất của các cá nhân và đại diện các hội đoàn. Đặc biệt có sự góp mặt của gia đình cha Trần Minh Nhựt, cũng như các cha, các thầy và các Sơ thuộc nhóm “Liên Tu Sỹ” đã âm thầm tập luyện riêng rẽ những đã để lại một hình ảnh thật dễ thương qua hoạt cảnh “Ông Lái Đò”. Hoạt cảnh “Ông Tôi” của các bác cao niên với sự phụ diễn của cha Phạm Quang Hồng và anh Vũ Thông Hải đã làm rúng động cả hội trường. Chỉ cần nhìn “cô” Hải với cái lưng trần có sợi dây nylon của cái “bra” thắt băng ngang là đã thấy tếu rồi, nhưng đến khi cha Hồng tuột mất quần thì các bác cao niên cười mà hát không muốn nổi nữa!

Mothers Day 2015 246

Bầu không khí chưa lắng dịu thì 3 bà mẹ trẻ trong Hội Phụ Nữ đã xuất hiện với vũ khúc “Không” của Nguyễn Ánh 9, đàng trước sân khấu là cả một đàn em nhỏ rối rít xúm nhau lại để nhìn cận cảnh và cổ vũ cho mấy người mẹ của mình. Chắc các em cũng không thể ngờ là “mẹ” có thể ngầu và chịu chơi như vậy..

“Thế hệ trẻ” đã kết thúc đêm văn nghệ với màn “Trình Diễn Áo Dài” theo nhịp điệu vui nhộn của nhạc phẩm “Tuổi Ngọc”. Với lối trình diễn còn phảng phất cái nét đơn sơ nhưng đầy sức sống của lứa tuổi mới lớn, các em đã giúp tạo nên một quang cảnh hoành tráng cho những phút cuối của buổi dạ tiệc. Nhìn các em ôm nhau nhảy mừng sau khi hoàn tất tiết mục của mình, có lẽ các bậc phụ huynh đã định giá được lợi ích của những tổ chức có tính cách cộng đồng như vậy…

The he tre

Phụ chú:
a) Tổng cộng tiền lời đêm văn nghệ :
* Phần lời tổ chức tiệc : Thu : $19,584.50 – Chi : $5,390.00 = $14,194.50
* Phiếu ủng hộ dự án xây cất :
Tiền mặt : $2370.00 + Phiếu hứa tặng : $1200.00 = $3,570.00
* Tổng cộng : $17,764.50
b) Các em đọc thơ cho mẹ : Trần Anna, Trần Monica, Nguyễn Vy, Nguyễn Christina,
Tiên Hồng, Lâm Vân Nhi Sophia, Hồ Sophia, Hồ Pearl, và Vũ Ngọc Hân Mary.

ĐỨC CHA MICAE HOÀNG ĐỨC OANH ĐẾN THĂM CỘNG ĐOÀN (6-5-2015)

Sau khi tham dự Đại Hội Thánh Mẫu bên Melbourne, đức cha Oanh đã ghé qua vùng Tây Úc và đến với cộng đoàn công giáo Việt Nam trong Thánh Lễ tối Thứ Tư 6/5.

DC Oanh 1

Qua bài giảng sau Phúc Âm và lời từ biệt trước khi kết thúc Thánh Lễ, những gì đức cha đã chia sẻ với cộng đoàn liên quan đến công việc mục vụ của ngài tại giáo phận Kontum quả thực đã làm cho những người tham dự phải ngưỡng mộ và đặt lại câu hỏi về lối sống của mình.

DC Oanh 2

Kontum, theo như đức cha kể lại, là một giáo phận đã gặp rất nhiều khó khăn, đã chịu thiệt thòi nhiều nhất ngay trước khi chiến tranh kết thúc. Điển hình là từ năm 1972, tất cả các nhà thờ, các tu viện đều bị san bằng hết, đến nỗi trong những dịp lễ lớn, cả 100 000 giáo dân đã phải đi hàng trăm cây số về nằm la liệt 5, 7 ngày tại nhà thờ chánh tòa Kontum, để có thể tham dự các nghi thức phụng vụ! Những khó khăn đó, ở xa nhìn vào thì thấy ghê gớm lắm, nhưng ở gần thì rất bình thường, như cơm bữa vậy. Đức cha coi đó như ‘cái roi’ mà Chúa đã dùng để giúp con người thanh luyện, sống xứng đáng và đi đúng đường, giống như cái roi nho nhỏ mà người nài ngựa dùng để giúp con ngựa chạy đúng hướng vậy. Và dưới cái nhìn của Đức Tin, ngài nói : “Chúng tôi vẫn sống với tâm tình cảm tạ”. Đó là tâm tình được chất chứa trong kinh “Magnificat” của Đức Mẹ năm xưa.

Hơn thế nữa, qua khó khăn, đức cha đã nghiệm được một điều là con người luôn có khả năng hoán cải : “Nơi nào có Saolô, nơi đó có Phaolô”.. Đức cha nói: “Chúng tôi không đi đâu được để loan báo Tin Mừng, nhưng điều đó không còn quan trọng, vì với phương tiện truyền thông hiện đại,Tin Mừng đã được loan báo trên khắp thế giới rồi”. Vấn đề là làm sao để người ta có thể chấp nhận được Tin Mừng đó mà thôi. Ngay cả ở những nơi khó khăn nhất thì con người vẫn đi tìm Chúa. Có điều là trong khi người ta tìm Thiên Chúa đích thực thì ta lại giới thiệu cho họ một Thiên Chúa nào đó, không phải là Thiên Chúa mà họ đang khao khát!

Đức cha chia sẻ đã từng bị một ông bí thư huyện gọi là ‘mày’, là ‘thằng’ : “Cái thằng giám mục đó, nó đi tới đâu thì bắt lấy nó, nhốt nó lại rồi đuổi nó về…” Thực ra ông ta có một mối thù đối với người công giáo, vì trước đây, bố ông ta, một người nằm vùng, đã bị một ông tỉnh trưởng người công giáo bắt đi, tra tấn rồi cho kéo lê giữa đường phố. Đối với ông ta, người công giáo là kẻ thù, và ông ta hận mối thù đó, nhưng có ngờ đâu cái ông tỉnh trưởng đó chỉ là một người đã giả vờ theo đạo để trục lợi! … Và sau khi biết chuyện, đã có sự thông cảm, rồi với sự kiên trì và lòng bác ái, Tin Mừng cũng đã được chấp nhận.

Đề cập đến vấn đề truyền giáo, đức cha tuyên bố rằng chính những người cộng sản là những người truyền giáo hăng say nhất, vì “các ông hứa thực hiện thiên đàng dưới đất mà chỉ lo cho cá nhân, cho gia đình các ông, nên người dân đã chán, đã bị lừa và chỉ còn biết tìm đến với Lời của Chúa mà thôi”. Tuy nhiên, “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”: Khắp nơi người ta tha thiết muốn theo đạo, nhưng nhiều khi “chúng tôi không dám rửa tội, vì rửa tội rồi không có người để lo cho họ”! Trong vấn đề ơn gọi có điều kỳ cục là người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để bảo trợ ơn gọi, nhưng chính con cái mình thì không cho đi tu ! Vì thế, đã xảy ra tình trạng là trong nhiều giáo xứ, đã 300 năm rồi, có đến 10 000 giáo dân, trong suốt 40 năm qua, biết bao nhiêu người đã đến lo cho họ, mà chỉ cống hiến cho Giáo Hội 1 linh mục mà thôi !

Đức Cha kể câu chuyện của Alexander đại đế, một người đã tung hoành khắp châu Âu, chiếm đoạt Bắc Phi và còn muốn chinh phục luôn cả nửa Châu Á, nhưng trong đám tang đã muốn người ta khoét lỗ hai bên áo quan để ông có thể thò hai tay ra cho mọi người thấy rằng đến lúc chết, ông cũng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi.
Và đức cha kết luận : “Con cái ta giữ làm gì ? –Không trả cho Chúa là điều bất công” !

TAM NHẬT VƯỢT QUA (2,3,4/4/2015)

 

Main Easter 2015

* Vai trò của giới trẻ và các em thiếu nhi. Để chuẩn bị cho Tam Nhật Vượt Qua và đại lễ Phục Sinh, trong khi các bác các chú phải đảm trách những công việc khó khăn và nặng nhọc như trang trí, cắm hoa, trật tự, thánh nhạc, âm thanh ánh sáng v.v. giới trẻ và các em thiếu nhi cũng góp phần nhỏ bé của mình để đáp lại sự quan tâm và chăm sóc của cộng đoàn đối với các em :

Trong Thánh Lễ tưởng niệm ngày Chúa lập Bí Tích Thánh Thể, sau khi được Sơ Lê Linh nhắc nhở, các em giúp lễ đã mặc đồng phục, một số gia nhập đoàn rước chủ tế, số còn lại thì ngồi ở các dãy ghế trên cùng trước gian cung thánh. Lúc đó mọi người mới thấy được lực lượng hùng hậu của ban giúp lễ, bao gồm đến 45 em, hiện đang phục vụ trong 3 Thánh Lễ cuối tuần.

Sang đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Phần đóng góp của các em còn được tiếp tục qua hoạt cảnh Chúa chịu nạn. Năm nay, con số diễn viên đã tăng lên đáng kể so với năm ngoái và các em cũng nhập vai của mình một cách rất trân trọng. Cảm động nhất là những giây phút cuối cùng của trình tự cuộc thương khó. Nhiều người đã không cầm được nước mắt trước cảnh tượng Đức Mẹ ngồi ôm xác con mình vào lòng … Một lời cám ơn đặc biệt phải được dành cho quí phụ huynh đã khuyến khích và đồng hành với con em của mình trong những ngày giờ tập dượt sao cho hoạt cảnh có được kết quả mong muốn là giúp cộng đoàn đi vào tinh thần của Lễ Vượt Qua.

Hoat Canh PS2015 051

Còn một điều ngạc nhiên lý thú là sự góp mặt của một vài em thiếu nhi   trong giờ ngắm nguyện. Thật là dễ thương khi nghe các em cũng cố gắng ngân nga để bắt chước người lớn nhưng vẫn không dấu được cái giọng lơ lớ cho thấy các em đã bắt đầu gặp khó khăn khi nói tiếng Việt !

* Lễ Vọng Phục Sinh. Tối hôm nay cha Hồng hát kinh “Exultet” và giảng sau Phúc Âm. Để minh chứng cho niềm vui của mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, cha đã chia sẻ với cộng đoàn một câu chuyện thật, trong đó cha đã đóng một vai trò then chốt. Câu chuyện xảy ra tại nhà hưu dưỡng của các sư huynh dòng Lasan tại Mai Thôn, Bình Thạnh, Saigon. Hôm đó là vào tháng 5/1989, có một đoàn giáo lý viên và các em giúp lễ đến viếng thăm. Vào lúc 2 giờ chiều, khi các em được tập họp để trở về thì một cô giáo hớt hải chạy đến báo cho cha hay là còn thiếu một em. Cha vội vàng bỏ đống củi đang chẻ dở dang và chạy dọc theo bờ sông để tìm kiếm. Chạy ngang tượng thánh Giuse là cha vừa chạy vừa cầu xin cho xác em bé đừng bị nước cuốn đi mất. Chợt thấy một đôi dép nằm trên bờ cha liền hỏi cả đoàn : “Đôi dép này là của đứa nào?” – Không có em nào nhận. Rồi một em trả lời : “Dép của thằng Quốc”! Đó là tên của em bé mất tích. Cha nhào xuống nước và may quá, thằng bé vẫn còn ở đó ! Cha vớt em lên nhưng dường như em đã chết rồi : Vạch mắt ra thì thấy đồng tử không co lại; bấm móng tay thì thấy trắng bệch không còn chút máu; vạch quần đùi ra xem thì thấy hậu môn đã hở ! Nhưng cha vẫn nói với các sơ dùng nước nóng và mền để sưởi ấm cho nó trong khi cha không ngừng nhồi lên tim và kéo lưỡi cho nó ói nước ra. Cha làm như vậy trong 20 phút, vừa làm vừa cầu xin… “ Lạy Chúa, chỉ một ơn thôi ! Cả một đời mà cứu được một mạng người là quí rồi”! Thế rồi phép lạ đã xảy ra. Thằng bé sặc một cái và thở ồ ra. Nó đã sống lại! Người ta đưa nó về nhà và nó đã ngủ liên tiếp 2 ngày 2 đêm vì óc đã thiếu oxy trầm trọng. Nhưng cuối cùng nó đã hoàn toàn hồi phục và bây giờ đã lớn và có gia đình. Cha Hồng chia sẻ : Điều đáng vui nhất là mẹ thằng bé, một quả phụ và cũng là một cô giáo, tên cô Mầu, đã nói với cha : “ Con sinh ra nó một lần, nhưng thầy đã sinh ra nó thêm một lần nữa!”

Và cha kết luận : “Niềm vui khi thấy một người sống lại rất khó tả. Ai có nếm được mới biết …”

 Le Phuc Sinh Sat 2015 046

* Cộng đoàn đón nhận 3 thành viên mới. Tối hôm nay, các chị Phạm Thị Ngọc Hương, Tina Ngân Lê và anh Vũ Duy Hoàng đã gia nhập cộng đoàn dân Chúa qua các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.

Le Phuc Sinh Sat 2015 116

Riêng anh Vũ Duy Hoàng là một trường hợp khá đặc biệt. Sau đây là nguyên văn thông tin do cha quản nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh cung cấp : “Vợ anh bị ung thư qua đời cách đây hai năm. Trong thời gian trên giường bệnh, nhờ sự thăm viếng thường xuyên của nhóm Lòng Chúa Thương Xót và lời cầu nguyện của họ, chị đã trở lại đạo và bà cố Thịnh là mẹ đỡ đầu nên chị đã lấy tên thánh là Cecilia Vũ Mộng Thường. Khi chị hấp hối ở bệnh viện Bethesda, Claremont, tôi có tới ban Bí Tích sau cùng cho chị. Và Thánh Lễ an táng chị cử hành tại giáo xứ Lockridge tôi có tới đồng tế. Nhờ sự nâng đỡ của nhóm Lòng Chúa Thương Xót, đặc biệt hai ông Sơn và ông cố Long, nên anh muốn gia nhập đạo. Đáng lẽ anh Hoàng đã được rửa tội vào dịp Phục Sinh năm ngoái nhưng anh có ý chờ hai cậu con trai cùng rửa tội chung, nhưng cuối cùng hai cháu chưa cảm thấy sẵn sàng, nên anh đã quyết định lãnh bí tích khai tâm một nình.”

 

Cộng đoàn xin chúc mừng các anh chị tân tòng đã được chia sẻ niềm vui của Chúa Phục Sinh. Đặc biệt xin chúc mừng anh Hoàng và những vị đã góp phần làm cho những biến cố đau thương xảy ra trong gia đình anh trở nên nhịp cầu dẫn đưa anh chị đến với Chúa.

 

TĨNH TÂM MÙA CHAY (20 & 21-3-2015)

 

Năm nay cha Nguyễn Trung Tây đã giảng tĩnh tâm cho cộng đoàn. Theo như cha Huỳnh giới thiệu thì cha Tây đã sang Mỹ từ hồi 23 tuổi. Tuy cũng đã có mấy bóng hồng đeo đuổi nhưng cha vẫn nghe được tiếng Chúa gọi và đã trở thành linh mục của Ngài trong dòng Ngôi Lời. Cách đây 10 năm, khi được biệt phái sang Úc, cha đã là một nhà thần học với bằng thạc sỹ về Kinh Thánh.

TinhTamMuaChayt2015 007

Chủ đề của hai buổi thuyết giảng là “Sa Mạc Biến Hình”, xoay quanh những trải nghiệm mà cha đã có được trong đời sống mục vụ.

* Tối hôm đầu, cha dẫn cộng đoàn về xứ Chùa Tháp để tham quan một địa điểm du lịch có cái tên khá gợi hình là “Làng Nổi”. Quả đúng như vậy là vì “Chong Kneas” đã được thiết lập khi hàng trăm chiếc ghe được nối kết lại với nhau thành một “làng” lênh đênh trên biển hồ Tonle Sap, thuộc tỉnh Siem Reap. Đây là một làng Việt Nam. Họ đã vượt biên sang Cambodia vào đầu thế kỷ 20. Vì bị coi như di dân bất hợp pháp nên họ đã không được hưởng bất cứ một quyền lợi nào so với người bản xứ. Cuối cùng thì họ đã phải quay ra sinh sống trên biển hồ. Họ được các cha Dòng Tên chăm sóc và cho đến bây giờ thì cũng có nhà thờ, trường học, chợ búa, cô nhi viện v.v. Tất cả mọi sinh hoạt đều ở trên thuyền, và phương tiện chuyên chở duy nhất của họ cũng là thuyền.

Trong tỉnh Siem Reap, nếu đền Angkor Wat được nhiều người biết đến nhờ ở sự bề thế nguy nga của nó thì Làng Nổi lại nổi tiếng vì sự nghèo nàn của cư dân sống trong đó. Nguồn thu hoạch chính của họ là những con cá mà họ bắt được. Hệ thống y tế thì kể như không hiện hữu : Hôm cha đến thì một người đàn ông bị ung thư đang nằm chờ chết mà không có thuốc men gì cả. Tình trạng vệ sinh chung thì dường như không thể cải tiến được : Tất cả mọi chất thải đều được đổ xuống biển hồ nhưng chính nước biển hồ lại được lấy lên để uống, tắm rửa, giặt giũ và nấu nướng. Cha kể rằng, trong hai lần sinh hoạt với dân Làng Nổi, dù cha đã ngăn cản nhưng ông trùm vẫn chạy ghe vô thành phố để mua cho cha hai can nước chứ không đành lòng để cha đụng đến nước của biển hồ. Điều đáng mừng là trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà trẻ em vẫn được đi học. Trường làng có khoảng 50 học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 6. Không biết các em ăn gì trước khi đi học, nhưng bữa trưa thì chỉ thấy có mì gói “làm chuẩn”. Các em bóc ra ăn sống, chẳng cần nấu nướng gì cả…

Điều làm cha ngạc nhiên không ít là tuy sống nghèo khổ nhưng sao cha cảm thấy là người dân Làng Nổi vẫn vui vẻ, vẫn hạnh phúc và hài lòng về hoàn cảnh của mình. Cha nhớ lại vào một buổi chiều, vì có cha Việt Nam đến cử hành Thánh Lễ, nên sau đó, trẻ em được một viên kẹo còn người lớn thì được thưởng thức một chén chè. Nhưng bao nhiêu đó thôi cũng đủ để làm cho mọi người hớn hở vui mừng. Và tiếng cười của họ còn vang vọng trong ký ức của cha cho đến ngày hôm nay. Cũng chính với những kỷ niệm đó mà khi trở lại Mỹ, cha đã rất khó chịu khi thấy những em nhỏ, Ipod, Iphone, Ipad ê hề nhưng vẫn không hài lòng và còn mè nheo đòi hỏi đủ điều. Phụ huynh thì ngày đêm tất bật, lo nhà lo xe, lo cho con đi học ở trường không đủ, mà còn phải mướn thầy dạy kèm, phải chở chúng đi học đàn, học khiêu vũ, học tiếng Việt, học Vovinam, v.v. Tối về đến nhà thì thân xác rã rời, gia đình tuy có xum họp nhưng sao lại thiếu vắng tiếng cười !

Riêng đối với cha thì sau khi đi vô “sa mạc Làng Nổi”, cha đã biết dè xẻn hơn khi sử dụng nước, biết đơn giản trong việc mua sắm áo quần, biết dễ dãi trong vấn đề ăn uống. Và cha tự hỏi lòng: Mình đường đường là một tu sỹ truyền giáo, nhưng không biết mình đã làm cho “sa mạc Làng Nổi” biến hình, hay chính mình đã được biến hình sau khi đi truyền giáo cho họ ?!

* Sang tối thứ hai, cha Nguyễn Trung Tây mời cộng đoàn trở về thăm sa mạc Úc Châu, nơi cha đã làm việc với người Thổ Dân được 4 năm trước khi đổi về Sydney.

TinhTamMuaChayt2015 037

Theo như cha kể thì ban đầu không hẳn là không có những sự việc mà cha không thể hiểu được và cảm thấy rất bực mình. Chẳng hạn có lần cha đã phải lái xe gần 300 cây số từ Alice Springs đến Yuenduma để cử hành Thánh Lễ cho họ. Tuy đã hẹn giờ giấc rõ ràng, nhưng khi đến nơi thì cha vẫn bị họ cho “leo cây”. Hỏi thì không ai nói, nhưng rồi cha cũng biết được là con chiên ngoan đạo của cha đã bỏ lễ, chỉ vì buổi chiều hôm đó có luồng kangaroo vô làng. Và kangaroo chính là nguồn thực phẩm của họ !

Tuy nhiên, trong khi tiếp xúc với Thổ Dân, từ từ cha đã hiểu được lối sống của họ và đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn đối với họ. Tại những nơi mà cha gọi là vùng “hương thủy”, văn hóa của thổ dân vẫn còn in đặm dấu ấn của Thời Mộng Mơ (Dreamtime). Họ sống hài hòa với thiên nhiên và nối kết với Trời và với đất. Đối với họ, Trời là cha và đất là mẹ. Tấm bảng “xin đừng bước lên nóc của hòn đá” được dựng dưới chân của hòn đá cát Uluru – còn gọi là Ayers Rock – cho thấy họ coi nơi đây là nơi Trời hiện xuống để tiếp xúc với họ. Đàng khác, nếu Trời cho mưa thì đất cho họ cây trái và thức ăn. Điều này giải thích tại sao đi tới nơi mới là họ ngồi bệt xuống đất, và ban đêm khi ngủ thì nằm la liệt trên sàn nhà, vì đối với họ, giường chiếu ngăn cản họ liên hệ với đất mẹ. Một điểm đặc thù nữa của nền văn hóa Thổ Dân là họ rất coi trọng mạng sống của con người. Cho dù có ai lỡ tay giết người thì cùng lắm cũng chỉ bị dân làng “dạy cho một bài học” mà thôi. Đối với vấn đề hôn nhân thì phong tục của họ vẫn là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Ngoài ra, thanh thiếu niên cứ đến 13 tuổi là được đưa vô rừng một hai tháng, con trai theo các vị niên trưởng, con gái theo các bà mẹ, nam nữ sống tách biệt, để được hướng dẫn về cách sống của người trưởng thành…

Đời sống thanh bình của thổ dân cứ như thế mà tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến một ngày, người da trắng đã đến. Họ đã được tiếp đón niềm nở nhưng đã đang tâm bắt con cái của người bản xứ đem vô các viện mồ côi, còn người lớn thì bị lùa vào các trại tập trung, chẳng khác chi một đàn súc vật. Và kể từ đây, gia đình bị tan rã, người thổ dân chẳng những đã mất đi cái quyền sở hữu của đất nước mà họ đã làm chủ từ mấy chục ngàn năm trước, mà còn mất đi cả cái căn tính của mình nữa. Chẳng lạ gì khi những người cha chỉ biết say sưa rượu chè và con cái không còn tìm được điểm tựa cho đời mình, đưa đến tỷ lệ phạm pháp và bi kịch tự tử rất cao trong giới trẻ thổ dân hiện nay, nhất là trong các thành phố lớn.

Đứng trước hoàn cảnh như vậy, cha thú thật không còn biết nói gì với họ, mà chỉ có một tâm nguyện là “biết lắng nghe mà không xét đoán, biết cảm thông mà không lên án, biết ban tặng và chia sẻ mà không tính toán giữ lại cho riêng mình”.

Hy vọng những điều trên đây cũng là tâm nguyện của cộng đoàn trong mùa chay năm nay.

HỘI CHỢ TẾT ẤT MÙI (20 & 21/02/2015)

Chúng tôi tới Wanneroo Show Ground vào lúc 7 giờ tối. Khi thấy cả một rừng xe đang đậu kín hai bên lề đường cũng như trong khoảng đất trống dọc theo hàng rào của khuôn viên hội chợ, chúng tôi đã lo lắng không biết sẽ đậu xe ở đâu. Nhưng ban trật tự làm việc rất đắc lực. Vừa thấy xe chúng tôi trườn tới là các anh đã liên lạc với nhau qua điện thoại di động và giúp tìm ngay được một chỗ trống không xa lắm.

Gian hàng thực phẩm của cộng đoàn công giáo rất dễ nhận diện vì nằm ở ngay gần lối ra vào. Ngoài tiếng quảng cáo không ngừng, khứu giác của khách hàng còn bị kích thích bởi hương khói mịt mù từ cái lò nướng thịt bất hủ đang hoạt động liên tục. Thêm vào đó là ánh đèn nhấp nháy trên “thương hiệu” do anh Lê Hoàng thiết kế theo kiểu “đèn kéo quân” hiện đại, lần lượt chiếu sáng tên của gian hàng xen kẽ với những lời chúc xuân ngắn gọn nhưng thật bắt mắt.

Mua do an

Giống như năm ngoái, thực đơn kỳ này cũng bao gồm hơn 20 món ăn mặn, món ăn chơi và nước giải khát.Vì thấy còn khá đông người đứng chờ để mua đồ ăn, chúng tôi đi một vòng để tham quan toàn bộ khu vực hội chợ rồi mới trở lại. Ngoài Cộng Đồng Người Việt, dường như hầu hết các tôn giáo, hội đoàn, đoàn thể và ngay cả một số cá nhân đều có gian hàng của mình. Các em trong nhóm “VN Smiles” cũng có một gian hàng gây quĩ cho chuyến đi công tác vào đầu tháng 4 sắp đến. Được biết nhóm này do anh Nguyễn Phương Nam, cựu Đoàn Trưởng Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, thành lập vào năm 2012. Các em đã từng về Việt Nam để lo cho trẻ em trong các cô nhi viện, đặc biệt về phương diện nha khoa. Riêng đối với Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam thì được biết, ngoài gian hàng hội chợ, một số em thiếu nhi và 7 chị em trong Hội Phụ Nữ Công Giáo còn đóng góp tiết mục của mình trong chương trình văn nghệ của cả hai buổi tối hội chợ.

Van nghe 2

Có một chi tiết nhỏ nhưng đã làm chúng tôi ngạc nhiên và cảm phục là sau khi mua đồ ăn và quay sang chiếc bàn đối diện để lấy muỗm nĩa thì thấy những người phục vụ chúng tôi chính là bác Liên và ông bà cố Thân thuộc nhóm cao niên của cộng đoàn ! Có lẽ sự góp mặt của các bác đã là nguồn cảm hứng cho lớp trai trẻ, vì tối hôm nay, lực lượng phục vụ trong ngoài gian hàng có lẽ đã lên đến gần 100 người. Ai nấy đều bận rộn với phần vụ của mình: Chuẩn bị và bán thực phẩn, chạy bàn, lo công tác vệ sinh … công việc nhiều khi khá nặng nhọc, nhưng ai nấy đều vui vẻ và dường như đã quên luôn không biết thế nào là mệt.

Đến sáng Chúa Nhật thì niềm vui của mọi người đã được trọn vẹn khi nghe chú Lê Minh, Trưởng Ban Thường Vụ, báo cáo trong Thánh Lễ là qua hai buổi hội chợ, tổng cộng phần THU đã đạt con số vuông tròn là $58,000 !

Thực ra, kết quả khả quan trên đây không phải tự nhiên mà có được. Theo tin hành lang thì trong hai buổi tối hội chợ, gian hàng của cộng đoàn đã bán ra khoảng 600 tô phở, 800 tô bún bò Huế, 1000 tô bún thịt nướng, 400 dĩa cơm sườn, 2000 ly nước mía v. v., chúng ta có thể mường tượng được phần nào số lượng thịt, xương, rau quả và những nguyên liệu khác mà ban ẩm thực đã phải dự đoán và chuẩn bị từ mấy tuần lễ trước. Một lời cám ơn đặc biệt phải được dành cho chủ nhân của 2 chiếc xe vận tải – một trong hai chiếc có gắn máy lạnh – đã giúp giải quyết vấn đề chuyên chở bàn ghế, máy móc, nguyên liệu và thực phẩm đủ loại. Riêng phần đóng góp về nhân lực thì khó mà công nhận cho đúng mức được : Có thể nói là mọi công tác, từ việc chuyên chở, mua sắm, nấu nướng, phục vụ khách hàng, sắp xếp và thu dọn trước sau hai buổi hội chợ … Tất cả đều đã được hoàn tất một cách thật nhịp nhàng, chu đáo và đúng giờ đúng khắc.

Lễ Phục Sinh cũng đã gần kề. Trong khi có thông báo trong tờ TIN YÊU về ngày giờ xưng tội mùa chay để chuẩn bị tâm hồn cho Tam Nhật Vượt Qua thì dường như “Ban Bê Thui” cũng đang rục rịch dao thớt để chuẩn bị “món ăn truyền thống” cho cộng đoàn vào tối Thứ Bảy Tuần Thánh. Bạn thấy có đáng phục không ?

GIỚI TRẺ TÌM HIỂU VỀ ĐỜI SỐNG PHỤNG VỤ (7 & 14/3/2015)

Đây là sáng kiến của Sơ Lê Linh đã mời được Sơ Margaret Scharf, một nhà thần học thuộc dòng Đa Minh, đến để giảng thuyết và hội thảo về đời sống Phụng Vụ với giới trẻ của cộng đoàn trong lứa tuổi từ trung học trở lên. Trong phần tự giới thiệu trước khi vào đề, Sơ Margaret cho biết trong thời gian gần 18 năm du học và làm việc ở bên Mỹ, Sơ đã sống tại vùng Garden Grove – trong đó có khu Little Saigon – và rất quen thuộc với người Việt Nam. Hôm nay, sơ rất mừng khi gặp lại các em và rất ngưỡng mộ khi thấy các em đang theo học các lớp Việt ngữ và giáo lý.

Cu toa 2

Là một người chơi tây ban cầm điêu luyện, cộng với một giọng ca hùng mạnh và trong sáng, sơ Margaret đã dùng tiếng hát với cung đàn như là phần dẫn nhập cho mỗi buổi thuyết giảng của mình.

Tieng hat voi cay dan

* Phụng vụ : một sinh hoạt cộng đồng → Mở đầu bài thuyết giảng ngày 7/3/2015, sơ Margaret đã nhắc lại nguồn gốc Hi lạp của chữ Phụng Vụ, để cho thấy đây là một nghi thức có tính cách cộng đồng. Chúng ta đến với nhau để thờ phượng Chúa, để tìm lại mối tương quan giữa chúng ta với Ngài và với tha nhân; đồng thời “tạo dựng một chút thiên đàng nơi trần thế này” (a little bit of heaven on earth).

Sơ kể rằng trong thời gian dạy học tại một trường Thổ Dân, sơ đã từng dẫn học sinh đi tham quan đây đó. Vì xưa nay quen sống trong những nơi hoang dã, nên khi đến thành phố Perth, các em đã bị choáng ngợp bởi quang cảnh của chốn phồn hoa đô thị, nhưng ra đến bờ biển thì có em gái đã bật khóc vì không chịu nổi khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng bao la bát ngát của đại dương!

Đối với chúng ta, Thiên Chúa cũng mênh mông bát ngát như biển cả vậy, và chúng ta không thể trực tiếp “đi vào mầu nhiệm” của Ngài được. Qua đời sống Phụng Vụ, chúng ta cũng giống như em bé đang đào một cái hố ngoài bờ biển. Hố càng rộng và sâu thì càng có nhiều nước biển thấm vào và em bé sẽ có được “một phần” của biển cả cho riêng em !

Dao ho ngoai bo bien 1

* Thánh Lễ : Nghi thức Phụng Vụ quan trọng nhất. Có nhiều phương thức cầu nguyện khác nhau như : Lần chuỗi Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá, chầu Phép Lành v.v., nhưng trung tâm điểm của đời sống Phụng Vụ vẫn là Thánh Lễ.

Trong Thánh Lễ, Thiên Chúa đã đến và nuôi dưỡng chúng ta chẳng những bằng LỜI của Ngài mà còn bằng chính THỊT và MÁU THÁNH của Ngài nữa. Ngược lại, chính chúng ta cũng có thể kết hợp với bánh và rượu được dâng trên bàn thờ để cũng được thánh hóa do quyền năng của Chúa Thánh Thần khi linh mục đặt tay cầu nguyện trên lễ vật!

Đây là một mầu nhiệm : Sự huyền diệu của bí tích Thánh Thể mà giác quan của con người không thể kiểm chứng được, nhưng chỉ có thể chấp nhận bằng Đức Tin mà thôi. Điều tuyệt vời là nhờ ở Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã thực hiện được mối liên hệ giữa Ngài với nhân loại một cách đặc biệt: Chẳng những Ngài ở gần chúng ta, trong người láng giềng của chúng ta, mà ngay trong chúng ta! Và đây chính là “một phần” của Thiên đàng đã được thiết lập ở dưới trần gian này…

* Phụng vụ: hành trình của Đức Tin. Trong buổi thuyết giảng thứ hai (14/3/2015), ngoài phần lý thuyết để khai triển thêm về những khái niệm đã được đề cập đến trong lần trước, có xen kẽ những phút dành để hội thảo và trả lời câu hỏi nhằm giúp cử tọa thấu hiểu vấn đề cách chính xác hơn.

Sơ Margaret đã lấy nguồn cảm hứng từ pho tượng Chúa Kitô Vua ở Vũng Tàu, Việt Nam. Pho tượng cao 35 thước với đôi tay giang rộng như đang mời gọi mọi người hãy đến với Ngài. Muốn lên được đến chân pho tượng, du khách phải leo hết cái cầu thang vừa dốc lại vừa cao. Đó là hình ảnh của hành trình Đức Tin mà người Kitô hữu phải trải qua. Nhưng trên mỗi nấc thang của cuộc đời, từ lúc chúng ta còn thơ ấu, cho đến lúc trưởng thành làm cha làm mẹ và ra đời lập nghiệp …Chúa đều hiện diện với đôi tay giang rộng.

Điều quan trọng là một khi đã có được Chúa qua đời sống Phụng Vụ, mỗi người tín hữu đều có sứ mệnh phải nối tiếp công việc “loan báo tin mừng” mà Ngài đã thực hiện từ hai ngàn năm trước. Sơ Margaret kể rằng : Vào thời thế chiến thứ hai, có một nhà thờ bên Âu Châu bị đánh bom và cánh tay trên pho tượng của Chúa đã bị phá hủy. Có ai đó đã để một tấm ván ở dưới chân tượng với lời nhắn nhủ sau đây : “Ta không còn tay nào khác ngoài đôi tay của con!” (I have no other hands but yours!). Có lẽ ai nhìn thấy tấm ván cũng đã hiểu được ý nghĩa của lời nhắn nhủ đó …

Phụ chú 1 : Khởi đầu buổi thuyết giảng ngày 14/3/2015, sơ Margaret cho biết đã phải thức trắng đêm để lo cho một nữ tu Đa Minh mới qua đời vào buổi sáng cùng ngày. Đây là một nữ tu đến từ Ái Nhĩ Lan, có một người chị cũng mới qua đời vào dịp Lễ Giáng Sinh vừa qua. Các em đã dùng một phút thinh lặng để cầu nguyện cho linh hồn người quá cố.
Phụ chú 2 : Vài câu hỏi đã được đặt ra cho các bạn trẻ:
a) Trong Thánh Lễ, điều gì có thể giúp bạn chú tâm nghe các bài đọc và
bài giảng? (What thing could help you listen attentively to readings
and homily at mass?)
b) Tôi đã chuẩn bị thế nào để đón nhận “Ngài” vào đời sống của tôi ?
(How do I prepare to receive “Him”into my life?)
c) Điều gì cản trở bạn tôn trọng những dây phút thánh thiêng sau khi rước lễ ?
(What makes it hard to honour the sacred time of receiving Communion?)

MỘT BUỔI SINH HOẠT CỦA NHÓM CAO NIÊN (6-2-2015)

Hinh chup chung

Tuy chương trình bắt đầu vào lúc 10 giờ, nhưng có nhiều bác đã có mặt từ hơn một giờ trước. Người thì vô nguyện đường nhỏ để cầu nguyện, người thì chơi cờ; có bác thì lo giúp quét dọn ngoài hành lang. Đặc biệt sáng nay còn có công tác gói muỗm nĩa cho hội chợ Tết sẽ được tổ chức vào hai ngày 20 và 21 sắp tới …

Bàn ghế thì một nhân viên đã sắp sẵn từ chiều hôm trước. Các ghế cá nhân được sắp theo hình tròn để tiện việc sử dụng trong giờ sinh hoạt. Các bàn dài hình chữ nhật thì được chia thành hai nhóm, một số dành để chơi cờ và một số có đặt bảng tên để sắp chỗ cho mỗi người trong giờ ăn trưa. Vì có được một chỗ riêng cho mình, nên ai nấy đều có thể để nước uống cũng như những đồ dùng cá nhân ở một nơi cố định và dễ dàng tìm lại chúng khi cần… Thật là ngăn nắp !

10 giờ : Tập họp. Chương trình bắt đầu bằng những sinh hoạt nhóm nhỏ, như chơi cờ, đánh golf, bowling. Sau đó là nửa giờ tập thể dục dưới sự hướng dẫn của một huấn luyện viên. Đây là một chương trình đã được soạn thảo riêng cho lứa tuổi cao niên, với những thao tác thật nhẹ nhàng có khi ngồi trên ghế các bác cũng thực hiện được. Thiết yếu chỉ là giúp cho máu huyết lưu thông chứ không đặt trọng tâm trên vấn đề luyện cơ bắp.

Tap hop

11 giờ :Nghỉ giải lao, đi tản bộ, tham gia các trò chơi, hoặc tập hát để chuẩn bị cho một biến
cố nào đó trong năm.

11 giờ 30 : Tai chi. Đây là sở trường của cha Phạm Quang Hồng. Khoảng trống trước tượng Thánh Gia Thất được cha sử dụng để trau dồi kỹ năng cho các đệ tử cao niên của mình . Mọi người chỉ cần chú tâm theo dõi và thực hiện những thao tác mà cha đang biểu diễn trước mặt. Ở ngoài nhìn vào thì thấy thật nhẹ nhàng uyển chuyển nhưng thực ra bộ môn này đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ giữa tay chân, hơi thở, và khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể trong mọi tư thế. Vì vậy, những bác nào cảm thấy mình không đủ sức thì có thể đi tản bộ hoặc thư thái trước khi dùng bữa.

Tai chi 1

12 giờ : Ăn trưa. Rất đơn giản. Chúng tôi chỉ cần ngồi vào bàn là có nhân viên phục vụ đem phần ăn đến cho mỗi người. Phương cách phục vụ cũng rất uyển chuyển : Những bác nào cần kiêng cữ có thể lưu ý ban ẩm thực hoặc đem đồ ăn ở nhà tới cũng được. Ngoài ra, để thay đổi khẩu vị, lâu lâu còn có đề nghị thay thế đồ ăn nấu tại chỗ bằng những món đặt mua ở nhà hàng – phở, hủ tiếu, bún bò Huế v.v. – tùy theo sở thích của mỗi người.

1 giờ : Bingo! Đây là một trò chơi rất thịnh hành trong dân gian. Thông thường thì muốn thắng cuộc, chỉ cần một hàng trong bảng số của mình “tới” trước nhất là được. Nhưng ở đây, thể lệ chơi có phần khó khăn hơn vì đòi hỏi tất cả mọi con số trong phiếu đều phải được gọi. Lý do có thể là để giúp các bác có cơ hội rèn luyện khả năng tập trung tư tưởng? Tuy giải thưởng chỉ là một thỏi sôcôla, nhưng dường như mọi người đều hưởng ứng trò chơi này và nó được thường xuyên đưa vô chương trình sinh hoạt.

1 giờ 30 : Giai đoạn chót của buổi sinh hoạt. Cha Hồng điều khiển những trò chơi tập thể, vừa vui nhộn vừa giúp duy trì sự bén nhạy của trí óc cũng như tập cho các bác biết phối hợp ngôn từ hoặc lời ca với những thao tác của tay chân …

Tai chi 2

Cũng trong giai đoạn này, Sr Lê Linh sẽ thông báo những dự tính cho buổi sinh hoạt kế tiếp, phân phối tài liệu và hướng dẫn các bác về một số vấn đề của tuổi già : dinh dưỡng, bệnh tật, an toàn thể lý trong những sinh hoạt hàng ngày v.v.

Riêng hôm nay, vì là ngày Thứ Sáu đầu tháng nên cha Hồng cử hành Thánh Lễ trong đó có nghi thức Sức Dầu Bệnh Nhân.

Buổi sinh hoạt kết thúc lúc 2 giờ 20. Phải công nhận rằng, chương trình thật là phong phú, vì chẳng những nó đã tạo cơ hội cho các bác cao niên có được những giờ phút thoải mái vui chơi với bạn bè mà còn được bồi dưỡng trên cả hai bình diện thể lý và tâm linh nữa.

Phụ chú 1: Ban Điều Hành và tổng số thành viên, nhóm sinh hoạt ngày thứ sáu tại TTMVCĐ:

* Linh hướng : Cha Phạm Quang Hồng.
* Điều hợp viên : Sr Lê Linh
* Thiện nguyện viên : Cha Phạm Quang Hồng, bác Phạm Văn Quát.
* Trợ lý : Chị Đinh Thị Lan (thủ quỹ), cô Nguyễn Thị Khánh Vân,
Cô Châu Đan Sâm (tài xế), anh Vũ Thông Hải (tài xế),
Cô Trần Thị Đăng Thanh, chị Lưu Thị Phi Phụng (ẩm thực),
Anh Michael Htoo (tài xế).
* Tổng số thành viên : 42 người

Phụ chú 2:

* Ngoài nhóm sinh hoạt tại trung tâm mục vụ cộng đoàn vào ngày thứ sáu;
* Tại North Perth, còn có:
** Nhóm người Ý sinh hoạt vào những ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu;
** Nhóm người Macedonian, Serbian … vào ngày thứ ba;
** Nhóm các sắc tộc Á Châu như người Hoa, Việt Nam, Ấn Độ, Mã Lai … vào ngày thứ
năm
* Tại Manning, nhóm Ấn Độ sinh hoạt vào sáng thứ hai; và
* Tại Rivervale, nhóm Miến Điện sinh hoạt vào ngày thứ ba.

Đây là chương trình “Phục Vụ Tại Gia Và Cộng Đồng” (Home and Community Service) của chính phủ Liên Bang, tài trợ cho Văn Phòng Đa Văn Hóa điều hành.


GIÁNG SINH 2014

Main Noel 2014comp

Chuẩn bị. Sáng 24/12. Quang cảnh trong ngoài trung tâm mục vụ cộng đoàn không khác chi một tổ ong đang hoạt động nhộn nhịp : Từ trong nhà bếp, qua hội trường lớn, trên gian cung thánh, ngoài hành lang và vòng quanh đường xe chạy, mỗi người một việc, ai nấy đều bận rộn với phần vụ của mình để chuẩn bị cho giờ canh thức tối nay. Đặc biệt, phải kể đến sự đóng góp của các anh chị em tỵ nạn mới đến với cộng đoàn trong thời gian gần đây: Vì là thành phần trai trẻ tràn đầy sức sống và còn rảnh rỗi nên các bạn đã không nề hà bất cứ một công việc gì. Năm nay phần trang trí có điều khác biệt so với những năm trước, vì ngoài hang đá, cây giáng sinh tươi do anh Quang thợ điện tặng và những trang trí thông thường, còn có một bức tranh nền, kích thước khoảng 3.5m x 8m, bao kín cả phía sau của gian cung thánh. Hỏi thăm mới biết đây là tác phẩm của cô Phan Thị Thanh Tuyết, đã âm thầm ngồi vẽ ở nhà trong mấy tuần lễ trước. Người ta không ngờ cô Tuyết, lâu nay được biết đến như là người đã gầy dựng nên đoàn thánh vũ của cộng đoàn, lại còn có khiếu về hội họa như vậy. Đó là chưa kể đến hoạt cảnh Giáng Sinh mà cô đã soạn thảo và kiêm luôn phần đạo diễn ! Thật là đáng ngưỡng mộ!

Đêm Vọng Giáng Sinh. Ngay trong những phút đầu của buổi canh thức, cộng đoàn được chia sẻ niềm vui Giáng Sinh qua những giọng ca và vũ điệu hồn nhiên của các em nhỏ trong ca đoàn Thiên Thần và trường Việt Ngữ. Kế đến là phần trình bày có tính cách điêu luyện và thâm trầm hơn của các ca đoàn Thánh Linh và Têrêsa. Thánh vũ do Hội Phụ Nữ trình bày với cung điệu đầy cảm xúc của nhạc phẩm “Mùa Đông Năm Ấy” là tiết mục chuyển tiếp giữa phần thánh nhạc và hoạt cảnh Giáng Sinh do ca đoàn Cêcilia đảm nhận.

xmas2014 171

Khởi đầu là quang cảnh của vườn địa đàng trước khi con rắn xuất hiện. Ông A-Dong và bà E-Và được đạo diễn cho mặc áo “alba” thật là trinh trong và kín đáo. Nhưng sau khi ăn trái cấm thì đã hoàn toàn biến đổi thành hai người rừng trông thật là hoang dại. Và bắt đầu từ đây, thế giới đại loạn, lớp trẻ bụi đời chỉ biết tụ tập để hút sách và nhậu nhẹt. Nhưng cuối cùng thì cũng ý thức được tình trạng bi đát của mình và biết quì xuống để ăn năn và trông đợi. “Trời cao, hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa đấng chuộc tội …” Lời cầu xin của nhân loại đọa đầy được Thiên Chúa đáp trả bằng cuộc gặp gỡ giữa Đức Mẹ và thiên sứ Gabriel. Thánh cả Giuse cũng được trấn an trong khi đang nằm trằn trọc trên sân khấu… Cuộc hành trình trở về quê để thi hành lệnh kiểm tra dân số được diễn ra khi Đức Mẹ đã đến ngày nở nhụy khai hoa. Con mắt soi mói của mấy ông chủ quán trọ ăn mặc theo kiểu đại gia thời đế quốc La-mã dường như đã thấy được tình trạng này của Đức Mẹ nên đã đồng loạt xua đuổi … Hoạt cảnh được kết thúc một cách khá ngoạn mục : Đức Mẹ và thánh Giuse tươi cười nâng hài nhi Giêsu lên cao cho cộng đoàn chiêm ngắm, trên đầu là ngôi sao giáng sinh đang tỏa hai làn ánh sáng bằng plastic được gắn các dải kim tuyến màu vàng. Hai bên là các thiên thần đang đờn ca réo rắt. Lom khom trên các bậc thềm là mấy chú mục đồng và hai ba con trừu lớn, dường như đã khá già, đang khấu đầu thờ lạy… Trong khi đó thì hai biểu ngữ rất dài được 4 thiên thần trải ra và cho lướt xuống tận cuối nguyện đường để mọi người có thể đọc được thông điệp Giáng Sinh : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

Bài chia sẻ sau Phúc Âm của cha quản nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh xoay quanh đề tài “Món Quà Giáng Sinh”. Trong mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, dường như tất cả mọi thành phần liên hệ, từ Đức Mẹ, thánh Giuse, các thiên thần, cho đến các mục đồng, các chiêm tinh gia, ngay cả các chiên cừu cũng như hang đá và máng cỏ, đều có một món quà nào đó để tặng cho Chúa Hài Đồng. Còn chúng ta, có thể là chúng ta không biết tặng gì cho Chúa và cũng không biết Chúa thích cái gì nữa ?!

Cha kể câu chuyện của một cậu bé sáu bảy tuổi, ăn mặc rách rưới đang thèm khát đứng nhìn bên ngoài một cửa tiệm quần áo trong một buổi chiều đông giá lạnh. Sau khi được một cô gái đi ngang qua động lòng trắc ẩn, dắt vô tiệm và mua cho áo quần và giầy dép tươm tất, đã ngây thơ hỏi “cô có phải là Thượng Đế không ?” Cô thành thật trả lời rằng “Cô chỉ là một trong số những người con của Ngài mà thôi.” Cha Huỳnh kết luận : qua tình yêu chúng ta trao tặng cho người khác, họ sẽ thấy được khuôn mặt của Chúa nơi chúng ta. Và đó cũng là món quà Chúa thích nhất và chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy nhất để dâng cho Ngài vì nó nằm ngay trong trái tim của chúng ta.

Theo ước tính của chú Lê Minh, trưởng ban thường vụ, thì có khoảng hơn 1500 người đã trở về với cộng đoàn trong đêm vọng Giáng Sinh. Cũng may mà trước đó cộng đoàn đã mua thêm được 500 chiếc ghế đẩu gọn nhẹ để tránh tình trạng giáo dân phải đứng để dự lễ ở cuối nguyện đường và bên ngoài hành lang.

Đây là một chi tiết rất đáng mừng, vì tinh thần hiệp thông và chia sẻ mà cha quản nhiệm đã đề cập đến trên đây, chỉ có thể trở thành hiện thực khi người người còn đến với nhau mà thôi.


TRẠI HÈ THIẾU NHI (19-21/12/2014.)

Theo thông lệ thì sau ngày lễ mãn khóa, năm nào cũng có tổ chức trại hè cho các em thiếu nhi. Kỳ này địa điểm được chọn chỉ cách trung tâm mục vụ cộng đoàn chừng 10 cây số. Đó là trung tâm giải trí Ern Halliday, trên đường Whitfords Avenue, Hillarys, cách ngã ba tiếp nối với West Coast Highway chừng 1500 thước. Đây là một cơ sở rất lớn, khoảng 20 mẫu tây, được chia thành 5 khu vực với đầy đủ tiện nghi để cắm trại và sinh hoạt.

Chương trình chiều Thứ Sáu tương đối nhẹ nhàng hơn so với ngày kế tiếp. Công việc đầu tiên phải làm là chia đội và sắp xếp chỗ ngủ cho các em. Năm nay, kể cả huynh trưởng, tổng số trại sinh lên đến khoảng 100 người, nên ban chấp hành đã chọn khu vực mang tên Spinnaker bao gồm cả nhà ngủ và lều trại có thể chứa được khoảng 120 người. Ngoài giờ ăn tối – có cựu huynh trưởng Phương Nam đến trợ giúp – và lo cho phần tâm linh, các huynh trưởng, dự trưởng và các em ngành nghĩa 4, phải dành thời gian để chuẩn bị cho trò chơi lớn và chương trình lửa trại trong ngày Thứ Bảy. Những em nào rảnh rỗi thì có thể hàn huyên, vui chơi với nhau và ăn khuya trước khi đi ngủ…

Trò chơi lớn kéo dài suốt buổi sáng Thứ Bảy. Đây là một sinh hoạt tập thể thuộc loại “đi tìm kho tàng”, căn cứ trên việc giải mã các mật thư được dấu tại các trạm và thi hành những mật lệnh chứa đựng trong đó. Ban huynh trưởng đã chuẩn bị cho buổi sáng hôm nay một cách rất tỉ mỉ. Các em được chia thành 8 đội và được yêu cầu phải qua hết tất cả 8 trạm mới được coi là hoàn tất nhiệm vụ. Điểm đặc biệt của trò chơi năm nay là sau khi lần lượt giải mã được các mật thư, mỗi đội đã có thể từ từ gom đủ nguyên liệu để thực hiện mật lệnh của trạm chót là “thi đua nấu ăn”. Riêng các lò gas cũng đã được chuẩn bị sẵn. Ngoài ra, bên cạnh mỗi đội đều có các trại sinh đã chững chạc thuộc ngành nghĩa 4 đứng trực để sẵn sàng trợ giúp nếu cần. Thật là hi hữu, vì không ai có thể ngờ rằng một số cậu ấm cô chiêu, trước đây chưa bao giờ đụng ngón tay vô công việc bếp núc ở nhà thì hôm nay lại đã hăng hái trổ tài như vậy !

TNTT Camping 2014

Chương trình tối Thứ Bảy khá dầy đặc :Từ 4 giờ chiều đã phải tập hát cho lửa trại, kế đó là giờ tắm rửa và chuẩn bị cho Thánh Lễ. Trong khi các em tham dự Thánh Lễ thì phụ huynh chuẩn bị bữa ăn tối. Sau khi ăn tối lại phải tiếp tục chuẩn bị cho lửa trại. Sau lửa thiêng, các em được nghỉ giải lao 15 phút là đến giờ chầu Thánh Thể. Đến 11 giờ 15, cô Phạm Thúy Vân còn cho các em ăn khuya rồi mới đi ngủ vào lúc 11 giờ 45 !

Để tăng thêm vẻ kỳ bí cho buổi lửa trại, trước giờ khai mạc, các huynh trưởng tập họp các em ở ngoài rừng và yêu cầu mọi người phải tháo khăn quàng để tự bịt mắt lại rồi mới dắt tay nhau đi vô phòng sinh hoạt. Vì chủ đề của trại hè 2014 là “Chúa Ba Ngôi” nên đã có âm hưởng sâu đậm trên nội dung của giờ lửa thiêng : Để chuẩn bị cho tiết mục của mình, mỗi đội đã nhận được một đoạn Kinh Thánh để có thể căn cứ theo đó mà soạn thảo các vở kịch, chọn các bài hát hoặc các điệu vũ mà đội mình muốn trình bày. Vì địa điểm trại hè tương đối gần trung tâm thành phố nên có khoảng 20 phụ huynh đến với các em tối hôm nay. Ai nấy đều thích thú với lối trình diễn tự nhiên đơn sơ của các em. Một trong những tiết mục được tiếp đón nồng nhiệt là vở kịch của đội Lucia, tường thuật câu chuyện xảy ra trong một ngôi thánh đường. Giữa lúc linh mục chủ tế đang chia sẻ Lời Chúa thì bị hai ba tên bất chợt xông vô khủng bố. Điều tuyệt vời là ngay trong cái giây phút thập tử nhất sinh như vậy mà cha sở cũng như các con chiên của ngài đã đủ bình tĩnh và ứng xử khôn khéo đến nỗi mấy tên này đã bị cảm hóa và còn trở lại đạo nữa !

Chương trình của ngày Chúa Nhật có tính cách tự do hơn. Sau khi ăn sáng các em cũng được tập họp để sinh hoạt ngoài trời. Không rõ thể lệ chơi ra sao, chỉ thấy một tấm bạt dầy thật lớn được trải ra trên một khoảng đất rộng và được xịt nước có pha thêm “morning fresh” cho thật ướt sũng và trơn trượt. Chốc chốc lại thấy một nhóm trại sinh tranh dành với nhau một vật gì trên đó. Thích thú nhất là các em nhỏ không ngừng nối tiếp nhau lấy đà rồi trườn người lao tới như đang trượt tuyết vậy…

DSC_1279

DSC_1311DSC_1302

DSC_1308DSC_1300

Vì hôm nay là ngày phải chuẩn bị để trả lại phòng ốc nên không có nấu nướng trong bếp và bữa ăn cuối cùng của 3 ngày trại là món “barbecue” đã đi vào truyền thống từ bao năm nay. Sau bữa ăn trưa các em bắt đầu thu dọn đồ đạc cá nhân, tháo gỡ lều trại và làm vệ sinh tổng quát . Công việc này, các em đã được cha Phạm Quang Hồng, Sr Lê Linh, anh Nguyễn Văn Hải và cô Phạm Thúy Vân, bắt tay vào việc để trợ giúp các em từ sáng rồi !

Thời gian qua mau. Thoáng chốc đã đến giờ chia tay. Hy vọng là qua những trò chơi, buổi lửa trại, những giờ sinh hoạt, cũng như những giây phút gần gũi với Chúa chung quanh Bàn Tiệc Thánh, các em thiếu nhi đã có cơ hội phát triển óc sáng tạo, nâng cao tinh thần đồng đội, phong phú hóa đời sống tâm linh của mình và nhất là biết cảm kích và nhớ ơn cha linh hướng, sister trợ úy, các anh chị huynh trưởng, các phụ huynh và tất cả những ân nhân khác đã giúp cho các em có được những ngày sống chung với nhau thật vui và để lại nhiều kỷ niệm đẹp.

 
Xem Tiếp Năm 2014