(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

NHẬT KÝ SINH HOẠT CỘNG ĐOÀN 2014

Nguyễn Đăng Quang phụ trách

LỄ GIỖ CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM (3/1/1901 – 2/11/1963)

Hôm thứ ba 4/11, chúng tôi đã được mời đến trung tâm mục vụ cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Số người hiện diện khá đông vì ngoài những gia đình công giáo, cả những thành viên trong cộng đồng người Việt, hội Cựu Quân Nhân và hội Cao niên Việt Nam tại Tây Úc cũng được mời.

Đây là sáng kiến của ông Phạm Ngọc Sơn, một người lâu nay vẫn chưa quên được vị tổng thống mà ông tôn kính và ngưỡng mộ. Hàng năm, cứ đến đầu tháng 11 là ông xin lễ cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Và mỗi lần như vậy, ông thường mời gọi bạn bè đến tham dự. Với thời gian, số người hưởng ứng càng ngày càng đông, cho đến năm nay thì cả những người không công giáo cũng có mặt trong nguyện đường.

Ong Pham Ngoc Son 4-11

Trong bài chia sẻ sau Phúc Âm, cha Phạm Quang Hồng đã cùng với cộng đoàn ôn lại tiểu sử của vị tổng thống đáng kính. Ông xuất thân từ một gia đình đạo đức, đã cống hiến cho Giáo Hội một trong 9 người con của mình. Đó là tổng giám mục Ngô Đình Thục. Người chủ của gia đình, cụ Ngô Đình Khả, là một con người bất khuất, đã không ngần ngại từ quan để phản đối việc chánh quyền đô hộ Pháp muốn truất phế minh quân của cụ là vua Thành Thái !

Le Gio TT Ngo Dinh Diem

Có thể nói rằng chính cái bối cảnh gia đình đó đã uốn nắn thành con người của tổng thống Diệm : chính trực, bất khuất, luôn tranh đấu cho vận mệnh của đất nước, nhưng đồng thời cũng biết tìm cho mình nguồn năng lực siêu nhiên bằng một đời sống cầu nguyện liên tục.

Cuộc đời của tổng thống Diệm là một chuỗi những quyết định đòi hỏi rất nhiều hy sinh và lòng quả cảm, có khi còn nguy hiểm đến cả tánh mạng nữa :

● Từ chối học bổng đi du học tại Balê và vì thế đã được mẹ khen là “đứa con thuần túy Việt Nam”.
● Quyết định sống độc thân cả đời sau khi người yêu, con gái của một vị giáo sư ở trường Hậu Bổ, Hà Nội nơi ông theo học, có ý định từ giã chốn trần tục để dâng mình cho Chúa.
● 1933. Mới nhậm chức “Thượng Thư Bộ Lại” – Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ – được 3 tháng thì đã từ chức vì đòi “quyền được lập pháp” nhưng bị người Pháp bác bỏ. Từ đó ông bắt đầu bị theo dõi, bao nhiêu bổng lộc bị thu hồi lại hết. 21 năm trời liên tiếp, ông sống âm thầm, dành nhiều thời gian để đọc sách và đặc biệt là để nguyện gẫm và vui thú điền viên.
● 1942. Tự thành lập một đảng phái với mục đích “Quang PhụcTổ Quốc Việt Nam” để rồi bị mật thám Pháp truy nã, phải trá hình thành một sỹ quan Nhật để trốn vào Sàigon.
● 1945. Bị Việt Minh bắt, rồi lại được Hồ Chí Minh mời cộng tác, nhưng đã từ chối vì “lính của mấy ông đã chôn sống anh tôi (Ngô Đình Khôi)!
● Tháng 8/1950. Trốn khỏi Việt Nam sau khi đã bị ám sát hụt trên đường từ Saigon đi Vĩnh Long để thăm người anh làm giám mục của mình. Trong thời gian ở ngoại quốc, ông đã đến La Mã yết kiến Đức Thánh Cha Piô XII, sang Mỹ gặp Hồng Y Spellman, bạn học cũ của tổng giám mục Ngô Đình Thục, rồi lui vào một chủng viện ở Bỉ và sống ở đó như một nhà tu hành vậy.
● 26/6/1954. Trở về với quê hương nhưng để thấy một đất nước đã bị chia thành hai mảnh !

Từ đây, trên cương vị của một tổng thống (26-10-1956), ông Ngô Đình Diệm đã dùng hết khả năng và quyền lực của mình để xây dựng và bảo vệ Miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, công việc xem ra không dễ dàng chút nào. Kẻ thù phương bắc thì luôn tìm cách gài người vào để phá hoại: Sự hình thành của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, những vụ tự thiêu, những cuộc biểu tình chống đối, những tin đồn vu khống vô căn cứ … là những thí dụ điển hình. Trong khi đó thì phía đồng minh lại tỏ ra hờ hững và đố kỵ. Chỉ cần một cành hoa đào được Hồ Chí Minh gởi vào dinh Gia Long cũng đủ để cho người Mỹ nghi ngờ thiện chí của ông rồi.

Cuối cùng thì điều gì phải đến cũng đã đến. Tổng thống Diệm đã bị một nhóm tướng sỹ phản bội, những người đã từng được ông tin tưởng cất nhắc, trong số đó có cả người con nuôi của ông ! Nhìn lại những biến cố đã xảy ra trong cái ngày định mệnh 2-11-1963, người ta thấy rằng dường như chúng có những nét tương đồng với những gì đã đến với Chúa Giêsu trong vườn cây dầu từ hai ngàn năm trước. Giống như Thầy chí thánh của mình, tổng thống Diệm quả thực đã bị xát tế.

Cha Hồng kết luận : Cũng như câu nói trong dân gian, tổng thống Diệm là “một người đã chôn mà chưa chết”. Hy vọng là trong thế hệ tương lai, cũng sẽ có những người yêu nước, biết hy sinh mạng sống cho đồng bào của mình, biết đứng lên đối đầu với cái ác, nhưng không lấy ác báo ác. Hiện nay, điều đáng lo ngại là sự vô cảm của giới trẻ Việt Nam, chỉ biết ăn nhậu và hưởng thụ. Và nếu không có gì thay đổi, thì e rằng mai này chúng ta sẽ không được về thăm quê hương nữa, vì quê hương chúng ta đã thành của người khác rồi !

CỘNG ĐOÀN CHÀO ĐÓN “NGƯỜI MỚI” (26-10-2014)

Sáng hôm nay, trước khi Thánh Lễ bắt đầu, người ta đã thấy một chiếc xe buýt chở học sinh lớn đậu ngay trong sân trước của trung tâm mục vụ. Đây là xe do Sr Lê Linh mượn của trường Mercy College trong 4 tuần lễ liên tiếp để chở các anh chị công giáo Việt Nam mới được Bộ Di Trú cho ra ngoài vào ngày 15/10.

trong san TTMVu 2-11

Được biết các anh chị là những người Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, thuộc vùng quản trị của giáo phận Vinh. Tuy không đi vượt biên cùng một chuyến với nhau, nhưng các anh chị cùng chung số phận là thoạt đầu đã bị giam ở Darwin, sau đó được chuyển sang đảo Manus, Papua New Guinea, rồi cuối cùng lại được đưa về trại Yongah Hill, thuộc thị trấn Northam, cách thành phố Perth chừng 95 cây số về hướng đông bắc.

Trong gần hai năm qua, cha Phạm Quang Hồng là người đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của các anh chị. Cứ hai tuần một lần, cha lái xe lên trại để cử hành Thánh Lễ, giải tội và thăm hỏi mọi người. Thật là tội nghiệp, vì nơi cử hành Thánh Lễ chỉ là một cái nhà chơi lộng gió, nên trong mùa đông có hôm cha đi Yongah Hill về bị khan tiếng nói không nên lời! Chắc là Cha đã phải chiến đấu với gió mưa dữ lắm trong khi chia sẻ Lời Chúa ?!

Trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật 2/11, anh Dương Minh Tấn đã đại diện cho cả nhóm để cám ơn các cha, các tu sỹ và cộng đoàn đã đón tiếp và giúp đỡ các anh chị về mọi mặt. Quả thật như vậy, vì khi nghe tin các anh chị đã được Bộ Di Trú cho ra ngoài, nhiều gia đình trong cộng đoàn đã liên lạc với Ban Thường Vụ để cho bàn, ghế, quần áo và đồ gia dụng … Cha quản nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh đang liên lạc với hội Vincent De Paul để nhờ giúp đỡ về vấn đề chuyên chở. Đặc biệt, trong 4 tuần lễ liên tiếp, anh Lâm Sơn sẽ chịu trách nhiệm đưa đón các anh chị nào còn ở trong khách sạn đến trung tâm mục vụ cộng đoàn để tham dự Thánh Lễ. Sau Thánh Lễ, mọi người được mời ở lại để dùng bữa và được Sr Lê Linh, chú Lê Minh, anh Nguyễn Đình Dương và anh chị Nghiêm Hằng hướng dẫn về một số vấn đề liên quan đến việc hội nhập vão xã hội Úc.

Thanh Le 2-11

Sau Thánh Lễ chiều 9/11, các anh chị ở lại dùng tiệc với ca đoàn Cecilia và giới trẻ. Cha Phạm Quang Hồng phụ trách phần sinh hoạt nhóm. Sau đó các anh chị học hỏi về cách sử dụng những phương tiện chuyên chở công cộng.

Về phần ẩm thực thì đã có một số chị em phụ nữ, giới trẻ, ca đoàn Cêcilia … chuẩn bị bánh mì thịt, đồ ăn mặn và cả các món ăn chơi nữa. Ngoài ra còn có các món ăn do cá nhân đài thọ như KFC của anh chị Thiện, bánh bao của anh chị Hòa-Mi, bánh mì của chị Khuy, cari gà mà anh chị Thảo Tèo đã có công mang từ thị trấn Rockingham lên để mọi người thưởng thức! Thật là ấm cúng như trong một đại gia đình vậy.

Ngoài những lần gặp gỡ sau Thánh Lễ, ngày 12/11, Sr Lê Linh còn tổ chức cho các bạn trẻ một buổi hành hương tại trung tâm Mary MacKillop, 16 York Street, South Perth. Những ai chưa bận rộn với khóa học tiếng Anh có thể tham dự, với điều kiện là phải tự túc về phương tiện di chuyển. Đây cũng là một dịp để mọi người làm quen với những tiện nghi công cộng. Phần chánh của buổi hành hương là giờ cầu nguyện, hát thánh ca và ôn lại tiểu sử của thánh Mary MacKillop. Anh chị Hoàng Viết Tự cung cấp bánh mì thịt cho bữa ăn trưa. Kế đó là giờ giải trí dưới bờ sông. Ở đây có lò “barbecue” để các bạn học cách sử dụng và có một khái niệm về lối giải trí của người Úc.

Nói về phần trợ giúp từ phía chánh quyền và những cơ quan từ thiện thì được biết là trong ngày 15/10, hơn một trăm người đã được Bộ Di Trú cho phép ra sống ngoài xã hội tại các tiểu bang khác nhau, trong đó có khoảng 85% là người công giáo. Riêng số người ra ở Perth là 58 người. Họ được chia thành 3 nhóm và cho cư trú tạm trong 3 khách sạn, trong khi chờ đợi hội Hồng Thập Tự giúp kiếm nhà cho họ. Hiện thời họ không phải trả tiền mướn nhà cũng như tiền điện, tiền nước và còn được trợ giúp về tài chánh nữa.

Riêng đối với các bạn trẻ đã đến với cộng đoàn trong những ngày qua, tuy đã được cho ra sống ngoài xã hội, nhưng vẫn chỉ là tạm trú mà thôi (bridging visa), và còn phải chờ quyết định của Bộ Di Trú mới biết rõ về số phận của mình. Như vậy có nghĩa là các bạn vẫn còn cần đến lời cầu nguyện của mọi người trong cộng đoàn. Tuy nhiên, được cho ra sống ngoài cộng đồng như vậy đã là một khúc ngoặc quan trọng trong tiến trình định cư rồi. Vẫn còn nhiều hy vọng …

TRUNG THU 2014

 a) Văn nghệ mừng Tết Nhi Đồng (7-9-2014). Đây là một tổ chức hàng năm của Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt dành cho các trường Việt Ngữ trong thành phố Perth. Năm nay các học sinh trường Anrê Dũng Lạc cũng được thầy Phạm Đức Khiêm và các phụ huynh hướng dẫn đi tham dự. Bé Shania và một nhóm nam sinh của trường đã đóng góp vô chương trình văn nghệ hai tiết mục “Solo” và “Hiphop” dances.

Thông thường  thì trong buổi văn nghệ, các trường Việt Ngữ được đề cử hai học sinh  xuất sắc nhất lớp để lãnh bằng danh dự và quà Trung Thu. Trường Việt Ngữ của cộng đoàn công giáo  gồm 18 lớp nên có 36 em đã được giới thiệu. Mọi người thán phục khi thấy hai nhóm các em lần lượt được mời lên đứng giăng kín cả chiều ngang của sân khấu. Món quà tuy không đáng giá bao nhiêu, nhưng đã làm cho các phụ huynh hiện diện trong hội trường thật hãnh diện vì con em của mình.

b) Hội chợ (13-9-2014). Vì cộng đoàn tổ chức bữa tiệc mừng ngày Hiền Phụ vào tối 7/9, nên buổi hội chợ Trung Thu được dời vào ngày Thứ Bảy kế tiếp. Vì thời tiết tốt nên  các gian hàng đã có thể được thiết lập cả trên hành lang và ở ngoài trời. Năm nay cũng có mướn  “Bouncing House” cho các em nhỏ vui chơi dưới sân cỏ và đặc biệt là gian hàng “Tranh Cát” được thiết lập cho các em ở cuối hội trường, với các vật liệu được thầy hiệu trưởng Phạm Đức Khiêm mang về từ quê nhà. Các em đã rất thích thú khi thấy mình thực hiện  được những bức tranh nhỏ với những màu sắc hài hòa và nổi bật.

Cũng theo thông lệ thì năm  nào cũng có thi đua làm lồng đèn và kết quả được công bố trong Thánh Lễ 6 giờ chiều . Sau khi được lãnh thưởng, tất cả những em có mang theo lồng đèn đều được mời gia nhập đoàn rước xuyên qua các lối đi trong hội trường. Năm nay cha Phạm Quang Hồng  đã chế biến lại bản nhạc quen thuộc của ngày Tết Nhi Đồng và mời các bác cao niên trong “Nhóm Sinh Hoạt Ngày Thứ Sáu” lên trình bày trong dịp này:

Tết Trung Thu má đòi đi tu

Ba ở nhà ba khóc lu bù …

Bà đi tu bỏ chồng bỏ cháu,

Còn tôi đây bán nhà bán xế

Tiêu hết tiền rồi cũng đi tu !

 Tet trung thu2014 061

Anh Đỗ Dũng, nhiếp ảnh gia của cộng đoàn, khi đến trung tâm mục vụ để giúp chụp hình lưu niệm, đã đưa ra nhận xét là “năm nay các em thiếu nhi đến tham dự hội chợ đông hơn mọi năm”. Đây là một điều đáng mừng  vì một khi các em còn trở về với cộng đoàn thì vẫn còn cơ hội để giúp các em duy trì được ngôn ngữ Mẹ và các phong tục tập quán của dân tộc …

 

NGHI THỨC TRAO BẰNG CHO CÁC GIẢNG VIÊN GIÁO LÝ (27-9-2014)

Sau phần rước lễ tối nay, Sr Lê Linh đã lên giới thiệu với cộng đoàn và nhờ cha chủ tế trao bằng  cho các giảng viên giáo lý sau đây:

  • Hai cô Nguyễn Nam Phương và Hồ Thi đã hoàn tất 10 tuần khóa giáo lý căn bản.
  • Các cô Nguyễn Minh Khôi, Trịnh Thị Phương Uyên, Phạm Thúy Vân và cá nhân Sister Lê Linh, đã  hoàn tất toàn bộ chương trình, bao gồm:

** 10 tuần khóa giáo lý căn bản,

** 4 tuần khóa giáo lý thần học,

** 4 tuần về Thánh Kinh trong lớp học

** Và gần đây nhất, 6 tuần khóa điều hành Lớp Giáo Lý  các Bí Tích.

Giang vien giao ly lanh bang

Bốn giảng viên vừa tốt nghiệp trên đây đã tham dự nghi thức “Sai Đi” của Tổng Giáo Phận Perth vào tối Thứ Tư 24/9. Và hôm nay, sự xuất hiện của họ trong Thánh Lễ đã làm nhiều người khâm phục trước tinh thần phục vụ đã thúc đẩy mỗi người âm thầm hy sinh thời giờ để tham dự các khóa học trong suốt hai năm vừa qua.

  • Ngoài ra, còn có các em La Dzung, Nguyễn Trâm, Nguyễn Cathy và Đồng Kim Ngân, cũng đã hoàn tất 10 tuần khóa Giáo Lý căn bản trong năm 2013.

Các giảng viên trên đây sẽ đảm nhận công việc giảng dạy  giáo lý cho đoàn thiếu nhi của cộng đoàn, và đặc biệt là hàng năm, chuẩn bị tâm hồn cho một số em xưng tội rước lễ lần đầu và lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Bắt đầu từ niên học 2014, các cô đã sử dụng chương trình giáo lý mới của Tổng Giáo Phận, mang tên “The Truth Sets You Free” (Sự Thật sẽ giải thoát bạn). Được biết, hiện nay Sr Lê Linh đang là Điều Hợp Viên các lớp giáo lý cùng với sự trợ giúp của cô Phụ Tá Điều Hành Trịnh Thị Phương Uyên.

Hy vọng với kinh nghiệm và những điều đã thu thập được trong các khóa học, các giảng viên giáo lý sẽ là những tác nhân đắc lực trong công việc giáo dục Đức Tin nơi các em nhỏ của cộng đoàn.

* Hôm nay cũng là Thứ Bảy cuối tháng, Thánh Lễ Giới Trẻ được cử hành song ngữ. Ca Đoàn Thiên Thần và Ban Nhạc Giới Trẻ đảm nhận phần thánh nhạc. Đại diện các em thiếu nhi đọc lời nguyện giáo dân và dâng bánh rượu. Nhóm thừa tác viên Giới Trẻ lãnh trách nhiệm cho cộng đoàn rước lễ.

Đây là một sáng kiến khá độc đáo của Ban Tuyên Úy. Các em thiếu nhi và các bạn trẻ chẳng những đã được qui tụ để học hỏi và vui chơi với nhau mỗi chiều Thứ Bảy, mà còn có cơ hội  góp phần của mình trong những sinh hoạt đa dạng của cộng đoàn nữa. Hy vọng sau này các em sẽ đứng ra gánh vác công việc chung, theo bước chân của các thế hệ cha anh sẽ nhường chỗ lại cho các em …

TIỆC MỪNG NGÀY HIỀN PHỤ (7-9-2014)

* Công việc chuẩn bị. Chúng tôi đến trung tâm cộng đoàn vào lúc 5 giờ 45. Khác với những lần tổ chức trước đây, năm nay không có ai đứng chờ ở các cửa ra vào hội trường để kiểm soát vé. Mỗi người chỉ cần rà số vé của mình trong danh sách được niêm yết tại các cửa ra vào là có thể dễ dàng tìm ra chỗ ngồi trong phòng tiệc.

FathersDay

Một điểm khác biệt nữa là chưa bao giờ cộng đoàn đi dự tiệc đông như vậy. Vì đoán được rằng số thực khách có thể lên đến hơn 800 người nên ban tiếp tân đã giải quyết vấn đề bằng cách chỉ sử dụng các bàn hình chữ nhật có thể được sắp gọn gàng ngay ngắn thành 13 dãy, mỗi dãy 7 bàn, mỗi bàn 10 ghế, trưng dụng hầu như toàn bộ diện tích của hội trường.

Ngoài ra, bữa tiệc năm nay xem chừng sẽ hấp dẫn vì chưa đến giờ khai mạc mà trên mỗi bàn đã thấy bày la liệt nào là bếp gas, lẩu nước lèo, nguyên liệu thập cẩm, bún, mì và rau sống đủ loại … Đó là chưa kể những dĩa hoành thánh chiên dòn mà ai nấy đều có thể nhâm nhi trong khi chờ đợi các bếp gas được khởi động. Ban ẩm thực quả là chịu chơi khi đã chọn món “lẩu” khá phức tạp cho buổi họp mặt tối nay.

BanAmThuc

6 giờ 30. Buổi tiệc khai mạc với lời chào mừng của chú Lê Minh, Trưởng Ban Thường Vụ và lời nguyện trước bữa ăn của cha phụ tá Phạm Quang Hồng. Cha Nguyễn Hoàng Dương và chị Ánh Tuyết đảm trách phần giới thiệu chương trình văn nghệ. Riêng cha Dương thì nghe đâu mới từ giã cộng đoàn để đi học tiếp bên Sydney chưa đầy hai tháng mà tối hôm nay đã lại có mặt trên sân khấu! Tình nghĩa giữa Cha và cộng đoàn quả thật là keo sơn hiếm có …

* Chương trình văn nghệ. Ca đoàn Thiên Thần mở đầu với liên khúc “Cầu Cho Cha Mẹ” của Phanxicô và “Mừng Ngày Của Cha” do linh mục Nguyễn Mộng Huỳnh sáng tác. Đây là ca đoàn mầm non của cộng đoàn mới được thành lập vào năm 2010 và đã đem vào một sắc thái rất tươi trẻ cho những sinh hoạt phụng vụ, đặc biệt là trong các Thánh Lễ cuối tháng của giới trẻ. Buổi văn nghệ được tiếp nối với các tiết mục do các cá nhân và đại diện các hội đoàn đóng góp. Về phía hàng tu sỹ thì ngoài giọng hát miền trung của sơ Huyền và tiếng ca mượt mà của cha Dương, còn có phần góp mặt của lực lượng hùng hậu trên dưới 35 linh mục và tu sỹ nam nữ đã trở về với cộng đoàn tối hôm nay.

Cảm tưởng chung của khán giả là các ca sỹ, vũ công và “kịch sỹ” đều đã hoàn tất phần vụ của mình cách rất thuần thục. Đêm nay, bé Shania nhót dữ quá, với những thao tác chẳng những chuyên nghiệp mà còn đầy thử thách nữa. “Giấc Mộng Viễn Du” do Như Ý trình bày thì dồn dập thôi thúc làm cho tay chân người nghe cũng phải tự động nhịp theo. Trong khi đó thì anh Hoàng và bé Tuyết Nhi lại chan chứa tình cảm khi trình bày hai nhạc phẩm cùng tựa đề là “Tình Cha” của Ngọc Sơn và Quốc Vượng. 15 chị em trong Hội Phụ Nữ đã được trang hoàng thật chau chuốt cho màn trình diễn “Áo Dài Ba Miền” và bước đi của các chị đã được dìu dắt bởi những lời ca nhẹ nhàng của 3 nhạc phẩm “Xin Đừng Trách Chim Đa Đa”, “Mưa Trên Phố Huế” và “Em Đi Chùa Hương” tiêu biểu cho ba miền Nam, Trung, Bắc. Ngược lại, khi 3 cô trong số những người mẫu trên đây thay đổi xiêm y để bắt nhịp ‘cha cha cha’ của nhạc phẩm “Xin Cho Anh Yêu” thì nét dịu dàng tha thướt của các cô đã hoàn toàn được thay thế bằng những thao tác gây sóng gió trong hội trường. Đây cũng là trường hợp của mấy em nam sinh trường Việt Ngữ trong màn kích động “Hiphop Dance” và của năm cô đại diện ca đoàn Têrêsa trong vũ khúc “Bà Rằng Bà Rí” với bốn câu hò mở đầu khá dí dỏm:

ThoiTrang

“Bồng bồng cõng chồng đi chơi,

                        Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.

                        Anh có thương cho tôi mượn chiếc gầu sòng,

                        Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên…”

Tiết mục dài nhất của chương trình là vở “Kịch Về Người Cha” của các em Thiếu Nhi, hơi đượm nét “bụi đời” và rất ồn ào nhưng kết thúc có hậu.

* Ra mắt CD của Linh Mục Quản Nhiệm. Chương trình văn nghệ còn bao gồm ba nhạc phẩm “Lời Kinh Đầu Ngày”, “Hãy Vui Lên” và “Nâng Hồn Lên Tới Chúa” lần lượt được trình bày bởi Phương Thảo (ca đoàn Cêcilia), Thanh Thúy & Hoàng Khánh (ca đoàn Thánh Linh) và Như Ý (ca đoàn Têrêsa). Đây là những bản nhạc được trích từ CD mới nhất mà linh mục Mộng Huỳnh cho ra mắt với cộng đoàn đêm nay. Riêng ca khúc “Nâng Hồn Lên Tới Chúa” đã được chọn làm chủ đề cho CD. Tác phẩm này có lối hòa âm phảng phất cung điệu của giòng nhạc xứ Phù Tang làm cho người nghe có thể mường tượng đến vẻ đẹp thơ mộng của những vườn anh đào trong mùa hoa nở rộ …

Những ca khúc chứa đựng trong CD có thể được coi như là kết quả của những cảm súc mà người nghệ sỹ đã trải nghiệm trong khi gần gũi với Chúa qua Thánh Kinh và trong đời sống cầu nguyện. Khi “Nâng tâm hồn lên tới Chúa”, vị linh mục đã suy niệm về sự huyền diệu và quyền năng của Ngài được biểu lộ qua công trình sáng tạo : “Ai dò cho thấu Đấng dựng nên cát biển sao trời? Ai dò cho thấu Đấng dựng nên vạn vật muôn nơi?”. Nhưng đôi khi ngài cũng nhìn xuống “Để thấy cuộc đời mong manh, để thấy phận người lênh đênh, và để thấy phận mình cũng chông chênh”. Rốt cuộc thì điểm tựa duy nhất của con người vẫn là tình thương vô biên của Chúa. Tác giả xác tín về điều đó, nên “Từ buổi sớm tinh sương” đã biết “xin cho con nghiệm thấy tình thương của Ngài”; “Xin cho ngày hôm nay, một ngày ở trong Chúa. Xin cho ngày hôm nay, một ngày đầy bình an”. Và để đáp lại tình thương đó, người nhạc sỹ mơ ước “là cây viết chì nhỏ trong bàn tay của Chúa, để Chúa vẽ khung trời bình yên cho những nơi hoang tàn chinh chiến, để Chúa viết những lời yêu thương trên những trang đời sống vô thường…”. Điều đáng quí là trong nguồn cảm hứng của vị linh mục, một vị trí đặc biệt vẫn được dành cho Mẹ Maria. Ngài đến với Mẹ, không phải là để cầu xin cho chính bản thân mình, nhưng là cho “bao người đang trông ngóng chờ Mẹ”, cho “đoàn con lữ thứ lạc loài giữa giòng đời lênh đênh”, và cho “Việt Nam thân yêu được biết Tin Mừng : Chúa là Đấng yêu thương…” Nhạc khúc cuối cùng của CD là lời mời gọi HÃY VUI LUÔN : “Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Hãy vui luôn vì Chúa đã đến gần …” Niềm vui đó chính là hoa trái của tình yêu và lòng tín thác, lòng tín thác của một tâm hồn đã có “Chúa Là Nơi Đi Về”, đã có “Chúa là nơi hẹn thề để lòng hoài say mê …”

 

* Kết quả gây quĩ cho dự án xây dựng nhà xứ. Sau tiết mục “Lý Mười Hương” do Sr Huyền trình bày, anh Nguyễn Hiệp đã lên chia sẻ với cộng đoàn một số thông tin liên quan đến tiến trình xây dựng nhà xứ. Cho đến bây giờ thì công việc chuẩn bị hạ tầng cơ sở đã hoàn tất và dự án đã chuyển sang giai đoạn 2 và đang được xúc tiến đều đặn. Theo dự tính thì nếu không có gì trở ngại, nhà xứ sẽ được khánh thành vào tháng 2/2016.

Về mặt tài chánh thì được biết hiện thời cộng đoàn đã có được khoảng một triệu Úc kim; tức là còn thiếu khoảng một triệu tám mới đủ để trang trải cho những khoản chi cho cả dự án tổng cộng lên đến $2,799 464.00. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc mua trung tâm mục vụ vừa qua, đã có hy vọng rằng cho dù tạm thời có phải vay thêm tiền đi nữa thì các gia đình trong cộng đoàn cũng sẽ hợp sức với nhau – bằng cách cho cộng đoàn vay không ăn lời – để giúp thanh toán khoản nợ đó trong một thời gian ngắn nhất.

Kết quả đạt được trong đêm văn nghệ gây quĩ đã cho phép mọi người có được sự lạc quan trên đây : Vì thực phẩm được chuẩn bị cho bữa tiệc quá dồi dào và còn phải mua lò gas và dụng cụ nhà bếp, nên tiền lời trên vé vô cửa chỉ được $14 500.00; trong khi đó thì số tiền dâng tặng ngay trong bữa tiệc đã lên đến 35 ngàn ! Đó là chưa kể đến $72,496.00 là số tiền mà một số gia đình dâng tặng riêng theo giá hiện vật được nêu trong bảng “Chi phí dự trù” như : Ban công ($10,000.00), Khu lưu trữ tro cốt ($40,000.00), tủ và mặt bàn bếp của tầng trệt nhà xứ ($19,496.00), cửa chính ($3,000.00). Riêng cha Quản Nhiệm cũng trao cho Ban Tài Chánh tất cả số tiền bán CD là $1,640.00. Như vậy, chỉ một đêm văn nghệ có tính cách “cây nhà lá vườn” cũng đã thu được $123,636.00 !

Sở dĩ ngày 7/9/ 2014 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người là vì ai nấy đều cảm thấy được hài lòng : Hài lòng về phương cách tổ chức, hài lòng về thực phẩm, hài lòng về chương trình văn nghệ trong đó phần âm thanh ánh sáng đã đóng một vai trò rất quan trọng. Với cái đà này, chăc chắn chúng ta sẽ còn có dịp gặp gỡ nhau đều đều trong những ngày Hiền Mẫu và Hiền Phụ kế tiếp …

THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN XÂY DỰNG NHÀ XỨ (7-2014)

Trong tờ TIN YÊU Chúa Nhật 6/7/2014, Cộng Đoàn đã được thông báo : “Công trình xây dựng nhà xứ do công ty Danmar Homes đấu thầu và thi công đã chánh thức khởi công từ đầu tháng 7/2014 và dự trù sẽ khánh thành vào tháng 12/2015”. Đây là một tin vui cho thấy phần chuẩn bị hạ tầng cơ sở đã hoàn tất và dự án đang bước sang giai đoạn 2.

Nha Xu

Trước Lễ Phục Sinh, người ta thấy rất nhiều nơi trong khuôn viên trung tâm mục vụ đã được đào xới theo một sơ đồ khá phức tạp : Chạy dọc bên hông đường xe chạy ra cổng sau là hệ thống điện, nước, gas và điện thoại. Ngay trên đường tráng nhựa dẫn ra cổng trước là hệ thống dây cáp cung cấp điện cho lộ trình Rước Kiệu và các Chặng Đàng Thánh Giá trong tương lai. Chạy bọc theo hàng rào sắt bao quanh sân cỏ là hệ thống điện và ống cống.

Chính công việc thiết lập và NỐI KẾT đường ống cống từ nhà xứ tới ống chánh của thành phố là vấn đề đã tạo biết bao khó khăn cho cả nhà thầu Gilbert Contracting Pty Ltd và Ban Xây Cất của Cộng Đoàn : Theo kế hoạch ban đầu thì điểm nối kết sẽ nằm về phía đường Victoria, nhưng khi bắt tay vào việc thì mới phát hiện ra rằng nếu chọn vị trí này sẽ không đủ độ dốc cho một đường ống dài đến 182 thước ! Thế là mọi công việc phải đình chỉ lại để xin cơ quan cung cấp nước Water Corp cho phép thay đổi điểm nối kết sang phía đường Wanneroo. Tuy vậy, khó khăn vẫn chưa ngừng ở đây, lý do là vì càng đào sâu thì đất lở càng nhiều, đưa đến nguy cơ gây thiệt hại cho đường xe chạy, cho bãi đậu xe và cho cả tường rào ở khúc cuối trung tâm! Vấn đề chỉ được giải quyết khi cộng đoàn phải tốn thêm khoảng 10 ngàn Úc kim cho nhà thầu để khoan ngầm thay vì tiếp tục đào như đã dự tính! Cái hố sâu đã ngăn cản xe cộ qua lại trong suốt thời gian dài trước lễ Phục sinh là bằng chứng của sự trục trặc kỹ thuật trên đây… Thật là vất vả cho các thành viên trong Ban Thường Vụ cũng như Ban Xây Cất , đặc biệt là anh Nguyễn Hiệp, người đã phải đóng vai trò “con thoi” giữa các thành phần liên hệ để giải quyết vấn đề.

Cho đến bây giờ thì khó khăn cũng đã vượt qua và giai đoạn 2 của dự án đang được xúc tiến : Cha Quản Nhiệm đã ký giao kèo với công ty xây cất vào ngày 27-4-2014. Nền móng đã được đổ vào đầu tháng 7 và đến thượng tuần tháng 8 thì thợ xây đã bắt đầu làm việc … Hy vọng mọi chuyện sẽ êm xuôi và nhà xứ sẽ được khánh thành đúng hạn kỳ như đã dự trù.

ĐẠI HỘI PHỤ NỮ (26 & 27-7-2014)

Đây là kỳ đại hội thứ 16, với chủ đề “Hướng Về Gia Đình”. Trong số những công việc chuẩn bị thông thường cho hai ngày đại hội, vấn đề ẩm thực vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ban tổ chức. Năm nay, để cho tất cả mọi người hiện diện đều có thể tham dự các buổi thuyết giảng và sinh hoạt tập thể, đồ ăn đã được nấu sẵn, vô hộp và giữ ấm, để có thể phân phối mau lẹ ngay trong giờ ăn và không cần phải tốn công dọn bàn và rửa chén như những năm trước.

Hinh tong quat

Thuyết giảng viên cho tối Thứ Bảy là cha Phạm Quang Hồng. Theo cha thì đã là con người, ai cũng đi tìm hạnh phúc. Thực ra, hạnh phúc không phải là mục đích, mà là cái gì đi theo sau, là hậu quả, là PHẦN THƯỞNG nội tâm, sự bình an và thỏa mãn sau khi con người biết chấp nhận hoàn cảnh, biết làm điều tốt, biết gieo hạnh phúc chung quanh mình.

Và gia đình chính là nơi thể hiện hạnh phúc. Trong tiếng Anh, đôi vợ chồng son chỉ được gọi là một cặp vợ chồng (couple) và chỉ trở thành một gia đình (family) khi họ có con cái mà thôi. Đó là hình ảnh của mối tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Và hạnh phúc sẽ đến khi cha mẹ biết hy sinh cho con mình, quan tâm đến sức khỏe của chúng, nhất là biết dành thời gian để cùng ăn, cùng giải trí với chúng. Đây cũng là phương cách để củng cố tình cảm và niềm tin giữa con cái và cha mẹ.

Nên cảnh giác, TÍNH NÓNG là điều phá hoại hạnh phúc gia đình nhiều nhất. Cha Hồng kể một mẩu chuyện trong đời sống của thánh Dom Bosco, người đã không ngừng viết thư trong suốt 11 năm trời để kêu gọi một đồ đệ trở về. Chẳng những thư luôn bị trả lại mà còn kèm theo những lời chỉ trích nặng nề. Lúc đầu cha Bosco rất bực mình khi bị chỉ trích như vậy, nhưng ngài đã tập giải tỏa cơn giận của mình bằng cách nhét những lá thư đó dưới chân tượng Đức Mẹ và chỉ lấy ra đọc khi thấy tâm hồn đã bình thản lại mà thôi. Cuối cùng thì người học trò đó cũng đã trở lại, và sau khi cha Bosco qua đời, còn lên thay thế ngài để giữ chức linh mục tổng quyền nữa.

Đối với chúng ta cũng vậy, nếu muốn làm chủ được mình, cũng phải tập dừng lại, tập trì hoãn mỗi khi bị thôi thúc làm một điều gì đó để thỏa mãn tính tò mò, lòng đam mê, hoặc một súc cảm khoái lạc… Nhận được một lá thư mà không mở ra xem ngay, ghiền chơi “game” mà làm bếp xong mới chơi v.v. là những thí dụ cụ thể nói lên nỗ lực rèn luyện ý chí của mình.

Xen kẽ với phần thuyết giảng là những giây phút giải trí. Kỳ này, ghế trong phòng họp được sắp thành 4 nhóm hướng về phía bục giảng để các tham dự viên cũng tự động được chia làm 4 đội để thi đua với nhau, không phải trong những trò chơi có tính cách thể lý, nhưng là thi đua “sáng tác nhạc” ! Cha đã giới thiệu 3 phiên khúc do cha sáng tác, vừa tả cảnh, tả người mà còn là một lời cầu nguyện nữa :

Trên dòng sông, sánh vai nhau, thiên nga đùa trên sóng…
Con đường xa anh vẫn thấy gần, cho đôi lứa chúng mình …
Vì con luôn biết Chúa yêu con, với tình yêu sắt son,
Nguyện đời con mãi mãi trung trinh, hương đời luôn thắm xinh …

Tối hôm nay cha dạy cho bà con thuộc lòng cung điệu của bài hát rồi dặn mọi người đêm về sáng tác thêm những phiên khúc mới cho giờ sinh hoạt chiều hôm sau.

* Bài thuyết giảng sáng Chúa Nhật do cha Nguyễn Hoàng Dương đảm trách. Trước hết, cha đã cùng với cử tọa ôn lại định nghĩa của hai chữ “gia đình” : Đây cũng là một ƠN GỌI, ngang hàng với ơn gọi tu trì, trong đó các thành viên cũng có thể thánh hóa bản thân giống như trong đời sống tận hiến vậy. Theo tông huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, gia đình là một “cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu, trong đó các thành viên được gắn kết với nhau bằng mối dây yêu thương”.

Tuy nhiên, nhìn vào nhiều gia đình hôm nay người ta không tìm đâu ra được sự ‘gắn kết’ đó : cha mẹ bê bối, con cái bị bỏ rơi, không có chia sẻ, không gánh vác, chỉ có chiến tranh lạnh hoặc gây gổ bạo hành. Có người đã phải thốt lên : “Gia đình con giống như một địa ngục!”.

Nguyên nhân chính của tình trạng bi đát này là vì những thành viên trong các gia đình đó không chấp nhận được sự KHÁC BIỆT trong lối sống và sở thích của nhau. Vở kịch “Hoài Cổ” mà Sr Lê Linh cho chiểu lại đã nêu ra những mâu thuẫn nhiều khi thật nhỏ nhặt nhưng cũng đủ để cho hai vợ chồng ‘Hoài Linh’ và ‘Thúy Nga’ không ngớt xào xáo và chỉ trích lẫn nhau. Ông thích quạt tay nhưng bà lại thích quạt máy. Ông thích khăn đóng áo dài thì bà chỉ muốn ăn mặc “phây sần”. Ông uống nước trà thì bà ca tụng nước yến. Nói tóm lại, cả hai người đều chỉ thấy được những cái xấu của nhau mà thôi.

Lối thoát duy nhất cho vấn đề bế tắc trên đây là mỗi cá nhân trong gia đình phải TẬP thay đổi quan niệm sống để có thể chấp nhận, tin tưởng và hy sinh cho nhau hơn. Cha Dương đặt câu hỏi : Tại sao mình không thể sống quảng đại hơn, vui vẻ hơn, biết chia sẻ thân tình hơn, thay vì khăng khăng bảo vệ lẽ phải của mình cho tới cùng ?

Riêng trường hợp cha mẹ gặp khó khăn với con cái thì điều duy nhất mà họ có thể làm là kiên nhẫn và cầu nguyện. Chàng thanh niên tên Tâm trong câu chuyện mà mọi người được nghe lại, đã hoàn toàn bị khắc phục khi bàng hoàng khám phá ra rằng trong suốt 17 năm trời anh đi hoang vào những ngày cuối tuần, cha mẹ anh không đêm nào mà không dọn sẵn cho anh một món ăn và tựa cửa chờ đợi anh trở về !

Thay vì xen kẽ các trò chơi trong bài thuyết giảng của mình, cha Dương dành thời gian để các chị em có dịp chia sẻ những kinh nghiệm trong đời sống làm vợ và làm mẹ của mình. Nhờ có những giây phút trải lòng và tâm sự như vậy mà mọi người đã được nghe kể lại những khó khăn của một số chị em trong việc nuôi nấng và dạy dỗ con em mình trong giai đoạn mới đặt chân lên đất Úc, những băn khoăn lo lắng khi đêm đêm phải nằm chờ những đứa con đến tuổi dậy thì đi chơi không biết đường về, nhất là trường hợp của một gia đình sau khi đã đổ vỡ mà khi “cô ấy” đến thì người vợ vẫn giang rộng vòng tay để đón tiếp… Và “Bây giờ, hàng tuần, ‘ông xã’ vẫn về ăn cơm với các cháu; ‘cô ấy’ vẫn về ăn cơm, vẫn coi như một người bạn …” . Thật là đẹp và hạnh phúc biết bao !

Trước giờ bế mạc, cha Hồng đã làm mọi người sửng sốt khi tuyên bố một tin giật gân : “Tôi đại diện cho Ban Chấp hành để nói đại hội này là đại hội cuối cùng. Lý do là vì không ai đứng ra lãnh nhận trách nhiệm, mà mấy gương mặt đó hy sinh gánh vác hoài thì hôm nay các bà đồng loạt từ chức !” Điều hy hữu là chính lời tuyên bố bất hủ đó đã làm cho các tham dự viên ý thức được tầm quan trọng của vấn đề và đã có đến 9 chị em xung phong đứng ra gánh vác công việc chung. Hơn nữa, vì được truyền năng lực bởi kết quả của cuộc bầu cử chớp nhoáng vừa xảy ra, không một ai trong ban chấp hành cũ đã xin từ chức, nâng số thành viên Ban Chấp Hành nhiệm kỳ 2014-2016 lên đến con số đáng kể là 21 người ! Đại Hội Phụ Nữ Kỳ này quả thực đã thành công vượt quá sự mong đợi của mọi người.

Phụ chú: a) Ban chấp hành nhiệm kỳ 2012-2014 : Hội trưởng : Nguyễn Mộng Huyền, Hội phó : Trần Bạch Mai, Thư ký : Nguyễn Thu Hương &
Nguyễn Thị Kim Hòa, Thủ quỹ : Đặng Thị Hải, Phụng vụ : Nguyễn Thị Phương Linh & Đinh Thị Thu Hương, Ẩm thực : Hoàng Thị Bích,
Nguyễn Thị Thanh Trúc & Đoàn Thị Ngọc Trâm, Tiếp tân : Đỗ Thị Ngọc Nhung, Cố vấn : Nguyễn Thị Khánh Vân.
b) Ứng viên Ban Chấp Hành 2014-2016 : Nguyễn Thị Ngọc Dzung, Đỗ Thị Cẩm Hồng, Nguyễn Thị Kim Huyền, Trần Thị Minh Hương,
Trần Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Luyến, Nguyễn Thị Ngọc Sương, Nguyễn Thị Nhựt Thanh và Đỗ Thị Thu Thủy.

CỘNG ĐOÀN TỪ GIÃ CHA ĐÔMINICÔ NGUYỄN HOÀNG DƯƠNG (26-7-2014).

Sau mấy năm đèn sách, ngày hôm qua, 25-7, cha Dương đã tốt nghiệp Cử Nhân Thần Học tại đại học Notre Dame. Tối hôm nay, cha đến đồng tế trong Thánh Lễ cuối tuần để từ biệt cộng đoàn trước khi sang Sydney để bắt đầu một giai đoạn mới trên con đường học vấn. Trong suốt 3 năm qua, cha Dương là người đã sát cánh với cộng đoàn hầu như trong mọi sinh hoạt : Giải tội, giảng tĩnh tâm, làm MC và đóng góp giọng ca của mình trong các chương trình văn nghệ. Một cách riêng, phải công nhận rằng cha là người đã luôn đồng hành với ca đoàn tổng hợp để truyền cho các ca viên nguồn cảm hứng và những kỹ năng giúp họ chu tròn trách nhiệm của mình về phần Thánh Nhạc, đặc biệt trong những ngày đại lễ.

LetambietChaDuong9comp

Khi nói lời từ biệt với cộng đoàn, cha Dương đã so sánh đời sống linh mục của mình như là một CHUYẾN ĐI. Và trong mỗi chuyến đi như vậy, người lữ khách luôn mang theo biết bao luyến nhớ, biết bao ngậm ngùi, nhất là sau khi đã quen thân với môi trường cũ, đã được đón nhận và chăm sóc với tất cả tấm chân tình của những người mà mình sẽ phải giã biệt. Cha nghẹn ngào chia sẻ với mọi người : “Ngày hôm qua, vào giờ này, con tốt nghiệp đại học … Nhưng mà cái niềm vui đó, trong lúc con đang cố gắng để tận hưởng thì chiều hôm nay…5 giờ chiều, con nhận tin chị ruột của con ở Việt Nam mới qua đời !”

Cộng đoàn chúng con xin thành kính chia buồn cùng Cha và sẽ cầu nguyện cho Cha được thêm sức mạnh để luôn sẵn sàng tuân theo Thánh Ý Chúa.

ĐÊM TUỔI THƠ NGUYỆN CA VỚI NHẠC SỸ ANDREW CHINN (5-7-2014).

Đây là lần thứ hai nhạc sỹ Andrew Chinn đến với các em nhỏ trong cộng đoàn. Tuy chương trình bắt đầu vào lúc 7 giờ 30, sau Thánh Lễ tối Thứ Bảy, nhưng ông Andrew đã có mặt tại hội trường trước 3 giờ chiều để có thể lần lượt tập luyện cho các em trong các ngành Tuổi Thơ, Ấu, Thiếu và Nghĩa.

DemtuoithoNguyenCa2014 037

Đặc biệt năm nay có sự góp mặt cách chánh thức của Ban Nhạc Giới Trẻ và Ca Đoàn Thiên Thần. Sr Lê Linh đã phối hợp với nhạc sỹ Chinn để in toàn bộ các bản thánh ca của chương trình cho các “ca viên” xử dụng. Trong suốt thời gian 1 giờ 15 phút của chương trình, các em đã túc trực trên gian cung thánh, để đồng ca với nhạc sỹ Chinn và đặc biệt là trình bày riêng 3 nhạc phẩm bằng tiếng Việt, trong đó có hai bản do cha Nguyễn Mộng Huỳnh sáng tác cho các ngày Hiền Phụ và Hiền Mẫu : “Mừng Ngày Của Cha” và “Ngày Của Mẹ”.

Riêng Ban Nhạc Giới Trẻ thì đã được chú Lê Hoàng xếp chỗ cho ngay trước gian cung thánh. Sr Lê Linh tiết lộ, vì ban ngày phải đi làm, nên chú Hoàng đã dành 3 buổi tối liên tiếp để chuẩn bị giàn âm thanh ánh sáng cho buổi trình diễn đêm nay. Còn anh Thức thì có trách nhiệm phải tập luyện làm sao cho các em có thể hát thật nhuần nhuyễn trước ngày nhập cuộc.

DemtuoithoNguyenCa2014 060

Phải công nhận rằng, chính những chuẩn bị chu đáo trên đây đã góp phần tạo bầu không khí vừa vui nhộn vừa trang nghiêm cho giờ nguyện ca. Toàn bộ chương trình có thể coi như là một lời MỜI GỌI :

Chúng ta hãy đến, muôn người như một, để tôn vinh danh Chúa.
Ngài đã dựng nên núi non biển cả, vũ trụ bao la,
Muôn loài muôn vật, cho bạn và cho tôi.
Xin dâng lên Ngài, con tim rộng mở, đôi tay để phục vụ, và tiếng hát để ngợi khen.
Xin Ngài ngự mãi, trong trí trong tim, trong mọi hành động, và lời nói của ta.
Xin Ngài giúp ta luôn sống khó nghèo, trong sạch, hiền lành và công chính,
Sẵn sàng chịu đau khổ, sỷ nhục vì Nước Trời.
Biết đem an bình, tin yêu và hạnh phúc đến cho mọi người …

Nhìn ông Andrew Chinn và các em trình diễn, người ta thấy rằng dường như các em đã hoàn toàn bị lôi cuốn bởi người nhạc sỹ đa tài. Tùy theo mầu sắc khăn quàng cổ của mỗi ngành, các em đã lần lượt được ông mời lên để cùng hát với ông và cố gắng theo cho kịp những thao tác thật nhịp nhàng và đôi khi còn đượm nét dí dỏm đầy kịch tính của ông nữa. Các em đã ca hát hết mình, không màng sai trật, với tất cả sự hăng say và hồn nhiên của tuổi thơ.

Góp phần quan trọng cho buổi nguyện ca đêm nay là sự hiện diện đông đủ của các phụ huynh đã ở lại sau Thánh Lễ để nâng đỡ tinh thần cho con em của mình. Trước khi chương trình bắt đầu, mọi người có 30 phút để ra hành lang hoặc xuống hầm “carpark” mua đồ ăn tại các gian hàng của trường Việt Ngữ. Thật là không thiếu một thứ gì : Ngoài các món mặn như cơm tấm sườn chả, bún nem nướng, bánh cuốn chả lụa, bánh mì thịt, chả chiên, bánh patêsô, cánh gà chiên, khoai tây chiên, sôi mặn, sôi bắp, sôi màu …. Còn có đủ các món ăn chơi như, bánh choux, bánh bò nướng, bánh da lợn, bánh phu thê, bánh pandan, sương sa … Tất cả đều đã được bán hết ngay trong đêm diễn nguyện.

Không kể $400 do các mạnh thường quân ủng hộ, tổng số thu đã lên đến $11,153. Tuy chưa tổng kết được phần chi, nhưng chắc chắn tiền lời sẽ đủ để mua máy photocopier cho trường Việt Ngữ như đã dự định. Thầy hiệu trưởng Phạm Đức Khiêm muốn gởi lời cám ơn chân thành đến toàn thể cộng đoàn đã ủng hộ, các vị ân nhân đã trợ giúp bằng hiện kim hoặc thực phẩm, các anh chị trong Hội Phụ Huynh Học Sinh, các thầy cô và các tình nguyện viên đã hy sinh thời giờ để chuẩn bị và bán thực phẩm.

Sr Lê Linh cũng muốn cám ơn anh Lê Hoàng, chuyên viên âm thanh ánh sáng, anh Thức, nhạc trưởng Ban Nhạc Giới Trẻ, Anh Đỗ Dũng và các anh trong Ban Truyền Thông đã chụp hình và quay phim để lưu lại những hình ảnh của Đêm Tuổi Thơ, đặc biệt là quí phụ huynh đã hy sinh rất nhiều thì giờ để giúp phương tiện di chuyển và còn đồng hành với con em của mình trong suốt những buổi tập dượt lâu giờ hầu đem lại kết quả tốt đẹp cho chương trình. Đây là một dịp để các em nhỏ trong cộng đoàn phát triển những năng khiếu bẩm sinh và diễn tả những tâm tình của mình qua nghệ thuật. Thật là một diễm phúc đối với các em khi được lớn lên và giáo dục trong một quốc gia tự do như nước Úc này.

Phụ chú : Danh sách Ban Nhạc Giới Trẻ : Thức Hoàng, Matthew Lê, Tuấn Nguyễn, Bảo Lê, Danny Lê, John Lê, Jordan Nguyễn, và Lisa Lê.

25 EM RƯỚC CHÚA LẦN ĐẦU (21-6-2014)

Lớp giáo lý xưng tội và rước lễ lần đầu đã khai giảng ngay từ đầu niên học và do cô Nguyễn Minh Khôi phụ trách. Để tiện việc đưa rước con em của các phụ huynh, lớp học giáo lý được tổ chức ngay trong giờ sinh hoạt chiều Thứ Bảy của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Tuy nhiên, với quan niệm gia đình là khởi điểm trong tiến trình giáo dục Đức Tin nơi con trẻ, vào buổi tối ngày 12-4-2014, Sr Lê Linh và cô Khôi đã đặc biệt mời các phụ huynh đến một lần để “cùng cầu nguyện, cùng học và cùng ăn uống” chung với con em của mình. Đây là một gợi ý để mỗi gia đình có thể tiếp nối công việc giảng dạy đang được thực hiện tại trung tâm mục vụ cộng đoàn.

Hinh Ruoc Le lan dau 2014

Sự cộng tác của phụ huynh được thể hiện rõ nét hơn nhân dịp các em lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải vào ngày 18-6-2014. Các em đã được đề nghị đi xưng tội cùng với gia đình của mình, để mọi người cũng được linh mục ban phép lành sau khi các em xưng tội. Kế đó, phụ huynh sẽ lấy lửa từ Cây Nến Phục Sinh rồi cùng với con mình thắp sáng một trong những cây nến đã được chuẩn bị sẵn trên chiếc bàn kê gần chỗ cha ngồi giải tội. Mỗi cây nến được thắp sáng là một tâm hồn đã được thấm nhuần bằng chính lửa tình yêu của Chúa.

Cuối cùng thì ngày trọng đại đã đến với các em vào tối Thứ Bảy Vọng Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa. 25 chiếc ghế rời đã được chuẩn bị riêng cho các em dọc theo lối giữa dẫn lên gian cung thánh. Vì hôm nay cũng là Lễ Bổn Mạng của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể nên Ca Đoàn Thiên Thần đã đảm nhiệm phần thánh nhạc. Với lối trình bày đơn sơ, hăng hái, không mầu mè của tuổi thơ, giọng hát của các em đã tạo được bầu không khí hồn nhiên và tươi trẻ rất thích hợp với ngày hội ngộ giữa “Người Anh Cả” Giêsu với những đứa em còn ngây thơ trong trắng của Ngài.

Sau phần Rước Lễ và phát giấy chứng nhận, đại diện các em đã lên cám ơn và dâng quà kỷ niệm cho cha quản nhiệm, cha phụ tá, Sr Lê Linh và cô Nguyễn Minh Khôi, là những người đã giúp các em chuẩn bị hành trang để bước vào một giai đoạn mới trong đời sống Kitô hữu. Các em cũng không quên công ơn của các phụ huynh đã đồng hành với các em trong suốt khóa học giáo lý. Hy vọng đời sống tâm linh của các em sẽ tiếp tục được hỗ trợ và tăng trưởng ngay trong gia đình của mình.
NHÓM SINH HOẠT NGÀY THỨ SÁU ĐI WILLETTON (13-6-2014).

Xe chở phái đoàn chúng tôi dời Mitchell Freeway ở lối ra South Street. Nhà thờ Sts John & Paul ở cách đó không xa, ngay góc đường Pinetree Gully Road và Wainwright Close. Đến nơi, chúng tôi thấy Cha Vũ Thái đã đứng chờ sẵn ngay trước sân nhà thờ. Cha là một vị linh mục trẻ đã được thụ phong vào năm 2004. Trước khi được chuyển đến Willetton, cha đã phục vụ tại Chủng Viện St Charles và giáo xứ Saint Thomas More, Bateman. Ngoài ra, có một thời cha đã từng đặc trách về Ơn Thiên Triệu trong tổng giáo phận Perth.

Hinh di Willetton

Sau khi chụp hình lưu niệm ngoài trời, Cha dẫn chúng tôi vô phòng tiếp tân trong đó các bác cao niên và một số thiện nguyện viên đã có mặt để cùng chúng tôi dùng trà trước khi tham dự Thánh Lễ vào lúc 12 giờ trưa. Được biết nhóm cao niên của giáo xứ Willetton đã được thành lập hơn 18 năm nay. Hiện thời các bác được chăm sóc bởi khoảng 35 thiện nguyện viên. Họ được phân chia thành nhiều tiểu nhóm để có thể phục vụ cách thoải mái theo một thời khóa biểu đã được soạn thảo chiếu theo hoàn cảnh của mỗi người.

Cha Thái cho hay giáo xứ có 30 hội đoàn và phong trào công giáo tiến hành khác nhau. Tuy không được biết chi tiết về lịch trình làm việc hàng tuần của Cha, nhưng con số trên đây cũng đủ để cho thấy tính cách đa dạng của những nhu cầu mục vụ mà các vị chủ chăn phải đảm nhận tại giáo xứ này rồi. Đó là chưa kể đến những trách nhiệm đối với trường tiểu học ‘Orana Catholic Primary School’ trực thuộc họ đạo, với tổng số học sinh vào khoảng 450 em. Đàng khác, vì số giáo dân về tham dự Thánh Lễ cuối tuần lên đến khoảng 1500 người, nên ngoài Thánh Lễ tối Thứ Bảy, còn có thêm 3 Thánh Lễ trong ngày Chúa Nhật nữa.

Được biết giáo xứ Willetton đã được thành lập cách đây gần 30 năm và hiện giờ trong số giáo dân, có khoảng phân nửa đến từ các nước Á Châu. Cho dù đây là một môi trường đa văn hóa, nhưng mọi người sống hài hòa với nhau và các sinh hoạt phụng vụ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sắc tộc.

Sau khi vô nhà thờ để viếng Chúa và chụp hình lưu niệm với cha Thái và nhóm cao niên của giáo xứ, chúng tôi đi ăn trưa tại “ Herald Ave Senior Café”, số 2 Herald Ave, Willetton. Chương trình được tiếp nối bằng giờ giải trí tại công viên Rossmoyne Foreshore Park, trên đường Riverton Dr và kết thúc tại đó.

Một lần nữa, hôm nay chúng tôi đã lại có dịp đi tham quan một giáo xứ trong tổng giáo phận Perth, đang được chăm sóc bởi một linh mục Việt Nam. Qua những buổi tiếp xúc với các cha, chúng tôi đã có được một cái nhìn khái quát về đời sống của các ngài: dường như ai nấy đều bận rộn nhưng tỏ ra rất hăng say với công việc của mình. Các Ngài đúng là niềm hãnh diện cho cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

LỄ BỔN MẠNG CA ĐOÀN THÁNH LINH (8-6-2014)

Hôm nay là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, bổn mạng của Ca Đoàn Thánh Linh. Lại một lần nữa, toàn bộ gian cung thánh và khu vực dành cho ca đoàn đều tràn ngập bởi cùng một mầu đỏ : Mầu đỏ của nền trang trí sau bàn thờ, mầu đỏ nơi phẩm phục của hai linh mục đồng tế và nhất là mầu đỏ nơi trang phục của các ca viên. Nghe đâu trong 23 năm phục vụ, các ca viên đã thay đổi mầu đồng phục 3 lần rồi : Bắt đầu là mầu xanh, kế đến là mầu trắng, rồi từ khi chọn được Chúa Thánh Thần làm Bổn Mạng  thì đã chuyển sang mầu đỏ. Hy vọng là từ nay sẽ không còn thay đổi nữa ?

CD TL 2014

Với sự phối hợp hùng hậu của 45 ca viên nam nữ, phải công nhận rằng trong Thánh Lễ sáng nay, ca đoàn Thánh Linh đã phục vụ hết mình. Đặc biệt là “Bài Ca Tiếp Liên”, được nhạc sỹ Ngọc Linh phổ nhạc, với lối hòa âm dạt dào tha thiết, đã làm rung động lòng người  trong phần hiệp lễ :

“Lạy Chúa là Đấng an ủi tuyệt luân,

              Là khách trọ hiền lương,

              Là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

              Là niềm ủi an trong lúc lệ tràn …”

Sau khi chị Đinh Thị Vẻ, đại diện ban thường vụ, đọc lời chúc mừng và anh Hoàng Minh Tân, trưởng ban tài chánh, trao tặng bao lì xì mừng Lễ Bổn Mạng,    anh Nguyễn Sơn Hải đã ngỏ lời cám ơn cộng đoàn và giới thiệu tân ban chấp hành của ca đoàn gồm những chức vụ sau đây : Đoàn trưởng : Nguyễn Sơn Hải, Đoàn phó : Tạ Xuân Bình, Thủ quĩ : Vũ Thanh Thúy. Riêng chức vụ ca trưởng thì vẫn do anh Mai Thanh Minh đảm trách. Nghe đâu anh Minh rất chu đáo trong việc chọn nhạc và có kỹ thuật điều khiển cao, giúp cho các ca viên luôn bắt được nhịp một cách rất chuẩn. Ngoài ra, anh Hải còn giới thiệu một chức vụ mới mà anh cho là khá quan trọng. Đó là chức vụ “Ủy Viên Ẩm Thực” do chị Vũ Thúy Liễu đảm nhận. Nghe đâu chị Liễu là một chuyên viên dinh dưỡng  có hạng và các ca viên hy vọng sẽ được chị bồi tiếp năng lực thật dồi dào trong những tháng ngày sắp tới …

Sau Thánh Lễ là phần liên hoan  trong hội trường nhỏ. Các anh chị  đã cẩn thận đóng cửa lại và chung vui với nhau  trong trật tự để khỏi gây tiếng động làm phá bầu không khí trang nghiêm của buổi tĩnh tâm của Hội Legio Mariae đang diễn ra ngoài nguyện đường lớn.

 

Cộng đoàn xin chúc mừng và cám ơn anh cựu đoàn trưởng Viên Đức Thắng đã hoàn tất nhiệm kỳ của mình cách tốt đẹp, chúc các anh chị trong ban chấp hành mới được mọi điều thuận lợi trong khi thi hành chức vụ của mình và chúc tất cả các anh chị ca viên luôn tìm được niềm vui trong tinh thần phục vụ.

  

BUỔI TĨNH TÂM CỦA PHONG TRÀO LEGIO MARIAE (8-6-2014)

Vì hôm nay không phải là một buổi họp hàng tuần, với những  báo cáo công tác có tính cách nội bộ nên phóng viên nhà báo đã được phép tham dự và chụp hình lưu niệm.

Legio 2014

Chương trình thật đơn giản, ngắn gọn,  nhưng trang nghiêm và dường như đặt trọng tâm trên việc cầu nguyện nhiều hơn là phần thuyết giảng. Ngoài đôi lời huấn dụ của cha Nguyễn Mộng Huỳnh, toàn bộ thời gian đều được dành cho việc lần chuỗi Mân Côi, cầu nguyện tự phát, đọc kinh “Catena” và chầu phép lành. Nghe những kinh nguyện hùng hồn được thốt lên từ môi miệng của những hội viên Legio, trong đó có nhiều bác khá cao tuổi chân yếu tay mềm, người nghe tự hỏi cái tinh thần bất khuất đó bởi đâu mà có được như vậy : “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đang TÒNG QUÂN dưới lá cờ Đức Bà Maria – được lòng tin Chúa, lòng cậy Đức Bà Maria – như vậy chắc chắn sẽ THẮNG thế gian …” !

Quả là đáng nể phục ! Đây chính là “đạo binh” của Mẹ, một lực lượng đặc biệt,  có nhiệm vụ len lỏi vào mọi ngõ ngách trong  xã hội, từ bệnh viện cho đến tư gia và ngay cả nhà tù, để thăm viếng, an ủi, khuyến khích … hầu mang các linh hồn về với Chúa. Trong cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Tây Úc, vào thời cha Lý Văn Ca, 3 tiểu đội (Praesidium) đã lần lượt được thành lập và hiện nay phong trào gồm 33  hội viên được phân phối như sau:

Praesidium Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, thuộc vùng Highgate, gồm 12 hội viên, được thành lập năm 1987.

Praesidium Nữ Vương Hồn Xác Lên Trời, thuộc vùng Girrawheen, gồm 11 hội viên, được thành lập năm 1992.

Praesidium Mẹ Chúa Chiên Lành, thuộc vùng Lockridge, gồm 10 hội viên, được thành lập năm 1993.

Với 3 Tiểu Đội trên đây,  Hội Legio Việt Nam tại Perth đã hội đủ tiêu chuẩn để thành lập một Đại Đội (Curia), được Hội Đồng Địa Phận (Comitium) công nhận với danh xưng là “Curia Đức Mẹ La Vang” và chánh thức hoạt động từ ngày 5-1-1997.

Ngoài ra, còn phải kể đến 72 hội viên tán trợ. Những hội viên này, tuy không lãnh nhận những công tác đặc biệt nhưng có bổn phận cầu nguyện cho sự thành công của các nhóm hoạt động trên đây.

 

 

Khí giới của họ không phải là gươm giáo hay súng đạn mà chính là sức mạnh mà họ lãnh nhận từ Thiên Chúa qua trung gian của Đức Mẹ. Chúng ta hiểu tại sao trong mỗi buổi họp Legio đều có mục lần chuỗi Mân Côi, kèm theo kinh “Catena” – bài ca ngợi khen “Magnificat” mà chính Mẹ đã thốt lên sau khi nghe lời chúc phúc của bà E-li-sa-bét trong Tin Mừng Thánh Luca : “Linh hồn tôi đội ơn Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi …” Điều duy nhất mà họ khẩn khoản nài xin trong lời nguyện kết thúc buổi tĩnh tâm là ĐỨC TIN, một Đức Tin mạnh mẽ, dũng cảm, “làm cột lửa để soi cho những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, đốt lòng những người nguội lạnh, hoàn sinh những linh hồn chết trong tội lỗi”. Riêng đối với các hội viên Legio, Đức Tin đó  cũng có trách nhiệm hướng đạo, dẫn đưa họ trên đường an bình, – để sau cuộc đời chiến đấu này – “không một hội viên nào phải hư mất” !

 

Trở về quá khứ, được biết phong trào Legio Mariae khởi nguồn từ một cuộc họp vào buổi chiều vọng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (7-9-1921) tại một căn nhà trong thành phố Dublin, Ái Nhĩ Lan, giữa một linh mục là cha Toher, một nhân viên Bộ Tài Chánh mang tên Frank Duff và 15 phụ nữ thuộc giai cấp khiêm tốn trong xã hội. Họ đến đó để tìm kiếm phương thức làm việc cho nước Chúa. Anh Frank Duff  thì thao thao trình bầy rằng lòng mến đối với Đức Mẹ không thể là một tâm tình thụ động. Trái lại, yêu mến Mẹ tức là hành động, là chia sẻ những ưu tư của Mẹ về phần rỗi các linh hồn và quyết chí ra đi tìm kiếm và mang họ về  với Chúa. Còn cha Toher thì nhấn mạnh đến trách nhiệm của người Kitô hữu phải đem ra thực hành những điều mình tin về Giáo Hội – Nhiệm Thể Chúa Kitô. Cuối buổi họp, họ quyết định phân chia công tác và đã đi từng nhóm hai người đến bệnh viện để thăm viếng, nâng đỡ tinh thần các bệnh nhân.

Đạo Binh Đức Mẹ chào đời từ buổi chiều hôm ấy. Cho đến bây giờ thì phong trào đã lan rộng trên toàn thế giới, với một lối tổ chức rất chặt chẽ đi từ những tiểu nhóm (Praesidium), qua các hội đồng hạt (Curia), hội đồng địa phận (Comitium), hội đồng tỉnh (Regia), hội đồng miền (Senatus), lên đến  hội đồng trung ương (Concilium Legionis) tại Dublin, Ái Nhĩ Lan. Tất cả đều mang danh hiệu của đạo binh La-Mã khi xưa. Có lẽ cũng vì muốn noi gương tinh thần kỷ luật và cảm phục những chiến công oanh liệt của đạo binh này …

Theo “Thủ Bản” – Sách kim chỉ nam của phong trào – ngoài những buổi họp hàng tháng cho cả Curia, các tiểu nhóm đều gặp gỡ nhau mỗi tuần một lần, để cầu nguyện trong nỗ lực thánh hóa bản thân và chia sẻ với nhau những thành quả cũng như những khó khăn trong khi thi hành công tác được trao phó. Ngoài ra, hàng năm, cứ đến ngày Lễ Truyền Tin (25/3) là có tổ chức Đại Hội “Acies”, ngày lặp lại lời tận hiến – của mỗi cá nhân và cả đạo binh –  cho Đức Mẹ :

“Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ, và mọi sự của con là của Mẹ.”

 

“Acies” : Một đạo binh sắp hàng vào trận! Thề chiến đấu cùng Mẹ và dưới trướng của Mẹ; Đồng thời lãnh nhận sức mạnh và sự chúc phúc từ nơi Mẹ trước khi lâm trận. Acies chính là âm hưởng của hai tiếng  XIN VÂNG mà chính Mẹ đã  nói với Sứ Thần của Chúa từ hai ngàn năm trước …

Phụ chú : Thành phần các ban chấp hành Legio Mariae tại Perth, với lần lượt các chức vụ Hội Trưởng, Hội Phó, Thư Ký, và Thủ quĩ :

Curia Đức Mẹ La Vang : Sr Trần Kim Dung, Nguyễn Văn Phan, Phạm Ngọc Sơn, Nguyễn Thanh Hưởng.

P. Vùng Highgate : Nguyễn Thanh Hưởng, Phạm Ngọc Sơn, Dương Thúy Hồng, Nguyễn Thị Đơn.

P. Vùng Girrawheen : La Hữu Hậu, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Tĩnh, Đặng Thị Kim Anh.

P. Vùng Lockridge : Nguyễn Văn Phan, Trần Kim Dung, Trần Bạch Yến, Vũ Thị Phát.

MÓN QUÀ NHỎ TRONG NGÀY HIỀN MẪU. (10-5-2014).

Tối hôm nay, khi thấy cha Phạm Quang Hồng cử hành Thánh Lễ, có người đã tự hỏi không biết có màn gì độc đáo xảy ra nữa không đây. Quả đúng như vậy, vì trước khi ban phép lành, cha mời cộng đoàn ngồi xuống nhưng lại yêu cầu tất cả các bà mẹ tiến lên trước gian cung thánh.

Một số đông không lưỡng lự, nhưng có thể vì đây là lần đầu phải xuất hiện trước công chúng nên có người ái ngại không muốn lên. Với lối điều khiển sinh hoạt “trẻ không tha, già không thương” cố hữu, cha đã xuống lục lạo từng dẫy ghế để đoan chắc là không còn người nào trốn thoát. Kết quả là hơn 200 bà mẹ thuộc đủ mọi thành phần tuổi tác, đã tụ tập kín cả khoảng trống trước mặt cộng đoàn. Bầu không khí thật là vui nhộn.

Mothersday201404a

Em Fiona Nguyễn, với lối phát âm Tiếng Việt rất chuẩn, đã có mặt sẵn trên bục máy vi âm để đọc lời chúc mừng trước khi các em thiếu nhi ồ ạt chạy lên trao tặng cho mỗi bà mẹ một đóa hoa bằng giấy mà các anh chị huynh trưởng đã hướng dẫn các em chuẩn bị trong giờ sinh hoạt trước Thánh Lễ.

Để kết thúc, cha mời cộng đoàn giơ tay về phía các bà mẹ để cùng với cha cầu nguyện đặc biệt cho các bà trong dịp này. Các bà mẹ trở về chỗ ngồi mà nụ cười vẫn còn tươi nở trên môi. Xin cám ơn cha Hồng, cám ơn Sr Lê Linh, các huynh trưởng và các em thiếu nhi vì món quà tuy nhỏ bé nhưng đã để lại một kỷ niệm tuyệt đẹp cho ngày Hiền Mẫu năm nay.

RƯỚC KIỆU THÁNG HOA. (3/ 5/2014)

Hai năm đã trôi qua và đây là lần thứ ba bản tin của cộng đoàn đề cập đến những nghi thức phụng vụ đầu tháng hoa kính Đức Mẹ. Nhìn lại hình ảnh lưu niệm của những năm trước, phải công nhận rằng với thời gian, mọi khía cạnh của tổ chức đều đã thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp: Không kể đến những tiến bộ về kỹ thuật trong công việc chuẩn bị có tính cách vật chất như kiệu hoa và giàn âm thanh lưu động, người ta có cảm tưởng là việc tôn kính Đức Mẹ đã trở thành một thói quen đối với các gia đình trong cộng đoàn rồi: Bằng chứng là tuy không có thông báo về buổi rước kiệu trong tờ TIN YÊU thì giáo dân cũng đã về tham dự còn đông hơn năm ngoái nữa!

Danghoa2014comp001

Vũ khúc dâng hoa bắt đầu ngay sau khi đoàn rước yên vị trong nguyện đường. Mọi người không khỏi ngạc nhiên khi thấy các dãy ghế đã được sắp xếp lại để dành một khoảng trống khá rộng trước gian cung thánh cho đội thánh vũ. Với kinh nghiệm tích lũy được từ những buổi dâng hoa trước đây, qua những thao tác điêu luyện, bao quát cả một vùng không gian rộng lớn, các em đã diễn tả một cách trung thực những tâm tình dâng hiến và chúc tụng đối với Mẹ được gói trọn trong nhạc khúc “Ngũ Sắc Hoa Dâng của Sr Du Linh mà chị Phan Thị Thanh Tuyết đã chọn cho nghi thức dâng hoa năm nay.

Sau khi phần dâng hoa chấm dứt, chú Lê Minh đã lên máy vi âm để thay mặt ban thường vụ nói lời cám ơn với cộng đoàn. Từ ban cắm hoa, ban trật tự, ban khánh tiết, ban âm thanh ánh sáng, ban truyền thông, ca đoàn Cêcilia, hội Đạo Binh Đức Mẹ, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, cho đến Gia Đình Suy Tôn Lòng Chúa Thương Xót … Dường như thành phần nào trong cộng đoàn cũng được nhắc nhở đến. Một lời khen ngợi đặc biệt phải được dành cho các em trong đội thánh vũ. Được biết một số em hiện nay đã lớn và đang bận rộn với công việc đèn sách, nhưng vẫn tiếp tục gắn bó với các bạn đồng đội của mình trong tinh thần phục vụ. Tên của các em sẽ được ghi trong phần phụ chú dưới đây, với ước hẹn sẽ gặp lại tất cả các em trong những buổi dâng hoa kế tiếp.

Phụ chú : Danh sách các em trong đội thánh vũ : Lâm Bảo Trân Mary, Đỗ Trang Mỹ Ngân Megan, Jessica Nguyễn, Trinh Nguyễn, Lâm Mỹ Trân Katherine, Trinh Trần, Nhi Cao, Kim Cao, Linh Nguyễn, Hớn Vân Nhi, Hớn Tuyết Nhi, Shanice Đinh, Lâm Tường Vi Teresa và Lâm Thanh Mai Monica.

LỄ BỔN MẠNG GIA ĐÌNH SUY TÔN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT (27-4-2014).

Năm nay, lễ bổn mạng của Gia Đình Suy Tôn Lòng Chúa Thương Xót trùng với ngày Đức Thánh Cha Phan-xi-cô phong thánh cho hai vị cựu giáo hoàng Gio-an XXIII và Gio-an Phaolô II. Công việc chọn ngày cho biến cố lịch sử này mang một ý nghĩa đặc biệt vì chính Đức Thánh Cha Gio-an Phaolô II là người đã không ngừng cổ vũ cho việc tôn sùng Lòng Chúa thương xót.

GDLCTX2014 052

Chúng ta biết rằng thông điệp về Lòng Chúa Thương Xót đã được nữ tu Maria Faustina Kowalska chuyển đến cho mọi người sau khi Chúa Giêsu hiện ra với chị lần đầu tiên vào ngày 22-2-1931. Tuy nhiên, vào năm 1958, tòa thánh đã ra lệnh cấm phổ biến thông điệp này, chỉ vì đã nhận được một bản dịch sai lạc, tạo hoang mang cho nhiều người. May thay, vào ngày 15-5-1978, nhờ sự can thiệp của Đức Thánh Cha Gio-an Phaolô II, hồi đó còn là Đức Cha Karol Wojtyla đang cai quản tổng giáo phận Crakow, Tòa Thánh đã ban sắc lệnh hóa giải lệnh cấm đó. Ba năm sau, bây giờ trên cương vị của một Giáo Hoàng, trong tông thư “Dives in Misericordia” – Giầu Lòng Thương Xót – Đức Thánh Cha đã tuyên bố Giáo Hội “có quyền và bổn phận” loan truyền Lòng Chúa Thương Xót cho toàn thế giới. Hơn thế nữa, trong Lễ phong thánh cho nữ tu Faustina, vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh, 30-4-2000, Đức Thánh Cha đã truyền cho toàn thể Giáo Hội gọi ngày này là “Chúa Nhật Thương Xót” !

Có thể nói rằng chính nhờ ở lòng nhiệt thành của vị cha chung của Giáo Hội vừa mới được tôn vinh lên hàng hiển thánh mà mọi ân sủng đã được tuôn đổ dư tràn trên muôn người từ trái tim giầu lòng thương xót của Chúa.

Riêng đối với cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Tây Úc thì việc suy tôn Lòng Chúa Thương Xót đã được đẩy mạnh từ khi cha Mi-ca-e Nguyễn Trường Luân đến giảng tĩnh tâm cho cộng đoàn vào năm 2010. Cho đến bây giờ thì số thành viên chính thức đã lên đến 64 người. Họ sinh hoạt với nhau như anh chị em trong một đại gia đình dưới sự điều động của một người đứng ra làm trưởng nhóm, khởi đầu là ông cố Vương Đức Long, kế đến là anh Nguyễn Thế Tâm. Sau khi anh Tâm qua đời thì chị Mai Thiên Kim đứng ra thay thế cho đến bây giờ. Ngoài ra, còn có anh Nguyễn Đức Hải đang chịu trách nhiệm hướng dẫn những buổi đọc kinh tối tại tư gia và chị Nguyễn Thanh Trúc đặc trách vùng Lockridge để lo cho những thành viên ở tương đối xa trung tâm mục vụ cộng đoàn.

Theo như chị Kim cho biết, Gia Đình Suy Tôn Lòng Chúa Thương Xót cũng không có một nội qui nào hết. Mọi người trong nhóm chỉ đơn giản được nhắc nhở về lý tưởng của mình qua những sọc vàng gắn trên đồng phục mà thôi :
• 3 sọc dài từ cổ áo xuống đến chân là biểu tượng của 3 nhân đức đối thần TIN, CẬY, MẾN.
• 3 sọc trên tay áo nhắc nhở họ phải sống khôn ngoan, công bình, can đảm, và luôn sẵn sàng gánh vác công việc bổn phận.
• 3 sọc quanh cổ áo tượng trưng cho các nhân đức khiết tịnh, vâng lời, khó nghèo và quyết tâm làm chủ lời ăn tiếng nói của mình.

Ngoài những buổi đọc kinh tại tư gia theo nhu cầu của một gia đình nào đó trong cộng đoàn, giờ lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót được tổ chức tại trung tâm mục vụ cộng đoàn vào lúc 3 giờ chiều các ngày Chúa Nhật. Trung bình có khoảng 100 người tham dự. Lần đầu tiên bạn đến với họ trong những giờ kinh này, có lẽ sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng đây cũng giống như một buổi lần chuỗi Mân Côi, chỉ có sự khác biệt trong lời kinh mà thôi. Thay vì đọc kinh Kính Mừng, bạn sẽ thấy mọi người lặp đi lặp lại một lời nguyện ngắn gọn : “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Đối với những ai đã từng tìm hiểu về kinh Mân Côi thì sẽ nhận ra rằng đây là một hình thức cầu nguyện gọi là “mantra” : dựa trên việc lặp đi lặp lại một câu ngắn nhưng đầy ý nghĩa, khả dĩ làm cho tâm hồn hòa hợp cùng hơi thở và nhịp đập của trái tim, giúp cho người đọc dễ dàng kết hợp với Chúa hơn …

Một điều kỳ diệu là nếu bạn hỏi một thành viên trong nhóm lý do tại sao đã gia nhập thì có lẽ sẽ được trả lời là vì họ đã cầu xin lòng thương xót của Chúa và đã được Chúa nhậm lời. Bạn có muốn thử không ? – Vả lại, những sinh hoạt của nhóm cũng không có những ràng buộc nặng nề gì đáng kể, vì trong nhật ký của thánh nữ Faustina cũng có ghi lại lời của Chúa như sau : “… Nếu con không thể bước vào nhà nguyện, thì bất kể con đang ở đâu, con cũng cứ trầm mình cầu nguyện, cho dù chỉ một phút ngắn ngủi thôi”. Như vậy, thì cho dù có là thành viên của Gia Đình Suy Tôn Lòng Chúa Thương Xót hay không, thiết tưởng chỉ cần chữ ký bên dưới bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót cũng đủ để cho chúng ta cầu nguyện liên tục hằng ngày rồi : “Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy vào Ngài”.

 

TAM NHẬT VƯỢT QUA (17, 18, 19/4/2014)

 

Năm nay, cộng đoàn đi vào Tuần Thánh trong khi công trình xây cất nhà xứ đang được xúc tiến. Một vài khó khăn bất ngờ xảy đến làm cho mọi người băn khoăn không ít, đặc biệt về vấn đề giao thông và đậu xe trong khuôn viên trung tâm mục vụ khi thấy đường xe chạy và  vườn cỏ đã bị đào xới làm cho xe cộ không qua lại được. Cũng may là vấn đề đã được giải quyết kịp thời và cộng đoàn đã có thể tới tham dự các nghi lễ phụng vụ thật đông đủ và có trật tự.

 

Thứ Năm Tuần Thánh. Thời gian gần đây, dưới sự điều động của Sr Lê Linh, con số các em tham gia đoàn giúp lễ đã lên đến 36 em, được chia thành 3 nhóm để phục vụ trong các Thánh Lễ cuối tuần. Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa lập Bí Tích Thánh Thể, các em đã được mời gia nhập đoàn rước chủ tế cùng với các thừa tác viên giúp lễ và ngồi tại các hàng ghế trên cùng trước gian cung thánh. Hai em lớn nhất cũng được tham gia nghi thức rửa chân với các thừa tác viên. Đây là lần đầu tiên một đoàn giúp lễ hùng hậu như vậy đã được thành lập. Chắc là các phụ huynh hiện diện trong nguyện đường tối nay đã rất hài lòng vì con em của mình.

Letiecly2014comp 072

Chặng đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh. Công việc gầy dựng các chặng đàng Thánh giá trong khuôn viên trung tâm mục vụ cộng đoàn đã được ban bảo trì chuẩn bị từ trước. Ngoài ra giàn âm thanh lưu động cũng đã được thiết lập sẵn sàng, có trang bị cả đờn “keyboard” để giúp cho phần thánh nhạc luôn được chính xác trong suốt lộ trình 14 chặng đàng Thánh Giá. Em Nguyễn Thành Tuấn, một nghệ sỹ trẻ của cộng đoàn, sẽ là người sử dụng cây đàn này.

 

Giáo dân được mời tập trung trước tượng đài kính Đức Mẹ và nghi thức bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng. Chương trình đã được soạn thảo khá tỷ mỷ : Xen kẽ với phần dẫn nhập, suy niệm và kinh nguyện tại mỗi chặng là những điệp khúc ngắn gọn trong đó  Chúa Kitô không ngớt xác định lại tình yêu của Ngài và những người tham dự cũng đáp trả lại tình yêu đó bằng sự lựa chọn của chính mình: “Con xin được chọn Thánh Giá là đường đời con đi … Xin Chúa giữ gìn, hướng dẫn, vì đường đầy khó nguy …”

RuocdangThanhgia2014comp 027

Hôm nay trời nắng đẹp và số giáo dân về tham dự đông hơn những năm trước rất nhiều. Cho dù có nhiều địa điểm của lộ trình đã bị ảnh hưởng bởi công trình xây cất, nhưng mọi người đã theo chân Thánh Giá trong trật tự và cầu nguyện rất sốt sắng.  Cộng đoàn ghi ơn đại diện các hội đoàn và phong trào đã tình nguyện luân phiên nhau để vác Thánh Giá, các thành viên  ban bảo trì đã đảm nhận những công việc tay chân rất nặng nề trong giai đoạn chuẩn bị và ban âm thanh ánh sáng đã khá vất vả vì phải  liên tục di chuyển giàn máy vi âm với những dây nhợ phức tap để khỏi mất liên lạc với giáo dân trong suốt lộ trình dài của 14 chặng đàng Thánh Giá.

 

3 giờ chiều : Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô. Chiều hôm nay, chương trình ngắm nguyện đã kết thúc vào lúc 2 giờ 40 để bắt đầu hoạt cảnh Chúa chịu nạn do các em thiếu nhi thực hiện. Năm nay thành phần diễn viên đông hơn năm ngoái, và trong đám quân lính hùng hổ dữ dằn, mặt mày lem luốc thì người ta phát hiện có tên quả thực là con gái ! Trong khi đó thì thánh Phêrô sao mà mặt mày nhẵn nhụi trông có vẻ hiền lành nhỏ thó quá. Khi thấy Thầy mình bị bắt thì tức khí xung thiên cũng chém đại được một nhát rồi xớ rớ không biết phải làm gì với thanh gươm của mình ! Phải công nhận là các em đã nhập vai một cách rất thuần thục và đến giai đoạn Chúa bị lôi đi treo trên thập giá thì  không ít người tham dự đã phải rơi lệ.

HoatcanhEaster2014 035

Trong bài chia sẻ sau Phúc Âm, cha Phạm Quang Hồng đã kể lại câu chuyện của một người,  chỉ  vì thù nghịch mà tìm cách phá hủy thập giá ở bất cứ nơi nào ông ta gặp. Ngay cả cây thập giá mà vợ ông đeo trên cổ cũng như cây thập giá được gắn trên gác chuông nhà thờ cũng bị ông ta giựt xuống để chà đạp. Cuối cũng thì ông cũng phá hủy chính ông trong căn nhà mà ông điên cuồng đốt cháy thành tro bụi. Lời kết của câu chuyện là : “Nếu bạn bắt đầu bẻ gẫy cây thập giá thì không chóng thì chầy, bạn cũng sẽ phá hủy chính cái thế giới có sự sống và tình yêu này.”

 

Sau cái chết của Chúa Kitô, thập giá đã trở nên biểu tượng của tình yêu, một tình yêu chiến thắng sự chết, chiến thắng cả trên tội ác và bất công. Nơi nào có thập giá thì con người vẫn còn tin vào sức mạnh của chính nghĩa và không thất vọng khi thấy điều ác còn lan tràn, vì biết rằng cuối cùng thì công lý vẫn giành được chiến thắng.

 

Cha kết thúc bằng câu chuyện của một chàng thanh niên đã bị bắt và đưa ra tòa cùng với người anh của mình và 18 người khác  sau một chuyến vượt biên thất bại nhưng có  án mạng. Anh của người thanh niên đó đã bị tử hình còn anh ta thì phải ngồi tù. Lúc đó anh mới 17 tuổi. Sau khi mãn hạn  tù anh ta đã nhờ cha Hồng dẫn đến sân bắn Thủ Đức, ôm cây cột nơi người anh bị hành quyết rồi khóc lóc thảm thiết đến nỗi cha phải bảo anh khóc nhỏ lại nếu không muốn bị bảo vệ đến làm khó dễ. Trên đường về, anh ta thố lộ :”Chính con là người đã bắn nhân viên biên phòng, nhưng anh con đã nhận tội và đã chết thay cho con!”. Cha Hồng nói, trong tâm tình đó, anh ta – một thanh niên 29 tuổi – đã khóc, nhưng cá nhân cha không khóc được, vì cảm thấy không có liên hệ gì với người đó cả!

 

Chúng ta cũng vậy, nếu nhìn thấy cây thập giá mà vẫn không có cảm súc gì, phải chăng bởi vì chúng ta chẳng có liên can gì với Đấng đã chết trên đó hay sao ?!

 

Đêm vọng Phục Sinh. Nếu bầu không khí trong nghi thức phụng vụ hôm qua ảm đạm và buồn tủi bao nhiêu thì tối hôm nay, lòng người cảm thấy rộn ràng nao nức bấy nhiêu. Quả thực, chỉ cần biết rằng Chúa đã sống lại cũng đủ để đem lại niềm vui cho mọi người rồi. Tuy nhiên, trong nghi thức phụng vụ  đêm nay, đã có một vài yếu tố khả dĩ làm cho niềm vui đó được trọn vẹn hơn :

Levongphucsinh2014comp 016

Trước hết là niềm vui mà chính  giáo dân đã chia sẻ cho nhau khi về tham dự đông đến nỗi  hội trường đã không đủ  chỗ để chứa hết mọi người. Ban truyền thông của cộng đoàn  dường như đã tiên đoán được điều này và đã gắn thêm hai màn ảnh truyền hình ngoài hành lang phía đi xuống sân cỏ. Nhìn màn ảnh truyền hình bao quát được toàn bộ gian cung thánh, cha Nguyễn Mộng Huỳnh đã bình luận rằng : “Coi bộ ngồi dự lễ ngoài hành lang có gió mát trăng thanh như thế này chắc là còn thoải mái hơn trong nguyện đường nhiều…”

 

Một yếu tố khác đã ảnh hưởng trên tâm trạng của cộng đoàn là phần đóng góp của ca đoàn tổng hợp. Đêm nay, tất cả các bản thánh ca đều là những thông điệp của niềm vui, có lúc thì nhẹ nhàng êm dịu, nhưng cũng có lúc dồn dập thúc bách làm cho người nghe bị cuốn hút theo những cung điệu oai hùng được khuếch đại bởi một giàn âm thanh tuyệt hảo. Nhìn cha Nguyễn Hoàng Dương điều khiển nhạc khúc “Vang Lên Lời Ca” của linh mục Từ Duyên mà có bác cao niên nào đó đã mộc mạc thốt lên : “Cha Dương đánh nhịp hăng quá… Đánh quá là hăng đi!”

 

Một niềm vui khác phải kể đến trong đêm nay là qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, cộng đoàn dân Chúa tại Perth đã có dịp đón nhận hai thành viên mới là anh Gioan-Đạt Trần Đức Nam và chị Maria Nguyễn Thị Thanh Hiền. Xin chúc cho anh Nam và chị Hiền được hưởng trọn niềm vui của Chúa Phục Sinh. Chớ gì Thần Khí mà anh chị vừa lãnh nhận sẽ hướng dẫn và thêm năng lực thiêng liêng cho anh chị trong cuộc sống mới mà anh chị vừa bắt đầu.

 

Phụ chú: Danh sách diễn viên hoạt cảnh cuộc thương khó Chúa Kitô.

Điều hợp viên: Kim Đồng; trình thuật viên: Lệ AnHiếu Đồng

Chúa Giêsu: Martin Hoàng; Đức Mẹ: Jennier Vũ; Thánh Gioan: Fiona Nguyễn;

Thánh Phêrô: Alex Hoàng; Môn đệ: Kristina Hoàng; Veronica: Christina Vũ;

Maria Ma-da-le-na: Megan Đỗ; ông Si-mon: Adam Nguyễn; Giuđa: Andrew Phạm;

Quan Phi-la-tô: Peter Nguyễn ; Vợ quan Phi-la-tô: Kimberly Hoàng;

Đầy tớ quan Phi-la-tô: Amy Phạm; Ba-ra-bas: Tam Nguyễn;

Quân lính: Helena, Phước Nguyễn, David Nguyễn.

Đám đông: Bruce Phạm, Joseph Hoàng, Eric Nguyễn, Jessica Ngô.

 

PHONG TRÀO CURSILLO ĐI ĐÀNG THÁNH GIÁ TẠI BULLSBROOK (30-3-2014).

 

Ngay sau Thánh Lễ bế mạc 3 buổi tĩnh tâm chung cho cả cộng đoàn, các thành viên của  phong trào Cursillo lập tức chuẩn bị lên đường đi đàng Thánh Giá tại Bullsbrook. Được biết Bullsbrook là một trung tâm hành hương chỉ cách thành phố Perth khoảng 30 cây số về phía bắc. Tại đây có tượng đài kính Đức Mẹ và dòng nước suối đã được chuyển tải về ngay giữa sân nhà thờ. Có người tin nước này linh lắm … Ngoài ra, tản mạn trong khu vực là 14 chặng Đàng Thánh Giá mà khách hành hương có thể lần theo để suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa.

Cursillo di Bullsbrook, 30-3-14

Một khi bạn đã lên Bullsbrook để tham dự nghi thức phụng vụ này tức là bạn đã chấp nhận gặp nắng chịu nắng gặp mưa chịu mưa như đi vào hoang địa vậy. Đối với các thành viên của phong trào Cursillo Việt Nam tại Perth, sinh hoạt đặc biệt này đã trở thành một thông lệ và một biểu tượng của phong trào : luôn tiến bước theo dấu chân của Thầy Chí Thánh.

 

Hôm nay, cũng chính cha Phạm Quang Hồng là người đã dẫn đầu phái đoàn. Chẳng những Cha đã đồng hành với mọi người qua các chặng đàng Thánh Giá mà còn điều khiển chương trính sinh hoạt vui chơi trong ngày. Thật đáng quí thay !

 

TĨNH TÂM MÙA CHAY (27, 28 và 29-3-2014)

 

Nhân dịp Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản thăm viếng thân nhân tại Tây Úc, ngài đã đến sinh hoạt với các bác cao niên cũng như đã ghé thăm các thầy cô và học sinh trường Việt Ngữ. Đặc biệt, ngài đã được mời giúp cộng đoàn chuẩn bị tâm hồn để mừng Lễ Phục Sinh. Đức cha hiện đang  làm giám mục chính tòa giáo phận Buôn Ma Thuột. Được biết sau khi chịu chức linh mục, Đức Cha Bản đã được đi du học tại Pháp. Ngài chuyên về Tân Ước, đặc biệt là các thư của thánh Phao Lô.

Hinh DC Ban giang tinh tam, 27-3-14

Những bài thuyết giảng của Đức Cha trong 3 tối tĩnh tâm xoay quanh những  đòi hỏi trong tiến trình sống Đức Tin của người Kitô hữu :

 

  1. Hãy để cho Chúa Giêsu giúp điều chỉnh lại cách nhận định của mình.
  2. Hãy để cho mình được tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần.
  3. Phát huy những ân sủng Chúa ban trong sự hiệp thông với Ngài.

 

Đức Cha luôn bắt đầu các bài thuyết giảng bằng cách mời gọi cộng đoàn đọc chung một đoạn Phúc Âm. Là một người đã từng nghiên cứu nhiều về Thánh Kinh, chẳng những ngài đã đề cập đến những vấn đề tâm linh, mà còn giúp cộng đoàn tìm lại bối cảnh của những biến cố đã xảy ra trong lịch sử của ơn cứu độ,  cũng như  những mối liên hệ rất lý thú giữa Cựu và Tân Ước.

 

(27/3/2014). Trong đêm thứ nhất, sau khi  đã gợi lại những khắc khoải của con người, ngay cả khi được an tâm về vật chất trong một đất nước an bình như nước Úc,  Đức Cha đã hướng dẫn cộng đoàn đi vào tinh thần hoán cải – Metanoia – của mùa chay, để điều chỉnh lại cách nhận định, hiểu biết và lựa chọn của mình.  Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu, theo như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Ngay lúc này, chúng ta biết đi vào một cuộc gặp gỡ MỚI MẺ với Đức  Kitô, hoặc ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu  gặp gỡ mình”. Một Na-ta-na-en đầy thành kiến đối với tất cả những gì đến từ Na-da-rét, cũng phải tâm phục khẩu phục ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên với Chúa khi  thấy rằng Ngài đã nhìn thấu tâm can của mình. Đồng thời, bao nhiêu thành kiến  cố hữu của ông đối với Chúa  cũng hoàn toàn thay đổi, để rồi ông đã phải thốt lên : “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel …”

 

Áp dụng vào đời sống hàng ngày, nếu là một Kitô hữu, đã dám chọn Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và muốn trở nên giống như Ngài, thì tôi phải biết để cho Chúa giúp tôi điều chỉnh lại cách nhìn, cách hiểu biết về mọi vấn đề, đặc biệt là những nhận xét về người khác. Tôi sẽ không nhìn người khác, theo những thiên kiến của tôi, nhưng với cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu.

 

(28/3/2014). Sang đến đêm thứ hai, Đức Cha đề cập đến “chỗ đứng của Chúa Giêsu trong đời sống của mỗi Kitô hữu”.

 

Đoạn Tin Mừng được khai triển tối hôm nay là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Ni-cô-đê-mô, trong đó điểm then chốt là vấn đề “được sinh ra một lần nữa bởi Nước và Thần Khí”. Công việc tái sinh đã được thực hiện khi ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Có điều là sau khi được tái sinh, ta vẫn còn là ta, nhưng phải sống khác, một đời sống được hướng dẫn bởi Thần Khí, chứ không còn thỏa mãn những đam mê của tính xác thịt nữa. Được dìm vào trong nước là dìm vào cái chết của Chúa Kitô,  để khi bước ra khỏi nước là đi vào cuộc sống mới của Chúa Phục Sinh.

 

Một người chồng khi ra đường thì tử tế với mọi người, nhưng ở nhà lại cư xử với vợ con theo kiểu “hòn đá ném đi, hòn chì quăng lại”, cộc cằn độc đoán, coi vợ con không ra cái gì cả … tức là vẫn còn sống theo những đam mê của tính xác thịt. Ngược lại, trong một gia đình mà người chồng dám cam đoan là  không bao giờ có lời qua tiếng lại, chỉ vì cho dù có bực tức đến đâu chăng nữa thì anh ta  cũng chỉ “thủ thỉ” với vợ khi nàng đang nằm trong vòng tay của mình mà thôi … Người chồng đó quả thực đã để cho Thần Khí hướng dẫn đời sống của mình rồi.

 

Đức Cha chia sẻ là trong đời sống mục vụ, nhiều khi ngài cảm thấy trách nhiệm vượt quá khả năng của mình và ngài không còn biết phải làm gì, đối với cộng đoàn dân Chúa, đối với các linh mục và đối với chính quyền … Trong những lúc đó, ngài chỉ còn biết đến quì trước Nhà Tạm để xin Chúa tư vấn cho  mình mà thôi… Ông Ni-cô-đê-mô trong Phúc Âm cũng đã làm như vậy, còn chúng ta, mỗi khi đứng trước một quyết định gì quan trọng, không biết có nhớ chạy đến tham hỏi ý kiến của Chúa hay không ?!

 

(29/3/2014). Đề tài của buổi tĩnh tâm thứ ba cũng tiếp nối với chủ đề tối hôm trước, nhưng đã trải rộng ra theo một chiều kích mới: Đức Cha Bản đã gợi lại hình ảnh của ngày cuối cùng của Tuần Lễ Lều trong đó có nghi thức Rước Nước từ hồ Si-lô-ê về đổ chung quanh bàn thờ. Nước là một báu vật đối với dân Is-ra-el trong cuộc hành trình 40 năm trong hoang địa. Đối với họ, nước đã xác định ranh giới giữa sự sống và sự chết, vì chỉ ở đâu có nước thì mới có sự sống. Cũng chính trong bối cảnh đó mà Chúa Giêsu đã xuất hiện và dõng dạc tuyên bố : “Ai khát hãy đến với tôi. Hãy đến mà uống”. Nhưng Ngài không ngừng ở đó mà  còn tiếp tục:

 

“Ai tin vào tôi, như lời Thánh Kinh đã nói, từ lòng người ấy,

              Sẽ tuôn chảy dòng nước hằng sống”.

 

Quả thật như vậy, sức sống mà Chúa truyền ban cho những ai đến với Ngài cũng có thể trở nên nguồn sống phát sinh từ người đó cho tha nhân: Người phụ nữ Sa-ma-ri, sau khi gặp Chúa bên bờ giếng Si-chem, đã trở nên sứ giả mang tin mừng đến với những người Sa-ma-ri khác đang sống trong thành. Nhóm Bảy Mươi Hai, sau khi được truyền thụ nguồn năng lực của Chúa, đã hý hửng khoe với Ngài rằng cả ma quỉ cũng đã phải khuất phục họ ! Tuy nhiên, cũng có lần Chúa để cho họ  bị bó tay như trong trường hợp một em bé bị quỉ câm ám hại, để nhắc nhở họ đừng quên rằng, họ chỉ có khả năng khi được gắn bó với Chúa mà thôi !

 

Còn đối với chúng ta, chúng ta có biết đến với Chúa để “làm mát lại” đời sống tâm linh của mình không ? Khi thấy những điều không vui lặp đi lặp lại, con người dễ bị chai lì hoặc rơi vào tình trạng vô cảm. Điển hình là trường hợp chiếc xe tải chở bia bị lật tại Biên Hòa trong thời gian gần đây mà người ta  chỉ để ý đến sau khi sự việc bị một tờ báo tại Mac-Tư-Khoa phanh phui ra và lên tiếng chê bai mà thôi !

 

Một điểm rất đặc biệt trong 3 buổi tĩnh tâm là phần giải đáp thắc mắc. Đức Cha Bản đã không chỉ dùng thời điểm này để làm sáng tỏ một số vấn đề và  thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của cử tọa. Ngược lại, trong khi trả lời những câu hỏi đại loại như : Thế nào là sống theo Thần Khí ? Số phận của Giu-đa ? Sự hiện diện của Đức Mẹ trong Nhà Tiệc Ly; Làm sao tiếp tục sống trong một gia đình bất hạnh ? … Đức Cha đã có dịp chia sẻ những trải nghiệm rất dễ thương của mình trong đời sống mục vụ, khơi dậy niềm tin nơi  mọi người vào lòng Chúa thương xót, xác định lại  vai trò trụ cột của Đức Mẹ đối với các Tông Đồ và bây giờ, đối với cả chúng ta nữa … Đàng khác, điều mà Đức Cha làm cho nhiều  người thán phục là ngài đã tỏ ra biết đồng cảm với tâm trạng của người đặt câu hỏi để an ủi và đem lại niềm tin  cho đương sự.

 

Trong Thánh Lễ bế mạc sáng Chúa Nhật, có hai em nhỏ rất dễ thương trong y phục sắc tộc thiểu số cũng tiến lên gian cung thánh với đoàn dâng bánh rượu. Sự xuất hiện của các em đã làm cho mọi người tưởng nhớ đến quê hương Việt Nam, đặc biệt là vùng Ban Mê Thuột, với tất cả vẻ đẹp hồn nhiên của nó. Với một hàng giáo sỹ đã được Đức Cha khuyến dụ ngay từ  đầu là phải làm thế nào để “giáo dân có thể cảm nghiệm được niềm vui làm con cái Chúa”, chúng ta có thể mường tượng được phần nào cái vẻ đẹp tinh thần của  địa phận mà ngài đang coi sóc. Cám ơn Đức Cha đã đến củng cố niềm vui đó nơi cộng đoàn chúng con.

 

Tin buồn : Anh Nicholas Phạm Hiếu, hiền đệ của cha phụ tá Phạm Quang Hồng đã qua đời tại Việt Nam vào ngày Thứ Sáu 4/4 vừa qua. Ban Thường Vụ đã xin lễ vào sáng Chúa Nhật 13/4 để cùng với Hội Đồng Mục Vụ và toàn thể cộng đoàn cầu nguyện cho linh hồn Nicholas được mau về hưởng nhan thánh Chúa. Chúng con xin chia buồn cùng Cha. Xin Chúa nhân từ an ủi Cha và tang quyến trong những giờ phút đau buồn này.

 

NGÀY TỰU TRƯỜNG (15-2-2014)
Năm nay, vì có hội chợ Tết vào hai ngày 7 và 8/2 nên Trường Việt Ngữ đã khai giảng trễ một tuần lễ so với các năm trước.

Được biết số học sinh đi học hàng tuần đã lên đến con số 340 em – tổng cộng sỹ số chắc là phải gần 400 em rồi – ! Tùy theo trình độ và tuổi tác, các em được chia thành 18 lớp, từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 8.

Lop MG

Với con số lớp học lớn như vậy, chúng ta hiểu được phần nào sự vất vả của ban điều hành trong việc chuẩn bị phòng ốc cho các em. Có thể nói rằng tất cả mọi ngõ ngách của trung tâm mục vụ đều đã được trưng dụng để làm phòng học. Riêng hội trường lớn đã phải chứa đến 6 lớp học. Chỉ có gian Cung Thánh là được miễn trừ mà thôi! Bàn ghế thì phải chuẩn bị sẵn vào mỗi sáng Thứ Bảy và phải được dẹp đi hết sau giờ học để trả lại hội trường về tình trạng cũ cho Thánh Lễ 6 giờ tối.

Còn một vấn đề then chốt là làm sao cung cấp đủ số giáo viên cho từng nấy lớp học. Điều đáng mừng là nhờ ở bản tính hiền hòa, vui vẻ, rất là đắc nhân tâm của thầy hiệu trưởng Phạm Đức Khiêm nên dường như không một ai được thầy mời gọi cộng tác mà nỡ lòng từ chối, và số giáo viên thiện nguyện đã không bao giờ bị thiếu hụt. Hiện nay trường Việt Ngữ có 27 giáo viên phụ trách lớp, 8 giáo viên trợ lý và 2 giáo viên trừ bị. Chính nhờ ở những giáo viên trợ lý và trừ bị mà dường như chưa bao giờ xảy ra tình trạng phải gom chung học sinh của hai lớp mỗi khi có thầy cô nào cần vắng mặt.

Với sỹ số học sinh tăng dần theo thời gian, ban điều hành cũng như các thầy cô đều rất mừng vì cảm thấy được tin tưởng và đã bắt đầu niên học mới với tất cả sự hăng say của mình. Tuy nhiên, công việc xem ra không dễ dàng chút nào. Đặc biệt là vấn đề làm sao giúp các em nắm bắt được những âm điệu trầm bổng của 5 dấu Tiếng Việt. Điều này cũng dễ hiểu thôi : Vì được sinh ra và lớn lên trong môi trường nói tiếng Anh, cho dù có được học Tiếng Việt thì giọng nói của các em nhiều khi cũng vẫn lơ lớ như người Úc nói tiếng Việt vậy. Vấn đề còn rõ nét hơn khi các em viết chính tả : Vì không cảm nhận được âm tần của các dấu nên có khi các em thấy không cần phải đánh dấu, đánh sai dấu hoặc đánh dấu không đúng chỗ. Có em còn viết xong cả một hàng chữ rồi mới bắt đầu đánh dấu, chẳng khác gì như muốn “tô điểm” thêm cho tác phẩm của mình vậy !

Có lẽ cũng chính vì mối băn khoăn trên đây mà trong mấy tuần lễ vừa qua, người ta thấy thầy hiệu trưởng luôn tập đọc chung cho cả trường lúc đầu giờ học. Công việc này thiết tưởng quí phụ huynh cũng có thể làm mỗi khi dạy kèm cho con em của mình ở nhà. Vấn đề là làm sao giúp các em nghe được cách phát âm của mình khi tập đọc …

Cho dù vỏn vẹn chỉ có 90 phút trong một tuần lễ và kết quả có khiêm nhường đến đâu đi nữa thì giờ học Việt Ngữ cuối tuần cũng vẫn là một sự khởi đầu, một gợi ý, một nền tảng cho công việc duy trì ngôn ngữ Mẹ nơi những mầm non của cộng đoàn. Chúc quí Thầy Cô và quí Phụ Huynh được nhiều an ủi và mọi điều thuận lợi trong niên học mới.

SINH HOẠT THIẾU NHI & LỚP GIÁO LÝ XƯNG TỘI VÀ RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU. (15-2-2014)

Hôm nay cũng là ngày Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể sinh hoạt trở lại, song song với lớp giáo lý xưng tội và rước Lễ lần đầu cho một số em nhỏ trong cộng đoàn do cô Nguyễn Minh Khôi phụ trách.

Theo thông lệ thì sau giờ học Việt Ngữ, các em thiếu nhi sẽ nghỉ giải lao 15 phút trước khi được tập họp để chào cờ và học giáo lý cho đến 5 giờ chiều. Kế đó là giờ sinh hoạt được kết thúc vào lúc 5 giờ 45. Riêng các em đang được chuẩn bị để xưng tội lần đầu thì được tách ra ngay sau giờ giải lao để có được 90 phút cho giờ học giáo lý.

Chao co

Cũng như cha linh hướng Phạm Quang Hồng đã viết trong lá thư đề ngày 1-3-2014, bắt đầu từ năm nay, ban chấp hành Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể sẽ áp dụng chương trình giáo lý của tổng địa phận, thay thế cho chương trình cũ không được thích hợp cho lắm. Riêng phần giáo lý chuẩn bị cho các em xưng tội rước lễ lần đầu và lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức đã được một ủy ban của tổng địa phận soạn lại trong năm 2013 và sẽ được ra mắt vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 20-3-2014 tại trung tâm mục vụ cộng đoàn, dưới sự chủ toạ của Đức tổng giám mục Timothy Costelloe.

Điểm đặc biệt của chương trình giáo lý mới này là “đặt trọng tâm vào vai trò của gia đình”. Vì thế cha Hồng đã kêu gọi các phụ huynh, chẳng những nên theo dõi và khuyến khích con em đi sinh hoạt, mà còn giúp các em coi lại bài tập giáo lý và bài học sinh hoạt của phong trào, nêu gương tốt cho các em qua việc đọc kinh gia đình và đời sống bác ái yêu thương, và đặc biệt là tham dự các buổi sinh hoạt “Gia đình cùng ăn, cùng học, cùng cầu nguyện” sẽ lần lượt được tổ chức trong những tháng ngày sắp tới. Thật là kỳ diệu ! Phải chăng đây là một luồng gió mới đang thổi mạnh vào Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và còn làm rung chuyển cả nền móng của các gia đình trong cộng đoàn ngay từ đầu niên học ?!

Nói về sinh hoạt của đoàn thiếu nhi trong tháng 3 thì phải kể đến “ngày trang phục tự do” được các huynh trưởng tổ chức vào chiều Thứ Bảy 8/3 vừa qua. Hôm đó, các em thiếu nhi được yêu cầu đóng $2 để khỏi phải mặc đồng phục khi đi sinh hoạt – thầy Khiêm cũng cho phép các em không mặc đồng phục trong giờ học Việt Ngữ – và có thể tự trang điểm cho mặt mũi đầu tóc của mình theo kiểu nào cũng được. Các em đã gom được 800 Úc kim để gây quĩ giúp những bệnh nhân ung thư máu. Ngoài ra, cuối Thánh Lễ 6 giờ tối, trưởng Ngô Thảo Quyên Jessica còn lên máy vi âm tuyên bố sẽ “cạo đầu” trong buổi sinh hoạt ngày 15/3 để gây quĩ cho cùng một mục đích. Hoan hô tinh thần của Jessica và hy vọng những nỗ lực của em sẽ được thật nhiều người ủng hộ.

 

TẾT GIÁP NGỌ (31-1-2014)

Đêm Giao Thừa (Thứ Năm 30/1). Đối với cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Perth, trong số những nghi thức Phụng Vụ của 3 ngày Tết, Thánh Lễ Giao Thừa luôn được tổ chức long trọng nhất, và năm nay, số giáo dân về tham dự đã lên đến khoảng 1300 người.

Le Giao Thua 2014_81

Nguyện đường, đặc biệt là gian cung thánh được chuẩn bị rất chau chuốt, với những vật liệu trang trí dường như đã được mua sẵn từ quê nhà : Hoa mai, hoa đào, bao lì xì chứa “Lộc” đầu năm, cũng như những tràng pháo dây có thể nổ hoài mà không tan xác …

 

Phần Thánh Nhạc trong Lễ Giao Thừa do ca đoàn Cêcilia đảm trách. Vì có tới 4 Thánh Lễ trong những ngày đầu năm, nên các ca đoàn đã luân phiên nhau để phục vụ, nhằm tạo nên sự khác biệt cho mỗi Thánh lễ.

 

Cũng như năm ngoái, các vị cao niên trong cộng đoàn được quan tâm đặc biệt  qua nghi thức chúc thọ và tặng quà đầu năm. Gần 100 vị đã được mời lên ngồi ở các hàng ghế trên, trong khoang giữa của nguyện đường. Năm nay, tặng phẩm được trao tặng là những cây nến được gói bằng giấy mầu xinh xắn, tượng trưng cho sự khôn ngoan và kinh nghiệm trong cuộc sống mà những bậc trưởng thượng trong cộng đoàn có thể để lại cho con cháu như những ngọn nến soi đường cho những thế hệ mai sau.

 

Đặc biệt năm nay có 12  linh mục Việt nam về đồng tế trong Thánh Lễ Giao Thừa, một con số kỷ lục chưa từng thấy trong những sinh hoạt phụng vụ của cộng đoàn từ trước đến nay. Được biết, hiện đã có tới 16 linh mục Việt Nam đang phục vụ trong tổng giáo phận Perth, và các ngài là một điểm son đối với một cộng đoàn nhỏ bé nơi vùng Tây Úc này. Theo thông lệ thì ban thường vụ không tổ chức tiệc mừng xuân cho cả cộng đoàn, nhưng năm nay đã mời các cha, các thầy và các sơ ở lại sau Thánh lễ để gặp gỡ và chung vui với nhau  qua một bữa tiệc nhẹ trong hội trường nhỏ trước khi trở về nhiệm sở của mỗi người.

 

Hội chợ Tết (7&8/2/2014). Theo thông lệ thì mỗi độ xuân về, ban chấp hành cộng đồng Người Việt tại Tây Úc đều tổ chức  hội chợ với sự tham gia của các hội đoàn hoặc cá nhân trong vùng. Được biết trong kỳ hội chợ đầu xuân Quí Tỵ 2013, gian hàng của cộng đoàn công giáo đã có mức thu hoạch vượt qua sự mong đợi của mọi người. Cũng chính vì thế mà năm nay, phe ta thừa thắng xông lên, cũng lại muốn đem quân ra thi thố với đời.

Hoi Cho Tet 2014 Fri_66

Một buổi họp đặc biệt đã được ban thường vụ triệu tập vào ngày 19-1-2014 để phân chia công tác và bàn thảo về tiến trình chuẩn bị cho hai ngày hội chợ. Cả một danh sách dài các món ăn và nước giải khát đã có người đứng ra đảm trách : Nào là phở, bún bò Huế, bún thịt nướng, bánh mì thịt, cơm sườn, bánh cuốn, chè, các món ăn “nhanh” như “sausages”, “chips”  và  hai xe nước mía do anh chị Thiện cung cấp…  Xem ra  cái phần vụ “cạo vỏ mía” khá quan trọng vì trong biên bản buổi họp có “đề nghị cha quản nhiệm kêu gọi cộng đoàn giúp cạo vỏ mía sau Thánh Lễ Chúa Nhật 2/2/2014” !

 

Vì có dự tính cung cấp khá nhiều món ăn đa dạng và chuẩn bị chỗ ngồi thoải mái cho thực khách nên cộng đoàn đã  mướn từ ban tổ chức hội chợ : hai gian hàng kế cận nhau không có vách ngăn, 30 cái bàn, 120 cái ghế  và 2 phòng lạnh. Tuy nhiên, đến giờ cao điểm, , tổng cộng trên 40 bàn ăn, mỗi bàn  8 chỗ ngồi, kể cả một số bàn học của trường Việt Ngữ đã được đem ra sử dụng, nhưng vẫn không đủ chỗ ngồi và ban tổ chức hội chợ đã phải cho mượn thêm một số ghế  để thực khách có thể ngồi tràn sang các gian hàng kế cận !

Các phần vụ tuy đa dạng và nhiều khi khá nặng nề, nhưng gian hàng của cộng đoàn đã hoạt động một cách rất trôi chảy nhờ con số người tình nguyện lên đến gần 100 người. Họ được chia thành 4 nhóm : Nhóm nấu nướng, nhóm bán thực phẩm, nhóm hậu cần luôn sẵn sàng cung ứng vật liệu khi nghe gọi, nhóm vệ sinh và vận chuyển gồm một xe tải để chở đồ, một xe tải có phòng lạnh và 4 xe van trong đó một xe lo chuyên chở giàn điện, âm thanh và vật liệu trang trí. Phải có mặt tại chỗ mới thấy được mọi người đã phải làm việc cật lực đến mức độ nào. Khó khăn nhất là làm sao  cung ứng một số lượng thực phẩm rất lớn trong một thời gian ngắn nhất để tránh cho thực khách phải chờ đợi lâu giờ. Thật không dễ dàng khi phải chuẩn bị cùng một lúc hàng trăm tô phở, hoặc bún bò Huế, chế ngự những thùng nước lèo khổng lồ, hoặc ngồi cặm cụi gọt vỏ mía từ giờ này sang giờ khác. Tuy bận rộn vất vả, nhưng ai nấy đều vui vẻ thoải mái. Họ vừa làm việc vừa ca hát như đang giải trí với nhau vậy. Và bầu không khí vui nhộn đã thu hút được rất nhiều thực khách. Cả những nhân vật quan trọng trong Tiểu Bang Tây Úc  khi đến tham quan hội chợ cũng đã ghé vô gian hàng của cộng đoàn và được thưởng thức miễn phí những món ăn độc đáo tùy ý chọn lựa.

 

Điều nổi bật và đáng khen ngợi là phần đóng góp của giới trẻ và các huynh trưởng đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trong công tác bán thực phẩm và phục vụ bàn ăn trong suốt hai buổi hội chợ. Chẳng những các em là niềm hãnh diện của gia đình mà còn là  những mầm non trong cộng đoàn đang được hấp thu cái tinh thần phục vụ từ chính nơi các bậc phụ huynh đã chỉ cho con em mình một hướng đi tích cực trong tiến trình tăng trưởng.

 

Tuy có phần  mệt mỏi sau những ngày đêm làm việc cực nhọc và thiếu ngủ, nhưng tất cả những ai đã đóng góp công sức cho hai ngày hội chợ đều cảm thấy rất phấn chấn khi được nghe báo cáo là tổng cộng phần thu đã vượt quá con số vuông tròn là 52 ngàn Úc kim !  Để tỏ lòng cám ơn tất cả những ai đã đóng góp vật chất hoặc công sức để tạo được kỳ tích trên đây, ban thường vụ đã mời  mọi người đến dự phiên họp bất thường gọi là “để rút tỉa kinh nghiệm”,  được kết thúc bằng một bữa tiệc nhẹ sau Thánh Lễ 9 giờ sáng Chúa Nhật 16-2-2014. Đây quả thật là một khởi điểm tuyệt vời cho năm mới.

GIÁNG SINH 2013

 Giang Sinh 2013 _200_resize

Vừa tổ chức xong lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam là đến Lễ Giáng Sinh. Chắc là các ban ngành trong cộng đoàn, nhất là ban phụng vụ, đã vất vả nhiều vì phải tổ chức liên tiếp hai ngày đại lễ. Tuy nhiên chương trình vẫn được chuẩn bị đầy đủ và phong phú. Năm nay trong giờ canh thức còn có thêm sự góp mặt của ca đoàn Thiên Thần do Sr Lê Linh phụ trách và những giọng hát còn non trẻ hơn nữa của các con em ca đoàn Cêcilia. Những giọng hát còn trọ trẹ của các em nhỏ xen kẽ với phần trình diễn  có tính cách điêu luyện của các anh chị lớn tuổi hơn đã cộng thêm một nét mới lạ vô chương trình diễn nguyện tối nay.

 Giang Sinh 2013 _257_resize

Trước phần trình diễn của ba ca đoàn Thánh Linh, Têrêsa và Cêcilia là vũ khúc “Trời Cao” do các chị em Hội Nữ đảm trách. Thướt tha trong những trang phục  màu trắng thắt đai xanh – màu cờ của Đức Mẹ – các chị  đã nhẹ nhàng hướng dẫn cộng đoàn đi vào tâm tình mong đợi của mùa vọng.

                        “Trời cao hãy đổ sương xuống

                        Và ngàn mây hãy mưa đấng tối cao…”

 

Phần cuối của giờ canh thức là hoạt cảnh Giáng Sinh. Theo thông lệ thì trước tiên, biến cố thiên thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ đã được diễn lại. Kế đó là những nỗi băn khoăn tiến thoái lưỡng nan của thánh cả Giuse. Riêng năm nay lại có thêm sự xuất hiện của một em  bé gọi thánh Giuse là “cậu”, thắc mắc tại sao thánh nhân lại có vẻ buồn phiền như vậy. Rốt cuộc thì em cũng không có được câu trả lời thích đáng nhưng lại được sai đi ráp cho xong cái giường rồi đem trao cho khách hàng ! Lẽ dĩ nhiên là mọi hiểu lầm đã được giải tỏa với sự tái xuất hiện của thiên sứ Gabriel và hoạt cảnh được kết thúc một cách rất dễ thương bằng vũ khúc “Tiếng Hát Thiên Thần”. Người ta thấy hai thiên thần cánh trắng bay xuống báo tin mừng cho cộng đoàn rồi trở về cùng với Đức Mẹ và thánh Giuse quì trước hang đá. Riêng Hài Nhi Giêsu thì vẫn chưa được ngủ yên trong máng cỏ, vì Đức Mẹ và Thánh Giuse còn phải mang Con Trẻ xuống cho cha quản nhiệm đang đứng chờ ở cuối nguyện đường …

 Giang Sinh 2013 _100_resize

Cả hai bài giảng trong Thánh Lễ vọng Giáng Sinh  và 9 giờ sáng ngày 25 tháng 12 đều do cha Phạm Quang Hồng đảm trách. Trong bài giảng đầu tiên, lời chào mừng “Chúa ở cùng anh chị em” trong các Thánh Lễ đã được cha nhắc đến để cho thấy điều gì là quan trọng nhất trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta thường chỉ nhớ xin Chúa làm điều này điều nọ cho mình – “Do something for me!” –  chứ ít ai nói rằng : “Xin Chúa hãy ở cùng con!”

Cha nhớ lại những gì đã xảy ra trong những ngày cuối đời của  bác Trần Khánh Dư và anh Trần Hải, hai người đã về với Chúa trong những ngày gần đây. Anh chị Mỹ đã chẳng làm được gì cho bác Dư và chị Nga cũng bất lực khi chứng kiến những đau đớn mà chồng mình đang gánh chịu, nhưng phải công nhận rằng sự hiện diện của các anh chị bên giường bệnh là điều đáng trân quí nhất mà họ đã có thể làm cho người thân của mình trong những giờ phút này. Và những giọt lệ long lanh  trên khóe mắt của người bệnh trong giờ hấp hối là biểu hiện  của niềm hạnh phúc mà họ đã cảm nhận được.

 

Qua bài chia sẻ kế tiếp, cha Hồng đã liên kết mầu nhiệm Giáng Sinh với Bí Tích Thánh Thể. Trong một cử chỉ gây ấn tượng, cha đã dời bục giảng xuống hang đá lấy máng cỏ, giơ lên cao cho mọi người trông thấy rồi hỏi  Sr Patricia: “Thưa Sister, trong tiếng Anh, cái này được gọi là cái gì?”. Câu trả lời là hai chữ “crypt” và “manger”. Riêng chữ  “manger” lại chính là động từ “ăn” trong tiếng Pháp. Và theo nghĩa này, cái gì chứa  trong cái “manger” chính là để ăn, và Hài Nhi Giêsu đang nằm trong đó cũng chính là để được “ăn” ! Ngài  đã đến, chẳng những là để ở cùng chúng ta mà còn muốn làm của ăn cho chúng ta nữa! Đây là hai khía cạnh của cùng một bí tích Yêu Thương.

Áp dụng vào đời sống phụng vụ, mỗi khi đi tham dự Thánh Lễ là để “ăn” Mình Thánh Chúa. Tới Bàn Tiệc Thánh mà không được tham dự là một điều đáng buồn vì  có khác chi đi dự tiệc mà chỉ ngồi nhìn miệng thiên hạ mà thôi! Bây giờ, nếu đem áp dụng vào đời sống gia đình, người vợ có là phở, là hủ tiếu cho người chồng, hay chỉ là một bát cơm nguội mà thôi ? Còn người chồng có phải là thức ăn ngon cho cả gia đình, hay nó cứng quá, khô quá, đến nỗi mấy đứa con nhai không muốn nổi ? mà nếu trong nhà cơm không lành, canh không ngọt thì sẽ xảy ra tình trạng “Ông ham ăn chả bà đòi ăn nem” như trong thơ của của thi sỹ Lê Văn Chính mà cha Hồng đã trích đoạn ngay lúc khởi đầu của bài chia sẻ…

 

Sau khi bài ca hiệp lễ vừa chấm dứt thì bầu không khí trang nghiêm của nguyện đường bị phá vỡ khi các em nhỏ trong nhóm “Phụng Vụ Trẻ Em” của Sr Lê Linh tung tăng tiến lên trước gian cung thánh để chúc mừng Giáng Sinh cộng đoàn. Các em đã hát hết mình, không câu nệ, trúng trật không thành vấn đề, nhưng đã đem đến cho mọi người niềm vui và sự an bình của mùa hồng phúc. Niềm vui đó, tất cả các em nhỏ hiện diện trong hai Thánh Lễ đều  đã được chia sẻ khi các em được cha quản nhiệm mời lên lãnh quà sau nghi thức ban phép lành. Thật là vui nhộn khi thấy các em lên đứng chật cả khoảng trống trước gian cung thánh. Đây là mầm non cũng là sức sống của cộng đoàn trong tương lai. Xin cám ơn quí phụ huynh đã tập cho con em của mình thói quen trở về với cộng đoàn.

 

Phụ chú: Danh sách diễn viên hoạt cảnh Giáng Sinh.

* Giới thiệu chương trình : Chú Lê Minh, trưởng ban thường vụ

* Tường thuật viên : Chú Đồng Văn Vượng, Đỗ Trang Mỹ Ngân Megan và Hiếu Đồng.

* Xướng ngôn viên tiếng Anh : Phan Minh Châu Victoria

* Đức Mẹ : Phan Bảo Châu Alexandra

* Thánh Giuse : Michael Phạm

* Thiên thần : Melanie Phạm & Quỳnh Trân

* “Cháu” của thánh Giuse : Danny Đỗ

 

 

LỄ BỔN MẠNG CỘNG ĐOÀN VÀ LÀM PHÉP VIÊN ĐÃ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG NHÀ XỨ. (17-11-2013).

 

8 giờ sáng. Mọi công việc chuẩn bị đều  đã hoàn tất : Trang trí bên trong hội trường; căng bạt dọc theo hành lang để che nắng  cho mọi người trong giờ liên hoan sau Thánh Lễ; gầy dựng khán đài dưới sân cỏ cho nghi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà xứ; ngay cả lộ trình rước kiệu xương Thánh Tử Đạo cũng đã được vạch  sẵn nhằm đảm bảo trật tự cho đoàn rước.

 

Hôm nay bà con  đi dự lễ sớm lắm. Quần áo lượt là tạo nên một quang  cảnh rực rỡ xưa nay chưa từng thấy trong khuôn viên trung tâm mục vụ : xen lẫn với  những y phục muôn màu của của giáo dân là mầu áo xanh đậm của các thầy cô trường Việt Ngữ Anrê Dũng Lạc, đồng phục áo trắng khăn quàng đỏ của các anh chị huynh trưởng Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể; khăn đóng áo dài của các em bé dâng hương theo truyền thống dân tộc; nổi bật nhất và mạnh mẽ nhất vẫn là sự choáng  ngợp của mầu đỏ : Mầu đỏ trong đồng phục của các chị em trong gia đình tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót, mầu đỏ nơi phẩm phục của cha chính địa phận Peter Whitely và sáu linh mục đồng tế, kết hợp với mầu đỏ của nền trang trí trên  gian cung thánh  cũng như trên khán đài ngoài sân cỏ… Mầu đỏ của lòng nhiệt huyết, của sự trung kiên và của tâm tình tận hiến …

 

9 giờ sáng. Nghi thức làm phép viên đá nền bắt đầu với kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chẳng những hôm nay là ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà xứ mà còn kỷ niệm 25 năm phong thánh cho 117 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng cộng đoàn. Trong lời dẫn nhập song ngữ, một bảng tóm lược ngắn gọn đã cho mọi người thấy rằng, ngoài 117 vị đã được tôn vinh lên hàng hiển thánh, con số những người bị bách hại vì đức tin của mình đã lên đến khoảng 300 ngàn người thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Và các ngài cũng là niềm hãnh diện của cả dân tộc và cũng được kính nhớ trong ngày đại lễ hôm nay.

 Bon Mang CD S 2013_9_resize_resize

Có một sự trùng hợp đầy ý nghĩa giữa những sự kiện được nhắc nhở đến trong các nghi thức Phụng Vụ: Nếu công trình xây cất của cộng đoàn cần phải dựa trên  một nền móng vững chắc thì cánh đồng Giáo Hội Việt Nam, cũng chính vì đã được tưới mát bởi máu của các thánh Tử Đạo nên mới đâm hoa kết trái  sau những năm tháng dài bị bách hại. Và cuối cùng,  nếu mọi sự đã được thành tựu thì đều nhờ ở ơn trợ giúp của Thiên Chúa, cũng như cha Whitely đã xác tín trong lời nguyện làm phép viên đá nền của công trình xây cất :

 

            “Nếu Chúa không xây nhà thì những người thợ làm việc uổng công!”

 Main 2 Ca Doan_resize_resize

Thánh Lễ bắt đầu sau khi đoàn rước đã yên vị trong nguyện đường. Như từng được mong đợi, ca đoàn tổng hợp đã đóng một vai trò then chốt trong việc tạo niềm cảm xúc cho mọi người trong mỗi  giai đoạn của Thánh Lễ. Khởi đầu là tính chất bi hùng của bài ca nhập lễ, thôi thúc những người con của Giáo Hội, oai dũng tiến lên đoạn đầu đài mà “Lòng thề không lui bước, ngẩng mặt cao chí khí can trường…” . Kế đến là thánh vịnh 125 do cha quản nhiệm Nguyễn Mộng Huỳnh sáng tác với lối hòa âm có cái nét đặc thù của những thể nhạc trên vùng sơn cước. “Họ ra đi vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Lúc trở về mừng vui hân hoan, vai mang gánh lúa vàng, vai mang nặng gánh lúa vàng…”

 Bon Mang CD B 2013_112_resize_resize

Trong bài chia sẻ sau Phúc Âm, cha Peter Whitely đã cùng với cộng đoàn đi tìm hiểu lý do tại sao các Thánh Tử Đạo đã có thể chịu đựng biết bao cực hình mà không hề nao núng. Chắc không phải là nhờ ở sự nâng đỡ của gia đình. Vì trong cơn thử thách, nhiều khi các ngài đã bị chính người thân tố cáo để tự cứu lấy mình. Cũng không có thể nói là nhờ ở văn hóa và truyền thống dân tộc, vì Kitô giáo tại Việt Nam là một tôn giáo mới được du nhập vào từ bên ngoài. Như vậy thì chỉ có ĐỨC TIN mới có thể cho các ngài một sức mạnh phi thường như vậy. Một Niềm Tin son sắt đối với Chúa Kitô là Đấng đã đến, chẳng những để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người, mà Ngài  cũng đã chết đi và sống lại để con người được chia sẻ đời sống vĩnh cửu ở nơi Thiên Chúa. Cũng chính vì tin  và muốn được chia sẻ đời sống vĩnh cửu đó mà cha ông chúng ta đã có được thái độ kiên cường như vậy.

Riêng đối với chúng ta, nếu muốn noi gương các Thánh Tử đạo, cũng cần phải học để sống mật thiết với Chúa, bằng lời cầu nguyện, sống theo luật của Chúa và đến với Chúa qua các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Đó là điều kiện để trở nên giống Chúa và đồng thời lãnh nhận được sức mạnh ở nơi Ngài.

 

Sau lời nguyện giáo dân và trong khi phái đoàn dâng hương và lễ vật trang trọng tiến lên gian cung thánh thì bầu khí trong nguyện đường tự nhiên lắng dịu khi ca đoàn tổng hợp nhẹ nhàng xướng lên bài ca dâng lễ. Người ta có cảm tưởng là đôi tay mượt mà của cha Nguyễn Hoàng Dương đang truyền cho các ca viên những tâm tình tạ ơn và phó thác được gói trọn trong ngôn từ và cung điệu của nhạc khúc “Như một Hiến Lễ” do nhạc sỹ Ngọc Linh sáng tác:

 

                        Này cuộc đời con đây Chúa ơi,

 Như bài ca tạ ơn thiết tha.

 Xin loan báo khắp cùng mọi nơi,

 Ân tình Ngài ban, qua dòng thời gian,

Tuôn đổ dư tràn, tràn dư chẳng ngơi…”

 

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, cha Whitely đã nhắc nhở mọi người  về một khía cạnh quan trọng trong nỗ lực xây dựng cộng đoàn. Ngài cho biết là mình rất am tường về dự án xây cất nhà xứ vì đang làm việc trong Ủy Ban Duyệt Xét và có trách nhiệm trình lên Đức Tổng Giám Mục những đề nghị và nhận xét của mình về dự án này. Cá nhân  cha đã từng đứng ra xây cất hai ngôi Thánh Đường và một nhà xứ và đã được gán cho cái tên  là “người xây nhà thờ” (Church builder). Nhưng cha nói vẫn thích hơn nếu được biết đến như là người xây dựng “cộng đoàn con người”. Chính Giáo Hội cũng đã được xây dựng bằng “những con người” chứ không phải bằng gạch ngói và nước! Như vậy, công việc xây dựng cơ sở vật chất chỉ có ý nghĩa khi nó đi đôi với  nỗ lực xây dựng một cộng đoàn cầu nguyện, một cộng đoàn Đức Tin.

 

Theo thông lệ thì lễ bổn mạng cộng đoàn luôn kết thúc bằng một bữa tiệc liên hoan. Vì số giáo dân về tham dự lên đến khoảng 1300 người nên ban khánh tiết đã không thể sắp xếp bàn ghế cho mọi người ngồi ở ngoài trời như trước đây, nhưng đã tổ chức nhiều tụ điểm để việc phân phối thực phẩm được mau lẹ và có trật tự. Trong lời cám ơn sau phần rước lễ, chú Lê Minh, trưởng ban thường vụ, tuy đã không dám nêu tên từng cá nhân vì sợ thiếu sót, nhưng đã nhắc nhở đến cả một chuỗi danh sách các hội, phong trào và đoàn thể đã cộng tác trong việc tổ chức ngày đại lễ. Dường như thành phần nào trong cộng đoàn cũng đều đã đóng góp công sức của mình … Điều này cho thấy một cộng đoàn Đức Tin quả thực đã được xây dựng và đang phát triển mạnh nơi vùng Tây Úc này.


Xem Tiếp Năm 2013