(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ
Với chế độ ăn uống vừa đủ để khỏi chết đói, bất kỳ bệnh hoạn hay tật nguyền gì cũng chỉ có một loại thuốc ‘thần’ là ‘Xuyên Tâm Liên’, rồi mỗi ngày phải lao động ‘theo chỉ tiêu giao khoán’, nhất là tinh thần luôn luôn căng thẳng vì bị khủng bố dưới đủ mọi hình thức… đương nhiên sức lực các tù nhân ‘xuống dốc’ rất nhanh ! May mắn cho người tù là dựa vào ban đêm để làm chậm lại cái đà lao xuống dốc rất nhanh ấy. Đúng vậy, giấc ngủ là nguồn ‘năng lượng’ duy nhất có thể giúp người tù kéo dài kiếp sống dù không biết tương lai sẽ ra sao.
Niềm vui và cũng là nguồn hạnh phúc của các tù nhân là chỉ có trong khi ngủ họ mới thấy mình được tự do và đoàn tụ với gia đình. Mở mắt thức dậy thì vẫn thấy xung quanh toàn là kẽm gai và trạm canh, thấy đói khát pha lẫn với lao lực và lao tâm, thấy tử thần vẫy gọi mỗi ngày…thêm vào đó những kẻ khốn khổ ấy hoàn toàn không biết gì về tin tức những người thân yêu của mình, và đó là nỗi khổ tâm lớn nhất của họ.
Một tù nhân bằng tuổi tôi nằm kế bên trong căn nhà 5 (lúc ấy là năm 1981), sáng nào cũng tâm sự rằng đêm qua anh được về thăm gia đình ở đường Yên Đỗ, xóm Tân Định. Mỗi lần anh kể lại giấc mơ gương mặt anh rất vui.
Tôi tin rằng xóm Yên Đỗ ấy là nguồn hạnh phúc và cũng là nguồn sống của anh vì lúc nào anh cũng chỉ mơ một ngày đẹp trời nào đó được thả, đếm từng bước chân tiến vào khu ‘thiên đường’ tuyệt vời ấy. Sau 6 năm ở tù, vào tháng 10 năm 1983, lần đầu tiên anh nhận được thư của gia đình. Trong bức thư mẹ anh viết rất ngắn gọn rằng “Nguyên đám tụi nó” (ám chỉ vợ và các con anh) được tàu Cap Anamur vớt hồi tháng 4 năm ngoái, nên bây giờ “tụi nó” được định cư ở Tây Đức rồi, con an tâm học tập tốt để mau được về. Lá thư kế tiếp mẹ anh cho biết “Tụi nó” đang ở thành phố Hamburg, con ráng lao động tốt để sớm được thả về. Cả anh lẫn tôi đều chưa hề biết tí gì về nước Đức, nên khi anh hỏi tôi về thành phố Hamburg, tôi phải thú nhận cái dốt của mình nhưng bù lại là tôi có biết một món ăn tên là ‘Hamburger’ mặc dù năm đó tôi chưa hề trông thấy chứ đừng nói đến chuyện đã được diễm phúc nếm qua ! Nghe xong, anh chỉ cười, không nói gì. Nhưng từ đó, hình như anh không còn mơ về xóm Yên Đỗ nữa mà bắt đầu mơ về một thành phố xa lạ ở mãi tận bên Tây Đức. Năm ngoái, có dịp sang Đức, tôi biết Berlin, Frankfurt và chỉ đi ngang qua Hamburg thôi. Tôi hiểu rằng thiên đàng không phải là một nơi cố định, mà
khi tình yêu của mình ở đâu thì thiên đàng của mình ở đó.
Mừng lễ ‘Chúa Thăng Thiên’ chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng mà Ngài đã nhận lãnh từ Cha Ngài. Ngôn từ mà chúng ta vẫn dùng lâu nay để gọi lễ nầy là ‘Thăng Thiên’ hay lễ ‘Chúa Lên Trời’ khiến chúng ta hiểu mông lung lắm. Chữ ‘Thăng’ gốc Hán Việt nghĩa là : Lên, đi lên, đem lên. Như vậy ‘Thăng Thiên’ nghĩa là ‘Lên Trời’. Nhưng vấn đề là ai biết ‘Trời’ ở đâu để mà lên hay xuống ?
Trong cái không gian vô giới hạn và trời đất vũ trụ cứ xoay vần thì làm sao dám bảo rằng chỗ nào cao hơn chỗ nào thấp hơn ? ‘Trời’ có bị giới hạn trong một chỗ nào đó không ? Làm sao biết con đường nào sẽ dẫn dắt chúng ta về ‘Trời’ ?
Ngay từ những giáo huấn ban đầu, mỗi người chúng ta đều được Chúa Giêsu nhắc nhở là đừng bao giờ chú tâm vào một điểm không gian nảo đó, ‘Trời’ ở chỗ nầy hay chỗ kia, đâu phải là vấn đề quan trọng. Điều cốt yếu quan trọng là nơi nào có Thiên Chúa và Tình Thương của Ngài đón chờ thì nơi đó chính là ‘Trời’. Nên biết rằng : Hạnh phúc tuyệt đỉnh của con người không phải là ở sân thượng một tòa nhà chọc trời, hoặc ở trên cung trăng hay ở trên một hành tinh xa vời nào đó. Phi Hành Gia người Nga Yuri Gagarine (là người đầu tiên bay lên quỹ đạo không gian vào tháng tư năm 1961) đã thẳng thừng tuyên bố “Trên cái không gian bao la ấy tôi không thấy Thiên
Chúa đâu cả !” Lập tức có rất nhiều người kết án Phi Hành Gia người Nga nầy vì là một tên vô thần nên mới tuyên bố láu lếu như vậy. Tôi không đồng ý với họ vì đi vào vũ trụ mênh mông để tìm ‘Trời’ quả là điều vô bổ.
Thiên Chúa hay “Ông Trời” không thể bị ‘nhốt’ trong bất kỳ một nơi cố định nào. Không thể chỉ ngón tay lên cao rồi bảo đó là ‘Trời’, cũng không thể chỉ ngón tay xuống đất rồi nói đó là ‘Hỏa ngục’. Nếu ‘Trời’ hay ‘Hỏa ngục’
là những nơi chốn cố định thì ai trong chúng ta cũng có thể tìm cách đột nhập vào, và ngược lại, ai cũng có thể đào tẩu, vượt ngục trốn thoát ra !
“Lên Trời” là lên đến một nơi để gặp gỡ, để đối diện trong yêu thương với Thiên Chúa, được Ngài đón tiếp và đưa hẳn vào một thân phận mới, vào trong nguồn ánh sáng bất diệt và một niềm vui bất tận chỉ tìm thấy ở nơiThiên Chúa. Đối với tôi, Thiên Đàng không phải là ở hướng ngón tay chỉ chỏ của bất kỳ nhân vật trần thế nào dù là Giáo Hoàng hay Tổng Thống, mà chính là ở cái nơi Thiên Chúa đang đứng chờ đợi chúng ta và đưa tay vẫy gọi chúng ta. Xét cho cùng, Chúa Giêsu không ‘Lên Trời’ một mình, nhưng ngay trong hiện tại, Ngài đang đưa chúng ta về với Cha của Ngài. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV LỄ THĂNG THIÊN.pdf