(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page


LÁ THƯ MỤC VỤ

Nhận ảnh hưởng của các Sư Huynh Trường Công Giáo (Frères Des Écoles Chrétiennes – quen gọi là các Thầy Dòng Ta-Be), nhất là ảnh hưởng trực tiếp từ 2 vị thầy đáng kính là Frère Aimé và Frère Boniface, tháng 6 năm 1963, tôi xin gia nhập Dòng La San lúc 14 tuổi. Nếu có ai hỏi tôi rằng ở cái tuổi đó làm sao biết Chúa có gọi hay không ? Thú thật lúc ấy tôi chả biết gì về hai chữ “Ơn Gọi”, chỉ lơ mơ thích trở thành một ‘Frère’ để sinh hoạt với trẻ con như hai vị thầy đáng kính mà tôi muốn theo gương. Thế rồi tôi ra Huế, vào Nha Trang, lên Đà Lạt, qua suốt thời kỳ huấn luyện kéo dài 7 năm. Đó là giai đoạn các Sư Huynh giúp tôi tìm hiểu hơn về “Ơn Gọi” của tôi. Sau đó, tôi được nhà Dòng gửi về dạy ở Đệ Tử Viện Mossard – Thủ Đức, nơi giúp nuôi dưỡng các ‘Ơn Gọi’ và tạo điều kiện để hạt giống nẩy mầm. Nhờ giúp các em, tôi khám phá thêm về ‘Ơn Gọi’ của mình.

Rồi biến cố ‘tháng tư đen’ ập xuống trên miền Nam thân yêu, sau đó không lâu tôi vào tù. Đi tu được 14 năm thì vào tù để tu tiếp 10 năm nữa. Trong tù, vị linh mục giúp tôi suy nghĩ về Ơn Gọi của mình nhiều nhất là cha Giuse Nguyễn Tiến Lộc (Dòng Chúa Cứu Thế). Ra tù nhỏ, tôi còn sống lây lất trong cái tù lớn tại Sài Gòn ngót 10 năm, rồi vì chịu không nổi nên mới trốn đi. Sang Úc, tôi vẫn sống Ơn Gọi La San hơn 4 năm tại Melbourne và Sydney. Năm 2001, nhờ lời mời của cha Minh Thuý mà tôi biết Tây Úc, một miền đất rất lành. Năm 2002, cha Minh Thuý chở tôi lên thăm cha Mộng Huỳnh lúc ấy đang làm chánh xứ Corrigin. Nói chuyện với nhau sau cơm tối, cha Minh Thuý tế nhị nên không nói gì về Ơn Gọi của tôi mặc dù tôi cần gì cha đều sẵn lòng giúp, nhưng cha Mộng Huỳnh bất ngờ đề nghị “Frère xin làm linh mục đi !”. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu nói đó.

Trở về Sydney, tôi viết thư trình bày mọi chuyện cho Sư Huynh Giám Tỉnh David và xin phép cho tôi được tạm vắng mặt khỏi nhà Dòng. Ngài rất nâng đỡ nên cho phép tôi cầm lá thư giới thiệu của ngài sang Perth, nếu như Tổng Giáo Phận Perth không nhận thì tôi yên tâm trở về nhà Dòng. Tháng 6 năm 2003, cha Minh Thuý dẫn tôi vào Đại Chủng Viện Saint Charles ở Guildford-Tây Úc, để ban giám đốc và Đức Cha Phụ Tá phỏng vấn xem có nhận tôi vào hay không, nên nhớ lúc ấy tôi đã 54 tuổi rồi, cái tuổi mà đến ngày thụ phong Thiên Chức có lẽ sẽ phải “..lom khom lết lên bàn thờ Chúa…Chúa là an tọa tuổi cao niên con….”. Tôi hồi hộp chờ kết quả.

Tháng 8 năm 2003, tôi được nhận vào Đại Chủng Viện và bắt đầu thời kỳ huấn luyện trong Ơn Gọi linh mục. Nhìn lại con đường đã đi đúng 40 năm trong Ơn Gọi La San, một con đường rất an toàn đã cho tôi nhiều niềm vui và ân phúc, vì thế tôi đã phân vân thật nhiều khi phải chọn một con đường khác, cứ lo lắng không biết Chúa có thật sự gọi tôi chuyển hướng hay không ? Điều khiến tôi mạnh dạn quyết định là nội dung của lời cầu nguyện sau đây trong tác phẩm “Viết Trong Tâm Hồn”(Linh mục Nguyễn Trọng Tước) : “Lời khấn nguyện của con hôm nay là xin cho lòng con một trái tim dũng cảm. Con muốn đi và muốn tìm. Con muốn bỏ lại căn nhà cũ kỹ vẫy gọi một chân trời mới. Con muốn đi xa và đi cao, đi hết tiếng thôi thúc của linh hồn đến một nơi rất đẹp theo tiếng gọi của Cha. Con tin rằng có một vùng trời huyền nhiệm. Con muốn tìm một đường thiêng liêng dẫn con tới nơi an nghỉ sau cùng hạnh phúc trong tay Cha : Nước Trời.” Đó là những con đường rất riêng tư của tôi.

Chúa gọi mỗi người một cách rất khác nhau, trong bài Tin Mừng Chúa gọi bốn môn đệ đầu tiên là Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan. Khi Chúa gọi thì Chúa thầm nuôi hy vọng nhận được hồi âm. Chắc chắn Chúa cũng ngậm ngùi khi bị khước từ hay thấy một tâm hồn lạnh lùng xé vất cánh thư Ngài gửi. Nếu chúng ta tin rằng Chúa không thể sai lầm thì cũng phải tin rằng tiếng gọi của Ngài là tuyệt hảo. Vì vậy, khi một linh hồn chối từ sự tuyệt hảo thì cũng có nghĩa là linh hồn đó chấp nhận sự bất hảo. Đối với những ai trong cộng đoàn đang nuôi ước vọng ‘đi tu’, thì đây là lời khuyên của linh mục Trọng Tước : “Hãy dùng trí thông minh mà tính toán trong cuộc đời trần thế, nhưng đối với Ơn Gọi đi tu, xin đừng dùng lý trí mà tính toán.” Khi tìm hiểu về Ơn Gọi của mình, dù là tu trì hay sống đời hôn nhân, rất có thể vì chúng ta quá khôn ngoan trên phương diện trần thế nên có nguy cơ đánh mất niềm trông cậy và phó thác. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV III TN B.docx