(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Khi nghe chánh án Đặng Thanh gõ búa tuyên án 13 năm tù vì tội ‘Âm mưu lật đổ chính quyền’, ý nghĩ đầu tiên đến trong tâm trí tôi là ‘không biết mình có sống sót trở về không’? Bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ 3 ngày xử án với những gương mặt của những vị cùng bị xét xử với tôi (mà tới nay đã có 5 vị khuất núi rồi). Trên chiếc xe bít bùng chở về lại nhà tù Chí Hòa, tôi đã có một ý nghĩ khá ngộ nghĩnh sau đây : Giá mà có ai chế được một thứ thuốc ngủ thần kỳ, tôi ước ao được ngủ một giấc dài, có thể 5 năm, có thể 10 năm, hay tốt nhất là 13 năm để tôi ngủ một mạch cho tới khi mãn án tù, sau đó, a lê ! Chỉ việc thức dậy rồi ra về. Khỏe re. Đúng vậy, chẳng những khỏe cho cá nhân tôi mà cũng khỏe cho những cai tù khỏi phải canh giữ.

Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có ai bào chế được thứ thuốc thần kỳ ấy. Và Thánh ý Chúa muốn tôi phải tự mình đi qua nhũng năm tháng tù đày để học hỏi và nhất là để hoàn thiện bản thân. Nếu như có thứ thuốc thần kỳ ấy thì tôi đã không học hỏi được gì để nhìn thấy cuộc sống là món quà quý giá vô cùng mà Thiên Chúa ban cho mỗi người chỉ một lần thôi. Như thế thì ‘được ở tù’ chính là một hồng ân. Qua từng biến cố và từng giây phút trong tù, tôi đã khám phá ra con người thật của tôi. Tuy bản án là 13 năm nhưng sau hơn 10 năm tôi được thả về, nghĩa là tôi vào tù lúc 27 tuổi và ra tù lúc gần 38 tuổi. Lúc vào tù tôi là một tu sĩ trẻ khác với lúc ra khỏi tù nhiều lắm, tôi học được chữ ‘NHẪN’, chữ ‘VÔ CHẤP’ và nhất là học được chữ ‘KHÔN’.

Điều chính đối với mỗi tù nhân là ‘phải sống sót trở về’, cho nên dù phải đói khát hay cơ cực đến mấy cũng phải ráng sống cho đến ngày về. Thế mà không thiếu những anh em vì đói quá ăn phải nấm độc rồi chết, cũng có những anh em vì buồn quá nên sinh bệnh rồi không thể sống đến ngày về, lại cũng có những anh em không tập làm chủ cái bản năng tự nhiên, muốn được tăng thêm khẩu phần ăn, muốn được thả về sớm hơn, nên chấp nhận làm ‘ăn-ten’ đi rình mò những người đồng cảnh, đến khi sự việc lộ ra, có người đã bị thanh toán ngay trong tù không kịp nhìn thấy ngày về. Một số khác cố sống cho qua ngày chờ đợi đến ngày về, nhưng khi bước ra đời lại còn tệ hơn lúc vào tù vì đã tiêm nhiễm biết bao điều tệ hại học được trong tù. Ngược lại, cũng có những anh em sau khi trở về với xã hội lại bị mặc cảm, bị sợ hãi nên không hòa nhập với xã hội được.

Cuộc sống trong tù đã giúp tôi xác tín một điều : Thiên Chúa yêu thương tôi và không bao giờ bỏ rơi tôi. Cho dù tôi có tội lỗi đến mấy, nhơ nhớp đến mấy, Ngài vẫn yêu thương tôi. Cho dù tôi đã nhiều lần quay lưng lại với Ngài, phản bội Ngài, nhưng Ngài vẫn tiếp tục thương yêu tôi. Nhất là tôi tin rằng Thiên Chúa không đợi tôi ‘xứng đáng’ rồi Ngài mới yêu thương tôi, bởi vì nếu Ngài đợi tôi ‘xứng đáng’ rồi mới yêu thương thì còn gì là ‘tấm lòng thương xót’ của Ngài. Tôi tin rằng tôi càng yếu đuối thì càng được Ngài thương yêu. Điều xác tín kế tiếp là : Thời giờ gắn liền với cuộc sống, cho nên cuộc sống quý giá bao nhiêu thì thời giờ cũng quý báu bấy nhiêu. Nhờ đó, ngay từ lúc còn ở trong tù, tôi đã tập sống từng giây phút cho trọn vẹn và sinh lợi ích. Điều xác tín cuối cùng là : Phải sống sao cho thật vui, không phải thứ vui nhộn nhịp bên ngoài mà là niềm vui êm ái ngọt ngào bên trong, vui vì biết rằng dù ở đâu hay lúc nào cũng có ‘ai đó’ yêu thương mình. Từ đó, khi nhìn lại 10 năm tù, tôi dễ dàng đi đến kết luận : “Đó là những năm tháng hồng ân Chúa ban”.

Mười ‘trinh nữ’ trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay tượng trưng cho tất cả các tín hữu của Chúa Kitô, nam cũng như nữ, giáo hữu cũng như giáo sĩ. Bất kỳ ai cũng có thể là ‘khôn’ hay ‘khờ’. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu nhấn mạnh chuyện chàng rể ‘đến chậm’ nên phải luôn luôn sẵn sàng chứ không được thờ ơ hay lơ là. Mà chuyện chàng rể đến chậm là chuyện thường xảy ra dựa vào thói tục của địa phương ở đất Do Thái thời Chúa Giêsu, bởi vì nhiều khi sự thương lượng giữa hai gia đình trai và gái còn kéo dài cho đến phút chót. Bình thường thì lúc mặt trời lặn, chú rể cùng với đoàn phù rể kéo đến đón cô dâu. Nhưng nếu cuộc thương lượng chưa xong thì sự chờ đợi của nhà gái còn kéo dài, có khi tới khuya, hay tới nửa đêm không chừng.

Trong dụ ngôn, các chi tiết ‘đóng cửa lại’ cũng như câu đáp của chú rể với các cô tới chậm ‘tôi không biết các cô là ai’ là điều không bình thường trong một đám cưới tự nhiên. Nhưng chính Chúa Giêsu nói lên những chi tiết ấy để làm nổi bật ý nghĩa thiêng liêng sau đây : Mỗi người chỉ chết một lần thôi, hoàn toàn không có cơ hội để làm lại lần thứ hai, nếu như đã không biết sẵn sàng. Thêm vào đó, dụ ngôn cũng dạy mỗi người chúng ta rằng : Tự mình phải sống KHÔN, tức là biết chăm lo bình dầu của mình, không thể cậy nhờ bất kỳ ai khác vì họ cũng không giúp gì được đâu. Làm sao để khi cánh cửa phòng tiệc cưới mở ra là đèn của mình đang còn cháy sáng. Như thế mới biết ở đời ai khôn ai khờ ! Linh mục Phạm Quang Hồng.

LTMV XXXII TN A.docx