(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

Chúng ta nghĩ gì về bối cảnh mà Chúa Giêsu đang phải đương đầu trong đoạn Tin Mừng tuần này: Những người Pharisiêu cấu kết với nhóm Hêrôđê để chất vấn, và gày bẫy Chúa với câu hỏi “Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?” Sự giải quyết tình huống này của Chúa thật đầy khôn ngoan, và hợp tình hợp lý khi Chúa mượn đồng tiền nộp thuế và hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là ai đây? Họ đáp: của Xê-da. Chúa bảo họ: “Thế thì của Xê-da thì trả cho Xê-da, của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa.”

Trong đất nước Do-Thái, nơi mà Chúa sinh sống bị thống trị bởi đế quốc Rôma một cách quá khắc khe, xã hội thì quá bất công dẫn đến hầu hết mọi công dân Do-thái phải gồng gánh đủ điều, nhất là các loại thuế mà người Do-thái phải chịu đựng. Mọi sinh hoạt xã hội, chính trị, văn hóa và tôn giáo hầu như phải lệ thuộc vào sự quản chế của đế quốc Rôma. Chính vì điều này dân Do-Thái phải lệ thuộc vào đế quốc Rôma, và họ bị ép đóng đủ mọi thứ thuế, như thuế lưu thông, thuế kế sản, thuế mại vật, thuế điền thổ, thuế nhà cửa… và một thứ thuế mà người Do-Thái rất ghét đó là “thuế thân.” Chúa Giêsu cũng không ngoại lệ. Bởi thứ thuế này dân Do-Thái ngầm hiểu rằng họ phải lệ thuộc, họ phải làm nô lệ cho đế quốc Rôma, và họ bị coi như là công dân hạng hai, không có quyền gì đòi hỏi. Cho nên thuế thân mà dân Do-Thái xem đó là một điều rất ô nhục cho cả dân tộc.

Khi Chúa Giêsu xuất hiện giữa dân chúng như một nhà lãnh đạo, và lôi kéo rất nhiều người theo Chúa bằng sự giảng dạy khôn ngoan đầy uy quyền, bằng nhiều phép lạ, bằng chân lý và sự thật. Song song, Chúa phơi bầy mặt trái và tội lỗi của xã hội, sự sai trái thối nát của các nhà lãnh đạo tôn giáo là những kẻ giả hình, giống như mồ mả được tô vôi, sao cho đẹp vẻ bên ngoài, cùng rất nhiều sai trái tội lỗi khác mà họ vẫn cho mình là người thiện hảo. Khi những người Pharisiêu đến hỏi Chúa Giêsu về việc đóng thuế, nhất là thuế thân để gày bẫy Chúa, và họ dùng phương cách này để đẩy Chúa vào đường cùng, vào cái chết. Họ đến thưa cùng Chúa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật, và cứ sự thật mà dạy đường lối Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” Nếu Chúa Giêsu nói không cần phải nộp thuế thì nhóm Hêrôđê sẽ phản ứng bằng cách tố cáo Ngài là kẻ phản động, không tuân thủ nghĩa vụ công dân, là kẻ phá rối trị an quốc gia bằng cách cổ võ dân chúng chống đối nộp thuế, chống đối lại hoàng đế Xê-da. Đây là kế sách rất độc đáo tinh vi của những người Pharisiêu và nhóm Hêrôđê kết hợp với nhau để loại trừ Chúa, vì tầm ảnh hưởng của Chúa rất lớn. Nếu Chúa Giêsu không đóng thuế thì rơi vào bẫy của nhóm Hêrôđê vì Chúa không chu toàn bổn phận công dân, không làm gương cho những công dân khác. Tội này có thể rơi vào tội phản quốc. Còn nếu Chúa nói phải đóng thuế thì Chúa cũng là kẻ phản bội lại chính dân tộc của Ngài, là tay sai cho đế quốc Rôma.

Chẳng những Chúa Giêsu không bị mắc bẫy mà Chúa hỏi họ đưa cho Chúa xem đồng tiền, và dĩ nhiên Chúa biết rõ đồng tiền của Rôma mà tiền ấy có hình hoàng đế Xê-da. Không phải Chúa không biết đồng tiền ấy, nhưng Chúa muốn chính từ miệng họ xác nhận điều này để làm tăng thêm ngụ ý của Chúa. Nghĩa là cái gì thuộc về thế gian thì hãy trả cho thế gian, còn cái gì thuộc về Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn nói cho họ biết bổn phận của một công dân thì phải chu toàn và phải có trách nhiệm để góp phần xây dựng đất nước đó về mặt xã hội. Về công nhân Nước Trời thì Chúa nói với chúng ta rằng: toàn con người của chúng ta thuộc về Chúa, cả đời sống của chúng ta đều là của Chúa, Ngài là chủ quyền của chúng ta, và Thiên Chúa đã ghi dấu ấn hình hài của Ngài trong tâm hồn của chúng ta. Nên chúng ta cần đóng thuế cho Thiên Chúa bằng chính đời sống yêu thương, đạo đức, và nhân bản để sao cho hình hài của chúng ta nên giống hình hài của Chúa mỗi ngày trong đời sống.

Bổn phận và nghĩa vụ của người công dân là sứ vụ cao cả được diễn tả bằng tình yêu người đó dành cho đất nước mà mình đang sinh sống. Mỗi công dân ý thức được điều này, nghĩa là họ đang chu toàn bổn phận của mình. Đồng thời họ cũng đang kiến thiết về nhiều khía cạnh mà tôi cho là quan trọng: Đó là văn hóa xã hội, chính trị, nền tảng luân lý, đạo đức cùng với đời sống tâm linh tôn giáo. Đây là những nấc thang giá trị cốt lõi mà chúng ta có thể đánh giá một đất nước giàu mạnh. Giàu về kinh tế chính trị, mạnh về nhân bản đạo đức, cùng tiềm năng trí tuệ của con người nếu được khai thác đúng mực, và dùng đúng nguồn lực vô hạn của con người một cách công bằng, thì đất nước xã hội đó đang đi đúng tinh thần Phúc Âm của Thiên Chúa. Là một thành viên của Cộng Đoàn Giáo Xứ, hầu hết chúng ta ý thức, đóng góp và xây dựng rất nhiều, vì đây là giá trị và bổn phận mình như là nghĩa cử đẹp để góp phần xây dựng nước Thiên Chúa ngang qua Cộng Đoàn Giáo Xứ mà chúng ta sinh hoạt phục vụ.

Xin Thiên Chúa giúp chúng con luôn biết hãnh diện được mang khuôn mặt yêu thương và hình hài của Chúa trên con người của chúng con. Chúa Giêsu nói: “Của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa,” và đây là ngụ ý của Chúa nhắc nhở chúng con rằng: dù sống trên thế gian đã bao phen chúng con sống nghiên về vật chất, bị bóp méo hình hài của Chúa, và làm cho biến dạng, không còn thuộc về Chúa. Những lúc đó, xin Chúa hãy kéo chúng con về cùng Chúa, để chúng con hoàn toàn thuộc về Chúa. Ước gì chúng con luôn ghi Tên Chúa trong tim con từng giờ, và ước gì chúng con giữ được hình ảnh của Chúa trong đời sống mà con đang bị bủa vây biết bao cám dỗ đủ điều, xin cho chúng con luôn trung tín và tin tưởng Chúa đang nâng đỡ và bảo vệ con mỗi ngày. Amen Lm. Nguyễn Kim Sơn

Lá Thư Mục Vụ Tuần 29 Năm A.docx