(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

“Miền Trung, đất nhiều sỏi đá, rừng lắm chông gai” ! Ít nhất câu nhận xét nầy rất đúng trong thung lũng tử thần của huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Khánh, nơi trại trừng giới A20 tọa lạc. Bởi vậy rất khổ cho tù nhân nào phải đi chân đất, đôi bàn chân cơ cực ấy chắc chắn sẽ nghiệm thấy thế nào là đá sỏi và thế nào là chông gai của miền Trung trên quê hương tôi. Đôi dép Nhật nhẹ nhàng và mềm mại không thể nào bảo vệ đôi bàn chân nhất là những thứ sản phẩm xa xỉ ấy không trụ được bao lâu. Chỉ có guốc hay dép râu mới bảo vệ bền bỉ. Mà đi guốc trên đá sỏi rất dễ bị trặc cổ chân, nên rốt cuộc đôi dép râu trở thành món cứu tinh thượng hạng.

“Dép râu” đã từng có nhiều tên gọi khác nhau : ‘Dép cao su’ vì toàn bộ chất liệu được dùng là cao su (caoutchouc trong tiếng Pháp) ; ‘dép lốp’ vì thứ cao su ấy được lấy ra từ lốp bánh xe (enveloppetrong tiếng Pháp) ; ‘dép râu’ vì cái đế dép làm bằng vỏ xe còn mấy cái quai thì làm bằng ruột xe mà có nơi gọi là ‘săm xe’ (chambre à air cũng trong tiếng Pháp), khi xỏ các quai xuyên qua đế dép, chúng thường xòe ra như những cọng râu. Phải công nhận một điều là tuy loại dép nầy không hợp thời trang và tuy nhiều người vẫn còn dị ứng khi nghe đến hai chữ ‘dép râu’, nhưng đó là thứ dép bình dân, rẻ tiền, bền bỉ và đắc dụng nhất.

Sống đời khổ sai ở trại A20, tôi cũng ‘tậu’ được một đôi dép râu (tậu có nghĩa là tôi mua đôi dép ấy bằng 10 miếng đường thẻ), tôi đã mang đôi dép ấy cho đến khi được thả về tới cộng đoàn các Sư Huynh ở số 8 đường Lê Lợi – Nha Trang, chính Frère Cézaire Năng đã yêu cầu tôi vất nó đi và mua cho tôi một đôi dép khác. Tôi vẫn tiếc đôi dép tuy xấu xí nhưng rất tiện nghi và rất hữu hiệu trong hơn 7 năm bảo vệ đôi bàn chân tôi. Tôi ‘tậu’ đôi dép ấy từ một tù nhân hình sự thuộc đội ‘tư giác’ (nghĩa là xuất trại không cần cai tù đi theo). Có thể nói, tuy ở trong tù nhưng tù nhân ấy gần như là ‘thầu’ tất cả những gì có liên can tới hai chữ ‘dép râu’ như: Nhận đơn đặt hàng, thương lượng giá cả, đo đạc kích cỡ, phát họa ‘model’, quảng cáo, đích thân sản xuất và sau cùng là đi giao hàng. Dĩ nhiên trong trại tù, các tù nhân trao đổi với nhau bằng hiện vật, cho nên tôi phải bấm bụng hy sinh 10 miếng đường thẻ để mua cho được đôi dép ấy. Rất nhiều người thích thú với đôi dép nên chẳng mấy ai thắc mắc cơ sở sản xuất nào đã âm thầm cung cấp cho ‘nhà thầu’ ấy đủ vật liệu hầu đáp ứng mọi nhu cầu của rất đông tù nhân đang cần thứ khắc tinh chống sỏi đá chông gai để bảo vệ đôi bàn chân.

Ngày tháng cứ thế mà lặng lẽ trôi qua trầm buồn như kiếp sống trong tù. Bỗng một hôm, các tù nhân trông thấy ông thầu dép râu phải vào bệnh xá để xin các bác sĩ (Quân Y chính hiệu thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) giúp lấy một cái gai đã đâm sâu vào lòng bàn chân ! Thật khó hiểu ! Vì sao ông thầu chuyên cung cấp dép râu cho người khác mà chính mình lại đi chân đất nên mới giẵm lên gai ? Và đúng vậy, tôi bắt đầu để ý và thấy nhà thầu dép râu sáng nào cũng xuất trại với đôi chân trần để đi lao động tự giác. Nhiều bác tù cao niên hỏi : “Sao cháu không sản xuất một đôi cho chính mình ?” Nhà thầu (tuổi còn rất trẻ ấy) đã trả lời không do dự : “Xin lỗi bác, vì cháu không có giờ !” Oái oăm thay ! Không có giờ để lo cho chính mình sao ? Vậy mà trên đời nầy, rất đáng buồn là đã có, đang có và sẽ còn có không biết bao nhiêu câu ‘xin lỗi’ như thế. Mãi sau nầy tôi mới biết (do đương sự thổ lộ) rằng buổi sáng xuất trại thì đi chân không, trong ngày dùng số củi đã chặt để đổi với dân làng một đôi dép. Chiều về ung dung mang đôi dép ấy vào trại rồi chế biến và bán đi.

Thái độ chọn lựa của chúng ta như thế nào ? Nước Trời, cuộc sống vĩnh cửu, đời sống tâm linh, Thánh Lễ… có quan trọng không ? Nếu nhận ra đó là những việc thực sự quan trọng cho cuộc sống vĩnh hằng mai sau, thì đương nhiên chúng ta biết mình phải làm gì chứ. Nếu chúng ta tin rằng đó là tiệc cưới cao sang mà Đức Vua dọn sẵn rồi mời chúng ta vào dự, thử hỏi chúng ta ‘có giờ’ để đích thân đến dự không ? Nếu chúng ta cũng xác tín rằng đó là kho tàng quý giá của đời mình thì liệu chúng ta có kiếu từ bằng cách : “Xin lỗi, tôi phải đi thăm ruộng, nên tôi không có giờ”? Lời mời gọi dự tiệc cưới vẫn tiếp tục vang vọng, nhưng hãy xem lại thái độ của mỗi người ra sao, một thái độ dửng dưng ? một thái độ thờ ơ ? một thái độ bất cần ? và tệ nhất là thái độ hành hạ, đánh đập, giết chết những người đến mời gọi mình ? Cuối cùng là thái độ vui mừng đón nhận lời mời, nhưng lại thiếu tinh thần trách nhiệm (vì khi nhà vua hỏi lý do sao không mặc y phục lễ cưới, người ấy im lặng, không phản kháng, không thanh minh, chứng tỏ người ấy biết trách nhiệm nhưng không thi hành).

Nếu chúng ta tin rằng đó là kho tàng quý giá nhất của đời mình thì tự nhiên chúng ta sẽ có thời gian, sức lực và khả năng để dành cho điều đó. Chính Chúa đã phán : “Kho tàng của các người ở đâu thì lòng của các người ở đó”. Và cá nhân tôi tin rằng hễ lòng chúng ta ở đâu thì việc làm của chúng ta cũng hướng về đó. Vấn đề là Thiên Chúa mời hết mọi người, có đến dự hay không là tùy mỗi người. Linh mục Phạm Quang Hồng.

LÁ THƯ MỤC VỤ 151023.docx