(08) 9344 4437 / 0423 935 495 perthvietnamesecatholic@gmail.com
Select Page

LÁ THƯ MỤC VỤ

***********

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã đặt tên cho Chúa Nhật II Phục Sinh là Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót nhân dịp phong Thánh cho Nữ Tu Maria Faustina Kowalska vào ngày 30 tháng 04 năm 2000. Việc kính Lòng Chúa Thương Xót khi Chúa Kitô tỏ ra cho Thánh Tôma thấy cạnh sườn Chúa bị đâm thủng, nơi trào ra máu và nước, là suối nguồn ân sủng như một chứng tích của Bí Tích Hòa Giải và cũng là nơi chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ do Lòng Chúa Xót Thương. Chính vì vậy mà Thánh Tôma khi xỏ ngón tay vào các lỗ đinh và bàn tay vào cạnh sườn của Chúa Giêsu và thốt lên rằng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con.”

Khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra đứng giữa các môn đệ và nói: “Bình an cho các con.” Sự bình an này đã biến các ngài từ những người đang hoang mang, hoảng sợ trở thành những người mạnh mẽ và đầy lòng xác tín Thầy mình đã sống lại thật rồi. Bằng chứng cụ thể nhất Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy hai bàn tay, đôi chân và cạnh sườn đã bị đâm thủng nên các ngài lại càng được mạnh mẽ và an ủi nhiều hơn. Chúa Giêsu liền thổi hơi và nói tiếp để các ngài không còn chần chừ, do dự, hoang mang: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha, các con cầm tội ai, thì tội người ấy cũng bị cầm giữ” (Gioan 20:21-23). Sự Bình an và sứ vụ được trao phó cho các môn đệ ngầm diễn tả Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa dành cho nhân loại, ân sủng này phát sinh từ những vết thương trên đôi tay, đôi chân, và nhất là từ nơi cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu.

Trên đồi Golgotha, chính Con Thiên Chúa đã vắt cạn con người Nhân Tính của Mình bằng máu và nước của Ngài, thế nhưng tình yêu của Chúa Giêsu không dừng ở đó, Ngài vẫn tiếp tục trao ban Thần Khí để chứng minh Thiên Tính của Ngài sau khi Phục Sinh. Mặc dù trái Tim của Chúa bị tổn thương nhưng theo lời của Thánh Nữ Faustina đã được diện kiến và giải thích như sau: “Hai tia sáng đỏ và trắng này tượng trưng cho máu và nước. Máu nhắc lại hy tế trên Golgotha và Mầu Nhiệm Thánh Thể; còn nước tượng trưng cho Bí Tích Thanh Tẩy và Thần Khí.” Từng giọt máu và nước bị tuôn ra để tiếp tục trao ban cho nhân loại ơn cứu chuộc và ơn thánh hóa vì Chúa Giêsu biết con người vẫn sống trong sự thống trị của sự dữ và quyền lực của ma quỷ. Chính vì thế biển trời xót thương của Chúa luôn tiếp tục trao ban Bình An và Hòa Giải để đổi mới, tái tạo tâm hồn, mang lại cho con người niềm hy vọng và phục sinh.

Máu và Nước từ Trái Tim Chúa Giêsu vẫn tuôn chảy thành suối nguồn yêu thương vô tận của Thiên Chúa tràn ngập trên toàn vũ trụ và nhân loại, cho người tin cũng như người không tin. Khi ai chạm đến cuộc sống khổ cực hàng ngày về tâm linh cũng như vật chất đều được Thiên Chúa yêu thương gánh vác những âu lo sầu khổ đó. Thánh Nữ Maria Faustina đã được nghe chính Chúa nói: “Cha liên kết con với Cha, cất đi những khốn cùng của con, và ban cho con Lòng Thương Xót của Cha. Cha thực hiện những công trình Lòng Thương Xót nơi mọi tâm hồn. Tội nhân nào càng khốn nạn, càng có quyền lớn nơi Lòng Thương Xót của Cha. Ai tín thác vào Lòng Thương Xót của Cha sẽ không phải hư mất, vì tất cả những công việc của họ là của Cha, và những thù địch của họ sẽ bị tan tành dưới bệ kê của Cha. (Nhật Ký, tr.723)

Chính vì vậy Trái Tim của Chúa Giêsu là Trái Tim luôn mở rộng và bỏ ngỏ, khi vết thương nơi Trái Tim của Ngài mở ra thì không bao giờ đóng lại. Ngài mở ra cho kẻ yêu Ngài, cho kẻ thù ghét Ngài, cho kẻ đâm Ngài và cho kẻ giết Ngài. Như Thánh Gioan nói: “Họ sẽ nhìn lên Đấng mà họ đã đâm thâu” (19:37). Vâng họ là ai? Họ là tôi, là anh, là chị, là em và tất cả chúng ta, những người đã, đang và sẽ đâm sâu vào Trái Tim Chúa Giêsu. Chúng ta đâm vào Trái Tim Chúa khi chúng ta khước từ Ngài, không đón nhận tình yêu của Ngài mà chỉ nghĩ đến danh vọng, quyền lực, vật chất và bình an của thế gian. Mặt khác, chúng ta khước từ Lòng Xót Thương của Chúa khi chúng ta có những lời nói, cứ chỉ, hành động thiếu tế nhị làm đau lòng nhau…. là chúng ta lại làm cho Trái Tim Chúa nhỏ máu. Chúng ta cảm thấy xót xa khi thấy người lính đâm thấu Trái Tim Chúa, thế nhưng tại sao chúng ta không thấy xót xa khi thấy trái tim anh chị em mình đang tan nát vì sự ghen ghét, thành kiến, bất công và thù hằn đối với nhau?

Sự bình an mà các môn đệ được đón nhận là Thần Khí, là yêu thương và tha thứ. Chúa Giêsu vì quá yêu thương thế gian đến nỗi Ngài đã hiến tặng chính sự sống mình cho nhân loại và đã chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Ước mong sao mỗi người chúng ta đều mang trong mình trái Tim của Chúa, vì khi chúng ta có Chúa thật sự trong lòng thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy được sự bình an cho chính mình, nơi tha nhân, nơi chính gia đình mình và nơi mọi người mà chúng ta gặp gỡ. Vì Trái Tim của Chúa ở đâu thì sự bình an yêu thương ở đó, không có thù ghét tranh dành, không có lòng chua cay thâm độc, không có kiêu căng tự đại…mà trái lại chúng ta sẽ biết dùng chính sự bình an đó để dâng lời tri ân cảm tạ Thiên Chúa và thương yêu nhau. Với niềm xác tín rằng: Ở đâu có yêu thương, ở đó có bình an. Giáo xứ nào, Cộng Đoàn nào, Gia Đình nào hay bất cứ nơi đâu mà có Trái Tim của Chúa Giêsu, thì chắc chắn sẽ được ơn cứu độ, bởi vì họ luôn được đắm chìm trong biển trời của Lòng Chúa Xót Thương. Cầu chúc cho mỗi người chúng ta luôn tìm thấy được sự bình an đích thực trong tâm hồn và nhất là luôn tín thác vào trái tim tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Phục Sinh.

Lm Nguyễn Kim Sơn

LTMV II PS.docx